Trương nhân Tuấn
Theo tin tức báo chí, VN vừa tham gia dự án « Con đường
tơ lụa trên biển » của TQ. Câu hỏi đặt ra Việt Nam có lợi hay không khi
tham gia dự án này ?
Dự án « Con đường tơ lụa trên biển » được Tập Cận Bình đề
cập một cách sơ lược vào năm 2013. Dự án này chỉ mới bắt đầu thực hiện
vài tháng nay, dự trù một ngân sách 40 tỉ đô la. Mục tiêu dự án là xây
dựng hạ tầng cơ sở các hải cảng từ Biển Đông, qua Ấn Độ dương, thông qua
biển Đỏ, kinh đào Suez, vào Địa Trung hải để tiếp cận các hải cảng của
các nước Châu Âu.
Việt Nam tham gia dự án với hải cảng Hải Phòng là điểm
nối đầu tiên. Mã Lai vừa thỏa thuận với TQ để tham gia. Theo dự tính,
trong khối ASEAN sẽ còn có mặt của Nam Dương.
Dự án « Con đường tơ lụa trên biển » của TQ không thể
tách rời dự án với các dự án đã thực hiện từ cuối thập niên 90 của thế
kỷ trước, là dự án « Con đường tơ lụa trên bộ » cũng như dự án « Ngân
hàng đầu tư hạ tầng cơ sở » vừa mới được thành hình vào tháng 3 vừa rồi.
Dự án « Con đường tơ lụa trên bộ » đã được thành hình từ
khoảng thập niên 90 của thế kỷ trước, mục đích nối liền TQ với các nước
Trung Á, Trung Đông để đến Châu Âu. Tức là mở lại con đường mà các doanh
nhân Ả Rập ngày xưa đã mở ra để buôn bán tơ lụa giữa các nước Ả Rập với
TQ, bao hệ thống đường sắt, gọi là « Bắc Kinh Express », nối liền các
thành phố lớn TQ xuyên qua Tân Cương, để đến các thành phố lớn các nước
Châu Âu. Ngoài ra còn có các dự án xây dựng hệ thống đường xa lộ. Đồng
thời ta không thể quên dự án quan trọng khác là các ống dẫn dầu và khí
đốt cũng được đặt trong cùng thời kỳ, từ khu vực biển Caspienne thuộc
các nước Trung Á, dẫn năng lượng về đến Thuợng Hải.
Về « Ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở » thì TQ đề xướng vào
tháng 10 năm 2014, với số vốn là 50 tỉ đô la, được sự chấp thuận gia
nhập hợp tác của nhiều nước trong G 7 như Anh, Pháp… vào tháng 3 vừa
rồi. Ngân hàng này ra đời nhằm để hỗ trợ cho dự án « Con đường tơ lụa
trên biển ». Việc xây dựng hạ tầng cơ sở các cảng biển cho đúng tiêu
chuẩn quốc tế sẽ rất tốn kém.
Về mục đích, dự án « Con đường tơ lụa trên bộ » của TQ
trước hết nhằm bảo đảm an ninh năng lượng chứ không nhằm xây dựng « trục
kinh tế Âu-Á ». Sau đó mở các hệ thống đường xá, xa lộ và đường xe
lửa, nối tỉnh lục địa như Vân Nam, Quí Châu, Tân cương, (và Tây Tạng)…
ra biển. Các tỉnh này rộng lớn gần bằng ½ lãnh thổ TQ nhưng rất kém phát
triển. Hệ thống hạ tầng cơ sở này gồm hai mặt : đường xe lửa và đường
xa lộ xuyên qua Miến Điện để ra Ấn Độ Dương ; mặt khác là mở lại đường
xe lửa nối Côn Minh (thuộc tỉnh Vân Nam) với hải cảng Hải Phòng.
Về hệ thống đường sắt và đường xa lộ nối các tỉnh Hoa Nam
thông qua hải cảng Hải Phòng để ra biển xúc tiến từ năm 2009, gọi là dự
án « hai hành lang, một vành đai ». Hành lang thứ nhứt là Nam Ninh –
Lạng Sơn – Hà Nội – Hải phòng. Hành lang thứ hai là Côn Minh – Lào Cai –
Hà Nội và Hải Phòng. Vành đai là vịnh Bắc Việt.
Tuyến đường Côn Minh – Hải phòng vốn đã được nhà nước bảo
hộ Pháp mở ra từ đầu thế kỷ 20 mà một trong những công trình của nó vẫn
còn được dân Hà Nội sử dụng đến nay là cầu Long Biên.
Đến nay thì ta thấy dự án « hai hành lang, một vành đai » đã được sáp nhập vào dự án « Con đường tơ lụa trên biển ».
Như vậy, bề mặt thì mục tiêu các dự án « con đường tơ lụa
» trên bộ và trên biển của TQ chỉ thuần túy kinh tế. Nhưng bên trong
lại hàm chứa một sách lược hướng ngoại đầy tham vọng của TQ mà điều này
đang làm cho nhiều quốc gia lo ngại.
Ta sẽ thấy các dự án con đường tơ lụa của TQ là một bộ
phận trong sách lược hóa giải kế hoạch chuyển trục sang Châu Á của Hoa
Kỳ. Dĩ nhiên nó cũng nhằm chống lại thỏa ước kinh tế « xuyên Thái bình
dương » mà Hoa Kỳ khởi xướng vài năm nay.
Trục chiến lược của Mỹ, tạm gọi là « trục ngang », tức «
trục hoành », liên kết giữa Hoa Kỳ với các đồng minh cũ, mà lần này HK
cố gắng lôi kéo VN vào phe mình. Lo ngại của Hoa Kỳ là TQ càng phát
triển thì sẽ dành mất ảnh hưởng truyền thống của họ ở vùng Đông Á.
Tham vọng của TQ là xây dựng một « trục dọc, tức trục
tung » chiến lược, bao gồm Nga, TQ và có thể các nước Đông Nam Á như VN,
Mã Lai và Nam Dương… đồng thời các nước Trung Đông, Châu Phi.
TQ đang ráo riết xây dựng các căn cứ quân sự trên các bãi
đá ngầm đã chiếm của VN vào năm 1988 như đá Chữ Thập, đá Gạc Ma, Châu
Viên, Tư Nghĩa v.v… Việc này dĩ nhiên nhằm thiết lập vùng nhận diện
phòng không trên Biển Đông. Mục tiêu của việc này nhằm ngăn cản lực
lượng không quân, hải quân Hoa Kỳ tiếp cận.
Trong khu vực, vừa khi dự án « con đường tơ lụa trên biển
» của TQ ra đời, thì đã có những động thái của các nước khác nhằm đối
phó với các kế hoạch của TQ.
Ta thấy Ấn Độ rục rịch với dự án « Gió mùa », mục đích là
nhằm liên kết và giao thuơng kinh tế với các nước Đông nam Á. Tức cũng
là « con đường tơ lụa trên biển », nhưng đi ngược lại, từ Ấn độ dương
đến Biển Đông. Ta cũng thấy Nhật rục rịch cùng lúc với hai trục Nhật –
Ấn Độ và Nhật – Úc. Trong khi Hoa Kỳ thì đang gây áp lực để Nam Hàn cho
phép đặt hệ thống phòng vệ hỏa tiễn.
Các quốc gia bị ảnh hưởng an ninh quốc phòng hoặc đe dọa chủ quyền lãnh thổ, trước hết có thể là VN, sau đó Phi và Singapour.
Ta thấy cảng Hải Phòng của VN là trạm đầu tiên của « con
đường tơ lụa trên biển ». Nhưng vai trò của cảng Hải Phòng chỉ là trạm
trung chuyển cho hàng hóa các tỉnh Hoa Nam như Vân Nam, Quí Châu… mà
thôi. Nhận thức này lấy từ kinh nghiệm của nhà nước bảo hộ Pháp sau năm
1911.
Thời đó, công ty quản trị tuyến đường Hải Phòng – Côn
Minh của Pháp bị lỗ nặng, trong khi thuế quan lại không thu nhiều. Lý do
là vì hầu hết hàng hóa chỉ « quá cảnh » qua Hải Phòng, sau đó chuyển
đến Hồng Kông, hoặc ngược lại, hàng hóa từ Hồng Kông chuyển qua Hải
Phòng để đi Vân Nam. Hàng hóa từ VN không hề « xuất qua » Vân Nam theo
tuyến đường xe lửa này.
Các sử gia cho rằng công trình xây dựng đường xe lửa Hải Phòng – Côn Minh là một thất bại lớn lao về kinh tế cho người Pháp.
Thì bây giờ cũng vậy, hàng hóa TQ vốn đã tràn ngập VN,
thì nay cũng vô phương cạnh tranh với các tỉnh trong nội địa của TQ.
Cảng Hải Phòng cũng sẽ chỉ là trạm trung chuyển mà thôi. Tức là nó chỉ
giúp cho các tỉnh Vân Nam, Quí Châu… nối với thế giới bên ngoài. Tức là
giúp cho nền kinh tế tại các nơi này phát triển mà thôi.
Trong khi vấn đề tranh chấp lãnh thổ và hải phận trên
Biển Đông vẫn còn nguyên, nếu không nói là càng trầm trọng thêm. Việc TQ
đang ráo riết xây dựng các đảo hiện nay cho thấy tham vọng của nước này
về chủ quyền lãnh thổ. Khi mà các đảo này xây dựng xong, TQ có thể
tuyên bố vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông. Việc này là một phần
không thể tách rời trong sách lược hướng ngoại của TQ mà dự án « con
đường tơ lụa trên biển » là một bộ phận.
Singapour lo lắng vì Mã Lai (và có thể Nam Dương) đã đồng
ý gia nhập dự án « Con đường tơ lụa trên biển » của TQ. Các hải cảng
của Mã Lai cũng như khu vực chung quanh Kuala Lumpour nếu được xây dựng
thì dĩ nhiên sẽ cạnh tranh với Singapour. Cảng Djakarta của Nam Dương
cũng vậy. Nơi đây án ngữ eo biển Sonda, là nơi các tàu chở dầu cực lớn
đi vào biển Đông (vì không đi qua được eo biển Malacca). Tầm quan trọng
chiến lược của eo biển Malacca vì vậy sẽ giảm thiểu.
Mặt khác, theo một thỏa ước mà Singapour đã ký với Anh từ
khi mới độc lập, thì hải quân Anh có quyền có mặt thường trực ở hải
cảng Changi. Nhưng Anh lại nhượng quyền để hải quân Hoa Kỳ sử dụng hải
cảng này. Đồng thời, từ sau Thế chiến II, Anh cũng cho hải quân Hoa Kỳ
mướn đảo Diego Garcia trong Ấn Độ dương để xây dựng căn cứ. Bây giờ Anh
lại là một thành viên của Ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở do TQ đề xướng.
Hoa Kỳ lo ngại là điều dĩ nhiên.
Vì vậy, mặc dầu dự án « con đường tơ lụa trên biển »
thuần túy về kinh tế, nhưng dự án này lại nằm trong sách lược hướng
ngoại của TQ nhằm đối kháng với kế hoạch chuyển trục của Hoa Kỳ.
Từ bao thế hệ nay, tất cả các tranh chấp của con người,
Thế chiến thứ I, Thế chiến thứ II, tất cả đều đến từ lý do « kinh tế ».
Các tranh chấp giữa các đại cường, từ chuyển trục sang Châu Á hay các dự
án « con đường tơ lụa trên bộ » hay « trên biển », đều nhằm mục tiêu
chinh phục hay bảo vệ thị trường.
Dĩ nhiên hệ quả của tham vọng đại cường, hay sự đụng độ
vì tranh giành ảnh hưởng giữa các đại cường, sẽ đe dọa an ninh và chủ
quyền lãnh thổ cho các nước nhỏ chung quanh.
Vấn đề là VN cần có thái độ như thế nào trước tham vọng của TQ ?.
Nếu VN theo TQ để đứng trong « trục chiến lược » của TQ,
(như đã thấy qua chuyến đi TQ của Nguyễn Phú Trọng), gồm các nước
Nga-TQ-VN-Mã Lai v.v… VN sẽ không có lợi lộc gì.
Miếng bánh « con đường tơ lụa trên biển » trị giá 40 tỉ
đô. Miếng bánh « ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở » còn lớn hơn, đến 50
tỉ. Nhưng VN sẽ không được một mảnh vụn của hai cái bánh này. Cảng Hải
Phòng, nếu có xây dựng, đường xe lửa Vân Nam, Hải Phòng nếu được thiết
lập lại, thì VN sẽ không thu được một kết quả kinh tế nào. Kinh nghiệm
của nhà nước bảo hộ Pháp ngày xưa cho phép ta kết luận như vậy. Trong
khi, vì nhu cầu xây dựng chiến lược, TQ phải chiếm các đảo TS cũng như
phần lớn Biển Đông. VN đứng chung với TQ cũng không ngăn được TQ chiếm
đảo, chiếm biển của mình.
Trong khi nếu VN đứng trong « trục » của Mỹ, không cần
phải nói đến những lợi lộc về kinh tế đem lại cho VN trong kết ước kinh
tế « xuyên Thái bình dương » (TPP), thì với quan niệm về an ninh của Mỹ ở
Biển Đông cũng đã giúp VN bảo vệ quyền lợi của mình. Hoa Kỳ, qua các
tuyên bố mới đây, không muốn TQ xây dựng các đảo nhằm thay đổi hiện
trạng. Tức là về an ninh, VN và Hoa Kỳ có chung quan điểm.
Vì vậy, quyết định đi với TQ đồng nghĩa với việc đưa đất
nước và dân tộc VN vào vòng lệ thuộc, mà tương lai cháu con không có hy
vọng gỡ ra được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét