Toquoc.vn
Đối với Việt Nam, Trung Quốc là một nước láng giềng quá lớn không thể không tính đến và không thể thoái thác quan hệ. Cuộc khủng hoảng HD-981 do Trung Quốc gây ra đã đẩy quan hệ Việt-Trung vào thế bế tắc. Người Việt Nam ta cần nhìn lại mối quan hệ này, xác định một cách minh triết bản chất mối quan hệ ấy, tránh những điều mơ hồ, ngộ nhận. Tránh cái bẫy ý thức tư tưởng có thể gây chập chững về chiến lược, nhập nhằng và mơ hồ giữa các ngôn từ hữu nghị, đối tác, đồng chí, đại cục, v.v.. và v.v..Kể từ khi phía Trung Quốc khái quát phương châm 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, nêu trong Tuyên bố chung cấp cao 1999, phía ta lại thêm vào đó một chữ “vàng”. 16 chữ vàng tạo nên sự ngộ nhận to lớn.
Đến năm 2002, người Trung Quốc lại khái quát một phương châm nữa, gọi là “4 tốt”: “Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt”.
Điều mơ hồ nhất trong những điều mơ hồ lần này chính là hai chữ “đồng chí”. Nó hàm ý một điều phi lý là hai bên cùng chung ý thức hệ, cùng chung chí hướng. Làm quên mất một điều sơ đẳng nhất của chính trị quốc tế trong mọi thời đại: Giữa các quốc gia, “không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn”. Đặng Tiểu Bình và Michail Gorbachev đều rất thích dùng lại câu nói này của một chính khách nổi tiếng người Anh, Lord Palmerston, thế kỷ 19. Họ đều lấy lợi ích quốc gia làm trục cốt lõi để xoay các quan hệ đối ngoại sao cho tối đa hóa lợi ích quốc gia. Nhưng lại dùng những lời mĩ miều nhằm gây mơ hồ và chập chững cho phía đối tác hoặc đối tượng.
Năm nguyên tắc chung sống hòa bình do hai thủ tướng Trung Quốc và Ấn Độ long trọng tuyên bố ngày 29/4/1954 làm cơ sở cho quan hệ giữa hai nước lớn: “Tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhau; không tấn công nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng và hai bên cùng có lợi; chung sống hoà bình”, được nhiều quốc gia khác coi là nguyên tắc chỉ đạo quan hệ giữa các nước trong thời kỳ hiện đại. Thế nhưng các nguyên tắc ấy đã không ngăn cản Trung Quốc mở cuộc chiến tranh bất ngờ chống lại Ấn Độ năm 1962.
Tương tự như vậy, ngày 15/10/2013, hai Thủ tướng Trung Quốc và Việt Nam thỏa thuận những nguyên tắc giải quyết các xung đột trên Biển Đông thì chưa đầy 7 tháng sau, Trung Quốc đã đưa giàn khoan vào hạ đặt tại thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Việt Nam là một nước nhỏ so với Trung Quốc, sao có thể làm “bạn bè tốt”? Một nước yếu và một nước mạnh sao có thể làm “đối tác tốt”?
Nhưng, láng giềng vẫn là láng giềng, đối tác vẫn là đối tác, vẫn cứ hợp tác toàn diện, vẫn cứ hướng tới tương lai… Đâu có gì là không được! Nhưng cần đặt các quan hệ này trên một nền tảng minh bạch, không ngộ nhận, không mơ hồ.
Trong quan hệ với Trung Quốc những năm gần đây, Việt Nam luôn nêu cao “3 không” (không liên minh quân sự, không cho đặt căn cứ quân sự của nước ngoài, không liên minh với nước này chống nước khác). Nhưng điều Trung Quốc muốn là sự khuất phục. Người Trung Quốc thường đề cao phương châm “nước mạnh ắt bá quyền”. Cứ mỗi lần, khi hai nước có đụng độ trên biển, các phần tử hiếu chiến lại đe dọa động binh, hòng gây mất ổn định Việt Nam. Việt Nam vì lợi ích ổn định, an ninh, phát triển lâu dài đất nước, không thể để mất quyền chủ động chiến lược và những con bài chiến lược.
Từ giữa những năm 1950 đến nay, Trung Quốc lần lượt năm lần lấn chiếm Biển Đông của Việt Nam. Hai lần hải chiến trên biển, một lần trên đất liền. Sự kiện giàn khoan 981 từ đầu tháng 5/2014 đến nay là giai đoạn thứ sáu của cuộc lấn chiếm biển đảo của Việt Nam. Ngay trong giai đoạn mà các chữ vàng và những điều tốt được nhắc đi nhắc lại, thì Trung Quốc tích cực tranh chấp, tích cực khai thác Biển Đông, đàn áp ngư dân Việt Nam hoạt động trên những ngư trường truyền thống, cắt cáp của tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam, v.v.. Trong quan hệ kinh tế, Việt Nam phải trả một giá cao.
Nhân dịp này, thiết tưởng cần sòng phẳng với lịch sử. Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước mấy chục năm trước nhằm thực hiện mục tiêu độc lập, thống nhất đất nước, nhân dân Việt Nam đã kiên trì chiến đấu, không ngại hy sinh gian khổ. Trong các thời kỳ khó khăn gian khổ ấy, chúng ta ghi nhớ công ơn giúp đỡ to lớn của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Nhưng, sự hy sinh to lớn của nhân dân Việt Nam cũng đã đóng góp quan trọng vào việc Pháp và các nước phương Tây năm 1954 buộc phải ngồi vào bàn thương lượng với Trung Quốc để giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương, tạo điều kiện cho Trung Quốc đột phá bức màn chiến tranh lạnh sau cuộc viện Triều chống Mỹ ở Triều Tiên. Tại Hội nghị Giơnevơ 1954, Ngoại trưởng Mỹ từ chối bắt tay Thủ tướng Trung Quốc, nhưng đến năm 1972, Tổng thống Mỹ phải đến Bắc Kinh để thúc đẩy giải quyết cuộc chiến tranh Việt Nam, từ đó mở ra cục diện mới quan hệ Trung-Mỹ.
Ngày nay, chúng ta cần có cách tiếp cận cụ thể và đổi mới đối với các khái niệm truyền thống “ta-địch”, “đối tượng-đối tác”, tuyệt đối không để những khái niệm “đồng chí, anh em” gây mơ hồ, để ta có thể thực hiện những mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc phù hợp với lợi ích quốc gia của mỗi nước.
Để độc lập, tự chủ chính trị thì cần độc lập tự chủ về kinh tế. Giai đoạn tới, ta phải sắp xếp lại ngôi nhà kinh tế của mình trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc và với các đối tác tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chính lĩnh vực kinh tế đòi hỏi tinh thần yêu nước và trách nhiệm cao nhất của mỗi người Việt Nam ta.
Trước cuộc xung đột tại Biển Đông hiện nay, ta không để bị kích động. Cũng không tự mình kích động. Kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhưng bình tĩnh, tỉnh táo để không sa vào cái bẫy chiến tranh. Sự dũng cảm ngoan cường của những ngư dân bám biển, của các chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư chống chọi với lực lượng lớn hải quân và ngư chính của phía Trung Quốc tại vùng biển Hoàng Sa, sự đồng lòng nhất trí của nhân dân, sự thẳng thắn trong phát biểu của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tại diễn đàn ASEAN ở Naypyidaw, hay tại diễn đàn kinh tế quốc tế ở Manila, tuyên bố mạnh mẽ của Quốc hội Việt Nam về vấn đề Biển Đông… đã thúc đẩy dư luận quốc tế lên tiếng phản đối Trung Quốc và ủng hộ quyền lợi chính đáng của Việt Nam. Và buộc Bắc Kinh phải cân nhắc hành động khi leo thang xung đột.
Quan hệ Việt-Trung sắp tới cần được đặt vào quỹ đạo mới không bị chi phối bởi lời lẽ mơ hồ mà trên cơ sở những lợi ích của quốc gia, của hợp tác cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau và hữu nghị giữa hai dân tộc, hai nước láng giềng liền núi, liền sông, liền biển./.
Người bình luận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét