Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Vỡ trận!

Vỡ trận!

Motthegioi

Bộ Y tế phải nhận lỗi vì sự chậm trễ và thiếu minh bạch trong công bố những trường hợp tai biến sau chích ngừa thời gian qua, sự thiếu chuyên nghiệp trong truyền thông nguy cơ từ chuyện công bố con số tử vong do sởi khác xa sự thật.
1.Có lẽ chẳng có từ nào chính xác hơn để chỉ về số 108 trẻ tử vong do bệnh sởi tính đến thời điểm này tại ba bệnh viện lớn của Hà Nội, bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. 
Dùng từ ngữ như thế dễ gây lo lắng, hoang mang cho công chúng, nhưng không thể không dùng vì chính người trong cuộc,  những bác sĩ đang “chiến đấu” với  dịch sởi tại phía Bắc cũng thừa nhận… thua trắng!
Trở về sau cuộc họp khẩn với hội đồng chuyên môn bộ Y tế ngày 15.4 về kiểm soát dịch sởi và sau khi tìm hiểu thực tế tại các bệnh viện trên, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm bệnh viện Nhi đồng 1 – TP.HCM, cho biết: “Đó thật sự là một cuộc chiến, nhưng phần thắng lúc này đang nghiêng hẵn về dịch bệnh. 
Dù làm hết mình, nhưng những đồng nghiệp của tôi gần như bó tay vì bệnh viện tràn ngập bệnh nhân sởi. Ít nhất phải cần gấp đôi nhân lực y tế hiện nay và tăng cường thêm trang thiết bị họa may mới lật ngược được tình hình”.
Nghe ghi nhận tại chỗ của một trong những bác sĩ đầu ngành nhi nhiễm Việt Nam, rồi đọc thông tin trên báo và theo dõi chia sẻ bạn bè trên facebook, tôi thật sự cảm nhận sức nóng hầm hập của dịch sởi đang phả vào gáy của nhiều gia đình có trẻ nhỏ ở phía Bắc. Một người có nickname Táo Thơm viết trên facebook của mình: 
“Trời ơi tôi không thiết sống nữa! Không hiểu bộ Y tế thế nào. Mình có hai người bạn làm bác sĩ nhi đều nói: Chưa bao giờ bệnh viện trong tình trạng như thế này. Chết nhiều lắm các mẹ ạ. Đến nỗi bác sĩ giao ban còn phải khóc vì chết quá nhiều mà không làm gì được”.
2. Trong bóng đá, một đội bóng rơi vào tình thế “vỡ trận” khi đối phương tràn ngập phần sân nhà, lưới bị rung lên liên tục, không thể xoay chuyển được tình hình và chỉ còn nước mong cho trận đấu mau hết giờ. 
“Vỡ trận” trong dịch sởi lần này cũng thế. Theo nhận định của bác sĩ Trương Hữu Khanh, “vỡ trận” ở đây vì tuyến trước điều trị nhi ở các tỉnh phía Bắc quá mong manh, từ đó bệnh nhi mắc sởi cứ đổ dồn về tuyến sau, tràn ngập bệnh nhẹ lẫn bệnh nặng. Thiếu nhân viên y tế, thiếu trang thiết bị cần thiết, trẻ mắc biến chứng  và tử vong là hiển nhiên.
Khi một đội bóng “vỡ trận”, người bị quy trách nhiệm đầu tiên không ai khác hơn là huấn luyện viên. Dịch sởi lần này cũng thế, người đứng đầu bộ Y tế phải nhận trách nhiệm. Thật lạ lùng là trong cảnh “dầu sôi lửa bỏng” với 108 ca tử vong vì sởi như thế, từ đại bản doanh của bộ Y tế, cách các bệnh viện nhi độ 15 phút đi xe máy, trước đây vài ngày người ta vẫn phát đi con số tử vong là 25 ca!
Vì sao có sự chênh lệch quá lớn như thế? Lẽ nào các bệnh viện báo sai con số cho phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong chuyến thị sát thực tế của ông tại bệnh viện Nhi Trung ương vào chiều ngày 15.4? Hay con số 25 được quy cho một nhân viên hành chính nào đó cập nhật sai, ghi nhầm? Hay lẽ nào bộ Y tế… “giấu dịch” như giới truyền thông nghi ngờ? Nhưng thực tế đã lên tiếng. Chiều ngày 15.4, cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế Trần Đắc Phu phải thừa nhận có 108 trẻ tử vong, chưa tính các trẻ bệnh nặng xin về và tử vong do sởi tại các địa phương. Con số thực là bao nhiêu?
3. Bộ Y tế phải nhận trách nhiệm cao nhất về dịch sởi nặng nề hiện nay. Họ có thể đổ lỗi cho giới truyền thông làm công chúng hoang mang, tẩy chay chích ngừa sởi vì thông tin quá nhiều và chưa chính xác (cần chứng minh bằng nghiên cứu) về những ca tai biến sau chích ngừa. 
Nhưng trước khi làm điều này, bộ Y tế phải thừa nhận rằng họ không có những giải pháp hữu hiệu cần thiết giúp báo chí hợp tác trong truyền thông nguy cơ sức khỏe, qua đó giúp người dân nâng cao nhận thức, đi chích ngừa và chung tay phòng chống dịch bệnh. 
Bộ Y tế phải nhận lỗi vì sự chậm trễ và thiếu minh bạch trong công bố những trường hợp tai biến sau chích ngừa thời gian qua, sự thiếu chuyên nghiệp trong truyền thông nguy cơ từ chuyện công bố con số tử vong do sởi khác xa sự thật. 
Và Bộ Y tế phải nhận lỗi khi dịch sởi “rục rịch” từ cuối năm qua, nhưng họ đã chậm triển khai các biện pháp chuyên môn - như cập nhật kiến thức điều trị sởi cho tuyến trước  - khiến thế phòng thủ từ xa bị khoang thủng và dẫn đến “vỡ trận”.
Bộ Y tế cần đứng ra nhận lỗi cho cảnh “vỡ trận” dịch sởi lần này!
Phan Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét