Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Vì sao Ấn Độ cấm được TQ vào lãnh hải tìm kiếm?


http://www.baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/vi-sao-an-do-cam-duoc-tq-vao-lanh-hai-tim-kiem-3004810?p/p21
(Quan hệ quốc tế) – Vì sao Ấn Độ không cho phép Trung Quốc vào lãnh hải tìm kiếm, và điều gì khiến Trung Quốc ngậm ngùi chấp nhận kết quả này?
Trung Quốc đã đánh tiếng xin phép Ấn Độ để tàu hải quân nước này vào lãnh hải gần Biển Andaman và quần đảo Nicobar thuộc vùng biển của Ấn Độ để tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia mất tích hôm 19/3. Lực lượng mà hải quân Trung Quốc đưa vào là một đội 4 tàu gồm 2 tàu khu trục và 2 táu cứu hộ, cùng một số máy bay trực thăng.

Tuy nhiên, Ấn Độ đã từ chối “một cách lịch sự” nhưng cũng không thiếu phần quyết đoán, rằng “Không cần thiết để bất kỳ ai khác tìm kiếm trong khu vực”. Trung Quốc đành phải vui vẻ với quyết định của Ấn Độ.
Vì sao Trung Quốc năng nổ tìm máy bay cho Malaysia?
Theo dõi diễn biến vụ việc bắt đầu từ ngày 8/3/2014 cho đến nay, Trung Quốc là quốc gia có nhiều nỗ lực trong việc tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích của Malaysia nhất. Quốc gia này không ngừng bung lực lượng rà khắp Biển Đông, và bây giờ là đến Ấn Độ Dương.
Lý do dễ hiểu nhất, Trung Quốc có hơn 150 người công dân trên chiếc máy bay ấy, và họ đang thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn một cách gấp rút là điều dễ hiểu. Bản thân lãnh đạo Trung Quốc cũng đang chịu nhiều sức ép từ dư luận và thân nhân những người bị nạn.
Tàu đổ bộ cỡ lớn Côn Lôn Sơn của Trung Quốc đang làm nhiệm vụ tìm kiếm chiếc máy bay mất tích
Tàu đổ bộ cỡ lớn Côn Lôn Sơn của Trung Quốc đang làm nhiệm vụ tìm kiếm chiếc máy bay mất tích
Tuy nhiên, chiếc máy bay này, dù vô tình hay hữu ý, cũng tạo cho Trung Quốc nhiều cơ hội mà nằm mơ cũng không thấy.
Thứ nhất, cách chiếc máy bay này biến mất khỏi radar kiểm soát không lưu, bay lượn tự do trên không phận một số quốc gia đang có tranh chấp với Trung Quốc đã vẽ ra một bản đồ chi tiết những điểm yếu, lỗ hổng, thậm chí là tử huyệt của hệ thống radar phòng không Đông Nam Á. Và khi đã tìm ra điểm yếu thì cách khắc chế hoàn toàn dễ dàng.
Đồng thời, Trung Quốc cũng có cơ hội xâm nhập vào những vùng lãnh hải mà bình thường không thể vào để “quan sát”. Tiếp bước lợi thế này, khi chiếc máy bay có thông tin về phía Ấn Độ Dương, Trung Quốc vội vã “tìm kiếm”.
Thứ hai, nhờ có chiếc máy bay mất tích, Trung Quốc được dịp thể hiện vai trò của nước lớn trong khu vực. Họ tiến hành gấp gáp cái sứ mệnh “bảo vệ công dân” của mình, lãnh đạo cả khu vực trong nhiệm vụ quốc tế lần này.
Nhìn ra quốc tế, công dân của các nước lớn luôn là cái cớ để họ tùy ý động binh. Như việc Nga triển khai lực lượng tại Syria để bảo vệ người Nga trước cuộc nội chiến nước này, hoặc đưa quân đội vào Crimea để bảo vệ công dân và những người nói tiếng Nga ở Ukraine.
Song song với đó là khoe được với thiên hạ những trang thiết bị hiện đại, đồng thời cũng là kiểm chứng khả năng triển khai lực lượng một cách gấp rút.
Quần đảo Nicobar của Ấn Độ, án ngữ đường vào lãnh hải nước này, dễ dàng kiểm soát tuyến hàng hải Á - Âu qua eo biển Malacca
Quần đảo Nicobar của Ấn Độ, án ngữ đường vào lãnh hải nước này, dễ dàng kiểm soát tuyến hàng hải Á – Âu qua eo biển Malacca
Vì sao Ấn Độ cấm cửa được Trung Quốc
Tàu chiến Trung Quốc đã gõ cửa xin vào lãnh hải Ấn Độ vì mục đích cao đẹp là tìm kiếm cứu nạn, và Ấn Độ đã lịch sự từ chối. Ấn Độ dựa vào những điều gì để có thể đàng hoàng từ chối lời yêu cầu của người khổng lồ châu Á?
Trước hết, Ấn Độ vẫn đang tìm kiếm chiếc máy bay của Malaysia với lực lượng lớn, hiện đại, và thường xuyên. Sức mạnh không quân, hải quân của quốc gia này so với Trung Quốc có thể nói là một chín một mười. Vì thế, Trung Quốc không thể dựa vào yếu tố kỹ thuật để giúp Ấn Độ trong việc tìm kiếm.
Không quân Ấn Độ tìm kiếm chiếc máy bay mất tích
Không quân Ấn Độ tìm kiếm chiếc máy bay mất tích
Việc từ chối này đã giúp Ấn Độ khẳng định được sức mạnh quân sự, hàng hải, hàng không của mình ngang tầm Trung Quốc. Và họ không cần Trung Quốc phải vượt biển xa để vào biển nhà mình giúp đỡ. Sự từ chối là quyết định đúng đắn từ lòng tự trọng của hai quốc gia ngang cơ.
Thứ hai, Ấn Độ và Trung Quốc là hai kình địch tại châu Á. Cả Ấn Độ và Trung Quốc không ngừng chứng tỏ vị thế cường quốc của mình trong khu vực, và chắc chắn đã có một sự ganh đua không hề nhỏ. Trong nước cờ mang tính khiêu khích này của Trung Quốc, Ấn Độ đã tự cho mình không được phép yếu thế.
Thứ ba, tại khu vực mà Trung Quốc muốn thâm nhập là Biển Andaman và quần đảo Nicobar, là nơi Ấn Độ bố trí rất nhiều hệ thống phòng thủ. Xét về vị trí địa lý, quần đảo Nicobar án ngữ ngay trước mặt eo biển Malacca. Quần đảo này là cánh cửa để tiến sâu vào lãnh hải Ấn Độ, và cũng từ quần đảo này có thể là bàn đạp để vươn xa kiểm soát toàn bộ Ấn Độ Dương cũng như tuyến đường hàng hải Âu – Á.
Nếu trên biển, có vị trí nào Ấn Độ cần bố trí nhiều khí tài quân sự phòng thủ cũng như tấn công nhất, thì chính là những căn cứ tại Nicobar. Vì thế, Ấn Độ không hề muốn có những tàu khu trục, tàu cứu hộ, máy bay trực thăng của kình địch “tham quan” toàn bộ căn cứ chiến lược của mình.
Có thể thấy, nước cờ tìm kiếm máy bay mất tích ở Biển Andaman của Trung Quốc chỉ mang tính khiêu khích và cầu may. Trung Quốc đang muốn thăm dò sự cứng rắn của Ấn Độ, và nếu may mắn có thể xâm nhập vào vùng biển này.
Còn với Ấn Độ, từ chối Trung Quốc, quốc gia này đã một lần nữa khẳng định sự ngang cơ giữa hai cường quốc. Đồng thời khẳng định được một điều quan trọng: mọi vấn đề trong lãnh hải của chúng tôi, chúng tôi hoàn toàn có thể kiểm soát, không cần tới sự hiện diện của các bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét