Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

TÁC HẠI GHÊ GỚM ĐỐI VỚI ĐẤT NƯỚC TRONG QUÁ TRÌNH CƯỚP VÀ GIỮ QUYỀN LỰC CỦA ĐCSVN (bài 2)

Bài 2: Cuộc Kháng Chiến Chín Năm Giành Độc Lập Từ Pháp

Trần Quí Cao
15-04-2015

Như đã phân tích trong Bài 1: Đặt Vấn Đề và Cuộc Cách Mạng Tháng Tám, nếu không có cuộc CMT8 thì rất có thể các đảng phái khác nhau, các thành phần khác nhau của dân tộc VN đã đoàn kết trên một mặt trận đối phó với Pháp. Hoàn cảnh đó, thực lực đó, Việt Nam có thể giành được độc lập mà không phải trả giá bằng cuộc chiến 9 năm. Nhà sử học và nhà hoạt động văn hóa chính trị đáng kính của Việt Nam, người từng nghiêng về ủng hộ cuộc kháng chiến 9 năm, ông Hoàng Xuân Hãn, nhớ lại: “Chiến tranh sở dĩ xảy ra vì bên ngoài ta không thuyết phục được Pháp tôn trọng chúng ta hơn, bên trong ta không dẫn dắt được dân chúng đấu tranh hòa bình”.


Dù sao cuộc chiến cũng đã nổ ra. Truyền thống chống ngoại xâm được hun đúc ngàn năm đã biến Việt Nam thành một chiến trường toàn diện.
1) Trên toàn lãnh thổ Việt Nam, nơi nào cũng có thể trở thành chiến trường
2) Các thành phần dân tộc đồng loạt xung phong lao ra trận. Cả đất nước xếp lại mọi sinh hoạt đời thường để cầm vũ khí xông vào chém giết.
Đa số các gia đình người Việt đều có người tham gia. Từ những nông dân chân lấm tay bùn, người thợ lam lũ cực nhọc trong nhà máy… cho tới ông thầy giáo dạy chữ, vị bác sĩ cứu người, các đại điền chủ điền sản bạt ngàn, các ông quận trưởng, đô trưởng đầy đủ tri thức và tài năng quản trị, các nhà chuyên môn trong mọi mọi ngành nghề… Tất cả bỏ hết, bỏ hết quyền lợi riêng tư của gia đình và cá nhân, đem cả gia đình lao vào máu lửa. Họ không biết chủ nghĩa Cộng Sản, chỉ theo tiếng gọi Độc Lập cho Tổ Quốc, Hạnh Phúc cho Nhân Dân mà:
Người sau kẻ trước lao vào giặc,
Lưu lại ngàn thu một giống nòi (thơ Hoàng Cầm)
Đối với rất nhiều người trong họ, cuộc kháng chiến chống Pháp giành Độc Lập là cuộc chiến thiêng liêng, lý tưởng, là lẽ sống cao nhất của cuộc đời.
Trong khi rất kính trọng tấm lòng, nhân cách của đa số con người tham gia kháng chiến, trong khi nghiêng mình trước những hy sinh quá lớn lao mà họ tự nguyện chấp nhận vì công cuộc giành độc lập cho tổ quốc,
Tôi vẫn thường tự hỏi:
1) Ai chịu trách nhiệm trước sự hao tổn quá lớn về sinh lực, nguyên khí của đất nước? Không chỉ là trách nhiệm trong khi tiến hành cuộc chiến khi nó đã bùng nổ, mà trước đó và sâu sắc hơn, là trách nhiệm đẩy toàn dân vào cuộc chiến đó!
2) Có phải không còn cách nào để đoàn kết toàn dân đấu tranh chính trị, ngoại giao với Pháp?
3) Tại sao trong khi vận mệnh nền độc lập non trẻ của nước nhà đang “ngàn cân treo sợi tóc” lại tiến hành loại bỏ không khoan nhượng những đảng phái khác cũng đang hoạt động cùng mục tiêu bảo vệ nền độc lập đó?
Tôi tin rằng nhiều người Việt Nam cũng thắc mắc với những câu hỏi như trên hay những câu tương tự. Trả lời những câu hỏi đó không phải là bươi móc để trả thù, mà là để hướng tới xây dựng tương lai. Không thể xây dựng tương lai với quyết tâm và tinh thần mạnh mẽ vượt mọi khó khăn, nếu không biết rõ quá khứ.
Những câu hỏi này bị cấm đoán hay chưa từng được nêu lên rộng rãi trong dân chúng hay các giới quan tâm nhằm thảo luận trong tinh thần thực sự khoa học và cầu thị. Chúng phải được trả lời bởi tri thức của những nhà chuyên môn công tâm. Không thể tìm câu trả lời trong tinh thần “minh họa”, “chứng minh” cho một đường lối, một chính sách của đảng Cộng Sản Việt Nam.
Trở lại cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cuộc chiến mà đảng Cộng Sản Việt Nam tự hào là đã mở đầu và lãnh đạo toàn dân đi tới chiến thắng. Cuộc chiến bắt đầu từ lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến tháng 12 năm 1946 của ông Hồ Chí Minh và kết thúc bằng trận chiến Điện Bên Phủ mà phần bại thuộc về đội quân viễn chinh Pháp. Qua cuộc chiến đó, đảng Cộng Sản Việt Nam đã đem lại những thành quả gì cho dân tộc đền đáp sự ủng hộ máu xương của dân chúng?
Hậu Quả của Cuộc Chiến:
1) các ước lượng cho thấy khoảng ba triệu người Việt Nam ưu tú đã nằm xuống. Hãy nhớ, trong ba triệu con người đó, nhiều người có kỹ năng quản trị, có chuyên môn khoa học kỹ thuật, có nền móng đạo đức, có tri thức vững chắc để xây dựng và tổ chức cuộc sống cộng đồng, cuộc sống đô thị văn minh giàu đẹp. Đó là cái vốn nhân lực rất quí giá để xây dựng và phát triển tổ quốc lâu dài. Ngoài ra, đại đa số trong ba triệu con người đó đang trong lứa tuổi tươi đep và mạnh mẽ nhất của cuộc đời.
2) Cả nước biến thành chiến trường trong suốt chín năm. Thời gian chiến tranh gần gấp đôi thời gian thế chiến thứ 2. Công nghiệp, nông nghiệp bị tàn phá rất rất nặng nề.
3) Đạo đức bị băng hoại. Truyền thống dân tộc bị tàn phá
4) Hận thù được gieo rắc và nuôi dưỡng.
5) Nước Việt Nam chính thức bị chia đôi. Lịch sử tương tàn Trịnh-Nguyễn tái lập, với mức độ tàn khốc gấp rất nhiều lần.
Dọc theo 9 năm chiến tranh, trong khi máu đang chảy thành sông, xương đang chất thành núi, thì những người lãnh đạo kháng chiến lại tổ chức cuộc thảm sát man rợ dưới chiêu bài Cải Cách Ruộng Đất.
Tại sao gọi là thảm sát man rợ?
1) Gần 180 ngàn con người bị giết chết trên một diện tích khoảng 20 ngàn km vuông, trên một dân số khoảng 5 triệu người (vùng giải phóng miền Bắc), trong một khoảng thời gian tương đối ngắn.
2) Việc giết người được quyết định bởi những người không nắm tình hình mà chỉ bị sai khiến bởi chỉ tiêu của cấp trên về số người phải bị giết.
3) Việc giết người được thi hành trước đám đông cuồng nhiệt, mà lòng căm thù và thú tính say máu chém giết bị kích động có chủ đích.
4) Việc giết người được tiến hành ngay lập tức, theo cách bắn sau lưng, hay đào hố sâu chôn nạn nhân cho ló đầu lên để con trâu kéo cày ngang cho tới khi chết!
5) Việc giết người được tiến hành trước sự chứng kiến của dân làng, trong đó có nhiều trẻ em.
(Hãy so sánh với cách thức xử tử con tin mà IS tiến hành và quay phim tung lên mạng hiện nay, để cảm nhận mức độ man rợ của những người lãnh đạo Cải Cách Ruộng Đất đối với đồng bào của mình 60 năm trước)
Dọc theo 9 năm chiến tranh, hận thù dân tộc bị đẩy lên cao độ. Dân tộc bị phân chia làm ta và địch. Không có thành phần đứng giữa hay đứng ngoài. Người nào không cầm súng chiến đấu trong phe ta, người đó là kẻ địch. Người Việt không được quyền sống hòa bình và yên ổn. Người Việt không được quyền làm thường dân, hể sống trong vùng Pháp kiểm soát thì đương nhiên là theo Pháp. Người Việt không được quyền sống theo tôn giáo của mình, giáo dân có khuynh hướng được xếp vào hàng ngũ địch.
Dọc theo 9 năm chiến tranh, càng về sau, mức độ lệ thuộc của Việt Nam vào nước Tàu Cộng Sản càng sâu. Cố vấn Tàu có ảnh hưởng lớn trên giàn lãnh đạo tối cao của Việt Nam. Nếu gọi cố vấn Tàu có quyền hành lớn cũng không sai. Những giọt nước mắt của ông Hồ chí Minh khi xin lỗi đồng bào về hậu quả Cải Cách Ruộng Đất, cùng những lập luận lan truyền rằng Việt Nam tiến hành CCRĐ là do áp lực của Tàu, dù có mục đích biện minh và chạy tội, cũng cho thấy Việt Nam lệ thuộc Tàu tới chừng nào!
Cuối cuộc chiến, khi đất nước bị phân hai, rất nhiều người Việt không chấp nhận sống dưới chế độ miền bắc Cộng Sản. Do chính quyền Cộng Sản lúc đó chưa hoàn toàn kiểm được tình hình miền Bắc, và việc thi hành hiệp định Geneve đang đặt dưới sự giám sát của quốc tế, chính quyền phải để cho một phần số dân này di cư vào miền nam Tự Do. Tuy nhiên, chính sách bắt ép dân ở lại vẫn được tiến hành không chính thức, bao nhiêu con người không đi được bị giết, bị bạc đãi, bị phân biệt…? Mầm mống của lòng hận thù nghiệt ngã giữa những người Việt với nhau đã chính thức trỗi dậy thành cây to, chuẩn bị cho cuộc chiến còn khủng khiếp hơn nhiều lần sắp tới.
Rất nhiều gia đình Việt Nam có người tham gia cuộc chiến 9 năm. Nhiều người trong số đó trãi thêm cuộc chiến 20 năm “Chống Mỹ Cứu Nước” để rồi sau năm 1975 tự dằn vặt không nguôi. Tấm lòng yêu nước bằng truyền thống và tinh thần chống ngoại xâm của của những người tham gia cuộc chiến thực đáng kính trọng. Khi đối chiếu tấm lòng của họ, sự hi sinh của họ với thực tế thoái hóa trầm trọng trên hầu như tất cả các mặt của đất nước hôm nay, lòng tôi lại dâng niềm thương cảm và đau xót.
Phóng tầm mắt sang các lân bang có cùng cảnh ngộ:
Phi Luật Tân độc lập năm 1945; Indonesia độc lập năm 1945; Ấn Độ độc lập năm 1947; Mã Lai độc lập năm 1957; Thái Lan không chịu hoàn cảnh thuộc địa…
Những nước này độc lập mà không phải trãi qua một cuộc chiến khốc liệt nào, đất nước không phải chia cắt, dân tộc đoàn kết xây dựng đất nước chớ không hận thù, trốn chạy và truy sát lẫn nhau, nền dân chủ ngày càng lớn mạnh, dân chúng được hưởng các quyền tự do căn bản của cuộc sống văn minh, làm bệ khai phóng cho sự phát triển tổ quốc một cách hài hòa với phát triển cá nhân… Các nước này, hiện nay có mức phát triển kinh tế cao hơn Việt Nam, có GDP/đầu người cao gấp Việt Nam ba bốn lần…
Cuộc kháng chiến 9 năm đã nên hay đã không nên nổ ra?
Do đó, trong khi những câu hỏi ở đầu chương này chưa được công khai nêu lên trong xã hội, tôi bắt buộc phải có những câu hỏi khác:
Khi quyết định đưa dân tộc vào một cuộc chiến tranh lớn và lâu dài tới như vậy, những người lãnh đạo cuộc chiến này:
1) Họ thực lòng yêu nước chống ngoại xâm hay lợi dụng lòng yêu nước chống ngoại xâm để chiếm độc quyền thống trị? Họ có yêu quí đất nước không? Có trân trọng mạng sống của người dân không? Có trân trọng tài nguyên, nguyên khí của dân tộc để dành cho sự phát triển lâu dài không?
2) Họ có kiến thức chính trị đủ rộng và đủ sâu để nắm bắt khuynh hướng chính trị của thế giới, thời cơ quốc tế, vận hội quốc gia, thực lực và tiềm năng dân tộc mà vạch ra hướng đi có lợi nhất cho tổ quốc hay không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét