Kiều Phong (VNTB) –
Hàng loạt những danh thắng và những công trình truyền thống đang bị “tử
hình” theo lối “tiền trảm hậu tấu” tại Việt Nam. Tiếp theo số phận của
thương xá Tax, xí nghiệp đóng tàu đầu tiên của người Việt là Liên Hiệp
Ba Son đang nằm trên một dự án mà theo đó Liên Hiệp này sẽ bị san bằng.
Đang có những nhóm lợi ích tìm cách bán Liên hiệp Ba Son cho một nhà đầu
tư Hàn Quốc để xây dựng những tòa nhà hiện đại. Những người yêu Sài Gòn
đang xôn xao bàn tán ngay từ khi những tin tức đầu tiên về công trình
này tuồn ra khỏi bàn giấy. Không giống như thương xá Tax, xưởng Ba Son
có những ý nghĩa quân sự và lịch sử hết sức đặc trưng.
Xưởng đóng tàu trải qua 4 chế độ
Người sáng lập hải xưởng là Chúa Nguyễn Phúc Ánh. Sau khi chiếm lại
phủ Gia Định vào năm 1790, chúa Nguyễn Phúc Ánh thành lập xưởng hải
quân Chu Sư ( sau này đổi tên là Ba Son ) tại Bến Nghé ( Sài Gòn) để lắp
ráp một đội tàu chiến hiện đại với cố vấn Pháp. Đô đốc thủy sư Võ Di
Nguy đã lãnh đạo sự phát triển ban đầu của xưởng, sau đó chỉ huy các
chiến dịch hải quân thành công của nhà Nguyễn chống lại Tây Sơn, mở
đường cho chiến thắng cuối cùng năm 1801. Sau khi Nguyễn Phúc Ánh lên
ngôi với niên hiệu vua Gia Long (1802-1820), xưởng Chu Sư mở rộng thành
một cơ sở đóng tàu và đúc pháo lớn, với vài nghìn lao động ngành nghề
khác nhau.
Năm 1824, trong hồi ký A Voyage to Cochinchina (Một chuyến đi tới An
Nam), thủy thủ người Mỹ ông John White đã bày tỏ sự thán phục khi người
An Nam khi được chứng kiến một cơ sở hải quân đạt đến tầm thế giới như
sau: “Cơ sở này giành thêm danh dự cho người An Nam hơn bất cứ điều gì
khác trong đất nước của họ vì nó có thể ganh đua với rất nhiều cơ sở hải
quân khác ở châu Âu. Không thấy đóng tàu lớn, nhưng có nhiều vật liệu
đơn giản thuộc loại tốt nhất để lắp ráp nhiều tàu khu trục. Gỗ và ván
làm tàu tốt hơn bất cứ thứ gì tôi đã từng thấy.”.“Những người An-Nam
chắc chắn là kiến trúc sư hải quân rất giỏi. Tác phẩm của họ được hoàn
thành với sự khéo léo tuyệt vời… có thể cạnh tranh với ngay cả thủy thủ
Trung Hoa.”
Sau khi người Pháp chiếm Sài Gòn năm 1859, xưởng Chu Sư được nâng
cấp. Ngày 28 tháng 4 năm 1864, người Pháp đã chính thức thành lập
“Arsenal de Saigon” (thủy xưởng và kho vũ khí hải quân). Trong nhiều
năm, vì không có một ụ tàu đủ lớn để chứa các tàu chiến hạng nặng, nên
hải quân Pháp ở Viễn Đông đã buộc phải nhờ các cơ sở của Hải quân Anh
tại Singapore và Hồng Kông. Cuối cùng, chính phủ Pháp đã lấy thêm mảnh
đất “giữa Thảo cầm viên và đường Biên Hòa” để xây một ụ tàu mới. Ụ tàu
xây dựng gần bốn năm, khánh thành ngày 3 tháng 1 năm 1888. Ụ tàu chiều
dài 168 mét có thể nhận các tàu chiến lớn nhất và bảo đảm cho các hạm
đội một chỗ tiếp nhiên liệu và sửa chửa hoàn toàn an toàn và thuận
tiện. “Ụ tàu”, tiếng Pháp là “Bassin de radoub,” đã trở thành tên Việt
của Arsenal de Saigon, “Ba Son.”
Tại Arsenal de Saigon, từ tháng 8 đến tháng 11 năm 1925, thợ máy hải
quân, nhà hoạt động cách mạng Tôn Đức Thắng tổ chức một cuộc đình công
lịch sử. Điều này đã làm trì hoãn việc sửa chữa tàu đô đốc Jules
Michelet, lúc đó đang trên đường tới Trung Quốc, qua đó giành một lợi
thế chính trị-tinh thần không hề nhỏ cho phe cộng sản ở phương Đông.
Sau Hiệp định Geneva 1954, Pháp rút hạm đội ra khỏi Sài Gòn. Ngày 12
tháng 9 năm 1956, Arsenal de Saigon được chuyển giao cho Bộ Quốc phòng
Việt Nam Cộng Hòa tiếp quản và đổi tên là Hải Quân Công xưởng. Sau
30/4/1975 xưỏng được đổi tên thành Xí nghiệp Liên hiệp Ba Son.
Như vậy, một cách tóm tắt có thể nói rằng xưởng Ba Son với 225 năm
lịch sử biến động cùng đất nước, trải qua 4 chế độ lần lượt là triều
đình nhà Nguyễn, chế độ bảo hộ Pháp, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và
chính quyền đương nhiệm CHXHCNVN.
Nhóm lợi ích và cả “Trung Quốc”
Câu hỏi được đặt ra là, trong khi bất động sản vẫn đang trong tình
trạng thừa mứa, chào bán chẳng ai mua thì việc xây những tòa nhà hiện
đại để “phục vụ lợi ích người dân” đã được tính toán kỹ lưỡng hay chưa?
Thứ hai, người ta sẽ bảo vệ danh thắng hay phát triển kinh tế, và khi
nào thì sẽ có những bộ luật để đưa ra quyết định lựa chọn giữa một trong
hai điều trên, để tránh lặp lại phút phân vân thảm họa đã xảy ra với
cây xanh Hà Nội ?
Hai câu hỏi thứ hai nảy sinh từ quản lý yếu kém. Việt Nam thời XHCN
được thế giới biết đến như là một trong những đất nước quản lý kém cỏi
nhất, từ mô hình cho đến thực chất. Bài toán bây giờ được phát biểu rất
đơn giản, hoặc là giữ Ba Son vì đó là trái tim của người dân cả nước
nói chung và người Sài Gòn riêng; hoặc là đem bán cho thương nhân Hàn
Quốc để xây dựng những tòa nhà với mục đích thương mại.
Ba Son là một địa chỉ đỏ, cũng thu hút nhiều khách du lịch cho dù họ ở
lập trường nào, nghĩa là dù không phải siêu lợi nhuận nhưng cũng tạo ra
được nguồn thu ngân sách. Thế nhưng quan chức địa phương thừa biết
rằng nếu họ bán được Ba Son thì những quyền lợi về kinh tế dành cho phe
nhóm sẽ là rất hậu hĩnh. Do đó, những thế lực này đang tìm mọi cách để
đồng thời chào bán xưởng Ba Son, đồng thời xoa dịu dư luận trên những tờ
nhật báo chính thống. Lực lượng duy nhất mà giới cầm quyền ở TP.HCM
đương nhiệm nể sợ chưa dám tiến hành ngay là một vài nhà sử học có tên
tuổi và đặc biệt là giới kiến trúc sư, những người hiểu rõ quy mô, đẳng
cấp cũng như ý nghĩa quy hoạch của Liên Hiệp Ba Son đối với thành phố và
đất nước. Tỉ lệ người dân biết được kế hoạch này của thành phố là rất
ít, và đối với chính quyền thì càng ít người biết và phản biện thì càng
tốt.
Một số giả thuyết còn cho rằng bàn tay Trung Quốc đã dính đến vụ này.
Họ nghi ngờ rằng sau khi những bí mật quân sự của Việt Nam đã được anh
hàng xóm khổng lồ tìm hiểu hết thì việc anh ta dùng tiền xúi giục bên
thứ ba chuyển đổi mục đích của Ba Son từ bán quân sự sang dân sự tuyệt
đối là một hành động đầy toan tính.
Dù gì đi nữa, nếu Ba Son bị bán đi để xây nhà tầng, sẽ chẳng còn ai
biết đến một khu đóng tàu thủy quân hùng mạnh bậc nhất thế giới được xây
nên bởi đất nước bé nhỏ. Những năm 1970, Đệ nhị Cộng Hòa dạy sử với
một chút thành kiến rằng nhà Tây Sơn là loạn đảng. Chính quyền XHCN lại
nhiều mâu thuẫn với triều đình Bảo Đại nên sách lịch sử của chế độ mới
lại nói rằng nhà Tây Sơn là chính danh, nhưng không vì thế mà Trung Ương
muốn xóa bỏ Ba Son để phủ nhận công trạng của chúa Nguyễn. Năm 1993, Xí
nghiệp Liên hiệp Ba Son đã được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di
tích quốc gia, vì đó là di sản hàng hải lâu đời nhất và quan trọng nhất
của Sài Gòn xưa. Dự định bán Ba Son nhiều khả năng là vì toan tính kinh
tế của giới quan chức chóp bu đang lãnh đạo TP.HCM.
Học giả, trí thức và mọi người dân thành phố cần tổ chức những hội
nghị khoa học để làm sáng tỏ vấn đề và định hướng hành động, đừng để dẫn
tới tình trạng sự đã rồi như những vụ việc vừa qua.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét