Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

40 NĂM, NHỮNG GƯƠNG MẶT

Mạnh Kim FB

1975-1995
1- Nổi bật nhất là thành phần “30/4” – những kẻ xu thời lăng xăng tham gia “cách mạng”, hưởng ứng “phong trào xây dựng đời sống mới, văn hóa mới”. Lực lượng này tích cực hoạt động đoàn đội, nhiệt tình hù dọa và xấc xược một cách… hân hoan. Thành phần này, sau 1975 vài năm, một số được thăng quan tiến chức, biết cách luồn lách và trục lợi tinh vi; số khác bị thải ra, như một loài sâu bọ mà trước đó từng hy vọng được “nhân cách hóa” vĩnh viễn.


2- Nhóm thứ hai là dân chế độ cũ. Đang nhà lầu xe hơi, bỗng nhiên mất tất. Họ bị đẩy, tàn bạo, xuống cái hố đen hun hút. Làm đủ nghề để mưu sinh. Thầy giáo chạy xe ôm và luật sư bơm mực bút nguyên tử. Gia đình tan nát. Ông đại tá VNCH bị đẩy lên rừng thiêng nước độc; bà đại tá bán hột vịt lộn bươn bả nuôi con và lây lất nuôi chồng. Vấn đề “lý lịch” là một hậu quả kéo theo đầy bi kịch.
3- Thành phần gia đình cán bộ tập kết trở về. Biệt thự ông đại tá VNCH được cấp cho ông đại tá cộng sản. Nơi để xe hơi biến thành chuồng lợn. Khu vườn kiểng biến thành mảnh đất trồng rau. Tấm áo thị tứ phồn hoa Sài Gòn được thay bằng bộ bà ba tỉnh lẻ, nghèo nàn.
4- Thành phần chế độ cũ có người thân di tản nước ngoài trước 30-4 và thành phần có thân nhân đi vượt biên thành công. Họ là nhóm khá giả nhất, trừ “cán bộ”, của một Sài Gòn nuốt nghẹn bo bo giữa lời bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”. Hàng Mỹ nuôi sống họ, và cứu cả một nền kinh tế bao cấp chứng kiến cảnh xếp hàng mua từng củ khoai hư hay ký cá thối.
1995-2015
1- Miền Nam bị chật lại. Một cơn lốc di dân từ bên kia vĩ tuyến 17 tràn vào. Họ nhanh chóng bị “đồng hóa” với cách sống miền Nam. Tuy nhiên, có thể nhận biết họ ngay, cho dù họ ăn mặc sang hèn thế nào. Những chỉ dấu về nhân chủng học, chỉ dấu về văn hóa, về giao tiếp… dễ dàng giúp phân biệt họ với dân miền Nam hoặc thậm chí với người Bắc di cư 1954. Họ làm đủ nghề, từ mua ve chai đến mở hàng phở. Lẫn trong nhóm di cư mới là dân có “số má”. Luôn chửi Mỹ nhưng họ mua nhà bên Mỹ, cho con “tỵ nạn giáo dục” hoặc thậm chí có thẻ xanh bên Mỹ. Họ giàu. Ngông nghênh. Nhưng “cạn”. Và “rỗng”.
2- Những người “Bắc mới” tử tế. Họ hòa nhập nhanh với miền Nam. Họ như biến thành người miền Nam thực sự. Họ yêu miền Nam, yêu phong hóa miền Nam… Họ sẵn sàng bày tỏ sự khinh bỉ với những người “Bắc mới” thuộc tầng lớp được “định tính” ngắn gọn bằng từ… “bố láo”.
3- Thành phần “hai hàng”. Khó có thể biết họ thuộc loại nào. Họ có thể chiếm cảm tình được số đông không ít nhưng cùng lúc bị hồ nghi từ thiểu số khá nhiều. Có thể gọi họ là thành phần cơ hội. Luôn tìm kiếm cơ hội và biết cách tìm được chỗ đứng an toàn. Bên cạnh nhóm này là những kẻ cuồng tín, vẫn khăng khăng với niềm tin sắt thép rằng “chủ nghĩa tư bản tiếp tục giẫy chết”.
4- Có thể còn nhiều nhóm đối tượng nữa nhưng tạm dừng với nhóm cuối cùng này. Đó là những người có thái độ rõ rệt và chính kiến nhất quán. Họ là người miền Nam hoặc sống lâu năm ở miền Nam, chịu ảnh hưởng của nền giáo dục trước 1975. Sau 40 năm, họ vẫn là họ. Bất chấp!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét