Có
người nhận định rằng Việt Nam đang là con gà rừng bị con trăn khổng lồ
Trung Quốc quấn chặt và siết đến ngạt thở, chẳng sớm thì muộn, con trăn
này cũng nuốt chửng con gà rừng vào bụng. Đó là cách nói đậm tính thậm
xưng, nhưng trong thực tế, với đà vây bủa bốn phía từ kinh tế cho đến
quân sự, chính trị, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, một địa hạt
kinh tế có tính nền tảng của Việt Nam với sản lượng lương thực xuất khẩu
luôn đạt tốp 5 của thế giới và hơn 90% dân số vẫn dựa vào nông nghiệp
mà tồn tại. Trường hợp đậu phụng giống của Trung Quốc làm nông dân miền
Trung điêu đứng trong vài tháng nay là một trong những ví dụ.
Con trăn khổng lồ
Một người nông dân ở huyện Quảng Trạch, Quảng Bình, chia sẻ: “Đậu
phụng giống cũng giống như người ta đầu tư vậy, phân, đạm, lân, mình
lấy của hắn hết, gọi là hắn bao lô hết, làm ra toàn lỗ, toàn là cái loại
trắng cây hết, làm ra xong một vụ biết dân mình còn có thể làm không,
toàn thua lỗ, thua lỗ hết. Bọn Trung Quốc hắn nớ… (chủ mưu), nó nhờ
người Việt Nam đi làm.”
Theo người này, hiện tại, tình trạng
nhà nông ở Quảng Bình cũng thê thảm chẳng kém gì nông dân ở Hà Tĩnh,
nguy cơ bỏ đất đang ngày càng gia tăng bởi con trăn khổng lồ có tên
Trung Quốc. Giải thích thêm vấn đề vừa nêu, ông nói theo chỗ ông nhìn
thấy, từ chuyện người Trung Quốc thao túng hai quốc gia Đông Dương gồm
Lào và Campodia, phía Tây Việt Nam thì họ đã hoàn toàn nắm thế thượng
phong, còn phía Đông Việt Nam, tức là biển Đông, họ đã biến thành vùng
biển của họ bằng mọi giá, bất chấp thế giới lên tiếng, chẳng khác nào
con trăn đói đang siết chặt con mồi.
Về cả bốn mặt, chính trị,
quân sự, kinh tế và văn hóa, Trung Quốc đã và đang tiếp tục siết chặt
Đông Dương trong sự thèm khát của họ. Trong khi đó, riêng về mặt kinh
tế, nhất là ở mảng nông nghiệp, ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam nói
chung và của dân miền Trung nói riêng, tưởng rằng đây là mảng mà người
Trung Quốc khó bề nhúng sâu vào được nhưng hiện tại, hậu quả của những
tác động từ phía Trung Quốc đã làm cho nông dân Việt Nam phải điêu đứng.
Từ
những hành tung ban đầu là cho gián điệp kinh tế sang thăm dò, sau đó
đóng vai nhà doanh nghiệp đi đặt hàng nông sản, ban đầu họ đưa ra những
hứa hẹn và yêu cầu nông dân Việt Nam sản xuất những giống dưa hấu, giống
bí đao mà họ cần. Nghe theo lời họ, người nông dân trồng hàng loạt dưa
hấu, bí đao họ đưa ra, đến khi thu hoạch, không thấy người Trung Quốc
nào bén mảng, nông dân không biết làm gì với một núi dưa và bí của mình,
đành bán tháo, thua lỗ nặng nề.
Tháng Giêng này, thay vì chơi trò
cũ để hại người nông dân Việt Nam, người Trung Quốc táo tợn hơn, đưa
thẳng giống của mình sang các cánh đồng Việt Nam và hậu quả của nó cũng
kinh khủng hơn gấp bội lần. Giống đậu phụng Trung Quốc ở khắp các cánh
đồng miền Trung với vẻ bên ngoài bóng mẩy, tròn trịa, to hạt và nhanh
mọc nhưng đến vụ nó hoàn toàn không cho trái, nghĩa là một cây đậu giống
Việt Nam ít nhất cũng cho được 10 trái đậu, nếu trúng mùa sẽ cho được
từ 40 đến 50 trái đậu, trong khi đó, cây đậu phụng giống Trung Quốc nếu
may mắn lắm thì cho được 3 trái. Như vậy, nông dân Việt Nam chỉ còn một
nước duy nhất là chép miệng và gạt nước mắt thua thiệt.
Nguy cơ mất mùa
Một nông dân miền Trung VN đang tưới cây. AFP photo
Một
nông dân khác tên Trúc, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, than thở, tình hình
sản xuất nông nghiệp ở huyện ông ngày càng trở nên nhiễu nhương, khó
nói. Một phần vì nhà cầm quyền địa phương không có phương án tốt cho
nông dân, phần khác do sự ác ý của thương lái Trung Quốc đã khiến cho
mùa màng của người nông dân ngày càng tiềm ẩn nguy cơ.
Giải thích
thêm ông Trúc nói rằng mọi chính sách của nhà nước dành cho nông dân đã
bị cắt xén, bào mòn đến không còn gì, đôi khi ông nhìn chính sách của
nhà nước giống như thiên thạch rơi, lúc xuất phát, nó nặng cả ngàn tấn
nhưng khi tiếp xúc với trái đất, nó còn vài lạng do ma sát không khí.
Chính sách cho người nông dân cũng thế, ở trung ương thì nó một triệu
đồng, nhưng về đến địa phương, đến tay người dân thì còn lại vài đồng
tượng trưng. Lớn ăn lớn, nhỏ ăn nhỏ, người nông dân chịu đắng cay mọi
bề.
Một khi người nông dân hết tin vào chính sách nhà nước, họ
buộc lòng phải linh động, tìm thị trường cho hạt gạo, ký đậu, của khoai
hay con cá nuôi trong hồ. Và đây cũng là lúc những tư thương Trung Quốc
ra tay, họ thả những con tép tăng giá để câu con tôm nông dân mất đất.
Nghĩa là ban đầu, họ mua mọi thứ với giá đắt một cách vô lý khiến cho
nông dân mất thăng bằng, đua nhau bán tháo nông sản để kiếm tiền. Đến
thời điểm thuận lợi, họ đẩy giống cây đểu của họ vào bán cho nông dân,
dẫn đến mùa màng thất bát.
Và khi mùa màng thất bát liên tục,
người nông dân nản chí, không còn hy vọng gì trên mảnh đất của mình nữa
thì cũng là lúc mà họ và giới quan chức đại phương lên kế hoạch, đưa ra
những dự án ma để bán đất cho người Trung Quốc. Quan sát lâu năm, ông
Trúc thấy rằng tất cả những nơi nông dân bị mất đất bởi người Trung Quốc
đều có trình tự giống y hệt nhau, ban đầu nông dân thi nhau bán cho
thương lái Trung Quốc, sau đó gieo trồng theo đặt hàng của họ và thất
bại, liên tục mất mùa, cuối cùng đất đai, vườn tược rơi vào tay người
Trung Quốc.
Với chúng tôi, vấn đề ông Trúc nêu ra có thể đúng mà
cũng có thể chưa đúng. Nhưng mấu chốt vấn đề ở đây không phải là người
nông dân này nói đúng hay sai nữa, mà là tại sao một người nông dân chân
lấm tay bùn có thể nhận biết được mối nguy của người Trung Quốc đối với
nền kinh tế, an ninh, chính trị Việt Nam. Trong khi đó, những quan chức
từ cấp địa phương đến cấp trung ương Cộng sản Việt Nam lại không đưa ra
bất kì nghi vấn hay giả thuyết nào về vấn đề xê dịch cư dân giữa Trung
Quốc và Việt Nam.
Và với đà người Trung Quốc bành trướng khắp nơi
trên lãnh thổ Việt Nam, có mặt trong mọi lĩnh vực và nơi nào họ có mặt
thì người dân điêu đứng, mệt mỏi, tuyệt vọng… Trách nhiệm này thuộc về
ai? Và để cho kẻ bành trướng ám hại nhân dân có phải là một tội ác có
tính phản động?!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét