Nguyễn văn Lục -Đanchimviet
Đọc: Phần 1
Lấy trí nhân mà thay cường bạo
Lấy đạo nghĩa mà thắng hung tàn
Nguyễn Trãi
Tôi không có chủ tâm nhìn lại quá khứ để tự hành hạ mình và gián tiếp
hành hạ người khác. Tôi cũng không có chủ tâm tìm cách phê phán hay hạ
nhục những người đã có thời ở phía bên kia mà tôi đã nêu tên tuổi, đã
đưa ra những sự việc trong phần bài trước. Đó chỉ là những việc cần phải
nói, cần phải viết cho nhu cầu sự thật.
Tôi cho rằng, ở một góc độ nào đó – một góc độ ẩn khuất mà có thể bản
thân không hiểu được – ở một thời điểm nhất định trong một hoàn cảnh
nhất định – họ đã tin tưởng và chọn lựa. Sự chọn lựa từ một hoàn cảnh
theo ý nghĩa của J.P Sartre: Con người là con người từ một hoàn cảnh. (
L’homme-en-situation). Chính hoàn cảnh quyết định con người là thế này
hay thế kia.
Nói theo nghĩa đời thường thì: Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.
Nhưng nói theo triết lý của trường phái Tự Do – nói như nhà tư tưởng F.A. Hayek – tác giả cuốn sách: The road to Serfdom(Đường về nô lệ) có thể đó là sự sai lầm chân thật của họ, dù đó là những sai lầm rất nặng nề.[1]
Người ta thường nói: Đường xuống hỏa ngục thì đầy những kẻ thiện chí!!
Sự đồng cảm ở đây với những người vừa kể trên của người viết bài này trở thành chân lý của đời sống.
Bằng chứng là nay nhiều người trong số họ cũng ngao ngán vỡ lẽ kiểu Nguyễn Văn Trung: dấn thân vào cách mạng là một thứ đầu tư phá sản.
Mà khi biết ra được thì đã trễ.
Nhiều người nay khi tóc đã bạc – nhìn lại cuộc đời tranh đấu cho một
lý tưởng – coi như họ đã hoang phí cả cuộc đời tuổi trẻ vào một thứ ảo
tưởng như trường hợp Hồ Ngọc Nhuận, Lê Hiếu Đằng, Ngô Công Đức, Chân
Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Cao Lập.
Như thế, phải nhìn nhận có một thứ sai lầm chân thật.
Nhà thơ Vân Hải trong truyện ngắn Người cùng làng mở đầu bằng hai câu thơ như một hối tiếc cho cả một thời:
Khi biết mình ngu dại
Tóc trên đầu bạc phơ.[2]
Và tâm trạng hối tiếc ấy cũng được cả những người trí thức miền Bắc
mà tên tuổi không thiếu như Dương Thu Hương, Vũ Thư Hiên, Bùi Tín và
hằng trăm người khác không tiện liệt kê hết.
Nhìn lại cảnh tượng đất nước hiện nay trong vòng mấy chục năm qua –
kẻ còn chút lòng – không khỏi động não thì hóa ra không phải con người.
Năm 1975, người cộng sản miền Bắc thừa hưởng một nửa phần nửa đất
nước miền Nam – dù có chiến tranh – hầu như nguyên vẹn. Nó cho thấy một
tiềm năng của một xã hội có triển vọng tân tiến, một xã hội dân sự có
khung hình pháp lý dân chủ, tự do.
Họ chỉ cần bỏ ra chút xíu cái phần còn lại là tạo dựng được một thể
chế chính trị cởi mở – xây dựng trên tự do, dân chủ. Và sẽ có một nước
Việt Nam ngang hàng với các nước lân bang như Đại Hàn, Singapore v.v… về
mọi mặt.
Họ đã không làm được. Tự hỏi vai trò người trí thức miền Bắc đã làm được gì trong khoảng thời gian ấy?
1. Họ đã làm được cái việc là phá nát miền Nam
Ngồi nhìn lại cái ngày 30 tháng tư, cái ngày mà tựa đề một bài hát của người cộng sản hát nhai nhải trên đài phát thanh: Bão Nổi Lên Rồi.
Quả thật đó là cơn bão đến cấp số 9 tàn phá miền Nam. Nó quét sạch trên
đường đi của nó nhà cửa, tài sản vật chất, ngay cả của chìm của nổi,
vốn liếng văn hóa, tinh thần tôn giáo và nhất là niềm tin và tương lai
con người.
Tai họa của cơn bão ấy, chúng tôi đã chịu một mình.. Không một ai dơ tay ra đỡ chúng tôi hoặc lên tiếng.
Thế giới bên ngoài tạm thời bị cô lập không một ai biết điều gì đang xảy ra ở miền Nam trong những năm tháng ấy.
Có lẽ chưa ai nghĩ đến điều này – và đây là lần đầu tiên được đặt ra –
Những người trí thức miền Bắc, họ ở đâu, họ nghĩ gì và thái độ họ ra
sao?
Nói chung có thể họ vui mừng và chấp nhận chiến thắng ấy như một điều
vinh dự – trong đó những năm tháng khốn khổ nay có thể được đền bù.
Những biện pháp xảy ra sau đó như đánh tư sản mại bản, chiến dịch triệt
tiêu văn hóa đồi trụy và nhất là chính sách phân biệt ngụy quân, ngụy
quyền và chính sách tập trung cải tạo là một điều tất yếu phải xảy ra
thôi.
Người miền Nam nay được coi là ngụy quân ngụy quyền – họ mất cái căn
cước là người quốc gia vì chủ nghĩa lý lịch. Nếu có gọi họ là người vô
tổ quốc cũng không hẳn là sai.
Cái tâm trạng chung là buồn và bất lực. Và cảm giác mất quê hương.
Dù sau này ông Võ Văn Kiệt có nghĩ rằng sau ngày giải phóng, có triệu
người vui thì cũng có triệu người buồn – Câu nói đó cũng không vì thế
mà thay đổi được tình thế. Câu nói đó trên thực tế cũng hoàn toàn sai.
Trừ một thiểu số người đã chót theo cộng sản, số còn lại đều buồn.
Tại sao lại buồn, đó là điều mà những người trí thức miền Bắc cần tìm hiểu.
Sau năm 1975, nhiều bất hạnh đã xảy đến cho miền Nam nói sao cho hết.
Chính vì không chịu đựng nổi liên tục ngày này qua tháng nọ – mỗi
ngày mỗi hà khắc – mỗi ngày thấy sự bất công phi lý – mỗi ngày thấy
tương lai vô định mà họ mang nỗi nhục ấy phải liều mình ra đi.
Hành lý mang theo không phải tiền bạc mà là cái đầu – một ý chí quyết vươn lên làm lại cuộc đời – và một trái tím rướm máu.
2. Sự đối kháng của người dân miền Nam
Trước sự bóc lột tận xương tủy, sự chà đạp lên phẩm giá con người một
cách thô bạo nhất, thái độ dân miền Nam là gì? Suy từ thân phận của tôi
ra, tôi nghĩ rằng mình như con cá nằm trong chậu, không lối thoát.
Sự đối kháng của người dân miền Nam là hoàn toàn tiêu cực: sự bất
lực, sự chán nản, sự ê chề, sự nhục nhã, sự chịu đựng và cuối cùng là
trốn chạy, là chọn sự ra đi thay vì ở lại đối đầu.
Trí thức miền Bắc thì chọn lựa thái độ chính trị con Đà Điểu. (La
politique d’Autruche), quay mặt làm ngơ để cho chính quyền muốn làm gì
thì làm
Việc ra đi là một bước đường cùng, tìm trong cái chết một lẽ sống. Ra
đi hay là chết là quyết tâm không thể sống chung. Đó là sự đối kháng
quyết liệt nhất, sự phủ nhận toàn diện sự hiện hữu của chế đố ấy, sự
không khoan nhượng.
Cho đến bây giờ, tôi tin chắc một cách xác tín rằng – ngay những
thành phần trí thức tiến bộ nhất của miền Bắc cũng như giới lãnh đạo
miền Bắc chưa hiểu đầy đủ hết ý nghĩa của việc ra đi này. Phải là người
trong cuộc – phải là nạn nhân của chế độ ấy mới hiểu hết được. Ngay cả
những người ra đi trước 1975 và những người ra đi ở thời điểm 1979 cũng
đã có khoảng cách về nhận thức và kinh nghiệm sống rồi.
Xem lại những đoạn phim về hình ảnh người vượt biển với bao gian nan mới thấy hết được sự tàn bạo của kẻ tự nhận là chiến thắng.
Xin ghi lại hình ảnh một trong những cảnh đau thương đó. Vụ chìm tầu ở
Cát Lái. Bến Phà Cát Lái, gần Thủ Đức đã xảy ra vụ chìm tầu rất là
thương tâm.. gồm gần 300 người chết đuối không thoát ra được. Đây chỉ là
một vụ trong 9 vụ chìm tầu khác được chính quyền cộng sản thu tiền và
cho phép ra đi công khai được gọi là: Đi bán chính thức. Việc ra đi như
thế nhằm chủ yếu vào người Tàu gốc Việt. Nhưng sau này thì các cuộc ra
đi bán chính thức phần lớn là người Việt Nam, mang giấy tờ giả là người
Việt gốc Hoa.
Sau vụ chìm tầu, phải mấy ngày sau mới trục được tầu lên và các xác
chết đã phình thối. Được biết có nhiều xác chết mẹ con còn ôm dính lấy
nhau không gỡ ra được. Người ta đành để như thế chôn cả hai mẹ con trong
một quan tài..Tôi cũng có người bạn đồng nghiệp bị chết ở Vũng Tầu, khi
xác chết trôi vào bờ thì cả người bị cá rỉa không còn nhìn ra hình dạng
người nữa.
Được tin này, chúng tôi cũng là người sắp trốn đi theo diện Phương Án
II thấy rụng rời. Tin đồn tầu chìm này lan rộng ra khắp Sài Gòn làm nao
núng không ít những người cũng sắp ra đi. Và chỉ hơn một tháng sau đó,
tôi cũng ra đi như thế. Thật biết là cái chết gần kề mà như thể có động
lực gì bí ẩn vẫn thúc đẩy ra đi, coi cái chết sao nhẹ thế!!
Đây là những vụ buôn người không hơn không kém cũng như sau này buôn gái sang Đài Loan, Đại Hàn.
Không có việc gì mà người cộng sản không làm.
Tất cả những chính sách bất nhân, vô nhân đạo ấy đều được kẻ chiến
thắng – ngay cả đối với thành phần trí thức tiến bộ nhất của chính quyền
cộng sản – coi như những biện pháp chính đáng phải thi hành. (Mesures
légitimes).
Thật ra nó chỉ là Cái chính đáng của kẻ chiến thắng [3]. Họ nói không biết ngượng.
Người trí thức cộng sản đề cập đến vấn đề nhận thức luận kiểu này họ
gọi đó là thái độ là duy ý chí. Biết như thế mà họ vẫn nhắm mắt tin
tưởng, nhắm mắt rêu rao một cách phi lý. Về điểm này, lại một lần nữa,
F.A. Hayek coi đó là một thái độ khinh miệt trí thức con người. của một
lớp người “chuyên nghề buôn bán qua lại các ý tưởng”.[4]
Trong khoảng thời gian ít nhất 15 măm, toàn dân miền Nam chịu đựng
những trù dập, những biện pháp được coi như trả thù của kẻ chiến thắng
mà người ta bắt buộc phải làm như vậy và không thể làm khác được.
Trong suốt những năm ấy, người ta không nhận được bất cứ tín hiệu
phản kháng chính thức nào của nạn nhân cũng như của thành phần trí thức
tiến bộ!!
Đó là một thời gian dài một bên chịu đựng, một bên áp đặt mà không
một ai nhận thức ra được sự bất công tàn bạo trong mối tương quan giữa
kẻ chiến thắng và kẻ chiến bại.
Sau 38 năm nhìn lại, người ta dần dần mới nhận thức rõ được đó là sự
say mê điên cuồng chiến thắng, tiếp theo là sự bất lực và yếu kém trong
quản lý và nhất là sự vô trách nhiệm vô giới hạn (Irresponsabilité
illimitée) từ trên cao đến xuống thấp đã đưa đất nước đến bên bờ vực
thẳm.
Vì thế, cho đến nay không biết ai là người trực tiếp trách nhiệm về những tội ác đổ trên đầu con dân miền Nam.
Từ 1975-1990, con dân miền Nam bị rơi vào tình trạng tâm sinh lý bất
động co dúm lại mà không có một phản ửng nhỏ dù là tự vệ (Immobilisme
convulsionnaire). Mặc cho kẻ chiến thắng bạo hành.
Thế giới bên ngoài không biết đến. Trí thức, nhà văn phía bên kia im lặng đồng lõa!
Đã hẳn ở bình diện cá nhân, người ta cũng còn gặp gỡ được những người
cộng sản có một tấm lòng như trường hợp các ông Võ Văn Kiệt, Tạ Bá
Tòng, Nguyễn Hộ (quan tâm tới một số trí thức miền Nam đi học tập) hay
Tống Văn Công (Người đã lo lắng quan tâm đến hoàn cảnh của họa sĩ Chóe
sau khi đi cải tạo về)[5]. Ông cũng là người sau này, xin ra khỏi Đảng)
Và muộn màng hơn nữa có các ông Bùi Tín kết án việc đi học cải tạo và
Phạm Xuân Nguyên bênh vực việc cho tái xuất bản sách của Dương Nghiễm
Mậu.
Tôi cũng chia sẻ một cách sâu xa con người của ông Bùi Tín khi “giải
phóng” xong miền Nam, ông rất hả hê vì đã trả được những món nợ các cháu
con bà chị đã hy sinh tại chiến trường Huế, Quảng Trị v.v…
Và ít ra ông là một trong những trí thức hiếm hoi lên tiếng công khai
phê phán nhà nước trong các vụ cải tạo, vụ chèn lấn các tôn giáo v.v…[6]
Nói cho cùng, họ chỉ nói lấy được.
Nhắc lại một lần nữa. Họ không biết ngượng. Nói thẳng là có sự khinh
miệt giữa kẻ thắng – người thua. Họ khinh miền Nam vì họ thắng. Miền Nam
khinh miệt lại vì họ ngu dốt quá.
3. Giải trừ những huyền thoại về đế quốc Mỹ xâm lược và vai trò Giải Phóng miền Nam cũng như những ngữ từ có ý miệt thị.
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam giữa đôi bên – ngoài võ khí giết
người – ngoài việc ám sát thủ tiêu các viên chức xã ấp – ngoài việc
giật mìn phá hoại cầu cống đường xe lửa, đường bộ – còn một trận chiến
các danh từ.
Danh từ đủ loại cỡ lớn, cỡ nhỏ đủ loại như chiến tranh xâm lược, bọn
Thực dân mới, bọn lính đánh thuê, bán nước, chống Mỹ cứu nước, Giải
phóng miền Nam, Mỹ-Ngụy, Mỹ-Diệm, Mỹ-Thiệu, bọn ngụy quân, ngụy quyền,
thứ văn hóa phản động, đồi trụy v.v.. Tất cả được đơn giản hóa, tóm gọn
đến cực kỳ như những khẩu lệnh.
Nó tiêu biểu trong một tuyển tập truyện ngắn của Bảo Ninh, Hà Nội lúc không giờ:
Năm 2000:
‘Chỉ một minh Tú, một tay mọt sách, nguyên sinh viên trường Tổng
Hợp là không ngại rúc vào đó, ngụp lặn lục tìm trong bụi, tha về phòng
một bao tải nặng chịch những cuốn tiểu thuyết chưa bị mối xông. Nhưng
bởi tất cả đều rặt một nòi thối tha mục nát văn chương chống Cộng, chữ
nghĩa tối tăm, mờ ám, nội dung láo toét, ít ai kiên nhẫn đọc nổi quá nửa
trang, chất giấy lại không hợp để vấn thuốc và khổi thì quá nhỏ để gói
bọc một thứ gì, thành thử đống sách của Tú chẳng mấy ai buồn ngó, dù
rằng nó cứ vơi đi. Người ta thấy các mẩu vụn của những Chu Tử, những
Xuân Vũ, những gì đó nữa quanh chỗ đựng điếu cầy và trong nhà bếp, trong
nhà cầu’.
Cái nhìn về miền Nam một cách xàm tấu như vậy riết nhiều người coi
như sự thật, thành chân lý, thành đúng quá không cần bàn cãi nữa.
Họ tuyên truyền là số một, không ai hơn họ.
Họ hô hào: Nhà nhà, người người – ba đảm đang – phải hy sinh tất cả
để vào giải phóng đồng bào ta trong Nam đang bị cùm kẹp bởi Mỹ -Ngụy.
Cái khẩu hiệu trên nó giống và tương tự như sự nhận xét của F.A Hayek.
Ông gọi là sự ngu dốt riêng đã tạo sự khôn ngoan chung[7].
Nay nó đã biến thành một thứ kiến thức vô thức tập thể – Người người
nói – Nói mỗi ngày – nói mọi nơi – trong đám đông, trong học tập. Và
không ai bảo ai, nó được kích động bằng những tràng pháo tay.
Và chẳng may có ai nói khác đi – Đích thị kẻ đó là phản động. Đó cũng
là câu chuyện được kể trước đây trong sách Quốc Văn Giáo khoa thư lớp
Đồng Âu kể rằng: Có một người đi đường bị một con chó cắn và sủa mãi.
Ông tức điên lên và nghĩ ra được cái kế, ông hô to: Chó dại, chó dại.
Dân làng tưởng thật đã đổ xô ra và cầm gậy gộc đập chết con chó.
Chúng ta nên tội nghiệp con chó hay nên tội nghiệp những người đã ngu dại nghe lời xúi bậy đập chết con chó?
Cho nên cũng chẳng lấy gì làm lạ khi thấy giới trí thức miền Bắc im
lặng, đồng lõa trước những biện pháp của chính quyền cộng sản ở miền Nam
sau 1975 và những biện pháp ấy được coi là chính đáng vì họ quá bị
tuyên truyền, bị nhồi sọ, bị bịt mắt.
Sự tuyên truyền ấy ngày này qua tháng nọ biến họ có những suy nghĩ có
điều kiện như một thứ phản xạ máy móc cực đơn giản và cực độ về lẽ phải
trái. Ta phải, địch sai. Ta yêu nước, địch bán nước. Nói theo triết lý
trong Kim Dung thì có kẻ chính, kẻ tà.
Người cộng sản là bàng môn chính phái còn miền Nam là bàng môn tả đạo.
Điều ấy được cũng chứng tỏ trong một bài viết của Lý Chánh Trung, ông cho rằng: Ông
là một trí thức miền Nam mà sau 18 tháng học chủ thuyết Mác Xít-Lênin,
mặc dầu ông đã theo học nghiêm túc, viết lách cũng không tệ lắm, tư
tưởng cũng không tồi lắm, nhưng mấy lần thi chỉ đạt điểm trung bình. Chỉ
có lần chót, chắc nhờ sự can thiệp của một cán bộ nào đó, tôi mới được
điểm trung bình khá. Trong khi các cô sinh viên – học trò ông – cười
nói: Thầy viết như thế này thì làm sao đạt điểm cao được như tụi em
được, vì thầy viết theo ý thầy, còn em viết “y chang” như sách, sách
viết như thế nào thì trả bài “y chang” như vậy [8].
18 tháng theo học triết lý Mác Xít-Lênin, Lý Chánh Trung vẫn chưa thuộc bài. Phải biết nói như con vẹt.
Vấn đề của chúng ta ngày hôm nay – nhất là trí thức miền Bắc – là
chúng ta cần biết tẩy não, giải trừ tất cả những điều do tuyên truyền
bịa đặt, do nói dối trá, do che dấu quá lâu..Và sự thật sẽ giải phóng
chúng ta. Nhiều người trí thức có thể không đồng ý với tôi, nhưng đó vẫn
là sự thật!!
Chẳng lẽ quý vị cứ tiếp tục ăn bánh vẽ mãi sao!!
_______________
[1] F.A, Hayek, The road toSerfdom Đường về nô lệ, Phạm Nguyên Tường dịch, nxb Tri thức, trang 407
[2] Vân Hải, Chuyện người cùng làng, trang 15
[3] Về điểm này, sau 4 năm sống dưới chế độ ấy, tôi nhận ra lối lý luận của người cộng sản là lối lý luận thiếu tri thức luận.
Tức là thiếu phê bình-. nói huỵch tẹt là lý sự cùn. Họ nói thế nào cũng
được..Trong những buổi học tập chính trị kéo dài trên cả năm trời-. Họ,
những cán bộ miền Bắc, ra rả chửi chế độ tư bản bóc lột, bần cùng hóa
người lao động, biến họ thành tay saivv. Họ đưa trường hợp công nhân Đại
Hàn chỉ hưởng có 400 đô la- một tháng. Như vậy là bóc lột công nhân. Họ
thừa biết là công nhân viên nhà nước lúc bấy giờ lương bổng được 30 đô
la một tháng đã là niềm mơ ước rồ.
[4] F.A. Hayek, Đường về Nô Lệ, Pham Nguyên Tường, trang 406
[5]
Chóe, Nguyễn Hải Chí, Tử tội, Tủ sách Tiếng Quê Huong xuất bản. Ai chưa
có dịp đọc, xin mời đọc. Chóe được ông Tống Văn Công giúp cho làm Báo
Lao Động mới với nhiệm vụ trình bày tờ báo. Họa sĩ Chóe qua đời ngày
12-3-2003, sau 3 tháng sang Mỹ chữa bệnh.
[6] Xem Thành Tín, Mặt Thật, Hồi ký chính trị, các trang 215-218.
[7] F.A. Hayek, Đường về nô lệ, Phạm Nguyên Tường dịch, nxb Tri Thức, trang 413
[8] Lý Chánh Trung, Tuổi Trẻ Chủ Nhật, 13-11-1988
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét