Ông Tập Cận Bình đòi tăng
cường phòng thủ biên giới vào lúc tình hình Biển Đông thêm căng thẳng
với Việt Nam và Philippines – REUTERS /John Thys
Thanh Phương -RFI
Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc phải tăng cường bảo vệ các đường biên giới trên bộ và trên biển, vào lúc tranh chấp chủ quyền Biển Đông gây thêm căng thẳng giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng, đặc biệt là với Việt Nam và Philippines.Theo Tân Hoa Xã, ông Tập Cận Bình tuyên bố như trên trong một cuộc họp toàn quốc vào ngày hôm qua 27/06/2014, với sự tham gia của các lãnh đạo khác của Trung Quốc, trong đó có Thủ tướng Lý Khắc Cường và Ngoại trưởng Vương Nghị.
Trong bài phát biểu, ông Tập Cận Bình nhắc lại rằng, « chính sự yếu kém của quốc gia trong quá khứ đã giúp những kẻ ngoại xâm phá vỡ phòng thủ biên giới trên bộ và trên biển của Trung Quốc hàng trăm lần, đẩy đất nước Trung Quốc đến tận cùng của tai họa ». Ông kêu gọi người dân Trung Quốc « không được quên quá khứ nhục nhã đó và xây dựng biên giới vững chắc».
Theo Tân Hoa Xã, Chủ tịch Trung Quốc còn kêu gọi các lực lượng bảo vệ biên giới phải giám sát chặt chẽ và kiểm soát đường biên giới và sẵn sàng có hành động để bảo vệ quyền trên biển của Trung Quốc.
Từ khi lên cầm quyền cho đến nay, ông Tập Cận Bình vẫn kêu gọi Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự để có thể « trăm trận trăm thắng ».
Tuyên bố của ông Tập Cận Bình về biên giới Trung Quốc được đưa ra vào lúc Bắc Kinh đang có thêm những hành động cứng rắn nhằm xác quyền chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng với Việt Nam và Philippines.
Trong nhiều thập niên qua, các lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn nhấn mạnh rằng việc họ lên nắm quyền vào năm 1949 đã chấm dứt hơn một thế kỹ bị ngoại bang làm nhục, bắt đầu từ cuộc Chiến tranh Thuốc phiện vào thế kỷ XIX.
Tuy nhiên, theo Tân Hoa Xã, trong bài phát biểu hôm qua, ông Tập Cận Bình đã thúc giục các lãnh đạo dân sự và quân sự phải giữ sự cân bằng giữa phòng thủ biên giới và phát triển kinh tế. Tuy vẫn tìm cách kích động tinh thần dân tộc, giới lãnh đạo Bắc Kinh thừa hiểu rằng sự ủng hộ của người dân là tùy thuộc chủ yếu vào thành công kinh tế của Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét