Thiên Nam
(Bình luận quân sự) – Hiện TQ không còn “giấu mình chờ thời” mà đang “trỗi dậy bạo lực”. Trong mắt họ, Việt Nam là tường thành vững chắc trên biển Đông, cần phải phá vỡ.
Trong giai đoạn đầu thập niên 90 – thế kỷ 20 cho đến giữa thập niên đầu của thế kỷ 21, quan hệ giữa Trung Quốc và Asean tương đối êm đẹp, tuy cũng có những bất đồng nho nhỏ.
Nhiều người cho rằng, lúc đó Trung Quốc sử dụng “quyền lực mềm” để ép các nước thuộc khu vực phải đi theo quỹ đạo và sự điều khiển của họ. Đây cũng là một yếu tố, tuy nhiên nó không phải là tất cả.
Thực ra, Trung Quốc biết chắc là không thể dùng uy tín
của một cường quốc hoặc “quyền lực mềm” quân sự hay là chính sách ngoại
giao để khuất phục hoặc lái các nước Asean đang có tranh chấp về lãnh
thổ, đi theo định hướng của mình. Bắc Kinh “ngọt nhạt” với các nước đông
nam Á trong giai đoạn đó là do nhiều nguyên nhân.
Trước hết là khi đó Trung Quốc chưa đủ lực để thôn
tính biển Đông nên Bắc Kinh vẫn phải “giấu mình chờ thời”. Đầu thập niên
90, lực lượng hải quân, không quân Trung Quốc mới bắt đầu bước vào giai
đoạn hiện đại hóa, hải quân chưa đủ vươn xa, không quân mới chỉ có các
loại máy bay cổ lỗ J-7, J-8, lực lượng tàu chấp pháp công vụ hầu như
chưa có gì.
Chính vì vậy, Bắc Kinh mới “ngọt nhạt” với Asean vừa nhằm mục đích
“ru ngủ” các nước đông nam Á về một cường quốc Trung Hoa yêu chuộng hòa
bình, vừa nhằm mục đích xây dựng quan hệ với các quốc gia không có biển
hoặc không có mâu thuẫn như Thái Lan, Myanmar, Singaporre, Campuchia… và
chi phối kinh tế các nước đông nam Á hòng tìm kiếm một công cụ chiến
lược để gây áp lực trong tương lai.
Trung Quốc bắt đấu gây hấn bằng hành động kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
|
Song song với đó, Trung Quốc đã mua sắm hàng loạt các
máy bay chiến đấu Su-27/30, khu trục hạm lớp Sommeverny, tên lửa phòng
không mặt đất S-300 PMU2, tên lửa S-300FM trên tàu khu trục, các loại
tên lửa chiến thuật của Nga, tàu sân bay Varyag từ Ukraine… để vừa nhanh
chóng nâng cao sức mạnh không/hải quân, vừa học hỏi để chế tạo vũ khí.
Đến cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, sức mạnh
quân đội Trung Quốc cơ bản đã được nâng lên một tầm cao mới với các máy
bay chiến đấu nội địa J-10, J-11; tàu khu trục Type 051C, Type 052C, tàu
hộ vệ Type 054A; lực lượng tàu chấp pháp biển cũng tương đối mạnh với 5
lực lượng: Hải quan, Hải tuần, Hải cảnh, Hải giám và Ngư chính, thống
nhất dưới sự quản lý của lực lượng cảnh sát biển.
Đến lúc này, Bắc Kinh tự cho rằng mình đã “đủ lông, đủ
cánh” và bắt đầu “trỗi dậy không hòa bình”. Trung Quốc bắt đầu giấc
mộng bành trướng bằng chiến lược độc chiếm biển Đông – nơi có khối Asean
với 10 nước nhưng chỉ có 5 quốc gia có tiềm lực không mạnh là Việt Nam,
Philippin, Indonesia, Malaysia, Bruney, liên quan trực tiếp tới tranh
chấp chủ quyền lãnh thổ trên vùng biển này.
Hiện nay, cả 5 nước đông nam Á liên quan đến vùng biển
này đều là những nước đang phát triển với tiềm lực kinh tế và quốc
phòng hạn chế, thêm vào đó sự liên kết giữa các quốc gia trong nội khối
còn khá lỏng lẻo, thậm chí có cả những tranh chấp về chủ quyền trên biển
như Malaysia với Philippines, Malaysia với Indonessia.
Trong số nước này cũng chỉ có Việt Nam và Philippines
là có tranh chấp chủ quyền gay gắt nhất với Trung Quốc, còn lại Brunei
có tuyên bố chủ quyền “không rõ ràng” với quần đảo Trường Sa, Malayssia
và Indonessia nằm xa nhất mà cũng chỉ có 1 phần nhỏ nằm trong phạm vi
“liếm” của “lưỡi bò Trung Quốc” là bãi cạn James Shoal và một phần quần
đảo Na Tu Na Bắc.
Máy bay chiến đấu J-10 của không quân Trung Quốc
|
Tuy nhiên, hiện Việt Nam, Indonesia và Malaysia đang
tăng cường ngân sách quốc phòng nhằm cấp tốc hiện đại hóa lực lượng hải
quân và không quân đánh biển. Ngay cả Philippines cũng đang dốc hết sức
mua sắm vũ khí để quyết đấu với Trung Quốc. Chỉ sau khoảng thời gian 5
năm nữa, tiềm lực của các quốc gia đông nam Á sẽ có sự nhảy vọt về chất,
nếu họ liên thủ với nhau, Trung Quốc sẽ không thể làm gì được.
Trung Quốc xác định, đây là thời điểm hợp lý nhất để
“gặm nhấm biển Đông”, hoặc là bây giờ, hoặc là không bao giờ. Để thực
hiện điều này, Trung Quốc đang áp dụng những hành động kiểu “bá quyền
nước lớn”, cậy mạnh hiếp yếu, bất chấp luật pháp quốc tế và sự thật lịch
sử.
Để thực hiện “giấc mộng Trung Hoa vĩ đại”, Bắc Kinh đã
sử dụng chiến lược đối đầu cầm chừng với Nhật Bản, tạm thời hòa hoãn
không đòi thu hồi Đài Loan để rảnh tay thôn tính biển Đông. Bắc Kinh đã
thực hiện chiến lược “bẻ từng chiếc đũa” trên tất cả các lĩnh vực kinh
tế, ngoại giao và quân sự để phân hóa nội bộ khối ASEAN.
Có thể thấy rõ chiến lược này khi nhìn vào những gì
Trung Quốc đã làm với Asean trong thời gian vừa qua. Tại Hội nghị Bộ
trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 (AMM-45, tổ chức năm 2012 tại
Campuchia đã không ra được Thông cáo chung của Hội nghị (tuyên bố chung
về Biển Đông) mà nguyên nhân phần lớn đến từ thái độ kiên quyết của nước
chủ nhà mà kẻ hậu thuẫn không ai khác ngoài Trung Quốc.
Trong những ngày gần đây sự “ve vãn” của Trung Quốc
với những nước không liên quan hoặc liên quan ít tới tranh chấp Biển
Đông ngày một rõ.
Tàu hộ vệ tên lửa Type 054A Diêm Thành (546) của Trung Quốc
|
Cũng chỉ mới cách đây ít ngày một đoàn quân sự cấp cao
của Thái Lan đã sang Trung Quốc để “tham vấn”. Trong bối cảnh các nước
phương Tây đang chỉ trích và đe dọa đình chỉ quan hệ với Thái Lan vì
cuộc đảo chính lật đổ chính quyền của Thủ tướng Yingluck, động thái này
cho thấy Trung Quốc đã ngay lập tức lợi dụng tình hình để tranh thủ tìm
kiếm sự đồng tình.
Cuối tháng 5 vừa qua Thủ tướng Malaysia đã có chuyến
thăm chính thức Trung Quốc, và ngay sau đó ông Wang Chungui – cựu Đại sứ
Trung Quốc tại Malaysia đã tuyên bố những lời có cánh là “Bắc Kinh và
Kuala Lampur có chung một góc nhìn về vấn đề Biển Đông”!!!
Trung Quốc “trỗi dậy bằng bạo lực”: Trọng điểm triệt phá là Việt Nam
Trung Quốc đã chọn Biển Đông làm nơi bành trướng, và
mục tiêu trọng điểm trước tiên của họ tại đây là Việt Nam và Philippines
vì cả 2 nước đều tuyên bố chủ quyền với quần đảo Trường Sa, nếu giải
quyết được 2 quốc gia chạy dọc suốt phía tây và phía đông biển Đông,
không khó để Trung Quốc bắt nạt nốt Indonessia và Malaysia ở điểm cực
nam của đường lưỡi bò.
Lí do quan trọng nhất là hiện nay Trung Quốc đã kiểm
soát thực tế sườn phía đông “đường lưỡi bò”, chạy dọc từ bãi cạn
Scarborough đến khu vực bãi Cỏ Mây, bãi Cỏ Rong ở Trường Sa, chặn đứng
mọi con đường tiến ra biển của Philippines. Trên thực tế hiện Manila
không còn kiểm soát được các đảo và bãi cạn mà mình đã tuyên bố chủ
quyền.
Giải quyết xong sườn phía đông nên hiện nay Bắc Kinh
quyết tâm thôn tính sườn phía Tây kéo dài từ Hoàng Sa, dọc theo 9 lô dầu
khí Trung Quốc mời thầu phi pháp trên lãnh hải Việt Nam năm 2012, kéo
dài đến hết Trường Sa. Vì vậy, Trung Quốc quyết định kéo giàn khoan Hải
Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam để gây hấn với chúng ta.
Tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 của hải quân Việt Nam
|
Trung Quốc chọn Việt Nam là điểm đột phá bởi vì hiện
chúng ta là nước có tiềm lực hải quân không mạnh lắm, có thể dễ dàng đè
bẹp nếu có xung đột xảy ra. Hơn nữa, chúng ta theo đường lối chính trị
và ngoại giao không liên minh, liên kết, vì vậy khi động đến Việt Nam,
Trung Quốc sẽ không vấp phải những “ông lớn” chống lưng kiểu như Mỹ với
Philippines và Nhật Bản.
Một lí do khác là Trung Quốc lo sợ tinh thần đoàn kết
và truyền thống chống ngoại xâm và nội lực tiềm tàng trong lòng dân tộc
Việt. Hiện nay, có thể nói rằng, Việt Nam chính là bức tường thành vững
chắc nhất trong khối Asean để chống lại Trung Quốc, nếu qua mặt được
chúng ta, không khó để Bắc Kinh dằn mặt, thậm chí là đè bẹp các nước
khác.
Trung Quốc cũng đang quan ngại về xu hướng đầu tư tăng
cường lực lượng theo hướng “đi tắt, đón đầu”, hiện đại hóa hải quân và
không quân Việt Nam. Hiện chúng ta đang mua sắm lô 12 chiếc Su-30MK2 kế
tiếp, chuẩn bị tiếp nhận đủ 6 tàu ngầm Kilo, chuẩn bị trang bị bộ đôi
tàu hộ vệ Gapard mới của Nga, mua sắm một cặp chiến hạm Sigma của Hà Lan
và nỗ lực đóng mới hàng loạt tàu tên lửa cao tốc.
Chỉ cần 5 năm nữa là Việt Nam cơ bản sẽ xây dựng được
lực lượng vũ trang hiện đại hóa với trọng tâm đầu tư là 2 quân chủng
không quân và hải quân. Khi đó, lực lượng không quân và hải quân của ta
sẽ hình thành bộ khung tác chiến khá mạnh, với đầy đủ lực lượng tàu nổi,
tàu ngầm và tiêm kích đánh biển, năng lực tác chiến của hải/không quân
sẽ được nâng lên một tầm cao mới.
Thất bại của những đội quân hùng mạnh như Pháp, Mỹ và
chính Trung Quốc đã khiến họ hiểu rất rõ là đất nước và con người Việt
Nam sẽ không bao giờ khuất phục trước bất kỳ thế lực nào. Vì vậy, Trung
Quốc xác định thời điểm này, khi Việt Nam chưa hoàn thành kế hoạch hiện
đại hóa quân đội, là thời cơ lớn nhất để triệt Việt Nam, sau một thời
gian nữa họ sẽ không thể làm được.
Tàu ngầm diezen-điện lớp Kilo của hải quân Việt Nam
|
Có thể dự đoán là cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của
Việt Nam sẽ rất khó khăn, đến thời hạn 15/8 và 20/8 chưa chắc Trung Quốc
đã rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi lãnh hải Việt Nam và giàn Nam Hải 9
ở gần dường phân định vịnh Bắc Bộ mà có thể sẽ dịch chuyển tiếp, thậm
chí là lấn thẳng xuống Trường Sa, đồng thời điều thêm một vài giàn nữa
để căng mỏng lực lượng chấp pháp Việt Nam với hy vọng chúng ta sẽ kiệt
sức.
Hiện nay, thẳng thắn mà nói là Việt Nam và Philippin,
Indonesia, Malaysia, Bruney đã không còn đường lùi. Trung Quốc đã hết
thời kỳ “giấu mình chờ thời”, quyết tâm “trỗi dậy bằng vũ lực”, bộc lộ
dã tâm nuốt trọn biển Đông, nên chắc chắn là Bắc Kinh chỉ có lấn tới chứ
không bao giờ ngừng lại, chứ đừng nói là lùi bước.
Trung Quốc đã chọn biển Đông để gây hấn vì nghĩ rằng
mình có thể “làm mưa làm gió” tại đây. Tuy nhiên, đó là một sai lầm, bởi
Việt Nam, Philippin, Malaysia, Indonesia đều là những nước có tinh thần
độc lập dân tộc rất cao và tinh thần tự cường dân tộc mạnh mẽ. Chỉ
cần 5 nước Asean có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông gác tranh chấp,
đoàn kết lại thì Bắc Kinh không thể làm gì được.
Chặn đứng âm mưu của Trung Quốc sẽ phụ thuộc phần lớn
vào sự kiên cường, quyết liệt nhưng mềm mỏng và khôn khéo của Việt Nam.
Trong thời gian tới, một mặt chúng ta sẽ phải kiên trì đấu tranh bằng
biện pháp hòa bình, mặt khác phải lập tức kiện Trung Quốc ra Liên Hợp
Quốc, đồng thời huy động sức mạnh của cộng đồng quốc tế để ngăn chặn
hành động ngang ngược của Bắc Kinh.
Song song với đó, Việt Nam cần phải cảnh giác chống âm
mưu la làng, ăn vạ của Trung Quốc, thậm chí là các hành động tự gây tổn
hại để tạo cớ gây chiến của Bắc Kinh. Đồng thời các lực lượng vũ trang
cũng phải nâng cao cảnh giác sẵn sàng chuẩn bị và chuẩn bị đầy đủ phương
án đối phó với tình huống xấu nhất là đối phương chủ động gây xung đột
quân sự.
- Thiên Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét