Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

TQ ra tập sách về cố TBT Hồ Diệu Bang

BBC

Trường Đảng Trung ương ở Trung Quốc sẽ cho xuất bản những bài viết và bình luận của cố Tổng bí thư Hồ Diệu Bang nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, trong dấu hiệu nhìn nhận lại giai đoạn trước vụ Thiên An Môn.

Một bức hình hồi năm 1984 của cố TBT Hồ Diệu Bang (1915-1989)


Theo tờ Tân Bắc Kinh của Thành ủy thủ đô Trung Quốc, tập sách sẽ là cách đánh dấu ngày sinh ông Hồ Diệu Bang, người mà đám tang năm 1989 đã thu hút đông đảo sinh viên, trí thức, góp phần dẫn tới nhiều tuần biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn.
Sinh năm 1915, ông Hồ Diệu Bang là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc cho tới năm 1987 khi ông bị hạ bệ để ông Triệu Tử Dương lên thay cho đến 1989.
Tuy nhiên, trong các giai đoạn này, quyền lực thực tế lại nằm trong tay lãnh tụ Đặng Tiểu Bình.
Cho đến khoảng năm 1994, ban lãnh đạo Trung Quốc mới bắt đầu bàn về cách ‘xử lý di sản’ của Hồ Diệu Bang.
Một số lễ kỷ niệm nhỏ sau đó được cho phép nhưng chính thức mà nói thì cả hai nhân vật Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương đều chưa được khôi phục.
Chỉ đến năm 2012, Trung Quốc mới đưa lại hình ảnh hai cố Tổng Bí thư Triệu Tử Dương và Hồ Diệu Bang vào trung tâm thông tin Đại hội Đảng 18.
Hãng tin Nhật, Jiji Press nói trong căn phòng trên lầu hai của Trung tâm Báo chí phục vụ Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc dịp 8/11/2012, hình tư liệu ghi cảnh ông Hồ Diệu Bang nói chuyện với ông Diệp Kiếm Anh đã được đăng lại.
Tuy thế, đây chỉ là việc ‘ghi nhận hình ảnh’ một cách rất tế nhị chứ chưa công khai và rộng rãi cho toàn dân.
Khi nổ ra phong trào đòi dân chủ của sinh viên, giáo viên và công nhân tại Bắc Kinh năm 1989 để tưởng niệm ông Hồ Diệu Bang, ông Triệu Tử Dương đã tìm cách đối thoại với họ.
Nhưng trong một quyết định đến nay còn gây chia rẽ dư luận Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình và nhóm lãnh đạo bảo thủ đã phế truất ông Triệu Tử Dương, đồng thời đưa quân đội vào Thiên An Môn đàn áp sinh viên.

Vụ đàn áp Thiên An Môn vẫn là chủ đề cấm kỵ trên truyền thông Trung Quốc
Cho đến nay, vụ thảm sát sinh viên và trí thức tại Thiên An Môn tháng 6/1989 vẫn là chủ đề cấm kỵ tại Trung Quốc.
Ông Triệu Tử Dương, đã bị giam giữ tại gia cho đến lúc qua đời năm 2005 sau khi phản đối dùng bạo lực khống chế biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn.
Gần đây nhất, hồi đầu năm 2014, các nhà dân chủ Hong Kong nói họ tìm thấy cảm hứng từ việc phát hiện một lá thư từ lâu của cựu Thủ tướng Triệu Tử Dương, gửi sinh viên vào tháng 5/1984.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét