Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2015

Giữ Trường Sa trước tham vọng bá quyền – Kỳ 6: Từ thảm sát Gạc Ma đến mộng bá chủ biển Đông

Thanhnien

(TNO) Sự kiện Gạc Ma “là cuộc thảm sát do lính Trung Quốc hung hăng gây ra. Trung Quốc không bao giờ có tình nghĩa đồng chí, anh em với Việt Nam gì cả mà họ sẵn sàng tiêu diệt ta vì quyền lợi của họ”, chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm khẳng định.

Giữ Trường Sa trước tham vọng bá quyền - Kỳ 6: Từ thảm sát Gạc Ma đến mộng bá chủ biển Đông - ảnh 1
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm – Ảnh: Trung Hiếu

Liên quan đến sự kiện Gạc Ma và cuộc đấu tranh bảo vệ Trường Sa của quân ta, Thanh Niên Online có cuộc trao đổi với chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, người trực tiếp phụ trách tác chiến của Quân chủng Hải quân khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đảo Gạc Ma ngày 14.3.1988.


Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Từ rất lâu, Trung Quốc có ý đồ muốn chiếm các đảo ở Trường Sa để làm chủ vùng biển phía Đông. Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập là các đảo nằm ở giữa Trường Sa và giữa biển Đông. Cho nên âm mưu của Trung Quốc chiếm các đảo này là được tính toán từ trước. Các đảo mà Trung Quốc đang chiếm đóng có vị trí “cài da báo” với những đảo do Việt Nam quản lý.
Việc chiếm giữ các đảo này không những gây sức ép với Việt Nam và Philippines mà còn tạo chỗ đứng chân tại biển Đông ở phía Nam. Khi có lực lượng ở đây, Trung Quốc sẽ khống chế toàn bộ vùng biển từ eo biển Malacca qua Singapore, đi qua Đông Bắc Á, rồi Bắc Mỹ.
Sau năm 1988, khi chiếm xong đảo Gạc Ma, Trung Quốc bắt đầu xây dựng căn cứ trên đảo này. Hiện Trung Quốc đang tăng cường xây dựng ở Gạc Ma, rồi sắp tới là Chữ Thập, Châu Viên để biến ba đảo này thành một cụm đảo chi viện cho nhau như họ từng tuyên bố.
Khi ba đảo này trở thành một cụm thì toàn bộ căn cứ, cơ sở đóng quân ở Trường Sa của Việt Nam sẽ bị uy hiếp. Thậm chí các đảo của Philippines, Malaysia cũng bị đe dọa.
* Ông đã ra Trường Sa bao nhiêu lần?
– Tôi đã có hai lần ra Trường Sa và phần lớn đi hết các đảo ở quần đảo này. Còn trước đó tôi ở Bộ tư lệnh Hải quân ở Hải Phòng, làm tham mưu phó phụ trách tác chiến theo dõi rất sát về tình hình Trường Sa.


Giữ Trường Sa trước tham vọng bá quyền - Kỳ 6: Từ thảm sát Gạc Ma đến mộng bá chủ biển Đông - ảnh 2 Từ rất lâu, Trung Quốc có ý đồ muốn chiếm các đảo ở Trường Sa để làm chủ vùng biển phía Đông. Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập là các đảo nằm ở giữa Trường Sa và giữa biển Đông. Cho nên âm mưu của Trung Quốc chiếm các đảo này là được tính toán từ trước. Các đảo mà Trung Quốc đang chiếm đóng có vị trí ‘cài da báo’ với những đảo do Việt Nam quản lý Giữ Trường Sa trước tham vọng bá quyền - Kỳ 6: Từ thảm sát Gạc Ma đến mộng bá chủ biển Đông - ảnh 3
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm


* Ông có thể kể về cuộc sống của bộ đội, hải quân ở Trường Sa sau 1975 và những năm mà ông phụ trách tác chiến của Bộ tư lệnh Hải quân?
– Năm 1984, ông Giáp Văn Cương thay ông Đoàn Bá Khánh làm tư lệnh Quân chủng Hải quân.
Khi nhận nhiệm vụ tư lệnh, thượng tướng Giáp Văn Cương đã đi một loạt các đảo ở Trường Sa, sau đó đề xuất với Bộ Quốc phòng về việc tăng thêm quân tại nhiều vị trí ở Trường Sa mà lúc đó ta chưa đóng. Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân đồng ý cho thêm quân đóng ở các đảo An Bang, Phan Vinh, Đá Tây…
Cuộc sống của bộ đội ở Trường Sa cuối những năm 70 và đầu 80 của thế kỷ trước rất gian khổ, thiếu thốn trăm bề. Thiếu thốn nhất vẫn là nước ngọt.
Hồi đó các đảo chưa xây dựng được hầm ngầm, chưa có dự trữ nước ngọt nên chủ yếu dựa vào các tàu tiếp tế. Mà hồi đó rất ít tàu tiếp tế có khả năng đi ra Trường Sa. Bộ đội ở Trường Sa còn thiếu rau xanh, quần áo. Thông tin liên lạc chủ yếu là đánh morse.
Sau này nhờ sự quan tâm của nhà nước, điều kiện cuộc sống của bộ đội ở Trường Sa dần được cải thiện.
Hi sinh ở Gạc Ma
Giữ Trường Sa trước tham vọng bá quyền - Kỳ 6: Từ thảm sát Gạc Ma đến mộng bá chủ biển Đông - ảnh 4
Trung Quốc tăng cường xây dựng căn cứ trên đảo Gạc Ma – Ảnh: Mai Thanh Hải
* Do có vị trí quan trọng nên Trung Quốc luôn có âm mưu chiếm đóng Trường Sa để độc chiếm biển Đông. Vậy sau năm 1975 và những năm về sau, Trung Quốc có những hành động gì ở Trường Sa?
– Ngày 29.3.1975, khi giải phóng xong Đà Nẵng, đại quân của ta đang tiến về phía Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị với Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quan tâm tới các đảo ở quần đảo Trường Sa. Đại tướng đề nghị giao cho Quân chủng Hải quân và Quân khu 5 tổ chức lực lượng giải phóng Trường Sa.
Đầu tháng 4.1975, ta đã điều lực lượng vào Đà Nẵng. Lúc đó ông Hoàng Hữu Thái, Phó tư lệnh, tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, được cử vào Đà Nẵng để tổ chức lực lượng đi ra Trường Sa.
Sau này, một số anh em trực tiếp tham gia chiến dịch giải phóng Trường Sa cho biết khi ta giải phóng đảo Song Tử Tây, rồi Sơn Ca, đêm hôm sau có một số tàu không treo cờ lai vãng Song Tử Tây. Ban ngày, các tàu này cách đảo 2 – 3 hải lý nhưng khi nhìn thấy cờ Việt Nam treo ở đó rồi nên họ bỏ đi.
Tôi được biết một số lãnh đạo Trung Quốc từng phê phán lực lượng hải quân nước này nhát gan. Nếu hải quân Trung Quốc nhanh tay thì lúc đó các đảo ở Trường Sa có lẽ đã thuộc về Trung Quốc. Chính báo chí Trung Quốc chê hải quân nước này nhát gan để đến giờ họ hầu như “trắng tay” ở Trường Sa.
Cuối năm 1986 sang 1987, Trung Quốc cho quân trinh sát tất cả các bãi đá ngầm ở Trường Sa. Đầu tiên, họ dùng tàu cá sau đó là tàu quân sự nhưng không treo cờ hải quân để trinh sát. Ban đêm, họ thả người xuống các đảo khảo sát, rồi đặt bia chủ quyền lên một số đảo. Ban ngày, bộ đội ta dùng thuyền cao su đi kiểm tra, phát hiện nhiều bia chủ quyền do Trung Quốc thả ở một số đảo.
Tất cả những thông tin này đều được báo về Bộ Tư lệnh Hải quân. Từ đó, Bộ Tư lệnh Hải quân giao cho cơ quan chúng tôi vạch ra một kế hoạch tác chiến bảo vệ Trường Sa. Kế hoạch đó được đích thân tư lệnh Giáp Văn Cương báo cáo cho Trung ương vào tháng 8.1987.
Tháng 9.1987, kế hoạch được triển khai. Chúng ta tăng cường quân ở các đảo mà có khả năng Trung Quốc sẽ đánh chiếm. Tình hình biển Đông cuối 1987 đầu 1988 rất căng thẳng. Tư lệnh Giáp Văn Cương đã điều sở chỉ huy các cơ quan hải quân từ Hải Phòng vào Cam Ranh (Khánh Hòa).
Giữ Trường Sa trước tham vọng bá quyền - Kỳ 6: Từ thảm sát Gạc Ma đến mộng bá chủ biển Đông - ảnh 5
Ngày đêm bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc – Ảnh: Trung Hiếu
Thời gian này, tướng Cương làm Tư lệnh Quân chủng Hải quân kiêm Tư lệnh vùng 4 hải quân. Trước đó, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân Đoàn Bá Khánh được cử vào Cam Ranh làm chỉ huy trưởng vùng 4 hải quân.
Sau khi kế hoạch bảo vệ Trường Sa được thông qua, tháng 10.1987, chính tôi đã viết điện cho tư lệnh Giáp Văn Cương với nội dung vùng 4 chuẩn bị ngay lực lượng triển khai đóng các điểm như Chữ Thập, Đá Tây, Châu Viên, Tiên Lữ. Một đảo sẽ có 3 – 4 tàu để ra đóng giữ.
Tuy nhiên, lúc đó, tàu của lực lượng hải quân mỏng, sóng gió to nên phần lớn tàu không đi được. Cuối tháng 12.1987, vùng 4 hải quân mới cho quân ra đóng ở Đá Tây.
Tôi còn nhớ đại tá Nguyễn Văn Thư, tham mưu trưởng vùng 4 hải quân, đánh điện về với nội dung: “Báo cáo ông chủ, chúng tôi đã triển khai ổn định cái chợ (từ lóng để chỉ các đảo ở Trường Sa mà hải quân dùng để bảo đảm bí mật thông tin – PV). Mọi việc đều tốt đẹp”.
Nghe báo cáo xong, tướng Cương đôn đốc phải đóng quân ở Chữ Thập nhưng tàu ra 4 chiếc thì có 3 chiếc bị hư. Trong khi đó, Trung Quốc đã cho quân ra đóng ở Chữ Thập vào tháng 1.1988, ở Châu Viên vào tháng 2.1988. Khi mình đưa lực lượng ra đóng ở Chữ Thập, Trung Quốc cho tàu ra cản không cho mình vào. Ta và Trung Quốc quần nhau như vậy khoảng vài ngày. Tình hình ở Châu Viên tương tự.
Ở Gạc Ma, đêm 13.3.1988, mình cho mấy chục anh em công binh lên ở một góc đảo, phía bên kia Trung Quốc cũng đổ quân lên. Rạng sáng, Trung Quốc thấy cờ Việt Nam cắm ở trên đảo đã cho người tới nhổ cờ. Lúc này hai bên xảy ra đụng độ. Quân Trung Quốc dùng dao găm đâm người giữ cờ của ta là thiếu úy Trần Văn Phương và chiến sĩ Nguyễn Văn Lanh. Hai anh đã phản kháng lại. Ngay lập lức lính Trung Quốc bắn súng tiểu liên càn quét khiến các chiến sĩ của ta hi sinh hết. Đó là cuộc thảm sát vì ta chưa hề bắn một viên đạn nào.
Sau đó tàu hộ vệ của Trung Quốc đậu cách hai tàu vận tải 604, 605 của Việt Nam, dùng pháo bắn chìm cả hai tàu, khiến 64 chiến sĩ của ta hi sinh. Sau này khi quan hệ hai nước bình thường trở lại, ta đề nghị trục hai chiếc tàu đó lên nhưng Trung Quốc không cho.
Tôi không xem đây là trận hải chiến. Hải chiến là phải có bắn nhau, phải có đọ pháo. Còn ở đây trong khi Trung Quốc trang bị nhiều vũ khí, tàu chiến hiện đại còn ta không hề có một tàu chiến nào mà chỉ có tàu vận tải. Đó là cuộc thảm sát do lính Trung Quốc hung hăng gây ra. Trung Quốc không bao giờ có tình nghĩa đồng chí, anh em với Việt Nam gì cả mà họ sẵn sàng tiêu diệt ta vì quyền lợi của họ thôi.
Việt Nam phản đối, Trung Quốc cứ xây
* Sau sự kiện Gạc Ma, Trung Quốc có quậy phá gì ở Trường Sa không?
– Sau khi chiếm được Gạc Ma, Trung Quốc cho xây dựng nhà cửa trên đảo. Chính phủ ta gửi công hàm lên án nhưng họ vẫn cứ làm. Nhiều lần Trung Quốc cho tàu cá xuống, vào sát các đảo của mình 1 – 2 hải lý khiêu khích mình. Đối sách của ta sau năm 1988 vừa lên án Trung Quốc nhưng cũng tránh đụng độ dẫn đến tổn thất không cần thiết.
Xin nhắc thêm về trận Gạc Ma. Sau khi xảy ra vụ thảm sát, ta có hai tàu chiến HQ 09 và HQ 11, trên mỗi tàu có bốn pháo 76 li, có thể bắn xa được 10 km. Đây là hai tàu chiến duy nhất của Việt Nam lúc này có thể đi ra được Trường Sa, lại đang đóng ở vùng Tư Chính, Ba Kè. Tướng Cương lệnh hai chiếc này đi lên Gạc Ma. Anh em tác chiến viết và phát lệnh ra nhưng trong lòng rất lo lắng vì lực lượng lúc này quá chênh lệch.
Tuy nhiên, khi tàu đi được khoảng 1 giờ, tướng Cương ra lệnh hủy việc điều hai tàu ra vùng Gạc Ma quay về vị trí cũ. Cùng lúc đó, tướng Cương ra lệnh viết điện gửi Bộ Tổng tham mưu xin cho máy bay Su xuất kích từ sân bay Cam Ranh ra Gạc Ma nhưng Bộ Tổng tham mưu không trả lời đồng ý cho máy bay ra hay không.
Bản thân tôi lúc này nghĩ đó là mẹo của tư lệnh trước diễn biến đang căng thẳng ở Gạc Ma. Sau này khi được hỏi tướng Cương cũng thừa nhận điều này. Thực ra lúc đó lực lượng ta quá mỏng so với đối phương.
– Cảm ơn ông!
(Còn tiếp)
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm từng làm Phó tham mưu trưởng Hạm đội 171, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 61, Tham mưu phó phụ trách tác chiến của Quân chủng Hải quân, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam. Hiện ông là Chủ tịch Hội Khoa học – Kỹ thuật và Kinh tế biển TP.HCM.
Trung Hiếu

>> 25 năm hải chiến Trường Sa – Kỳ 5: Mùa xuân nhớ con anh hùng
>> 25 năm hải chiến Trường Sa – Kỳ 4: Cuộc trở về của Nguyễn Văn Lanh
>> 25 năm hải chiến Trường Sa – Kỳ 3: 1.000 ngày bị địch bắt
>> 25 năm hải chiến Trường Sa – Kỳ 2: Anh hùng đất Việt
>> 25 năm hải chiến Trường Sa
>> Hải chiến Hoàng Sa 1974: Sống chết gạt bỏ sang một bên
>> Hải chiến Hoàng Sa 1974: Căm phẫn vì lẽ cạn tình
>> Hải chiến Hoàng Sa 1974: Vác bụng bầu chạy tìm xác chồng
>> Hải chiến Hoàng Sa – 40 năm nhìn lại – Kỳ 7: Mùa xuân tủi hận
>> Hải chiến Hoàng Sa 1.1974: Trận chiến không chỉ 30 phút
>> Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân (kỳ 6)
>> Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân (kỳ 5)
>> Tài liệu Trung Quốc về Hải chiến Hoàng Sa: Tưởng Giới Thạch không hợp tác với đại lục?
>> Hải chiến Hoàng Sa – 40 năm nhìn lại – Kỳ 4: Nổ súng chống giặc
>> Hải chiến Hoàng Sa – 40 năm nhìn lại – Kỳ 3: Tương quan lực lượng
>> Hải chiến Hoàng Sa – 40 năm nhìn lại – Kỳ 2: Hành quân giữ đảo
>> Hải chiến Hoàng Sa – 40 năm nhìn lại
>> Giữ Trường Sa trước tham vọng bá quyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét