Trần Hồng Phong
Sáng nay đọc báo Pháp luật TP.HCM có chuyện khá tức cười: UBND xã vẽ giấy đỏ (giấy CNQSDĐ) để cấp cho dân. Nói ngắn gọn là việc cấp giấy này hoàn toàn sai, vượt quá thẩm quyền và tất nhiên cuốn “số đỏ” đó chẳng có giá trị gì. Tất nhiên đằng sau cuốn sổ đỏ đó là cả một câu chuyện bi hài, mà cuối cùng người chịu khổ nhất, bị thiệt nhất chính là người dân. (Xem bài trên báo Pháp luật TP.HCM: Xã tự vẽ giấy đỏ cấp cho dân).“Cuốn sổ đỏ” chính quyền xã đã vẽ và cấp cho dân (ảnh Pháp luật TP.HCM)
Điều tôi thấy, là trên cuốn sổ đỏ tự vẽ ấy, là tên của chính quyền địa phương (UBND xã Hòa Bình 2) và bên cạnh là tên quốc gia “Nước CHXHCNVN – Độc lập Tự do Hạnh phúc”. Tức là những người cấp sổ đỏ, dù sai, nhưng đã đàng hoàng nhân danh chế độ, nhân danh những điều tốt đẹp. Trong khi nay đã có thể khẳng định rõ ràng sự nhân danh này là nhảm, là sai. Thậm chí là sự xúc phạm chính quyền, thể chế.
Song đó dù sao đây cũng là chuyện “nhỏ”. Chuyện dưới đây ở Hà Nội mới lớn hơn.
Những ngày qua, khi chính quyền Hà Nội lên kế hoạch và triển khai việc chặt hạ khoảng 6.700 cây xanh trong nội đô – trong đó có rất nhiều cây cổ thụ, gỗ tốt, đang xanh tốt – bị nhân dân Hà Nội và dư luận cả nước phản đối, buộc phải tạm dừng lại để “tự kiểm điểm”. Nhưng điều đáng nói là trong phản hồi, trả lời dư luận, các vị quan chức của Hà Nội đều luôn khẳng định theo hướng là việc chặt hạ cây (mà gần đây họ thay thế bằng từ nhẹ nhàng hoa mỹ hơn rất nhiều là “thay thế”) là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, đã được UBND TP. Hà Nội thông qua. Tóm lại là cũng nhân danh chính quyền nhân dân, nhân danh những điều tốt đẹp.
(Cái “hay” trong trường hợp Hà Nội, là mặc dù chưa có kết luận thanh tra, chưa làm rõ đúng sai thế nào, nhưng đã được các vị khẳng định luôn là “đúng đắn”, “cần thiết” …vv).
Để khỏi mất công dong dài về những mỹ từ trừu tượng như thế nào là “chủ trương đúng đắn”, thế nào là “hợp lòng dân” … – tôi chỉ muốn nói là trên đất nước của chúng ta, cũng như bất kỳ đất nước nào có pháp luật, mọi cá nhân, tổ chức đều phải làm việc và tuân thủ theo những quy định của pháp luật. Không thể nhân danh những mỹ từ sáo rỗng mà ban hành ra những chủ trương hay quyết định những chuyện vượt quá thẩm quyền của mình. Và càng không thể chấp nhận được nếu việc nhân danh đó nhằm mục đích trục lợi cho một nhóm cá nhân nào đó.
Trong việc chính quyền Hà Nội triển khai kế hoạch chặt 6.700 cây, trên mạng có bài viết “Cần sớm khởi tố vụ án “lâm tặc” giữa lòng Hà Nội” của luật sư Nguyễn Anh Vân (vui lòng xem bên dưới) – theo tôi là hoàn toàn xác đáng – chỉ rõ chính quyền Hà Nội đã vượt quá thẩm quyền.
Thực ra, những kẻ làm sai thường nhân danh, hay chính xác hơn là thường lợi dụng những mỹ từ, những chủ trương, chính sách tốt đẹp của Nhà nước nhưng thực chất là “phục vụ” cho lợi ích, dục vọng của cá nhân mình, tư túi, trục lợi …là chuyện không có gì mới lạ ở xứ Việt Nam mình.
Song suy cho cùng, những hành động nhân danh những điều hay đẹp như vậy, nhưng không thực sự đứng trên lợi ích dân tộc, lợi ích của người dân …- nếu không bị xử lý, ngăn chặn, mà lại bao biện, bao che cho nhau – thì sẽ càng chỉ làm cho bộ máy chính quyền thêm suy yếu, người dân thêm mất niềm tin mà thôi. Ông bà từ xưa đã nói rồi: Gieo nhân nào thì sẽ gặt quả ấy.
Ps. Tất nhiên là tôi không có quyền kết luận việc chặt cây của Hà Nội là đúng hay sai. Nhưng lãnh đạo Hà Nội cũng không có quyền ấy. Một khi vấn đề đã được xới lên, thì cần có sự xem xét, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền – trên nguyên tắc khách quan, trung thực, thượng tôn pháp luật. Còn ở đây là vấn đề quan điểm, anh nói anh đúng, thì tôi cũng có quyền nói tôi đúng. Cũng như chuyện cần chặt bỏ, thay thế những cây đã mục, chết … là chuyện cần thiết và không nằm trong khuôn khổ của bài viết này.
—————————-
Bài tham khảo:
CẦN SỚM KHỞI TỐ VỤ ÁN “LÂM TẶC” GIỮA LÒNG HÀ NỘI
Luật sư Nguyễn Anh Vân
Trong buổi họp báo chiều ngày 20/03/2015, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó
chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói: “Vừa qua có việc chặt hạ, thay thế
cây xanh trên các tuyến phố: Nguyễn Chí Thanh, Kim Mã, Hàng Bài …đây là
một chủ trương đúng đắn của thành phố. Việc thực hiện đúng quy trình,
đúng pháp luật. ….”(Theo VnMedia). Tuy nhiên, căn cứ pháp lý đối với
việc thực hiện đúng quy trình, đúng pháp luật như thế nào thì ông đã
không nêu ra.Tìm hiểu các quy định về quản lý cây xanh đô thị như Luật Thủ đô ngày 21/11/2012 có hiệu lực ngày 01/07/2013, Nghị định 64/2010 ngày 11/06/2010 của Chính phủ, Thông tư 20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005, Thông tư 20/2009/TT-BXD ngày 30/06/2009 của Bộ xây dựng, tôi đã không tìm thấy bất kỳ một quy định nào cho phép cơ quan quản lý cấp tỉnh, thành phố có thẩm quyền lập đề án rồi tự ra quyết định chặt phá hàng loạt cây cổ thụ, cây xanh đô thị. Vậy về việc chặt hạ cây xanh đô thị đúng quy trình, đúng pháp luật như phát biểu của ông phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng là không có căn cứ.
Việc chặt phá cây xanh đô thị bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Thủ đô ngày 21/11/2012: “Trên địa bàn Thủ đô, nghiêm cấm san lấp, lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh; xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; sử dụng diện tích công viên, vườn hoa công cộng sai chức năng, mục đích”.
Và chỉ đươc chặt hạ cây khi có đủ điều kiện chặt hạ, dịch chuyển theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 64/2010 ngày 11/06/2010 của Chính phủ như sau: “ a) Cây đã chết, đã bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm; b) Cây xanh bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn; c) Cây xanh trong các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình”.
Chính phủ cũng đã quy định rất rõ trách nhiệm quản lý cây xanh của các cấp theo Nghị định 64/2010 ngày 11/06/2010 như sau:
“Điều 20. Trách nhiệm của các Bộ, ngành
1. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng
a) Thống nhất quản lý nhà nước về cây xanh đô thị;
b) Trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý cây xanh đô thị;
c) Hướng dẫn lập, quản lý chi phí duy trì cây xanh sử dụng công cộng sử dụng vốn ngân sách nhà nước;
d) Kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý cây xanh đô thị trên phạm vi toàn quốc.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành khác có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp Bộ Xây dựng thực hiện quản lý nhà nước đối với cây xanh đô thị
Điều 21. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Thống nhất quản lý cây xanh các đô thị trên địa bàn tỉnh. Phân công trách nhiệm cho các cơ quan chuyên môn và phân cấp quản lý cho Ủy ban nhân dân cấp huyện về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn.
2. Ban hành hoặc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành các văn bản quy định cụ thể về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn.
3. Căn cứ vào quy định, hướng dẫn của Chính phủ và điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của địa phương:
a) Tổ chức chỉ đạo việc lập và phê duyệt kế hoạch hàng năm, 5 năm về đầu tư, phát triển cây xanh sử dụng công cộng đô thị;
b) Nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách về đầu tư, tài chính và sử dụng đất để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý cây xanh đô thị, đầu tư và phát triển vườn ươm, công viên, vườn hoa;
c) Quy định về quản lý và sử dụng nguồn lợi thu được từ việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh sử dụng công cộng có nguồn lợi thu được.
4. Tổ chức triển khai thực hiện các văn bản của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị”.
“Điều 23. Trách nhiệm của Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cây xanh đô thị trên địa bàn.
2. Chủ trì soạn thảo các văn bản hướng dẫn về công tác quản lý cây xanh đô thị, lập kế hoạch hàng năm và 5 năm về đầu tư phát triển cây xanh sử dụng công cộng trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.
3. Xác định danh mục cây trồng, cây cần bảo tồn, cây nguy hiểm, cây cấm trồng, cây trồng hạn chế trên địa bàn trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.
4. Tổng hợp cơ sở dữ liệu về cây xanh đô thị; hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh và định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Xây dựng.”
Như vậy, theo các quy định trên thì không chỉ một mình UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn Hà Nội mà Bộ xây dựng và các bộ khác như Bộ kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Tài chính … cũng phải có trách nhiệm phối hợp quản lý chung. Cho nên nếu UBND thành phố Hà Nội có chủ trương lập đề án chặt phá 6.700 cây xanh đô thị thì phải báo cáo và thông qua ý kiến của các Bộ có liên quan, sau đó mới được ra quyết định và thực hiện việc chặt phá.
Luật pháp đã quy định rõ như vậy nhưng lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội vẫn có chủ trương lập đề án, rồi tự ban hành quyết định chặt, thay mới 6.700 cây và đã tiến hành chặt, dịch chuyển hàng ngàn cây cổ thụ, cây quý hiếm tại các tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, Kim Mã, Hàng Bài …là vi phạm pháp luật và không thể chấp nhận được. Hành vi vi phạm pháp luật của lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội là đặc biệt nghiêm trọng. Hậu quả là, đã làm hàng trăm cây cổ thụ, cây quý hiếm, cây xanh đô thị bị triệt phá, bị dịch chuyển; gây thiệt hại quá lớn về tài sản của nhà nước; làm ảnh hưởng tới môi trường sinh thái, mỹ quan đô thị và gây bức xúc cho người dân, tao dư luận không tốt đối với hình ảnh của chính quyền Hà Nội. Cho nên cần phải xem xét trách nhiệm của từng cá nhân có liên quan đến đề án chặt phá 6.700 cây xanh đô thị.
Ngày 22/03/2015 Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã đưa ra hình thức kỷ luật đối với những cán bộ tham gia đề án chặt phá 6.700 cây xanh đô thị. Theo đó, có hai cán bộ Phó và Trưởng phòng của Sở xây dựng bị tạm đình chỉ công tác và người đứng đầu đề án bị khiển trách kiểm điểm. Tuy nhiên, từng đó là chưa đủ, vì người đứng đầu thành phố chỉ mới xử lý được một ít phần ngọn, còn phần gốc là người ký duyệt đề án và ký quyết định chặt phá trái pháp luật thì không hề nhắc đến. Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội còn ban hành quyết định thành lập Đoàn thanh tra liên nghành với đầy đủ các thành phần ban bệ của thành phố, trong đó Chánh thanh tra của thành phố là trưởng đoàn. Sẽ rất khó khăn cho đoàn thanh tra khi phải đưa ra một Bản kết luận thanh tra khách quan, bởi lẽ, chẳng có cấp dưới nào dám khẳng định chủ trương và quyết định chặt phá 6.700 cây xanh đô thị của lãnh đạo cấp trên là trái luật hoặc không phù hợp với các quy định của pháp luật về quản lý cây xanh đô thị cả.
Theo quan điểm pháp lý của cá nhân tôi thì hành vi ban hành chủ trương và quyết định chặt hàng loạt cây cổ thụ, cây xanh đô thị và hành vi thực hiện chặt phá thành công tại các tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, Kim Mã, Hàng Bài … đã có đủ dấu hiệu cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự. Bởi lẽ, việc ban hành chủ trương và quyết định chặt phá 6.700 cây xanh đô thị của lãnh đạo thành phố Hà Nội đã xâm hại đến hoạt động đúng đắn của UBND thành phố Hà Nội, việc xâm phạm này đã làm cho UBND thành phố Hà Nội bị mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân và gây thất thoát, lãng phí rất nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước …
Điều 285 Bộ luật hình sự quy định như sau:
“1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.
3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”.
Ngoài ra cần phải khởi tố vụ án để làm rõ thông tin mà báo chí đã nêu là cây trồng mới thay thế cho những cây bị chặt phá ở đường phố Nguyễn Chí Thanh không phải là cây vàng tâm như công bố của lãnh đạo Hà Nội mà là cây mỡ (cây lâm nghiệp) không có nhiều giá trị, giá chỉ vài trăm ngàn đồng. Theo như thông báo của lãnh đạo Sở xây dựng thì kinh phí để trồng mới một cây xanh (cây vàng tâm) là 10.000.000đ (mười triệu Việt Nam đồng). Mất 10 triệu đồng để đổi lấy 01 cây lâm nghiệp (cây Mỡ) giá chỉ vài trăm ngàn đồng cộng với một số chi phí cho việc trồng cây thì quả thật chuyện chỉ có ở thủ đô Hà Nội. Điều trớ trêu là nếu đúng như thông tin báo chí đã đưa thì nhà cung cấp cây xanh này gan quá to, mật quá lớn, không những qua mặt được lãnh đạo Hà Nội mà còn dám cả gan qua mặt cả các cán bộ Cơ quan công an Hà Nội. Cho nên cần phải xác minh, điều tra tra hành vi gian dối của nhà cung cấp cây xanh này để làm rõ và nếu có hành vi gian dối nói trên thì khoản tiền chênh lệch kếch xù nhưng bất chính này chảy vào túi ai?; những cán bộ, lãnh đạo nào được nhận tiền lại quả trong phi vụ này …
Một vấn đề khác nữa cũng cần phải xác minh, điều tra làm rõ. Đó là số lượng cây bị đốn hạ và hiện chúng đang ở đâu. Theo thông tin báo chí đã đưa thì số lượng cây đã bị chặt hạ trong tổng số 6.7000 cây là khoảng 500 cây và hiện nay số lượng cây này được tập kết tại kho bãi của thành phố để chờ bán đấu giá. Một số báo mạng khác lại cho rằng số lượng cây bị chặt hạ lên đến 2.000.cây và phần lớn số cây đã được bán cho các xưởng gỗ của các huyện ngoại thành. Vậy cần phải xác minh số lượng cây bị đốn hạ, dịch chuyển là bao nhiêu? trong đó có bao nhiêu cây cổ thụ, cây quý hiếm, cây sâu mọt, cong vênh …; cần xác minh làm rõ có hay không việc mua bán gỗ? việc mua bán này có đúng theo quy định không? tiền thu được đang ở đâu?; số lượng cây quý hiếm là bao nhiêu? hiện chúng đang được quản lý chăm sóc ở đâu? có bị bán đi để trục lợi không?
Nếu như kết quả xác minh, điều tra đúng như thông tin báo chí đã đưa thì vụ việc đã có dấu hiệu tham nhũng. Và nếu xác định được chứng cứ có dấu hiệu trục lợi thì có căn cứ để khởi tố bị can về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 281 Bộ luật hình sự.
Hà Nội rất cần những người lãnh đạo có năng lực, có tâm, có đức, hiểu được cái đẹp, biết bảo tồn, phát triển và gìn giữ cái đẹp của thủ đô ngàn năm văn hiến chứ không cần những kẻ quyền to, óc bé chỉ biết hủy hoại nó theo kiểu ngây dại như “chặt cây không cần hỏi dân”, “cướp có văn hóa”, hay xây dựng những con đường cong rất cong nhưng mà “cong mềm mại”…. Cho nên rất cần phải sớm khởi tố vụ án hình sự “Lâm tặc” giữa lòng thủ đô để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, để làm gương cho những kẻ dốt nát khác đang nhăm nhe dành ghế lãnh đạo Hà Nội, để làm dịu bớt đi nỗi đau xé lòng của những người yêu Hà Nội mỗi khi nghĩ về hàng cây xanh quá cố.
———————–
Bài liên quan:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét