Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

Vinh Chấn – Ai mới cần được tha thứ?

Vinh Chấn

Ba mươi chín năm đã trôi qua, kể từ khi Bên Thắng Cuộc ngạo nghễ giương cao ngọn cờ sao vàng trên nóc dinh Độc Lập; kể từ khi một đại úy quèn hét vào mặt một vị Tổng thống, Đại tướng, Tổng Tư lệnh của một đất nước độc lập có chủ quyền rằng “Các ông đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không có bàn giao gì cả”. Chính thể Việt Nam Cộng hòa đã vĩnh viễn biến mất trên bản đồ chính trị thế giới.

Hai mươi năm nội chiến đã mang lại đau thương chết chóc cho cả dân tộc. Nhưng hai mươi năm sau cuộc nội chiến mới gây nên những vết thương chí mạng.
Đảng CSVN luôn luôn cho rằng, chỉ họ mới có “chính nghĩa” trong hai cuộc chiến chống Pháp dành độc lập và “Chống Mỹ cứu nước” còn dân miền nam, trước và sau 1954, “hàng ngũ quốc gia” ở cả hai miền đất nước chỉ là “những kẻ tay sai ngoại bang” cầm súng chống lại cách mạng,chống lại nhân dân.

Sau bài phát biểu đầy tính chất mị dân của Tổng bí thư Lê Duẩn sau năm 1975, “Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai”, Đảng Cộng sản và các lãnh đạo của Bắc Việt Nam đã biến một nước Việt Nam độc lập thành một nhà tù khổng lồ. Hàng trăm ngàn quân, cán, chính, lãnh tụ tôn giáo của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa bị đưa vào trại tập trung cải tạo từ Bắc chí Nam, hàng ngàn người đã phải bỏ xác vì lao động khổ sai, tra tấn, bệnh tật không được cứu chữa và bị thủ tiêu. Tiếp theo đó là chiến dịch đánh tư sản rầm rộ theo đúng mô hình của cải cách ruộng đất những năm 1950 đã đưa hàng triệu gia đình miền Nam Việt Nam vào bần cùng hóa.
Chỉ trong vòng 05 năm từ 1975-1980, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện và hoàn thành 02 cuộc thanh trừng lớn nhất trong lịch sử với nhiều mục tiêu. Thứ nhất, tận diệt và xóa bỏ mọi mầm mống chống đối của giới trí thức miền Nam để thay thế bằng những kẻ dốt nát, giáo điều miền Bắc mà theo Hà Thúc Sinh trong tác phẩm Đại Học Máu nhận xét, toàn là những tên mang nổi mặc cảm tự ti nhưng lại có quyền lực tối thượng. Thứ hai, tiêu diệt và bần cùng hóa nền kinh tế miền Nam nhằm xóa bỏ khoảng cách về đời sống vật chất sung túc của người dân Miền Nam với cuộc sống đói kém, lạc hậu của người dân miền Bắc. Mặc khác, giới lãnh đạo Bắc Việt còn chiếm được vô số tài sản tiền bạc to lớn bỏ túi riêng và trang trải cho chiến thắng đầy tốn kém.

anh_01_trai_cai_tao.png
Chính hai cuộc thanh trừng này đã đẩy dân tộc Việt Nam, đặc biệt là người dân miền Nam vào nổi tủi nhục mới, vượt biên. Theo số liệu thống kê của các tổ chức nước ngoài, đã có từ 400.000 đến 500.000 người Việt Nam chết, mất tích trên đường vượt biên, chủ yếu là bị hải tặc bắt, cướp, hiếp, giết và quăng xác xuống biển. Chính phủ, nhân dân và những người trong cuộc đã xây dựng hàng chục bia tưởng niệm thuyền nhân trên toàn thế giới.

anh_2_dai_tuong_niem_thuyen_nhan_tai_cali.jpg
Không hận thù sau được. Khi nhân dân miền Nam đang sống yên lành thì đùng một cái, cha, chồng, con của mình phải bị tù tội không có ngày ra, tài sản nhà cửa bị tịch thu, mọi cơ hội kiếm sống điều bị chặn đứng. Nhiều người vợ, chị, con gái của các quân, dân, cán, chính miền Nam phải bán dần những tài sản còn lại trong gia đình, chạy chợ để bị mang tiếng là dân phe thậm chí có người còn phải nuốt nhục sa vào nghề bán phấn buôn hương. Không hận thù sau được khi họ phải phó mặc vận mệnh, cuộc sống của mình, của gia đình mình lênh đênh trên những con tàu ọp ẹp mà mười phần chết bảy, còn ba, để rồi bị hãm hiếp, bắn giết cướp bóc và làm mồi cho cá biển.
Thế nhưng, chính những kẻ bị hất hủi đó lại là cứu tin cho dân tộc, cho đất nước khi bơm về những dòng ngoại tệ bù đắp cho những thất thoát về kinh tế của chính quyền cộng sản do quản lý yếu kém và tình trạng tham nhũng đã thành ung thư di căn.

anh_03_dong_kieu_hoi_viet_nam_qua_cac_nam.png
Chính những kẻ bị hất hủi đó lại sản sinh ra những trí thức có trình độ cao, đóng góp công sức của mình vào tinh hóa văn hóa, khoa học kỹ thuật của thế giới như Giáo sư Trịnh Xuân Thuận(Mỹ), Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng(Bỉ), Giáo sư Trần Văn Thọ (Nhật Bản) và tất nhiên không thể quên Doanh nhân trí thức Việt kiều Nguyễn Bảo Hoàng, đương kim phò mã của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Cũng vì nhìn nhận tầm quan trọng của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài nên Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành NGHỊ QUYẾT số 36/NQ-TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Gần đây, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn có những động thái được cho là thăm dò dư luận của kiều bào khi kêu gọi hòa giải, hòa hợp. Nhưng với vỏ bọc hoa mỹ của ngôn từ ngoại giao, ông Sơn bộc lộ rõ thái độ kênh kiệu, kẻ cả của Kẻ Thắng Cuộc khi cho rằng “thay vì những từ ngữ như “bè lũ phản động”, nên gọi họ (chú thích: Việt Kiều) là những người còn có tư tưởng đi ngược lại với lợi ích đất nước; thay vì gọi họ là “ngụy quân, ngụy quyền” nên gọi là “những người dưới chế độ cũ” theo đúng bản chất. Không nên đẩy họ ra xa mà nên kéo họ lại gần”.
Có thể nói, người dân Việt Nam, trong nước và trên thế giới, kể cả nhiều Đảng viên hoặc cựu Đảng viên Cộng sản, luôn đau đáu về tương lai của đất nước của dân tộc Việt Nam, lo lắng với hiểm họa xâm lược của Cộng sản Tàu. Sự suy thoái kinh tế, sự băng hoại về giá trị văn hóa của Việt Nam cũng là gánh nặng nỗi lo của kiều bào khi nhiều người thân của họ vẫn còn đang sống trong nước.

Khoảng cách ngăn cản sự hòa hợp dân tộc đến từ cả hai phía

Về phía Chính quyền Cộng sản là nổi lo mất quyền thống trị, kéo theo nổi lo sợ bị trả thù, thanh trừng, như chính họ đã từng đối xử với bên thua cuộc.
Về phía kiều bào, vẫn còn tư tưởng hận thù, tâm lý e dè, không tin tưởng giới cầm quyền trong nước. Một số người, đúng như Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn nói vẫn chưa hiểu hết tình hình đất nước do gánh nặng mưu sinh và thiếu sự quan tâm theo dõi tình hình trong nước. Thực tế có thể nhìn nhận, nhờ vào Internet, đồng bào trong nước biết nhiều về thế giới bên ngoài, hơn là đồng bào ở nước ngoài biết về Việt Nam. Vẫn còn những chính trị gia gốc Việt nuôi dưỡng lòng hận thù bằng cách khơi gợi những nổi đau để tranh thủ sự ủng hộ của một bộ phận Việt kiều mang nặng tư tưởng căm thù Chính quyền Cộng sản. Họ vẫn nuôi mộng và khấp khởi mong chờ một sự sụp đổ thảm hại, nhục nhã của Chính quyền Cộng sản.

Để xóa bỏ hố sâu ngăn cách đó, cần lắm sự nỗ lực từ hai phía

Về phía Chính quyền Cộng sản Việt Nam:
- Bạch hóa bản chất của cuộc chiến 1954-1975 là nội chiến, là một cuộc chiến tranh về ý thức hệ giữa miền Bắc Cộng sản và miền Nam Cộng hòa.
- Miền Bắc Cộng sản là phía vi phạm hiệp định Paris 1973, theo đó : “Các bên để cho nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của họ thông qua tổng tuyển cử tự do. Các bên công nhận thực tế miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị. “
- Thừa nhận sự sai lầm trong chiến dịch tập trung cải tạo và chống tư sản trong giai đoạn 1975-1980, đã góp phần trực tiếp cho cái chết của hàng ngàn cựu quân nhân, cán bộ, chính quyền và lãnh tụ tôn giáo miền Nam, gián tiếp gây ra cái chết cho hơn nửa triệu thuyền nhân miền Nam Việt Nam và sự khủng hoảng kinh tế giai đoạn 1980-1985.
- Thực sự công nhận “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước” (Nghị quyết 36) bằng việc thừa nhận các quyền về quốc tịch, sở hữu tài sản, quyền ứng cử, bầu cử của Việt kiều các nước.
Về phía cộng đồng người Việt hải ngoại:
- Xóa bỏ định kiến, hận thù, quan tâm tìm hiểu tình hình của Việt Nam qua các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là qua các du học sinh Việt Nam tại nước ngoài.
- Có cách nhìn bao dung hơn đối với những tội ác, những ấu trĩ của giới cầm quyền Cộng sản đã gây ra cho gia đình mình và cả dân tộc Việt Nam trong ba mươi chín năm qua.
- Xây dựng một cộng đồng người Việt Nam hải ngoại, mạnh mẽ, đoàn kết, hướng về tương lai chứ không chỉ hoài niệm về quá khứ. Điều đó cần sự nỗ lực không chỉ từ giới doanh nhân trí thức Việt kiều mà cả những nhà chính trị gốc Việt chống cộng. Mãi mãi người Việt không tìm được tiếng nói chung nếu như đồng bào hải ngoại tiếp tục hoài niệm về chính thể cộng hòa đã mất cũng như người dân trong nước, đặc biệt là người dân miền Bắc cố khư khư bám lấy nhà nước độc tài toàn trị, Đảng trị như hiện nay.
Một đất nước Việt Nam đói nghèo, một dân tộc Việt Nam hèn kém không chỉ là nỗi nhục của người dân Việt Nam trong nước mà cũng của cả đồng bào Việt Nam ở nước ngoài. Cờ vàng hay cờ đỏ cũng thấm máu hàng triệu người Việt Nam và là nổi ám ảnh của cả hai phía. Chỉ có ngọn cờ hòa hợp dân tộc, xóa bỏ hận thù mới kêu gọi được toàn thể dân tộc Việt Nam hướng về một tương lai tốt đẹp hơn.
Vinh Chấn

Tài liệu tham khảo

http://www.lichsuvietnam.vn/home.php?option=com_content&task=view&Itemid=33&id=392
http://motthegioi.vn/xa-hoi/thu-oan-keo-dai-se-lam-dat-nuoc-yeu-di-67517.html
http://danoanlentieng.blogspot.com.au/2014/01/kieu-hoi-ve-viet-nam-tang-nhung-dau.html
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/01/140122_hanoi_war_tuongvu_review.shtml
http://vi.wikipedia.org/wiki/Thuy%E1%BB%81n_nh%C3%A2n_Vi%E1%BB%87t_Nam
http://motgoctroi.com/DienDan/dd_HNdhdgi.htm
http://baophapluat.vn/thoi-su/304-trong-hoi-uc-cua-vi-tuong-anh-hung-183862.html
http://nhatkyyeunuoc.blogspot.com.au/2013/04/hoc-gi-tap-gi-trong-trai-tu-cai-tao-cua.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét