Basam
Chu chi Nam và Vũ văn Lâm15-04-2015
Gần đây, Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) có công bố một Bản tường trình về Tổng sản lượng các quốc gia trên thế giới, nếu tính theo sức mua bán (PPP = Purchasing Power Parity), thì Trung cộng đứng hàng đầu với 17 632 tỷ $, vượt Hoa kỳ 17 416 tỷ $, sau đó là Ấn độ 7 277 tỷ, Nhật 4 788 tỷ, Đức 3 321 tỷ, Nga 3 559 tỷ, Ba tây 3 073 tỷ và Pháp 2 587 tỷ.
Thêm vào đó mới đây, Anh tuyên bố sẽ gia nhập Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), được lập ra bởi Trung cộng, rồi liên tiếp mới ngày thứ Ba này 17/3/2015, các nước Đức, Pháp và Ý, ngay cả những nước Nhật, Nam Hàn, Úc, Nam Dương, Ấn Độ … cũng tuyên bố tham gia ngân hàng này.
Từ đó có người cho rằng địa vị độc tôn của Hoa kỳ sẽ bị đe dọa trong tương lai.
Địa vị độc tôn tương đối của Hoa kỳ đến từ bao giờ ?
Có người cho rằng địa vị độc tôn của Hoa kỳ bắt đầu từ đầu thế kỷ 20 (1900), khi tổng sản lượng quốc gia của nước này đẩy nước Anh xuống hàng thứ nhì: Hoa kỳ chiếm 23,6% tổng sản lượng thế giới, Anh chỉ còn 18,5 % ; 70 năm trước, Anh dẫn đầu với 19,9%, sau đó là Tàu với 19,7%. Trước đó nước Tàu đã dẫn đầu thế giới từ năm 1750, với 32,8%, Hoa kỳ chỉ có 0,1%, Anh là 1,9%. Tàu còn dẫn đầu tới năm 1830, với 29,8%, nhưng đến năm 1900, chỉ còn 6,2% (Paul Kennedy – Naissance et déclin des grandes puissances – trang 185 – Edition Payot – 1989, 1991).
Người khác thì cho rằng Hoa kỳ lên địa vị độc tôn vào sau Thế Chiến thứ Nhất (1914-1918), khi hai nước Anh, Pháp đợi sự giúp đỡ, can thiệp của Hoa kỳ « như con đợi mẹ về chợ «, đó là lời tuyên bố của ông Georges Clémenceau, đương kim Thủ tướng Pháp, vào lúc bấy giờ, người được coi là một trong những tác nhân chính của chiến thắng.
Tuy nhiên có người phản bác 2 cái nhìn trên và cho rằng Hoa kỳ chỉ lên ngôi vị độc tôn, sau Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945). Sau Đệ Nhất Thế Chiến, Hoa kỳ đã muốn lên ngôi vị này. Trong bài diễn văn 14 điểm gửi Quốc hội và Quốc dân, Tổng thống Hoa kỳ Wilson đã nói đến môt trật tự thế giới, đồng thời đề nghị lập ra Hội Quốc Liên, tiền thân của Liên Hiệp quốc ngày hôm nay. Tuy nhiên Quốc Hội Hoa kỳ ( cả Hạ Viện và Thượng viện ) nhận thấy 2 đế quốc Anh và Pháp còn quá mạnh, không thể thực hiện trật tự thế giới mới theo Hoa kỳ, nên đã không phê chuẩn Hiệp ước thành lập ra Hội Quốc Liên, làm cho tổ chức này trở nên què quặt ngay mới khi được thành lập, vì Hoa Kỳ, một trong những sáng lập viên không tham gia.
Điều này chứng tỏ chính sách ngoại giao của Hoa kỳ không phải chỉ một mình tổng thống quyết định, mà quốc hội cũng giữ một vai trò quan trọng.
Quả như sự tiên đoán của một số chính trị gia, nhà nghiên cứu chính trị thế giới, Âu châu lại lâm vào tình trạng các cường quốc chống đối lẫn nhau, nhất là từ lúc Hitler lên nắm chính quyền năm 1933, rồi đưa đến Đệ Nhị Thế Chiến.
Địa vị độc tôn của Hoa kỳ thực sự đến từ sau Thế Chiến Thứ hai. Hai đế quốc Anh, Pháp đã suy yếu, và ngay cả những nước bại trận khác như Đức, Nhật, Ý, nếu không có sự giúp đỡ của Hoa kỳ, nhất là Âu châu, qua Kế Hoạch Marshall, thì không thể gượng dậy.
Ở điểm này, giới chính khách, những nhà chiến lược, phân tích Hoa kỳ đã có một cái nhìn đúng, cho rằng Anh, Pháp nguy hiểm hơn cả Liên sô, Hoa kỳ chỉ thực sự đặt được trật tự thế giới mới khi hai nước này không còn sức hoành hành. Còn Liên sô, dầu sao cũng là « Kẻ mới mạnh «, còn nhiều khuyết điểm, thiếu kinh nghiệm. Hơn thế nữa, có khi Hoa kỳ còn mượn tay Liên sô để làm yếu Anh, Pháp. Bằng chứng đó là, vào năm 1956, Nasser đảo chính ở Ai cập, quốc hữu hóa các hãng xưởng ngoại quốc, mà trong đó có kinh đào Suez. Anh, Pháp đã đổ bộ quân, định lật chế độ Nasser, nhưng gặp phản ứng mạnh mẽ của Liên sô lúc bấy giờ, đang dưới quyền của ông Khrouschev. Ông này đã không ngần ngại, tại Hội đồng Liên hiệp quốc, lên chỉ bản đồ Pháp, khoanh tròn thành phố Paris và nói rằng chỉ cần một trái bom nguyên tử ở trung tâm là không còn nước Pháp, trước sự yên lặng, nếu không nói là đồng tình của Hoa kỳ.
Sau đó, Hoa kỳ và Liên sô, thay thế Anh, Pháp, chia ảnh hưởng ở vùng này.
Ở Á châu, nhất là ở Đông dương, Hoa kỳ tìm cách hất cẳng người Pháp, để thay thế vào. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, từ sau Đệ Nhị Thế Chiến đến khi đế quốc Liên sô sụp đổ, bắt đầu bằng sự sụp đổ Bức tường Bá linh cuối năm 1989, ông Paul Nitzé, tác giả của Chính Sách Be bờ và cũng là tác giả của của Chỉ thị số 68 Hội đồng An ninh quốc gia, đã tuyên bố: « Chúng ta đã chiến thắng Chiến tranh Lạnh. »
Quả đây là một chiến thắng lớn trong lịch sử tranh hùng thế giới.
Đây là một chiến thắng của người giỏi trong những người giỏi.
Nói theo Tôn tử, một lý thuyết gia chiến tranh nổi tiếng thế giới :
« Không đánh mà làm khuất phục được quân người, ấy là người giỏi trong những người giỏi « (Tôn Ngô binh pháp – Ngô văn Triện dịch – trang 51).
Người giỏi trong những người giỏi, đó là khuất phục quân địch mà không làm tan quân địch, chiếm được thành địch mà không làm vỡ thành, lấy được nước mà không làm tan nước.
Không như Cộng sản Việt Nam, lúc nào cũng huênh hoang chiến thắng, nhưng kết cuộc làm suy yếu, phân hóa dân tộc mình, không những làm vỡ thành mà còn làm tan nát đất nước.
Chính vì vậy mà Phạm văn Đồng, Thủ tướng cộng sản, tuyên bố vào năm 1986: « Chúng tôi đã chiến thắng chiến tranh, nhưng đang chiến bại hòa bình ». Chiến bại hòa bình còn đang tiếp diễn cho tới ngày hôm nay.
Trở về với Hoa kỳ, địa vị độc tôn của nước này không phải là không bị đe dọa dưới thời Chiến tranh Lạnh.
Sự đe dọa này bắt đầu, chỉ 4 năm sau Đệ Nhị Thế Chiến, tức năm 1949, khi mà quân đội của Mao, đuổi quân đội của Tưởng, ra khỏi lục địa, rồi lên nắm chính quyền, đưa gần nửa tỷ người của địa cầu đi theo chế độ cộng sản. Sự đe dọa này đã lên cao điểm trong cuộc chạy đua không gian, khi Liên sô phóng phi thuyền đầu tiên ra ngoài không gian, vào năm 1956. Sự đe dọa này còn được tăng cường khi phong trào đòi độc lập ở mức độ cao nhất của nó, để đẻ ra Phong trào Không Liên kết các quốc gia, mà những người lãnh đạo là Nérhu của Ấn Độ, Nasser của Ai cập, Khrumah của Phi châu. Cộng thêm với sự trở lại nắm chính quyền của Charles de Gaulle ở Pháp, đưa ra « Đường lối thứ Ba «, không theo Nga và cũng không theo Mỹ, nhưng trên thực tế, thì ngả về Nga hơn, cũng như những nước mới giành được độc lập, đều là những người lãnh đạo ít nhiều bị ảnh hưởng chủ thuyết Mác – Lê.
Nước thứ nhì đe dọa quyền độc tôn của Hoa kỳ, nhưng chỉ trên phương diện kinh tế là nước Nhật vào thập niên 80. Vào lúc đó, nước Nhật tăng trưởng mạnh, tỷ số tăng trưởng đứng đầu thế giới. Người thợ Nhật làm việc chăm chỉ, có khi ở lại hãng, không về nhà. Thêm vào đó tinh thần quốc gia trổi dậy, có một nhà văn Nhật đã viết một quyển sách đại ý nói rằng : Chúng ta không cần ai bảo chúng ta gọi dạ, bảo vâng. Quyển sách đã bán rất chạy ở Nhật. Tuy nhiên kinh tế Nhật đã bị cuộc khủng hoảng kinh tế Thái lan vào thập niên 90, và nước Nhật khó khăn gượng lại cho tới ngày hôm nay.
Ngày nay nhiều người cho rằng quốc gia có thể đương đầu và tranh giành độc tôn với Hoa kỳ là Trung cộng. Tuy nhiên, mặc dầu tổng sản lượng tính theo khả năng mua bán thì đã vượt Hoa kỳ. Nhưng Trung cộng còn thiếu rất nhiều yếu tố để tranh giành địa vị độc tôn.
Trong khuôn khổ bài này, chúng tôi chỉ xin lược sơ những nguyên do khiến Trung cộng không thể có ngôi vị độc tôn, mà hơn thế nữa còn có thể bị sụp đổ, nếu quí vị nào muốn biết thêm chi tiết xin xem thêm những bài tôi viết về Trung cộng trước đây, như bài bài « Những nguyên nhân đưa đến Trung cộng sụp đổ ? « (1)
Đó là :
- Trung cộng dựa trên một nền tảng triết lý chính trị, đạo đức sai lầm và đầy mâu thuẫn.
- Trung cộng có một thể chế chính trị lỗi thời
- Dân tộc Trung cộng trở nên già nua, vì chính sách một con. Không cần lý luận dài dòng, chỉ cần lấy thí dụ một đại gia đình rồi suy ra một quốc gia, thành phần gia đình đó phần lớn là ông già bà lão, ít trai tráng, thì tương lai làm sao có thể tươi sáng ?
- Tham nhũng hối lộ như một căn bệnh ung thư ác tính đang ngấm ngầm tàn phá đất nước Trung cộng
- Những dân tộc thiểu số bắt đầu nổi lên, cùng lúc với đa số người dân bất mãn về đời sống khó khăn, khoảng cách giầu nghèo v..v.., và những người đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền. Năm 2014 vừa qua có hơn 200 000 cuộc biểu tình chống đối chính phủ
- Về quân đội, mặc dầu Trung cộng tăng ngân sách quốc phòng, với 143 tỷ $, nhưng còn thua xa Hoa kỳ với 577 tỷ. Hải quân Trung cộng mặc dầu số tàu đông, nhưng chỉ là những tàu hoạt động ở ven biển và tầm trung, chưa có tàu hoạt động tầm xa. Chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, mua của Ukhraine, cho tới nay vẫn chưa có thể hoạt động, chưa có thể đáp máy bay xuống.
Hiện nay, ngoài Trung cộng, có người cho rằng Khối Âu châu có thể đe dọa ngôi vị độc tôn của Hoa kỳ. Điều này không phải là không có lý, vì dựa trên lãnh vực khoa học, kỹ thuật, văn hóa, chính trị, Hoa kỳ, có thể nói, là con đẻ của Âu châu. Những người lập quốc Hoa kỳ như Washington, Jefferson, Franklin v.v…, đều là những người bị ảnh hưởng sâu đậm bởi văn hóa Pháp, như Jefferson, văn hóa Anh, Đức như Franklin. Ngay đứng về phương diện khoa học, không đi vào chi tiết, chỉ xin nêu ra một ngành khoa học tân tiến hiện nay là ngành hàng không. Hãng Boeing trước đây vào những năm 80, 90 đã chiếm 80% thị trường quốc tế, nay chỉ còn 50%.
Tuy nhiên Âu châu còn chưa hoàn toàn thống nhất, mới thống nhất về tiền tệ, kinh tế, còn chưa thống nhất về chính trị và quân sự. Âu châu chỉ có thể đe dọa ngôi vị độc tôn của Hoa kỳ, khi trở thành một khối, thống nhất thêm về 2 phương diện trên.
Địa vị độc tôn tương đối của Hoa kỳ còn có thể kéo dài ít nhất trong trung hạn
Địa vị này có thể nói còn kéo dài là do những nguyên nhân trái với những nguyên nhân không đưa nước Trung cộng lên địa vị độc tôn, và còn có thể đưa nước này đến chỗ sụp đổ. Hoa kỳ có địa vị ngày hôm nay, nói một cách tương đối, là nhờ có một nền tảng triết lý, đạo đức tốt đẹp, có một giai tầng lãnh đạo và trí thức có khả năng, hi sinh, không tham quyền cố vị, là một nơi đất lành chim đậu, một nền kinh tế, mặc dầu có những khó khăn, nhưng vẫn là nền kinh tế vững mạnh, năng động nhất thế giới, có một quân đội hùng mạnh sở hữu những vũ khí tối tân nhất. Tuy có một sức mạnh như vậy, nhưng Hoa kỳ vẫn ý thức được giới hạn của mình, thử hỏi những nước như Nga, Trung cộng, Anh và Pháp, nếu họ có sức mạnh như vậy, thì họ sẽ hành xử thế nào, và thế giới sẽ đi về đâu ?
Chúng ta sẽ cùng nhau đi sâu vào từng lãnh vực:
Hoa kỳ dựa trên một nền tảng triết lý, đạo đức rất tốt.
Nếu chúng ta đi thật sâu, thì nền tảng triết lý đạo đức Hoa kỳ bắt nguồn từ cuộc hành trình của 102 người di dân, thuộc 42 gia đình mục sư, chủ gia đình, của ngành Thanh giáo (Les Puritains), trên con tàu Mayflower. Đây là một ngành về tôn giáo và chính trị của đạo Tin lành (Protestantisme), bị cư xử bạc đãi. Họ đã cùng nhau lên chiếc thuyền trên và từ giã nước Anh vào ngày 16/09/1620, đi về hướng Mỹ, với ý nguyện là đi tìm một Nước Anh Mới ( Nouvelle Angleterre), một Thế giới Mới ( Nouveau Monde).
Trên con đường hành trình này, với biết bao gian khổ, người chết vì đói khát, người chết vì bệnh tật, 42 vi mục sư, chủ gia đình, đã đồng thuận làm ra một Khế Ước được mang tên là Mayflower Compact, trong tinh thần Thanh giáo, theo đó họ nguyện sẽ xây dựng một xã hội mới, với những nguyên tắc chính sau đây: a) Không có việc phân biệt tôn giáo và cấm đoán tôn giáo. b) Quyền tự do tôn giáo được tuyệt đối tôn trọng. c) Không những về tôn giáo mà tất cả những quyền tự do căn bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do chính trị, kinh tế v.v…, đều được tuyệt đối tôn trọng. d) Chính quyền là do dân bầu ra, với mục đích là để mang lại và bảo đảm quyền hạnh phúc, an ninh cho dân. Một khi chính quyền không làm tròn nhiệm vụ này, thì dân có quyền lật đổ chính quyền để tạo nên một chính quyền mới. e) Những người trong Xã hội Mới đó phải có tinh thần trọng đạo đức, tương thân, tương trợ, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau.
Chiếc thuyền Mayflower này đã cập bến tới Hoa kỳ vào ngày 26/12/1620 tại vùng Newplymouth, sau 3 tháng lênh trên biển.
Để ghi nhớ tinh thần Mayflower, những chính quyền Mỹ nối tiếp đã ra đạo luật thiết lập Ngày Tạ Ơn Thượng Đế vào ngày thứ năm, tuần thứ 4, tháng 11.
Chính nhờ tinh thần này mà người ta nói Bản Tuyên Ngôn Độc Lập, Bản Hiến pháp và ngay cuộc sống hàng ngày của dân tộc Hoa kỳ đều bị ảnh hưởng sâu đậm. Như bản Tuyên Ngôn Độc lập, viết bởi Thomas Jefferson, trong đó có câu: « Chính quyền là do dân bầu ra, có nhiệm vụ lo an ninh và hạnh phúc cho dân… Một khi chính quyền không làm tròn nhiệm vụ này, thì dân có quyền lật đổ chính quyền. »
Ngay cả cuộc sống hàng ngày của dân Hoa kỳ cho tới ngày hôm nay vẫn còn bị ảnh hưởng.
Một quan niệm sai lầm của một số trí thức Tàu và Việt Nam vào giữa thế kỷ 19 và cho tới ngày hôm nay cho rằng Đông phương thua Tây phương là chỉ trong lãnh vực khoa học kỹ thuật. Thêm vào đó lại cho rằng Đông phương theo « Đức trị », còn Tây phương theo « Pháp trị », cho rằng Tây phương không có đạo đức. Lại thêm tuyên truyền cộng sản, từ Marx, hết lời chỉ trích, lên án chủ nghĩa tư bản, cùng với Lénine cho rằng « Tụi tư bản nó vừa tham lại vừa ngu. Ngu va tham đến mức độ nó biết rằng người ta mua dây xích để xiết cổ chúng, nhưng chúng vẫn sản xuất và bán cho người ta. »
Đây là những quan niệm sai lầm về Tây phương và tư bản.
Lấy nước Hoa kỳ làm tiêu biểu :
Hiện nay ở Hoa kỳ, 56% theo Đạo Tin Lành (Protestantisme), 28% theo đạo Thiên Chúa giáo (Catholicisme), số người đi Nhà Thờ vẫn là cao nhất thế giới. Ở điểm này, người ta mới thấy Marx và những người chủ trương « Vô gia đình, Vô tổ quốc và Vô tôn giáo » là sai. Cứ nhìn vào 2 xã hội cộng sản hiện nay là Trung cộng và Cộng sản Việt nam, thì thấy rõ rằng đạo đức băng hoại, con người trở nên vô cảm, giáo dục xuống cấp. Ngược lại Hoa kỳ là nước không chủ trương Vô Tôn giáo, Vô Gia đình, nhưng trình độ đạo đức của họ rất cao. Không cần đi vào chi tiết, chúng ta chỉ lấy con số thống kê là dân tộc Hoa kỳ là dân tộc tự nguyện làm công việc giúp đỡ người khác tại những nhà thờ, những cơ quan từ thiện rất cao. Bằng chứng nữa là ông bà Bill Gates, người giầu nhất thế giới, cũng là người giúp đỡ người khác nhất thế giới. Thử hỏi ngay tại 2 nước cộng sản còn lại, số tỷ phú cũng rất nhiều, nhưng có một ai như ông bà Bill Gates không?
Ngoài việc có một nền tảng triết lý đạo đức tốt, Hoa kỳ còn có một chế độ tốt.
Hoa kỳ là chế độ dân chủ đầu tiên có một bản hiến pháp thành văn. Những người soạn thảo ra bản Hiến Pháp này gồm có 13 Đại diện của 13 tiểu bang lúc đó, trong đó có Thomas Jefferson, Benjamin Franklin, là 2 người chính, đã rút tỉa kinh nghiệm từ những chế độ trước đó ở Âu châu, cũng mơ ước xây dựng một Xã Hội Dân chủ Mới, theo tinh thần Dân chủ của nhà triết học Anh Lock hay của những nhà tư tưởng Pháp J.J. Rousseau, Montesquieu, theo đó những quyền căn bản của con người, sự phân quyền giữa 3 quyền, lập pháp, tư pháp và hành pháp, phải được tôn trọng tối đa.
Trong khuôn khổ bài này, chúng ta không thể đi vào chi tiết, nhưng nếu nghiên cứu rõ Hiến pháp Hoa kỳ, chúng ta sẽ thấy qua hiến pháp này, có đến 50 điều khoản kiểm soát và cân bằng (contre balances) giữa các quyền, giữa quyền trung ương và địa phương, giữa hành pháp, tư pháp và lập pháp, chẳng hạn như trong ngành ngoại giao, nhiều người cho rằng đây là một đặc quyền của Hành Pháp, của Tổng thống và Ngoại trưởng. Nhưng thực tế, quyền này bị « cân bằng » (contre balance) bởi Thượng nghị viện, qua việc viện này quyết định ngân sách ngoại giao. Tất nhiên còn rất nhiều những sự quân bằng khác giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đấy là chưa nói đến hiện nay còn một quyền thứ tư rất mạnh, đó là quyền báo chí.
Về kinh tế, nói một cách tổng quát, Hoa kỳ theo Trường phái Kinh tế Tự do ( Ecole Libérale ) của Adam Smith và Tân Tự do ( Ecole Néo – Libérale) của J. M. Keynes, theo đó kinh tế đi theo một luật lệ cung cầu tự nhiên, đó là một trật tự tự nhiên, chính phủ không nên can thiệp vào kinh tế ( Theo Adam Smith ), tuy nhiên có những trường hợp, chính quyền cũng có thể can thiệp, nhưng là một cách can thiệp giới hạn ( Theo Keynes).
Người ta có thể nói Hoa kỳ là nước rất thành công trong việc theo 2 trường phái trên, trái với những nước chủ trương kinh tế nhà nước, trái với tự do. Tuy nhiên Hoa kỳ cũng thành công trong việc theo Trường phái Tân Tự do, qua 2 vị Tổng Thống Roosevelt và Obama hiện nay.
Thực vậy, sau cuộc Khủng Hoảng kinh tế thế giới năm 1929-1930, Tổng thống Hoa kỳ đã áp dụng lý thuyết Tân tự do của Keynes để vực dậy kinh tế Hoa kỳ. Gần đây, năm 2008, thế giới cũng lâm vào hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế, nhưng Obama cũng áp dụng chinh sách kinh tế của Keynes để vực dậy kinh tế và đã thành công. Trong khi đó kinh tế thế giới, nhất là Âu châu vẫn vực dậy kinh tế một cách khó khăn. (1) Kinh tế Hoa kỳ hiện nay vẫn có thể nói là kinh tế vững mạnh nhất. Một thí dụ nhỏ, trong 500 công ty lớn nhất và năng động nhất thế giới, phân nửa là do Hoa kỳ làm chủ. Trong số 25 thương hiệu uy tín nhất thế giới, có đến 19 thương hiệu là Hoa kỳ.
Về quân sự, hiện nay Hoa kỳ vẫn dẫn đầu thế giới. Chỉ cần lấy một vài thí dụ điển hình: Riêng về ngân sách quốc phòng, Hoa kỳ vẫn dẫn đầu với con số 577 tỷ $, sau đó là Trung cộng với 142 tỷ $.Tổng cộng 8 ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới cộng lại cũng không bằng ngân sách Hoa Kỳ.
Một thí dụ khác nói lên sự độc tôn của Hoa kỳ vẫn còn có thể kéo dài, đó là vào năm 1996, vào thời nhiệm kỳ 2 của Bill Clinton.
Sau khi đế quốc Liên sô sụp đổ, thì một số sắc tộc, như trường hợp ở nước Nam Tư cũ, nổi lên đánh nhau, giữa Croatie, Serbie và một số chủng tộc, tôn giáo khác. Không may, lúc đó Bill Clinton đang mắc vào vụ lăng nhăng tình cảm với một cô thơ ký tập nghiệp, không thể can thiệp. Các chính quyền Khối Âu châu bắt buộc phải can thiệp quân sự vào Nam Tư. Từ đó người ta mới phát hiện sự yêu kém của quân sự Âu châu. Ngay cả một nước dẫn đầu về kinh tế như Đức, vì lâu ngày vẫn dựa vào Hoa kỳ, nên Đức đã gặp khó khăn trong việc vận chuyển quân qua Nam tư.
Từ đó các Bộ quốc phòng Âu châu họp để tính việc hiện đại hóa quốc phòng, đều đồng ý trên nguyên tắc. Nhưng trước khi lấy quyết định chính trị, thì cần phải một số chuyên gia làm bản tường trình về kỹ thuật. Bản tường trình nói gì ? Theo đó thì về quân sự và quốc phòng, Âu châu thua kém Hoa kỳ từ 20 đến 30 năm, có những ngành hơn thế nữa. Tuy nhiên bản tường trình còn nói thêm là vì Hoa kỳ đã đầu tư lâu năm vào ngành quân sự, nên 1$ của Hoa Kỳ vào ngành này mang lại kết quả gấp 3 lần 1$ đầu tư của Âu châu.
Chính vì vậy mà kế hoach hiện đại hóa quân sự của Âu châu, không dám nói ra là bỏ xuống sông xuống biển, nhưng cũng được ít nước đề cập tới, hay chỉ đề cập đến những vấn đề không hao tốn, dễ sản xuất v…v…
Những người thiên về kinh tế, khi nhìn thấy tổng sản lượng của Hoa Kỳ đi từ ½ tổng sản lượng thế giới sau Đệ Nhị Thế Chiến xuống còn 1/3 và ngày hôm nay còn ¼, thì cho rằng địa vị độc tôn của Hoa kỳ đang bị lung lay.
Điều này không phải là không có lý, vì nhìn vào tổng sản lượng của nước Anh, bắt đầu tăng trưởng từ thế kỷ thứ 19, rồi đứng đầu thế giới vào giữa thế kỷ, đã làm cho nước Anh trở thành một đế quốc lớn mạnh, mà « mặt trời không bao giờ lặn ở đế quốc này «. Ngay với Hoa kỳ, tổng sản lượng của nước này đứng đầu trên thế giới, đẩy nước Anh xuống hàng thứ nhì vào năm 1900 và từ đó đến nay, Hoa kỳ đã giữ vai trò độc tôn.
Tuy nhiên chúng ta không thể hoàn toàn duy về kinh tế. Cũng tính theo tổng sản lượng, thì nước Tàu đứng đầu và chiếm 29,8% tổng sản lượng thế giới vào năm 1830 (Theo Paul Kennedy – Sách đã dẫn). Tuy nhiên cũng vào năm này thì nổ ra Chiến tranh Nha phiến, rồi nội loạn với loạn Thái bình Thiên quốc, ngoại ưu với việc Liệt cường xâu xé nước Tàu từ năm 1840.
Vì vậy chỉ dùng kinh tế, tổng sản lượng quốc gia, để cắt nghĩa sự hưng vong của một cường quốc, thì không đủ. Ngoài ra còn rất nhiều nguyên do khác: chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học và kỹ thuật.
Trong những lãnh vực trên Hoa kỳ vẫn còn rất nhiều ưu điểm.
Địa vị độc tôn của Hoa kỳ có thể bị lung lay trong dài hạn, chứ trong ngắn hạn và trung hạn, ít nhất là 50 năm trở lại, địa vị này còn tồn tại. Tuy nhiên Hoa kỳ chỉ có thể là cường quốc hàng đầu trong những cường quốc hàng đầu khác, chứ không thể độc tôn, một mình như sau Thế Chiến thứ Hai (1).
(1) Xin xem thêm những bài về kinh tế, Hoa kỳ và Trung cộng tại đây: http://perso.orange.fr/chuchinam/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét