Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Vận Động Quốc Hội Mỹ can ngăn Đài RFA cắt bỏ giờ phát thanh về Việt Nam

Danquyen

 Trường Sơn
( Tin tổng hợp từ Ban Vận Động Thành Lập Đài Á Châu Tự Do)  Sau khi được tin vào tài khóa 2014, Đài Á Châu Tự Do ( RFA) sẽ cắt bỏ chương trình phát thanh làn sóng ngắn về Việt Nam 2 giờ mỗi ngày, cộng đồng người Việt đã tổ chức một phái đoàn đến gặp Dân Biểu Ed Royce tại Orange county vào ngày 18-3-2014 và một phái đoàn khác cũng đã tiếp xúc với Dân Biểu Scott Peters tại San Diego để thuyết phục hai vị dân biểu nầy can ngăn Đài RFA cắt bỏ chương trình phát thanh về Việt Nam qua làn sóng ngắn (short wave).


Phái đoàn tại Orange County gồm có BS Võ Đình Hữu, Chủ Tịch Cộng Đồng Việt Nam Liên Bang Hoa Kỳ, GS Nguyễn Thanh Trang, Chủ Tịch Tổ Chức Dân Chủ Việt Nam và nguyên Trưởng Ban Vận Động Thành Lập Đài Á Châu Tự Do, Hòa Thượng Thích Viên Lý, Chủ Tịch Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Hoa Kỳ, GS Nguyễn Xuân Vinh, Chủ Tịch Hội Đồng Đại Diện Tập Thể Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa và Bà Nguyễn Minh Nguyệt, Phó Chủ Tịch Cộng Đồng Việt Nam tại Nam California.
Phái đoàn tại San Diego gồm có GS Nguyễn Thanh Trang, Kỹ Sư Đỗ Như Điện, Tổng Thư Ký Tổ Chức Dân Chủ Việt Nam và là Điều Hợp Viên Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại, GS Nguyễn Bá Lộc, Chủ Tịch Hội Khoa Học và Kỹ Thuật, ông Mai Quan Vinh, Trưởng đơn vị San Diego thuộc Lực Lượng Cứu Quốc, và hai thành viên của Hiệp Hội Người Việt San Diego là bà Trần Mỹ Huê và ô. Dương Ngọc Dược.
Được biết trong một bức thư đề ngày 27-2-2014 gởi GS Nguyễn Thanh Trang, Chủ Tịch Foundation for Democracy of Vietnam, Ông Jeffrey Shell, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị các cơ quan phát thanh Hoa Kỳ (Broadcasting Board of Governors-BBG) đã chính thức thông báo Đài Á Châu Tự Do sẽ hủy bỏ chương trình phát thanh 2 giờ mỗi ngày trên làn sóng ngắn kể từ tài khóa 2014, vì rất ít người tại Việt Nam nghe đài qua làn sóng ngắn và đa số dân chúng nghe đài RFA qua Internet.
Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận do cơ quan BBG thuê tổ chức Gallup Poll thực hiện trong năm 2013, trên 90% dân chúng Việt Nam biết được tin tức qua TV, 21% nhờ Internet, 15% qua báo chí và 18% do nghe radio. Riêng nhóm thính giả vào nghe radio qua Internet, trên 60% có trình độ đại học và 33% có học lực trung học. Cũng theo kết quả cuộc thăm dò nầy, trong số thính giả nghe phát thanh, chỉ có 22% số người sở hữu radio, trên 81% thính giả nghe đài qua làn sóng trung bình và một số rất nhỏ  nghe đài qua làn sóng ngắn. Dựa vào những kết quả đó, hội đồng quản trị các chương trình phát thanh của Hoa Kỳ (BBG) đã đi đến quyết định nói trên.
Các thành viên của phái đoàn người Việt đã thay phiên nhau trình bày các thảm trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, từ vấn đề tự do tôn giáo, tự do ngôn luận đến tự do lập hội và tự do thành lập nghiệp đoàn độc lập. Tại Việt Nam. Ngay cả sau khi Việt Nam đã tích cực vận động để được bầu vào Hội Đòng Nhân Quyền của LHQ, nhà cầm quyền Hà Nội còn gia tăng đàn áp những người bất đồng chính kiến, đặc biệt là các giới trẻ và các blogers.
Theo tổ chức Ký Giả Không Biên Giới, hiện nay Việt Nam là một nhà tù lớn thứ nhì trên thế giới, trong đó họ đang giam giữ 35 bloggers và nhiều thành viên mạng. Về chỉ số tự do thông tin và tự do ngôn luận, trong năm 2013 Việt Nam đã bị tổ chức quốc tế nầy xếp hạng 274 trên 180 quốc gia, nghĩa là Việt Nam gần đội sổ.
Như mọi người đều biết, tại Việt Nam tất cả báo chí, truyền thanh và truyền hình đều do Đảng Cộng Sản điều hành và kiểm soát chặt chẽ, mọi thông tin chỉ là một chiều. Dân chúng chỉ được biết những gì chính phủ muốn cho dân nghe, dân biết. Vì vậy người dân rất khao khát được nghe, được biết những nguồn thông tin trung thưc khác. Đó là lý do tại sao các chương trình phát thanh từ hải ngoại như các đài quốc tế RFA, RFI, VOA và Đài phát thanh Đáp Lời Sông Núi của Lực Lượng Cứu Quốc là rất được dân chúng đón nghe, mặc dầu nhà nước có thể gây khó khăn.
Khi bàn về kết quả các cuộc thăm dò dư luận của tổ chức Gallup Poll, phái đòn Việt Nam đã cho rằng tổ chức Gallup Poll là một chức có uy tín, nhưng khi họ đến công tác tại Việt Nam, vì lý do an ninh và đi lại khó khăn, nhất là các vùng thôn quê, hẻo lánh, các cuộc phỏng vấn hầu hết chỉ được thực hiện tại một số thành phố lớn và các vùng phụ cận. Ngay cả tại thành phố, giới thương gia và thợ thuyền, lao động thường e ngại trả lời các cuộc phỏng vấn. Đa số những người đồng ý trả lời là thành phần trí thức, sinh viên, chuyên viên, v.v. Còn tại các vùng ngoại ô thành phố, tỷ lệ số người có thể trả lời phỏng vấn còn thấp hơn. Ngoài ra, tại Việt nam hiện nay nông dân thợ thuyền vẫn chiếm trên 80% dân số, vì vậy, chúng ta có quyền nghi ngờ kết quả của Gallup Poll cho rằng rất ít người Việt Nam vào nghe RFA làn sóng ngắn.
Phái đoàn Việt Nam cũng lưu ý các vị Dân Biểu Mỹ rằng, hầu hết nông thôn, nhất à những vùng xa thành phố, không thể có Internet, và trình độ dân chúng không đủ sức xử dụng computers để vào nghe đài RFA, mà họ phải dùng các radio chạy bằng pin, vừa rẽ tiền vừa dễ di chuyển và xử dụng đơn giàn. Đó là lý do tại sao radio vẫn là phương tiện thông tin hữu hiệu nhất ở nông thôn Việt Nam.
Ngoài vấn đề vận động Đài RFA Việt ngữ giữ lại chương trình phát thanh qua làn sóng ngắn, các phái đoàn người Việt đã thỉnh cầu hai Dân Biểu Ed Royce và Scott Peters can thiệp  cho hai cựu tù nhân lương tâm Việt Nam sớm được rời khỏi trại tị nạn tại Thái Lan đó là nhà báo Đặng Chí Hùng, tên thật là Phạm Mạnh Hùng và LS Huỳnh Nguyên Đạo.
Anh Hùng đã được chính phủ Canada chấp thuận cho sang tị nạn tại Canada, nhưng CSVN đã vu khống anh có trọng tội và đã trốn khỏi Việt Nam, nên tổ chức Interpol đã yêu cầu Thái Lan giữ anh lại để điều tra. Còn anh Huỳnh Nguyên Đạo và vợ con cũng đã được Hoa Kỳ chấp thuận cho sang Mỹ tị nạn, nhưng đã ngót hai tháng rồi, gia đình vẫn chưa nhận được Visa đi Mỹ.
Sau khi lắng nghe và thảo luận các vấn đề nói trên với hai phái đoàn Việt Nam, Dân Biểu Ed Royce cũng như Dân Biểu Scott Peters đều đã hứa hẹn sẽ viết thư cho cơ quan BBG để yêu cầu giữ lại chương trình phát thanh Việt ngữ qua làn sóng ngắn, hoặc chỉ giữ lại một giờ làn sóng ngắn và tăng thêm một giờ làn sóng trung bình, nếu BBG tin rằng làn sóng trung bình hữu hiệu hơn làn sóng ngắn. Hai Dân biểu nầy cũng hứa sẽ viết thư cho LHQ và chính phủ Thái Lan để can thiệp cho Đặng Chí Hùng được rời Thái Lan đi Canada và viết thư yêu cầu Bộ Ngoại Giao Mỹ nhanh chóng cấp Visa cho gia đình Huỳnh Nguyên Đạo được sang Mỹ tị nạn.
(Trường Sơn tường thuật từ San Diego, 20/3/2014)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét