Các nhà khoa học chưa yên tâm về hiệu quả dự án boxit Tây Nguyên
(Doanh nghiệp) – Hiện Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương trả lời 12 nhà khoa học tức là đã ghi nhận sự phản biện.
GS. TS Nguyễn Quang Thái, Phó tổng thư ký Hội Khoa học
Kinh tế Việt Nam đã bày tỏ quan điểm khi hay tin lần thứ hai, Văn phòng
Chính phủ có văn bản nhắc Bộ Công Thương, Tập đoàn Than – Khoáng sản có
báo cáo sau khi tập thể 12 nhà khoa học đã gửi bản kiến nghị tới Thủ
tướng Chính phủ về chương trình bô xit Tây Nguyên.
Là một trong số 12 nhà khoa học ký tên trong bản kiến
nghị này, GS Thái cho biết, trước đó Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo
ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, yêu cầu tới Bộ Công Thương,
Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam nghiên cứu, giải trình, đề xuất, báo
cáo Thủ tướng Chính phủ gấp.
Thế nhưng Bộ Công thương đã ‘lờ’ đi và đến nay Chính
phủ đã ráo riết hơn, đưa ra mốc thời gian là trước ngày 15/4 tới. Động
thái này cho thấy Chính phủ đã ghi nhận phản biện của các nhà khoa học”,
TS Thái nói.
Các nhà khoa học chưa yên tâm về hiệu quả dự án boxit Tây Nguyên |
Theo bản kiến nghị của 12 nhà khoa học gửi Chính phủ
ngày 23/10/2014 có nêu rõ về hiệu quả kinh tế, tài chính của các dự án
boxit Tây Nguyên sẽ rất thấp.
Về hiệu quả tài chính dự án, các nhà khoa học cho hay,
tổng chi phí thực tế cho 2 dự án đang vượt cao hơn nhiều so với dự toán
ban đầu, trong khi sản lượng đầu ra không đạt thiết kế. Ngoài ra, đã
phát sinh thêm nhiều hạng mục trong quá trình thực hiện (ví dụ chi phí
xây dựng đường vận chuyển boxit, đường tránh khu dân cư,… ). Bên cạnh
đó, giá khoáng sản hiện nay đang ở mức thấp, dao động khó lường.
Do vậy, theo các nhà khoa học, hiệu quả tài chính của
hai dự án này càng bị giảm sút, làm gia tăng sức ép lên nợ công đang
tăng cao hiện nay. Hiệu quả kinh tế – xã hội của chương trình boxitTây
Nguyên sẽ không đạt như dự kiến.
“Chúng tôi nghĩ rằng Chính phủ từ trước tới nay thường
được nghe báo cáo toàn là những thông tin tốt. Vì vậy có thông tin hai
chiều đến với Chính phủ là cần thiết và các nhà khoa học đang cố gắng
làm điều đó.
Tuy nhiên phải thừa nhận chúng ta không nên kỳ vọng
quá nhiều mọi việc sẽ có kết quả như mong muốn. Điều gì cũng phải từng
bước chứ không phải ngay lập tức đạt được. Điều quan trọng ở đây là các
cơ quan chức năng lắng nghe và kiểm tra lại đã phần nào thành công rồi”,
TS Thái khiêm nhường.
GS Thái cũng cho rằng, Bộ Công thương lẽ ra nên xem xét thêm khi có các thông tin về tính hiệu quả của dự án.
Thực tế qua trả lời của Bộ Công thương thấy có nhiều
nhầm lẫn. Ở đây dự án được cho là hiệu quả vì tính là nhà nước làm đường
và chủ đầu tư chỉ trả tiền thuê nhưng thực ra đầu tư ban đầu lấy đâu ra
tiền?.
Rồi điện làm boxit Việt Nam đâu có thừa điện?. Trong
khi đó sơ chế quặng boxit để sản xuất Alumina (một thành phần chủ yếu
chứa ô-xít Nhôm Al2O3), và sau đó chủ yếu để sản xuất nhôm bằng phương
pháp điện phân là con đường nhiều nước đã đi qua. Công việc này đòi hỏi
tốn kém khá lớn về năng lượng điện, – nhưng đó lại là cái đang khan
hiếm của chúng ta.
Điện phân nhôm tiêu tốn một lượng điện rất lớn, chi
phí cho điện có thể chiếm 25-40% giá thành. Để làm nóng chảy bằng điện
phân 1 tấn nhôm sẽ cần khoảng 13,5 MWh (Môzambic) đến 16,3 MWh (Nga) để
tách nhôm ra khỏi oxigen trong alumina.
Vì vậy, sản xuất nhôm trong điều kiện bình thường chỉ
đem lại hiệu quả khi giá điện thấp dưới 3 US cents/kWh, thậm chí 2
cents/KWh mới bảo đảm sản xuất Nhôm có lợi nhuận. Để có giá thành thấp
như vậy, có nước đã dành hàng nghìn MW để cung cấp điện và bán theo hợp
đồng dài hạn.
Đối với Việt nam, giá điện vừa cao và khả năng đáp ứng
nhu cầu cũng không dễ. Nếu ta sản xuất chỉ 1 triệu tấn Nhôm thì nhu cầu
điện cũng phải khoảng 13-16 tỷ KWh, hay là cần dùng toàn bộ công suất
nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, hoặc hơn 20 nhà máy tương tự quy mô nhà máy
Đa Nhim (Lâm Đồng) khi được xây dựng những năm 70 thế kỷ trước mới đáp
ứng được.
Thêm vào đó, hiện nay cả nước vẫn thiếu điện cho các
nhu cầu cấp bách khác của sản xuất và dân sinh. Nếu làm quy mô lớn một
vài triệu tấn nhôm thì cần có những tổ hợp điện quy mô lớn như ở Phú Mỹ,
hàng vài nghìn MW dành riêng cho tổ hợp Nhôm. Có lẽ đó là phương án
không khả thi lúc này, bởi lẽ theo dự báo của các chuyên gia, từ năm
2017, nước ta sẽ bắt đầu thiếu điện nghiêm trọng, không thể dựa vào các
nguồn năng lượng sơ cấp. Do đó, đã phải tính đến nhập than và xây dựng
nhà máy điện nguyên tử trước năm 2020.
Trong điều kiện đó, có lẽ khó có thể thực hiện Dự án
điện phân nhôm quy mô lớn trước năm 2020 với mức giá thành hợp lý, có
khả năng cạnh tranh mà không phải hy sinh công suất điện tăng lên khó
khăn hiện nay cho các dự án điện phân Nhôm.
Hay như công nghệ cũng vậy. TKV nói là từ bùn đỏ có thể dùng chế được 1 nửa thành thép, 1 nửa đóng bánh.
“Nghe vậy thì mừng quá nhưng giữa việc làm trong phòng thí nghiệm và quy mô công nghiệp khác hẳn”, TS Thái cảnh báo.
Theo đó, ông cũng cho rằng hơn lúc nào hết TKV và các
nhà khoa học nên có đối thoại cởi mở, cùng nhau ngồi lại để cùng tính
bài toán kinh tế với Chương trình boxit.
“Dù biết rằng câu chuyện này không đơn giản nhưng tốt
hơn cả là Chính phủ nên giao cho một Nhóm nghiên cứu liên ngành tiến
hành phản biện sâu, như đã làm với thuỷ điện Sơn La.
Có lẽ lúc đó các nhà khoa học liên ngành, với thông
tin đầy đủ và chính xác mới có thể có tiếng nói đích thực. Nhất là khi
dự án khổng lồ này đã có nhiều ý kiến khác thì cũng nên lập Ban nghiên
cứu thẩm định kỹ thêm như quyết định gần đây của Thủ Tướng Chính Phủ.
Khi tiến hành phản biện, các nhà khoa học cần nhất là được cung cấp
thông tin chính xác, toàn diện và sau khi có kết quả nghiên cứu thì được
cấp trên lắng nghe”, GS Nguyễn Quang Thái kỳ vọng.
Bích Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét