Từ xứ sở tự do trở về mất tự do (Kỳ 2) &(3)
Từ xứ sở tự do trở về mất tự do (Kỳ 4)
Nguyễn tường Thụy
Cảm ơn bạn đọc đã đồng hành trong câu chuyện của tôi. Tôi không có ý định để mọi người phải chờ, nhưng tôi không có nhiều thời gian. Tôi viết được đến đâu post luôn đến đó.7 giờ trong trạng thái mệt mỏi, không có phương tiện hỗ trợ, nên tôi chỉ dựa vào trí nhớ. Vì vậy có thể những chi tiết không theo trật tự thời gian như chi tiết sau có thể đưa lên trước và ngược lại. Cũng có những chi tiết bị quên, sau khi post lên mới nhớ ra. Chuyển sang văn viết nên tôi không thể mang nguyên câu nói (và cũng không thể nhớ nguyên văn) còn từ ngữ nếu không nhớ chính xác thì dùng từ đồng nghĩa hay gần nghĩa nhưng đảm bảo trung thực.
Tôi chỉ viêc kể, còn nhận xét như thế nào là quyền của các bạn.
Có vẻ như bạn đọc rất thích thú với nhân vật Vũ (Vũ tiến sĩ) trong ghi chép này nên tôi kể thêm chút nữa.
Khi Vũ đang ca ngợi lý tưởng của cậu ta và thao thao chửi bới bọn phản động, một tay công an đến bảo tôi:
-Đã làm chính trị thì đừng sợ, sợ thì đừng làm (có lẽ vì cậu ta thấy tôi thường ngồi im, không đối đáp với Vũ)
Tôi nói:
- Tôi không làm chính trị. Tôi không có khả năng và tuổi cũng cao rồi. Tôi không có tham vọng chính trị mà tôi chỉ bày tỏ thái độ chính trị. Tôi phản ánh sự thật và nói lên chính kiến của mình. Tôi chỉ là giọt nước góp phần làm nên biển cả. Vợ tôi nói, cô ấy không đồng ý cho tôi nhận bất cứ vị trí nào trong chính quyền, cô ấy muốn tôi vẫn là chồng cô ấy. Tôi đồng ý với ý kiến này. [Cô ấy bảo: “Em chỉ sợ có chút quyền chức trong tay, anh sẽ biến thành con người khác”].
Tôi ý thức được việc làm của mình. Nhiều người đấu tranh ôn hòa, bày tỏ thái độ chính trị theo đúng Hiến pháp qui định nhưng vẫn bị bỏ tù. Điều này họ đều lường trước nhưng vẫn dấn thân.
Không thể nói rằng “tôi không có gì để sợ”. Con người phải có cái để mà sợ. Đó là sợ làm những điều gì hại cho Đất Nước, cho Dân Tộc.
Có người nói vâng (hoặc đúng vậy), tán thành cái nỗi sợ mà tôi vừa nêu ra làm tôi hơi ngạc nhiên.
Vũ hỏi:
- Anh cho rằng nhiều người đã phải trả giá. Tại sao anh nói thế?(ý Vũ nói đến câu “nhiều blogger đã phải trả giá, kể cả đi tù với mức án nặng nề” trong nội dung điều trần của tôi tại Quốc hội Hoa Kỳ).
Tôi nói:
- Trần Văn Hải – Điếu Cày với hai án tổng cộng 14,5 năm, Tạ Phong Tần 10 năm rồi Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất… gần đây nhất là Ba Sàm, thế chưa đủ sao.
Trước khi ra khỏi phòng thẩm vấn, Vũ nói rằng hôm nay cậu ta làm việc như thế, chứ chưa dùng đến phương pháp khác… Tôi hiểu phương pháp mà cậu ta nói ở đây ngầm ý là phương pháp… chân tay.
Vũ tiến sĩ đi rồi, trong phòng lúc này có tôi 5,6 người còn lại. Tôi không biết tên bất cứ một ai trong số này vì họ không giới thiệu mà tôi cũng không hỏi.
Việc thẩm vấn lại tiếp tục. Lại quan tâm đến mối quan hệ của tôi với Việt Tân và bản điều trần. Tôi vẫn giữ thái độ điềm tĩnh, tránh mắc mưu khiêu khích, chỉ nói khi thấy cần thiết.
Thực ra, tôi chưa bao giờ quan tâm tìm hiểu Việt Tân như thế nào. Quan niệm của tôi là tiếp xúc với ai không quan trọng, vấn đề là mình nói thế nào và hành vi của mình ra sao. Trong luật Việt Nam, các hành vi bị xử lý tôi không thấy có hành vi tiếp xúc với Việt Tân. Tôi cũng không thấy văn bản nào cấm Việt Tân hoạt động. Và như đã nói ở kỳ trước, xét về nguyên tắc, tôi không thể khẳng định ai là Việt Tân khi tôi không là cán bộ tổ chức của Đảng này.
Vì vậy, khi tiếp xúc hay trả lời phỏng vấn tôi chẳng bao giờ quan tâm xem người đó là ai, “phản động” tới mức nào. Điều quan tâm của tôi là phải tôn trọng sự thật, đừng bịa đặt hay thêm bớt.
Nghe nói Việt Tân là một tổ chức khủng bố. Lại có ý kiến cho rằng, Việt Tân là cánh tay nối dài của Việt cộng. Vì vậy, nhiều người sợ dính líu đến Việt Tân. Cũng có những người cho rằng, cứ ai bị tuyên truyền nói xấu nhiều nhất thì phải hiểu ngược lại.
Ông Đỗ Hoàng Điềm có kể cho chúng tôi nghe một chuyện:
Năm 2007 ông có dịp nói chuyện với tổng thống Mỹ George Walker Bushtrong Nhà Trắng. Ông nói vui:
- Ông có biết là ông đang tiếp chuyện trùm khủng bố không?”
George W. Bush cũng khôi hài:
- Ông là khủng bố vậy thì tôi đồng lõa với khủng bố.
Còn ông phó Tổng thống ngồi bên nói:
- Các ông là khủng bố thế thì tôi là đồng lõa với ai?
Tổng thống Mỹ George Walker Bush tiếp ông Đỗ Hoàng Điềm tại Nhà Trắng (ông Điềm ngồi đầu tiên, phía tay trái ông Bush)
Nước Mỹ là quốc gia đi tiên phong trong việc chống khủng bố. Chẳng lẽ Việt Tân là tổ chức khủng bố mà Mỹ lại dung túng?
Tôi đã gặp một số người được cho là đảng viên đảng Việt Tân, họ đều nói mục tiêu của họ là đấu tranh cho một nước Việt Nam mới. Họ muốn có một chế độ có khả năng đưa đất nước phát triển, đem lại hạnh phúc cho nhân dân.
Hôm biểu tình trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Los Angeles, tôi thấy tràn ngập cờ Việt Nam Cộng hòa. Một người giải thích: “Bây giờ chưa có cờ nào thì dùng tạm cờ này để đối chọi lại cờ đỏ thôi. Sau này đất nước thay đổi, cần phải có một lá cờ khác, chung cho cả nước”….
30/5/2014
(Còn tiếp)
***************************************
Từ xứ sở tự do trở về mất tự do (Kỳ cuối)
Nguyễn tường Thụy
Họ lại tiếp tục hỏi về hoạt động của
tôi bên Mỹ. Mọi hoạt động của đoàn điều trần đã được công khai trên báo
chí. Tôi trả lời cho qua chuyện vì chẳng có gì mới. Nói nhiều, nói hết
cũng chẳng giúp ích gì cho họ và chẳng hại gì cho tôi, chỉ mất thời gian
vô ích.Tôi luôn nghĩ đến vợ con tôi và bạn bè đang vất vả đứng trước
cổng đồn đòi người. Tôi chỉ muốn gọi điện ra bảo mọi người về, còn tôi
họ giữ đến bao giờ cũng được. Nhưng điện thoại của tôi đang bị khống
chế.
-Anh phải biết người ta mời ăn cơm thì họ phải có mục đích gì chứ?
- Tôi nghĩ họ quý
chúng tôi thì họ mời. Ai mời thì chúng tôi đi nếu muốn. Nếu có mục đích
gì thì tôi cũng chẳng phải bận lòng. Nhưng bữa ăn diễn ra vui vẻ, không
nói chuyện chính trị gì hết.
Tiếp xúc với các thành viên trong Ban
tổ chức, trong đó có Việt Tân, tôi thấy một điều là họ chỉ làm theo
trách nhiệm của mình sao cho chu đáo, bày tỏ tình cảm quý mến chúng tôi
chứ họ không tuyên truyền hay khuyên chúng tôi nên làm gì cả. Họ cũng
chẳng bao giờ giới thiệu cho chúng tôi biết về tổ chức của họ. Với Việt
Tân, có lẽ họ muốn tạo điều kiện cho chúng tôi gặp gỡ họ, tự tìm hiểu
xem họ là ai, như thế nào, có đúng như những gì đã tuyên truyền không.
Đó là bản lĩnh của những người tự tin. Khi liên lạc với tôi để sắp xếp
cho tôi đi, Lilli Nguyen nói thẳng với tôi rằng, nếu chú không ngại Việt
Tân thì đi, chắc chắn sẽ là một chuyến đi bổ ích.
Với
Lilli Nguyen. Hai chú cháu tại QH Mỹ. Tôi bảo: Giao lưu với cháu khi ở
nhà, thấy cháu rất đáng yêu. Sang đây gặp cháu, chú thấy cháu đáng yêu
hơn nhiều.
Họ lại quay lại nội dung điều trần của tôi, nhấn vào chuyện tôi nói cần phải có một thể chế đa nguyên:
- Anh xem ở Thái Lan, biểu tình, bạo động mất ổn định xã hội…
- Thái Lan hơn VN nhiều chứ. Thời kỳ
1954, VN ngang bằng các nước Đông Nam Á, nếu không nói là hơn. Sài Gòn
từng được coi là Hòn ngọc Viễn Đông. Nhưng rồi các nước bỏ ta quá xa.
Bây giờ đã kém họ, tốc độ lại chậm hơn thì nguy cơ tụt hậu lại càng cao.
Trên thế giới có 4 quốc gia có yếu tố XHCN bị chia cắt và theo hai chế
độ khác nhau. Nhưng phần nào theo XHCN thì đều kém phần theo Tư bản: Tây
Đức phát triển mạnh hơn Đông Đức, Hàn Quốc phát triển hơn hẳn Bắc Triều
Tiên, Đài Loan hơn Trung Hoa lục địa, còn Việt Nam, năm 1975, Miền Nam
Việt Nam hơn Bắc Việt Nam. Thế nhưng trước khi bị chia cắt thì cả nước
là như nhau.
[Trong 4 quốc gia bị chia cắt, đến nay
chỉ có Việt nam thống nhất bằng chiến tranh, Nước Đức thống nhất bằng
phương pháp hòa bình, thêm gánh nặng bởi người anh em cộng sản. Còn
Trung Quốc và Triều Tiên thì chưa nhưng có vẻ chẳng anh nào muốn đánh
anh nào mặc dù Trung Hoa lục địa và Bắc Triều Tiên hô giải phóng rõ to
từ nhiều chục năm trước]
Có vẻ họ không hào hứng lắm về chủ đề này.
- Anh có biết tôn chỉ mục đích của Đảng Việt Tân không?
- Không, tôi không quan tâm.
- Họ có cho tiền anh không?
- Không, họ là một tổ chức làm việc rất
chuyên nghiệp, việc tiền nong là điều tế nhị nên cho hay không họ phải
cân nhắc chứ không phải họ không có tiền.
- Anh mang theo bao nhiêu tiền?
- Ba nghìn
- Anh tiêu những cái gì?
Tôi bảo mua laptop, máy bảng, tiêu vặt còn lại thế.
- Họ có mời các anh tham gia Đảng Việt Tân không?
- Không.
- Nếu cho anh định cư ở Mỹ, anh có đi không?
- Không, đất nước thì như thế, nhân dân còn khổ quá. Visa của tôi 1 năm, tôi chỉ đi bấy nhiêu ngày.
Cũng có khi câu chuyện đi ra ngoài lề,
xoay về nước Mỹ. Tôi nói qua rằng, tôi mới đi qua 2 bang ở Mỹ thôi, thấy
rất trật tự, sạch sẽ, nhiều cảnh đẹp.
Một cậu nói:
- Việt Nam cũng có nhiều cảnh đẹp chứ.
- Cảnh đẹp thiên nhiên thôi. Tôi cũng đã thăm nhiều phong cảnh ở VN. Nhưng do yếu tố con người nên cảnh đẹp mà rất lộn xộn.
- Nhưng Việt Nam thì phải từ từ, không thể đốt cháy giai đoạn.
Câu nói của cậu ta khiến tôi liên tưởng
đến chuyện VN đi lên chủ nghĩa xã hội do đốt cháy giai đoạn nên mới ra
như thế. Nhưng câu nói của cậu ấy vô hình trung mang ý rằng VN cần phải
theo mô hình của Mỹ, nhưng bây giờ không thể bằng ngay được. Ý nghĩ đó
khiến tôi vui vui.
Qua buổi thẩm vấn, tôi thấy họ quan tâm
đến những điều rất nhỏ như chẳng để làm gì, không hiểu tư duy của họ
như thế hay họ muốn làm nghiêm trọng vấn đề. Việc được mời đi ăn mà phải
cảnh giác với động cơ của người mời là một lối tư duy thảm hại.
Việc tuyên truyền về Việt Tân, nói mãi
cũng tạo nên được hiệu quả là nhiều người sợ dính đến Việt Tân. Họ hù
dọa những ai nhận tiền nước ngoài khiến nhiều người sợ. Rồi chẳng có
tiền nhưng vẫn nói là nhận tiền, xuyên tạc những người yêu nước đi biểu
tình vì tiền. Tôi đã tham gia những cuộc biểu tình chống Trung Cộng từ
năm 2011 đến nay, lấy danh dự cá nhân, tôi khẳng định tôi chưa bao giờ
được phát tiền hay nhìn thấy ai đã nhận tiền. Truyền hình Hà Nội trong
bản tin trưa vào một ngày biểu tình hẹn khán giả buổi tối sẽ công bố
cảnh người biểu tình nhận tiền nhưng rồi đến tối chẳng thấy đâu nên được
một phen tẽn tò.
Trong những hành vi bị xử bởi Bộ Luật
hình sự, không hề có hành vi tiếp xúc với người này người nọ, tổ chức
này tổ chức khác, nhận tiền nước ngoài, đi Mỹ phát biểu về các vấn đề
chính trị. Việc phát biểu ở đâu cũng là như nhau chứ không phải ở Mỹ thì
tội to hơn, ở VN thì có thể tha thứ. Điều 88 Bộ luật hình sự có nói về
hành vi tuyên truyền chống Nhà nước nhưng không phân ra tuyên truyền
chống Nhà nước ở nước ngoài thì án nặng hơn tuyên truyền chống Nhà nước ở
trong nước. Tuy vậy sang Mỹ, chúng tôi nói năng còn dè dặt hơn nhiều.
Chúng tôi sang Mỹ, nói sự thật, nêu lên
chính kiến của mình, đương nhiên không phải tuyên truyền chống Nhà
nước. Vậy mà việc chúng tôi đi Mỹ, họ làm như sự kiện động trời lắm. Huy
động lực lượng công an bắt ngay tại cửa máy bay, thẩm vấn, đe dọa, tạo
ra một không khí khủng bố. Người khác trong đoàn còn bị đánh, bị giữ tài
sản, câu lưu tới 24 giờ. Họ cứ làm như chúng tôi lật đổ chính phủ đến
nơi.
Họ đưa biên bản đến bảo tôi xem lại rồi
ký. Tôi đọc qua thấy đại loại như tôi đã kể nhưng chỉ một phần và cũng
chỉ là một phần so với những gì đã thông tin trên báo chí hay trên trang
mạng cá nhân. Không thấy ghi nhiều câu nói của tôi. Tôi bảo, có một vài
từ không chính xác, như xác nhận ghi thành thừa nhận, nhưng thôi, điều
đó chẳng quan trọng, sửa nó be bét ra.
Sau đó, họ để tôi ngồi một mình, còn họ làm việc của họ, tình trạng này rất lâu, chẳng nhớ là mấy tiếng.
Ngồi không một lúc, tôi bảo:
- Đề nghị các anh bố trí cho tôi chỗ nghỉ, tôi rất mệt.
- Ở đây là nơi làm việc, không có chỗ nằm, anh có thể nằm tạm ra ghế.
Tôi nhìn vào chiếc ghé băng gỗ rồi vẫn
ngồi thản nhiên. Tôi cũng không tỏ ra sốt ruột, không hỏi còn gì nữa
không. Có lúc mệt và buồn ngủ quá, tôi ngồi gục đầu xuống bàn nhưng cũng
chẳng chợp mắt được. Ngồi chán, tôi đoán có thể họ chờ xin quyết định
tạm giam tôi cũng nên.
Có lúc họ bỏ ra ngoài chỉ còn một mình
tôi. Tôi thấy điện thoại của tôi để trên bàn. Tôi rất muốn gọi cho mọi
người đang bên ngoài bảo mọi người cứ về nhưng tôi không muốn để họ đánh
giá là tôi gọi “trộm” mặc dù máy của tôi và việc khống chế điện thoại
của tôi là bất hợp pháp.
4h20’, họ mang laptop và máy bảng của
tôi sang trả, bảo rằng giao lại đầy đủ mọi thứ cho anh, anh kiểm tra lại
máy, buổi làm việc kết thúc ở đây. Tôi uể oải đứng dậy rồi thong thả
thử máy. Tôi định bấm máy báo tin cho mọi người là tôi sắp ra nhưng họ
bảo, đừng gọi điện từ trong này, ra ngoài gọi gì thì gọi. Tôi nghĩ cũng
chẳng cần thiết tới mức phải nói lại nên ok.
Tôi nhét máy vào ba lô, nói:
- Việc bình thường, có gì đâu mà nghiêm trọng thế. Tôi lật đổ nhà nước này thế quái nào được.
Khi đưa lại hộ chiếu cho tôi, tôi mỉm cười:
-Vậy là lại tiếp tục sang Mỹ nữa
- Cái đó là quyền công dân của anh, anh đi đâu là việc của anh.
Tôi chợt nghĩ đến Nguyễn Lân Thắng,
Phạm Chí Dũng, Anna Huyền Trang. Giá mà họ tôn trọng quyền công dân của
các bạn ấy thì chuyến đi Mỹ của chúng tôi sẽ vui và kết quả tốt đẹp hơn
nhiều.
Hình ảnh của Lân Thắng và Huyền Trang trong buổi điều trần tại QH Mỹ
Họ chở tôi ra nhà ga. Vợ tôi và bạn bè tôi ào đến. Chúng tôi ôm chặt lấy nhau trong niềm hân hoan hiếm có.
30/5/2014
HẾT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét