Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Cánh đồng mẫu lớn có chưa?

Quechoa

Dạ Ngân 
Nam bộ những năm năm mươi của thế kỷ trước, có những cánh đồng từng lưu dấu trong văn chương Nam bộ. Cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi, màu mạ lẫn với chân trời…Rất nhiều điền chủ nổi tiếng và manh nha có giai cấp quý tộc nông thôn.


Người Pháp đã mang đến xứ thuộc địa máy móc để xẻ kênh và cách thức làm ăn lớn. Chiếm hữu rõ rồi, nhưng cũng khai phá và khai sáng. Kênh xáng Xà No là một đơn cử, một vùng đồng lúa bát ngát mở ra và con đường lúa gạo hình thành. Song song là hệ thống mạng nhện kênh cho lưu vực sông Tiền, cho vùng trũng Phụng Hiệp và dưới nữa là Sóc Trăng, Bạc Liêu. Rạch Giá.
Hồi ấy làm gì có định nghĩa “cánh đồng mẫu lớn”. Cánh đồng là cánh đồng, thế thôi. Cánh đồng có từ thời nhà Nguyễn chủ trương cho lính tráng ở lại đất mới và những người giàu từ miền Trung nam tiến lập ấp, mộ đinh, thỏa sức. Bá hộ ra đời, cùng với sự sáng suốt của một triều đình bắt đầu lực lưỡng. Một khi chủ trương đã vững thì dân cứ thế làm ăn, không giới hạn, không rào cản. Dĩ nhiên người giàu thì ít mà người nghèo lại đông nên quá trình dung nạp và thuê mướn đã sinh ra nhiều bất công và nước mắt.
Nhiều cánh đồng làm nên vựa lúa. Máy cày xuất hiện khoảng thập kỷ sáu mươi. Chưa có thị trường toàn cầu nên lúa cũng chưa tăng vụ làm chi. Nói cách khác, con người khi ấy còn ít, nhu cầu gạo cho thế giới chưa bức xúc và công nghệ về gene cũng chưa phát triển, nhà nông đồng bằng sông Cửu Long chỉ canh tác 1 vụ lúa dài 9 tháng mỗi năm. Nhà nông nói chung, bao gồm cả điền chủ, phú nông và người diện tích ít đều chung thói quen phơi lúa thật khô và tự trữ. Vì vậy mà có những “lẫm” lúa của nhà giàu to vật như cái nhà lồng chợ, bồ lúa của những điền chủ nhỏ cũng tính bằng đơn vị thiên, muôn (tức ngàn giạ hoặc chục ngàn giạ, mỗi giạ lúa 20 ký).
Bắt đầu những “tập đoàn mễ cốc”, chủ yếu của người Hoa Chợ Lớn. Họ tổ chức hệ thống mạng nhện “chành” lúa khắp nơi, để người dân đưa lúa đến bán hoặc gửi. Hoàn toàn tư nhân, chi phối bởi cung cách làm ăn lớn. “Chành” thực sự là nhà kho của những nhà máy xay xát, nếu nông dân muốn bán lúa ngay họ cũng chiều, và nếu muốn lưu kho chờ giá lên thì phải trả tiền thuê chỗ. Nhịp nhàng, từ người làm lúa đến người mua trữ, không nghe kêu rớt giá hay ép giá, chỉ là quy luật cung và cầu, nhiều thì lúa đọng và rẻ, ít thì lúa hút giá lên, thế thôi. Có không những lão cá mập trong lĩnh vực phân phối? Có nhiều, những gã Chợ Lớn giàu sụ ăn chơi vương giả trên mồ hôi và nước mắt nhà nông. Ấy là thời tư bản sơ khai, nông dân chưa được bao tiêu đầu ra và đoạn giữa ấy là nước đục béo cò.
Chiến tranh khiến cho mọi thứ bị đứt gãy và sau đó thì là một chế định chưa có tiền lệ. Tịch thu và tập đoàn hóa hợp tác hóa thực chất là để nhà nước động tay vào để không còn chế độ tư hữu theo lý thuyết. Bao nhiêu năm đau khổ cho nông thôn miền Bắc mà khi thống nhất đất nước, người nông dân Nam bộ vẫn không tránh được vết xe đổ hợp tác. Câu chuyện có lẽ bắt đầu từ đây. Cánh đồng manh mún, kênh tiếp tục được xẻ thêm vừa làm thủy lợi vừa để giãn dân. Mà dân đã nhiều đến mức phải giãn ra đâu, cái chính là nhà nhà đều phải có ruộng nên ruộng đâu nhà đó, giăng giăng nhà, nát vụn đất đai. Chấm dứt những cánh đồng cò bay thẳng cánh, lúa bồ, lúa chành và những tập đoàn mễ cốc tư nhân năng nổ.
Mấy chục năm đã trôi qua. Nhà nhà có ruộng nhưng nhà nhà kêu ca, chết vì hạt lúa. Đáng lý làm 2 vụ để người nghỉ và đất nghỉ, bệnh thành tích đã khiến các địa phương hô hào dân chúng vụ ba đi, 3 vụ lúa tổng cộng cả năm thế nào cũng có lãi. Nhiều vùng rốn lũ, vẫn say mê lúa vụ ba, cảnh báo của các nhà khoa học đều bị bỏ ngoài tai. Dân chúng đã kiệt sức lâu rồi, nông thôn điêu đứng lâu rồi, hạt lúa bị rẻ rúng lâu rồi, chỉ có các “tập đoàn mễ cốc” quốc doanh và hình như là của bè nhóm là ở giữa ăn đủ. Vì họ được quyền ép giá, được xuất khẩu, được vu vi nước ngoài với những hợp đồng có trời mới biết hại hay là lợi cho nông dân và cũng chính họ được nhập khẩu và làm ra vật tư nông nghiệp với giá cắt cổ!
Bây giờ dân chán ruộng lắm rồi. Nhưng không phải ai cùng đành đoạn hay là dám bỏ ruộng. Làm lại cánh đồng mẫu lớn bằng cách nào nếu không chấp nhận có giai tầng hữu sản lớn, tức là có điền chủ và người làm công? Sở hữu toàn dân, không ai dám chắc con cháu mình sẽ được sở hữu ruộng trăm như người xưa, dại gì bỏ tiền ra thâu tóm ruộng, mà thâu tóm cũng có giới hạn chứ nào được phỉ chí. Không thay đổi tư duy điền địa thì sẽ không có kinh tế thị trường đúng nghĩa cho nông thôn. Và Cánh đồng mẫu lớn cũng chỉ là cách nói. Dồn điền đổi thửa ở miền Bắc thực chất là lại làm xáo trộn nông thôn một lần nữa. Làm gì có đủ đất ở đồng bằng Bắc bộ để có Cánh đồng mẫu lớn? Xin đừng làm khổ người nông dân vùng đất đã nhiều khổ đau ấy nữa./.
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
...................
Tác giả cho biết: “Bài gửi mấy báo lề phải, không báo nào dám in”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét