Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Bà Mẹ quê một đời đi tìm công lý

Thanh Trúc, phóng viên RFA

2015-05-21
Bà Trần Thị Lựu đang kể lại cuộc đời cơ khổ.
Bà Trần Thị Lựu đang kể lại cuộc đời cơ khổ. RFA

Chuyện kêu oan không phải mới; nhất là ở những nước như Việt Nam lâu nay, nơi mà ‘phép Vua, thua lệ làng’. Biết bao người rơi vào vòng kiện cáo, để rồi ‘hao công, tốn của’ lại còn bị trù dập.

Nỗi đau của người bộ đội phục viên

 
Một trong biết bao trường hợp như thế là câu chuyện về bà Trần Thị Lựu, bộ đội phục viên, có chồng là thương bệnh binh, thay vì được ưu đãi bằng những chính sách của chế độ dành cho người lính thì lại bị chèn ép bằng những quyết định vô lý của chính quyền địa phương đến nỗi phải đi kêu oan từ ngày này qua tháng khác.
Xuất thân từ quê nghèo Nghệ An, xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu, bà Trần Thị Lựu là bộ đội công binh từ năm 20 tuổi. Từ năm 1978 đến năm 1981, bà theo binh đoàn Trường Sơn đóng tại Quảng Ngãi, Đà Nẵng để làm tuyến đường 14A. Không thể nhớ hết mình và đồng đội đã cho nổ bao nhiêu bom mìn để phá đường, bao nhiêu con đường đã được sửa chữa, bà Lựu kể:

Chủ yếu là đánh bộc phá, phá nổ lên rồi chờ xe ủi đến ủi để làm đường trong Quảng Nam, Đà Nẵng, làm đường mòn Hồ Chí Minh. Trước là đường mòn thì chỉ có xe thồ đi thôi, chứ khi đơn vị bác vào làm đường mở to rộng ra, rải đá đắp lộ luôn. Từ năm 78 cho đến năm 81, ở giữa rừng nằm lán nằm sập nứa vậy thôi, không có giường có chỏng chi cả. Ba năm rồi vô Kontum nữa, ở mấy tháng rồi bị sốt rét rụng hết tóc sốt rét sau được họ cho về.
Cuối năm 1982, bà Lựu lập gia đình với ông Phan Xuân Lợi, bộ đội cùng làng, đang đóng quân bên Kampuchia:
Cưới xong ông lại vào chiến trường Kampuchia, đến năm 84 ông mới về phép, sang năm 85 thì sinh cháu đầu lòng. Khi đó tiền không có mà nhà cũng không, một túp lều rứa là mẹ con ở thôi, còn bố vẫn đương còn ở chiến trường Kampuchia. Thì cũng chạy chợ từng bữa rồi gạo đong từng bữa rứa thôi.
Không chỉ cuộc sống của gia đình bà Lựu cơ cực mà cả thôn làng Quỳnh Châu, Quyền Lưu cũng rất nghèo và rất khó với những chuyện không thể nào quên:
Khi nớ chòm xóm cũng khổ lắm cô ơi, năm 85 ai cũng khổ cả. Thậm chí đi chợ mua được mấy cân gạo họ cũng đến họ tịch thu đi luôn. Khi nớ cấm là không cho mua bán trên 5 cân gạo, công an họ lấy không như rứa, có 5 cân gạo mà vì cảnh đói khổ mà nhớ cho đến chừ luôn.
Từ năm 78 cho đến năm 81, ở giữa rừng nằm lán nằm sập nứa vậy thôi, không có giường có chỏng chi cả. Ba năm rồi vô Kontum nữa, ở mấy tháng rồi bị sốt rét rụng hết tóc sốt rét sau được họ cho về
Bà Trần Thị Lựu
Không thể để con chịu cảnh mưa giông gió tạt, bà Lựu xoay sở vay mượn đâu được 800 đồng, dựng sơ sài một nhà tranh hai gian trên mảnh đất đã có ngôi lều lụp xụp của mình. Dựng nhà chưa được một năm, chính quyền xã Quỳnh Châu ra quyết định xử phạt bà Lựu 200 đồng với lý do làm nhà trên đất canh tác. Sợ cái nhà tranh của mình bị dỡ đi, bà Lựu cầu cứu vay mượn khắp xóm để nộp phạt, cứ một tạ thóc vay thì đến mùa trả một tạ rưỡi:
Đất họ chia cho mình nhưng mà dựng nhà để ở thì họ phạt. Phải đi vay nộp, vay hai ba nơi mà gom vài trăm đồng bạc mà nộp, không thì nay họ gọi mai họ gọi làm ăn chi được. Biên lai nộp phạt từ đó đến chừ bác vẫn đang còn giữ. Phải nhờ bên ngoại vay chứ mình vay họ không cho, khi nớ lương bộ đội kiểu 5 đồng thì ông có thể mang về chi mô, đi thì được con gà con lợn chi thì bán lấy tiền cho ông đi tàu đi xe thôi chứ còn có tiền cho mẹ con được xu mô.
Nhà ở trước đây của bà Trần Thị Lựu
Nhà ở trước đây của bà Trần Thị Lựu

Thời gian đó chồng bà Lựu bỗng dưng bặt vô âm tín. Đến khi nghe tin ông hy sinh tại Tây Ninh giáp Kampuchia thì bà hoàn toàn suy sụp. Mãi sau bà mới được báo sở dĩ ông bặt tin là vì bị thương. Năm 1987 ông Phan Xuân Lợi phục viên với tình trạng bệnh binh 2/3, thương binh 4/4, chưa kể vừa bị viêm khớp vừa bị đau dạ dày.
Cuộc sống trôi qua trong nghèo khó, đạm bạc, ba cháu sau lần lượt ra đời, bà Lựu làm đủ nghề từ cày thuê, cuốc mướn, chạy chợ để thuốc thang cho người chồng bệnh và nuôi con ăn học. Định mệnh không khoan dung với bà, năm 1996 đứa con thứ ba là em Phan Thị Loan, đang chăn vịt trên bờ ao gần quốc lộ 48 thì bị một chiếc ô tô, do phóng quá nhanh, đã lật úp và đè lên khiến em chết tại chỗ. Rủi cái là tài xế chiếc xe cũng chết trong tai nạn này, gia đình không được bồi thường gì cả. Đó cũng là lúc nhà bà Lựu bị phạt vì sanh con ngoài kế hoạch:
Cả đời dân xã Quỳnh Châu chưa hề một ai làm đơn đi kiện chi mô cho nên hắn coi thường dân quá. Bác tức quá, có 10 con vịt mà ức quá là bắt đầu bác làm đơn thưa kiện
Bà Trần Thị Lựu
Khi đó có 4 đứa con chứ mà bố cháu vẫn còn sinh hoạt đảng, đến khi cháu Loan mất đi năm 96 là sang năm 97 đẻ thêm một đứa nữa thì bị phạt. Xã bảo là vi phạm sanh con sai kế hoạch. Đầu năm 97 xã bảo cho nghỉ đảng luôn, nói là theo chủ trương của trên.
Năm 2000, thêm một tai họa giáng xuống đôi vai gầy của bà Lựu, khởi đầu những chuỗi ngày đi thưa kiện của người phụ nữ từng là bộ đội binh đoàn Trường Sơn này.
Chuyện là vì đàn vịt vỏn vẹn 10 con của gia đình bà bị bảo vệ đồng ở Xóm 9, tên là Nguyễn Văn Ngụ, lùa hết tới nhà xóm phó, bắt bà nộp phạt mỗi con 10.000 đồng với lý do vi phạm lệnh của xã là cấm thả vịt trên ruộng lúa. Thực tế, như bà Lựu kể, những con vịt của nhà bà thả trên đất hoang gần đó chứ không thả trên đất ruộng.
Thế là bà Trần Thị Lựu mạnh mẽ phản đối, đòi trả vịt lại và thế là xóm phó cùng bảo vệ vội vàng mang đàn vịt 10 còn của bà đi bán hết:
Phạt 10.000 đồng một con, 10 con vịt 100.000. Bác không chịu thế là ban chỉ huy xóm bán đi.
Quá uất trước lề thói cư xử cửa quyền, vô lối của những người tự cho mình có quyền hành trong làng xã, bất mãn vì một gia đình bộ đội phục viên đã nghèo mà cứ mãi bị dồn ép, bị phạt này phạt nọ, bà Trần Thị Lựu bắt đầu làm đơn đi kêu lên xã Quỳnh Châu:
Cả đời dân xã Quỳnh Châu chưa hề một ai làm đơn đi kiện chi mô cho nên hắn coi thường dân quá. Bác tức quá, có 10 con vịt mà ức quá là bắt đầu bác làm đơn thưa kiện.
Ròng rã một năm trời, bà Lựu đi từ làng lên xóm, lên huyện, lên xã rồi lên tới tỉnh để kêu ca. Câu trả lời bà nhận được mỗi lần đi thưa là về địa phương chờ giải quyết:
Coi như tỉnh thì bảo vệ huyện, huyện thì bảo vệ xã, kiểu họ tập thể a tề. Cứ trả lời bâng quơ rứa, nhùng nhà nhùng nhằng rứa, cuối cùng là phải lên tỉnh.
Lên tỉnh rồi cũng chỉ nói là chỉ đạo huyện, về ngồi chờ mãi hàng năm rồi cuối cùng là bác cương quyết làm cho rõ trắng đen.
Năm 2012, cả xã bình bầu hộ nghèo mà theo lẽ thì ông bà được vào nhưng cuối cùng thì bị cán bộ trong xóm bác, trong lúc ông chủ tịch và 2 ông phó chủ tịch xã Quỳnh Châu có bố mẹ đều được vào hộ nghèo
Với bà, mất 10 con vịt thực ra không quan trọng và không đáng kể , thế nhưng thái độ cư xử của mấy ông có chức có quyền như vậy thì chỉ khổ cho người thấp cổ bé họng cứ phải chịu đựng bấy lâu. Một lần nữa bà quyết định lên tận Hội Đồng Tiếp Dân của tỉnh Nghệ An.
Không được bảo vệ cho vào bên trong , bà Trần Thị Lựu kiên nhẫn ngồi chờ . Bà cố ý đợi ông phó chủ tịch tỉnh:
Hết giờ làm việc thì ông phó chủ tịch tỉnh mang ca táp đi ra giữa sân thì bác đến bác nê cổ ông để bác hỏi. Bác nói “xóm ăn cướp của dân, xã bảo vệ, huyện bao che chừ ông chủ tịch định làm ra răng” .
Khi đó, bà Lựu kể tiếp, chắc vì quá bất ngờ nên ông phó chủ tịch tỉnh cứ đứng như trời trồng mà không nói được gì. Nhưng ngay lập tức 3 người công an gần đó chạy lại, gỡ tay bà Lựu ra và lôi bà đi ngay:
Hắn kéo hắn lôi chứ mà bà chửi thì hắn thả ra.
Rất may cùng lúc có mấy nhà báo thấy được bèn nhào tới chụp ảnh và hỏi bà để lấy thông tin. Ngày hôm sau, bản tin với tựa Hành Trình Đi Tìm Công Lý Của Một Người Phụ Nữ, mô tả chi tiết nỗi oan sai và vụ thưa kiện kiên trì của bà Trần Thị Lựu, một gia đình bộ đội nghèo bị dồn đến đường cùng ở Quỳnh Châu, Quỳnh Lưu, Nghệ An, xuất hiện trên tờ Tiền Phong Chủ Nhật số ra ngày 5 tháng Tám 2001.
Nhờ bài báo đó, vài ngày sau Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Nghệ An lệnh cho Ủy Ban Nhân Dân huyện Quỳnh Lưu phải giải quyết dứt điểm vụ việc bà Trần Thị Lựu:
Cuối cùng là xã đền, trích ngân sách của địa phương ra đền chứ không phải ông bảo vệ với ông xóm đền mô. Mười con vịt, 10.000 một con, 100.000 chứ mấy. Mà bác khi nớ đạp xe đạp đi huyện mô 9. 10 lần chi đó, còn đi tỉnh cũng mô 3, 4 lần, bắt xe ca đi tỉnh ba bốn lần đó tề.
Tại vì ức quá, không có thời đại mô mà lấy thịt đè người như rứa, dù có mất mấy để được một trăm chứ tiền xe cộ bác đi hàng mấy trăm, bác cố làm rõ trắng đen. Họ coi thường, họ khinh , họ ăn hiếp người dân xã Quỳnh Châu quá cho đến khi bác là người đầu tiên đi kiện. Bác phải làm cho đến nơi đến chốn rứa, 10 con vịt tuy không đáng giá bao nhiêu chứ mà về mặt chính trị về tinh thần là quá cực luôn. Phải làm rứa để còn nhiều người khác nữa, lần ni lượt khác hắn khỏi coi thường khỏi úc hiếp.
Tác giả bài báo về bà Trần Thị Lựu, một phóng viên mà Thanh Trúc mạn phép giấu tên, cho biết:
Đền bù như thế tất nhiên rất thiệt thòi nhưng thắng lợi rất lớn là bà đã đòi được công lý. Đó là cái danh dự của một người cương trực đối với những tác oai tác quái trên rất nhiều người dân. Tôi thấy bà là người mà gia đình hoàn cảnh cực kỳ nhưng mẫu mực nhất, cương quyết nhất trong vấn đề công bằng xã hội.
Dân làng người ta ủng hộ bác nhiều chứ mà cán bộ thì ghét bác. Thấy úc quá bác cũng phải nói theo dân nhưng nhiều cái bác cũng phải nín lặng thôi
Bà Trần Thị Lựu
Theo lời bà Trần Thị Lựu, một năm ông chồng đau ốm của bà phải đi viện 4 lần và công bằng mà nói thì chính xã đã trích Quĩ Tình Thương cho ông 500.000 đồng, trong lúc bà con làng xóm cũng người khi thì cân đường, kẻ khi thì hộp sửa, giúp đỡ ông bà những lúc ngặt:
Năm 2012, cả xã bình bầu hộ nghèo mà theo lẽ thì ông bà được vào nhưng cuối cùng thì bị cán bộ trong xóm bác, trong lúc ông chủ tịch và 2 ông phó chủ tịch xã Quỳnh Châu có bố mẹ đều được vào hộ nghèo:
Hằn nói bác ông là có trợ cấp một tháng 2 triệu với lại con đầu của bác ra trường đi dạy một tháng 2 triệu nữa là đủ, là hắn cắt, trong lúc đó thì ông cứ đi viện liên tục rứa. Trong lúc hắn cắt nhà bác thì 2 ông phó, một ông còn bố, một ông còn mẹ, và ông chủ tịch thì cũng còn mẹ, là được vào hộ nghèo.
Bà Trần Thị Lựu đã làm đơn kiến nghị xem xét lại trường hợp gia đình bà so với những nhà được đưa vào hộ nghèo theo cách ấy. Sau hai lần gởi đơn với lý lẽ cứng rắn, sáu tháng sau gia đình các quan chức xã đó đều bị cắt khỏi danh sách hộ nghèo. Hậu quả của chuyện này là:
Chừ hắn tức là mọi chuyện đều trù dập nhà bác cực kỳ luôn. Nhà bác không được hộ nghèo nữa, nói là có hỗ trợ làm nhà. Bác làm cái nhà mà nói hỗ trợ 40.000.000 gia đình chính sách, chứ mà được đồng mô mô nờ. Nói là hỗ trợ cho 40 triệu chừ làm được nhà rồi mà tiền nỏ (không) có, chừ nợ gần trăm triệu bạc không biết tới khi mô mới trả hết nợ.
Dân làng người ta ủng hộ bác nhiều chứ mà cán bộ thì ghét bác. Thấy úc quá bác cũng phải nói theo dân nhưng nhiều cái bác cũng phải nín lặng thôi.
Để biết rõ hơn về trường hợp bà Trần Thị Lựu, Thanh Trúc điện về xã Quỳnh Châu, gặp ông chủ tịch xã Nguyễn Bỉnh Khảng, nghe ông trả lời trước khi gác máy:
Có vấn đề chi, cái này chị không hỏi như thế được mô nghe, xin lỗi chị vào thời gian khác.
Đó là câu chuyện về bà Trần Thị Lựu, người phụ nữ đòi công lý và công bằng không mệt mỏi gần 20 năm qua.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi đến đây tạm ngưng. Thanh Trúc kính chào, hẹn tái ngộ tối thứ Năm tuần tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét