Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

Ấn đóng trong lịch sử là ấn đóng của sự Sống, của cái Thiện (*)

Boxitvn

(Bài giảng của cha Jesus Nguyễn Thể Hiện trong Thánh lễ an táng Thầy giáo yêu nước Đinh Đăng Định ngày 7/4/2014 tại Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế 38 Kỳ Đồng, Sài Gòn)
Kính thưa cộng đoàn, bản tin mừng mà chúng ta vừa nghe công bố: một sự thật đối với con người nói chung và đối với niềm tin Kitô giáo nói riêng. Chúa Jesus hôm nay đến thăm một đám ma, thực ra người ta đã chôn người chết rồi. 

Người đau xót trước tình cảnh bi đát của thân phận con người ấy, Đức Jesus đối diện với thực trạng ấy, người thổn thức, nhưng không chỉ thổn thức mà Đức Chúa Jesus còn cho ông Lazarô phục sinh. Việc ông cho ông Lazarô phục sinh là một dấu lạ trong tin mừng Gio-an để khẳng định rằng: còn thực hơn cả nỗi đau đã gây nên sự thổn thức của chúa Jesus, còn thực hơn cả cái chết và nỗi bất hạnh đã đẩy Lazarô và gia đình Lazarô đến sự đau khổ vô bờ bến kia, là sự sống, thực hơn cả cái chết; thực hơn cả những bất hạnh, thực hơn cả những đau đớn là sự sống vĩnh cửu. Còn sâu hơn cả nỗi bất hạnh của phận người, còn sâu hơn cả là quyền lực tưởng như là không thể vượt qua nổi của sự ác, là sự sống và sự thiện. Bản tin mừng hôm nay vừa được công bố cho chúng ta một cái xác quyết căn bản đó, một xác quyết tất cả, tiếng nói cuối cùng của chúng ta: thân phận con người, cá nhân cũng như cộng đồng, tiếng nói của sự thiện, tiếng nói của sự sống – đó là sự sống vĩnh cửu. Bất chấp trong thực tế, ta thấy cái ác hình như là hoành hành, cái ác hình như có sức mạnh tuyệt đối, song trong lòng tin ta biết rằng nhờ cái chết của sự phục sinh của Chúa Jesus, người có quyền đóng ấn cuối cùng trên lịch sử sẽ là chính thiên chúa, thiên chúa của sự sống, thiên chúa của sự thiện. 


Đấy là một trong những xác tín căn bản, là nền tảng cho cuộc sống của tất cả chúng ta. Anh chị em có thể chiêm ngắm hình ảnh của đấng phục sinh được diễn tả ở trên cung thánh, để cho chúng ta thấy sự thiện sẽ thắng chứ không phải sự ác, sự sống sẽ thắng chứ không phải sự chết và chúng ta dấn thân đi trong cuộc đời này, chúng ta dấn thân cho công lý, cho sự thật, cho sự thiện, cho phẩm giá và quyền của con người. Cuộc hành trình cho cuộc dấn thân ấy có rất nhiều khó khăn, và có lúc ta tưởng chừng bị đè bẹp và cá nhân này, cá nhân kia có thể bị nghiền nát dưới quyền lực của sự dữ, nhưng mà cuối cùng ấn đóng trong lịch sử vẫn là ấn đóng của sự thiện, ấn đóng của sự sống thưa anh, chị, em; và tôi tin tưởng thầy Phêrô Đinh Đăng Định đã dấn thân trong một cuộc chiến có vẻ không cân sức, đã dấn thân trong một hoàn cảnh có vẻ là rất cô độc, đã dấn thân giữa một cái thực tế rất là bi đát của xã hội với xác tín căn bản đó, và thầy đã lãnh nhận ấn tín của bí tích rửa tội để con người bé nhỏ của thầy được hòa vào cái thiện vĩnh cửu, sự sống vĩnh cửu của thiên chúa, cái xác tín căn bản đó là xác tín nâng đỡ thầy, tôi tin như thế trong suốt những tháng ngày một mình cô đơn dấn thân, và trong suốt những tháng ngày khốn khổ nơi tù ngục. Và cũng chính cái xác tín căn bản đó dù không được ý thức rõ ràng chăng nữa cũng đã là xác tín để thầy dặn dò lại cho con cái thầy: Chúng ta đừng thù hận, chúng ta không phải là kẻ thù của nhau. Sự sân hận sẽ không có nền tảng, sẽ là phi lý nếu người ta xác tín vào sự chiến thắng của sự thiện. Sự chiến thắng của sự thiện làm cho người ta không còn phải thù hận nữa, bởi người ta biết rằng cái ác đang đè trên người mình và gia đình mình chỉ là cái gì đấy tạm thời, không có nền tảng, tiếng nói cuối cùng sẽ vẫn là tiếng nói của điều thiện, điều tốt, của công lý, của sự thật, của sự sống, của tình yêu. Trong cái xác tín căn bản đó, chúng ta đối diện với người khác mà không sân hận, mà không thù hận, thì tôi nghĩ có lẽ xuất phát từ chính cái xác tín sâu xa ấy mà ngay trên giường bệnh, giữa những hoàn cảnh bi đát, cứ bình thường người ta sẽ căm thù vô cùng, thầy cũng đã có thể nhắc nhở con cái thầy đừng sân hận, đừng thù hận, hãy yêu thương nhau, yêu thương mọi người. Chính trong cái xác tín về sự tất thắng của sự thiện, của sự sống, mình cần phải ý thức dấn thân với một lòng bao dung với một tình yêu chứ không phải sự sân hận, sự thù hận, thầy đã từ biệt chúng ta khi công trình còn dang dở. 

Hôm nay chúng ta tiễn biệt thầy trong thánh lễ này, chúng ta phải ý thức được rằng, sự ra đi của thầy không phải là dấu chấm hết. Sự ra đi này, cái chết này là một cánh cửa mở ra và mời gọi chúng ta ý thức một số thực tại quan trọng, và tôi tưởng ở trong thánh lễ an táng thầy hôm nay, chúng ta nên dừng lại một vài phút để suy nghĩ đến một vài điều quan trọng, không phải là tất cả mọi điều, mà theo tôi điều mà cho rằng là quan trọng nhất, bên cạnh người thân của chúng ta. 

Một là thầy Phêrô Đinh Đăng Định, điều thứ nhất mà tôi muốn mời cộng đoàn suy nghĩ khi tiễn biệt thầy, là suy nghĩ về NỀN TẢNG XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG VÀ XÃ HỘI ta từ mấy chục năm nay. Đất nước của chúng ta đã được xây dựng trên nền tảng của một chủ thuyết Mác - Lênin, đó là một chủ thuyết về kinh tế, chính trị. Khoan nói đến tính kinh tế đúng đắn hay không đúng đắn của chủ thuyết này. Tôi chỉ muốn mời gọi cộng đoàn hãy suy nghĩ về một chủ thuyết về kinh tế, chính trị. Cả một cộng đồng, một xã hội được xây dựng trên chủ thuyết về kinh tế, chính trị. Tôi tự hỏi đâu là chỗ cho những giá trị đạo đức, đâu là chỗ cho những giá trị tâm linh, đâu là chỗ cho những giá trị xã hội được xây dựng chỉ trên một chủ thuyết kinh tế và chính trị. Những giá trị nhân văn, những giá trị căn bản đạo đức của con người, những giá trị của luân lý, những giá trị của tâm linh, những giá trị làm nên con người khác con vật ấy đã bị đẩy xuống hàng thứ và trở thành phương tiện để phục vụ cho những mục tiêu kinh tế và chính trị. Chưa nói rằng thực tế cho thấy chủ thuyết đó đã không đúng và bộc lộ những sai lầm chết người ngay cả trên phương diện kinh tế và chính trị, thưa anh chị em. 

Hội đồng Giám mục Việt Nam trong bản góp ý để sửa Hiến pháp đã nghiêm túc đặt vấn đề về chuyện này. Cần phải đi tìm một nền tảng khác để xây dựng, cần phải đi tìm một nền tảng khác để kiến thiết cái xã hội và cộng đồng của chúng ta. Cần phải đặt cái xã hội và cộng đồng này trên một nền tảng khác, một nền tảng có tính nhân văn hơn, một nền tảng kính trọng đạo đức và luân lý hơn, một nền tảng kính trọng phương diện tâm linh của con người hơn.

Thầy Đinh Đăng Định đã không có một bản tuyên bố nào về điều ấy, nhưng thầy đã là một trong những nạn nhân của một xã hội không chú trọng đến đạo đức, không chú trọng đến những giá trị căn bản của con người. Cái xã hội chỉ biết đến quyền lợi kinh tế và chính trị (thậm chí chỉ là biết đến quyền lợi kinh tế và chính trị của một nhóm nào đấy), đã nghiền nát những tiếng nói khác và không cho phép – vâng, không cho phép – người ta đề cập đến những giá trị căn bản hơn, những giá trị sâu xa hơn của thân phận làm người. Và khi thầy Đinh Đăng Định thực hiện quyền được lên tiếng của mình, thực hiện cái khát vọng được bảo vệ môi trường của mình, khi thầy Đinh Đăng Định đề cập đến những vấn đề căn bản của xã hội, mà nếu đề cập ấy đụng chạm đến quyền lợi kinh tế và chính trị của một nhóm nào đấy, thầy bị nghiền nát.

Thầy Đinh Đăng Định ra đi, mời gọi chúng ta suy nghĩ một cách nghiêm túc, không phải chỉ là một vài hiện tượng trong cái xác tín về sự chắc chắn chiến thắng của sự thiện, sự sống, trong cái tâm từ bi của con người không sân hận mà đặt mình trên cái nền tảng của niềm tin, của xác tín kia. Chúng ta được mời gọi suy nghĩ một cách bình tĩnh, một cách thanh thản về chính cái nền tảng xây dựng xã hội của chúng ta đấy, và chúng ta được mời gọi góp phần mình như thầy Định đã góp phần để xây dựng, để kiến tạo một xã hội trên một nền tảng căn bản hơn, đúng đắn hơn.

Điểm thứ hai mà tôi muốn mời gọi anh chị em suy nghĩ khi ở bên thầy Đinh Đăng Định trong cái giờ phút cuối cùng này là tôi muốn mời anh chị em suy nghĩ về QUYỀN ĐƯỢC THAM GIA, một trong những quyền căn bản của con người xuất phát từ chính phẩm giá làm người và nhất là phẩm giá của những con người mà Chúa Kitô đã chết và phục sinh để cứu độ. Một trong những cái quyền căn bản đó của con người là quyền được tham gia vào những quyết định liên quan đến vận mệnh của mình, quyền được tham gia vào việc quản trị xã hội, quản trị cộng đồng. Sự tham gia ấy có thể ở mức độ chung nhất là quyền được bầu cử và khía cạnh thứ hai mà tôi muốn đề cập đấy là quyền được kiến nghị, quyền được lên tiếng cho những vấn đề liên quan đến chính mình, đến người thân, đến cộng đồng của mình. Đối với Việt Nam, trong lá thư gửi toàn thể dân tộc và nhất là những người có trách nhiệm của đất nước về việc sửa đổi hiến pháp đã đề cập đến một chuyện, đấy là Hội đồng giám mục Việt Nam đề nghị đừng giành độc quyền chính trị, độc quyền cai trị, quản trị đất nước cho bất kỳ một đảng phái chính trị riêng biệt nào. Thầy Đinh Đăng Định đã lên tiếng yêu cầu phải có một sự đa đảng. Khi tôi đi bầu cử, mà tôi chỉ có một đối tượng để bỏ phiếu, khi tôi đi bầu cử mà luật pháp đã quy định rằng đất nước này chỉ được điều khiển, được lãnh đạo bởi một tổ chức thì trong thực tế tôi đã bị tước chính cái quyền bầu cử đích thực của mình. Như vậy, tôi sẽ không có một chọn lựa nào khác, nếu chỉ có một cánh cửa mở cho tôi. Quyền bầu cử trong thực chất đã không còn tính toàn vẹn và chân thực của nó. Thầy Đinh Đăng Định lên tiếng về chuyện đa đảng thì vấn đề không phải là lật đổ ai – tôi nghĩ vậy – mà vấn đề là một quyền của con người, quyền tham gia vào đời sống xã hội phải được tôn trọng. Khi thầy kiến nghị về việc dừng dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên, thầy đã vận động những người khác cùng với thầy và những người khác nữa kiến nghị điều này bằng một biện pháp ôn hòa, không bạo lực, là thầy đang thực hiện quyền tham dự vào sự việc của đất nước, của cộng đồng. Thầy đã phải trả giá cho việc thực hiện cái quyền ấy. Hôm nay, trước di hài của thầy, trước những giây phút cuối cùng của thầy, tôi mời gọi anh chị em suy nghĩ về điều ấy – thưa anh chị em, suy nghĩ về chuyện được tham gia của chính chúng ta và cộng đồng chúng ta. Xin thưa thật với anh chị em là, chúng tôi, những linh mục, không kêu gọi lật đổ bất cứ ai và chúng tôi không làm chính trị nhưng chúng tôi đề cập đến quyền được tham gia của người dân và thầy Định tôi tưởng cũng đã nghĩ đến quyền ấy không phải chỉ bằng ý chí, không phải chỉ bằng hoài bão và thầy đã dấn thân để thực hiện cái quyền ấy của mình và thầy đã trả giá! 

Điểm thứ ba mà tôi muốn mời gọi anh chị em suy nghĩ, trong muôn vàn điều chúng ta có thể suy nghĩ rằng cái chết này mở ra đó là QUYỀN CỦA NHỮNG TÙ NHÂN, NHẤT LÀ TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM. Ngay cả trong trường hợp con người ta có tội mà phải vào tù, thì những quyền căn bản của con người như: quyền ăn, quyền uống, quyền được chữa bệnh… vẫn còn phải được tôn trọng, nhất là quyền về tâm linh nữa. Thế nhưng mà trên thế giới này, chắc không phải chỉ có ở Việt Nam, quyền của các tù nhân vẫn chưa được tôn trọng và chính sự thiếu tôn trọng những tù nhân ấy, trong trường hợp cụ thể của thầy Đinh Đăng Định, đã dẫn thầy đến những cơn đau đớn vô cùng trước khi thầy từ giã chúng ta. Những tháng ngày đau đớn bệnh tật và nhất là giờ đây, sự ra đi của thầy nhắc chúng ta rằng: vẫn còn đấy một vấn đề, vấn đề quyền của các tù nhân.
Kính thưa anh chị em, còn nhiều vấn đề có thể nêu lên nhưng tôi không muốn lạm dụng thì giờ của anh chị em. Tôi chỉ muốn mời anh chị em trước hết nhìn vào cuộc đời, nhất là nhìn vào những dấn thân của thầy Định. Chúng ta đặt mình trong bối cảnh của lòng tin Kitô giáo mà chính thầy đã tin nhận vào những giờ phút cuối của cuộc hành trình trên trần gian này, để trước hết xác tín rằng không phải quyền lực của sự dữ, sự ác sẽ đóng ấn trên lịch sử mà là quyền lực của sự thiện, của sự sống. Và trong lòng tin Kitô giáo, chúng ta biết quyền lực đó là quyền lực của đấng đã đi vào cõi chết để phục sinh, vinh hiển. Nhà thơ Tagore nói: “Ngài đã đặt lên môi tôi cái chén của sự chết và đổ vào đầy vào đầy sự bất tử”. Chúa Kitô hôm nay trong bản tin mừng mà chúng ta lắng nghe, đã thổn thức trước cái chết của anh Lazarô và trước nỗi đau của gia đình chị Marta. Và không chỉ thổn thức, chính ngài sẽ đi vào cái chết trong cuộc khổ nạn, cái chết rất tàn khốc. Lúc ấy chúa Jesus đã không từ khước cái chén của sự chết đặt trên môi ngài, nhưng chính ngài trong tư cách là Thiên chúa và sau khi đã đi chọn cái chén của sự chết ấy và đã đổ đầy vào cái chén ấy sự bất tử. Ngay trong những đau thương của chúng ta, ngay trong những mất mát của chúng ta, ngay trong những khốn khổ của chúng ta, ngay trong những thử thách của chúng ta, ngay trong những sự chúng ta bị nghiền nát bởi quyền lực độc ác thì sức mạnh vẫn còn đấy của sự thiện, sự sống và chúng ta xác tín vào điều đó. Và chính trên cái nền của sự xác tín đó, chúng ta tiếp tục cuộc hành trình dấn thân của mình. Và, cũng chính trên cái xác tín căn bản về chiến thắng chắc chắn của sự thiện, của sự sống và nhất là sự thiện, sự sống đến từ chính Thiên chúa ấy, chúng ta có một tấm lòng bao dung không sân hận, biết kính trọng những người khác ngay cả những người gây đau thương cho bản thân chúng ta hay cho cộng đồng chúng ta. Tôi thiết tưởng đấy là sự việc quan trọng mà thầy Định để lại cho chúng ta. 

Điểm thứ hai là bên cạnh di hài của thầy trong giờ phút trước lễ an táng, tôi mời gọi cộng đồng nghĩ đến một vài điều căn bản tốt hơn là sự đau thương, sự khóc lóc, trong đó có ba vấn đề mà tôi vừa đề cập với anh chị em đấy: cần phải thiết lập, cần phải kiến tạo, cần phải làm thế nào đấy để xã hội của chúng ta được xây dựng trên một nền tảng quân bình hơn, thật hơn, giá trị hơn là một chủ thuyết kinh tế và chính trị. Cần phải tôn trọng những giá trị đạo đức, những giá trị nhân văn và những giá trị tâm linh trong việc kiến tạo một xã hội, một cộng đồng những người sống với nhau ngay trên dải đất hình chữ S này. Thứ hai là cần phải nỗ lực thế nào đấy để quyền được tham gia vào việc điều hành xã hội của mỗi người và của mọi người được kính trọng. Thứ ba, đó là chúng ta cần phải làm thế nào đấy để quyền căn bản của các tù nhân, nhất là các tù nhân lương tâm được kính trọng. Riêng Chúa Jesus đã đi vào tận mộ của Lazarô để từ đấy đưa Lazarô ra khỏi quyền lực của sự chết, giúp cho chúng ta cố đạt thấu được sự thật và sự thiện. Xin Ngài đón nhận thầy Đinh Đăng Định vào sự vinh quang của sự thiện và sự sống của người. Và xin Ngài tiếp sức để chúng ta dũng mạnh trong cuộc dấn thân tiếp nối những người đã đi trước chúng ta trong những hoài bão tốt lành, trong những nỗ lực tốt lành và trong những khát vọng chân chính của con người.
(*) Tựa đề của Bauxite Việt Nam. Bản điện tử do KT-Ly thực hiện trên file audio thu trực tiếp bài giảng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét