Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

Việt Nam đang cân nhắc những chiến lược mới để ngăn chặn Trung Quốc Việt Nam có chiến lược gì để chống lại sự chèn ép của Trung Quốc?

 Boxitvn

Carl Thayer,The Diplomat, 28-5-2014
Trần Ngọc Cư dịch
Theo thời gian, đã trở nên yên ắng việc truyền thông quốc tế theo dõi cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Việt Nam về sự kiện Bắc Kinh hạ đặt một giàn khoan khủng trong vùng nước được Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Nhưng những đối đầu hàng ngày vẫn còn tiếp diễn. Tình hình hiện nay không phải là một bế tắc, mà là một nỗ lực có quyết tâm của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng bằng cách đẩy lùi các lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam lùi vào bên trong đường chín đoạn mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố.
Các nguồn tin của chính phủ Việt Nam bày tỏ mối quan ngại là Trung Quốc sẽ dời giàn khoan này tới một địa điểm gần Việt Nam hơn vị trí ban đầu. Họ lo lắng về nơi giàn khoan sẽ được hạ đặt vì, những người đưa tin này lý luận, cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều không biết chính xác đường chín đoạn nằm ở đâu.


Các hãng truyền thông đưa tin tàu Hải giám Trung Quốc dùng vòi rồng bắn nước vào tàu Việt Nam và tàu Trung Quốc húc vào tàu của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, cho ta thấy những đoạn phim bắt mắt nhưng chưa phải là những phân tích tình hình nghiêm túc. Trung Quốc đang tiến hành một “chiến tranh tiêu hao” với Việt Nam trong tư thế mạnh hơn đối phương nhiều lần. Trung Quốc dùng chiến thuật húc vào tàu Việt Nam có trọng tải nhỏ hơn từ hai đến bốn lần tàu của mình – đây là một chiến thuật được thiết kế để gây hư hại khiến các tàu Việt Nam cần phải vào bờ để sửa chữa.
Một số nhà phân tích Việt Nam phỏng tính rằng nếu tỉ lệ tổn thất hiện nay tiếp tục, Việt Nam có thể không có đủ tàu để tiếp tục đối đầu với Trung Quốc trong vùng nước quanh giàn khoan.
Theo Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam Ngô Ngọc Thu, vào ngày 3 tháng Năm tàu Hải giám Trung Quốc số 44044 đã húc vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam số 4033, để lại một vết nứt dài 3 mét rộng 1 mét, gây hư hại toàn bộ đầu máy bên phải. [Đại tá] Thu còn mô tả chi tiết những hư hại khác của các tàu Việt Nam.
Nghiên cứu gần đây của Scott Bentley cho thấy Trung Quốc cố tình dùng vòi rồng gây hư hại các cột truyền tin và ăng ten trên tàu Việt Nam. Các đoạn video trên Youtube cho thấy rõ ràng những cột truyền tin này bị sức nước thổi bay khỏi bong tàu Việt Nam. Chiến thuật này làm giảm khả năng truyền tin của các tàu Việt Nam với các tàu khác và như thế buộc chúng phải quay vào bến cảng để sửa chữa hư hại.
Hơn nữa, những đối đầu Việt-Trung bằng tàu trên biển có tính nghiêm trọng chết người. Theo Scott Bentley, hầu hết tàu Hải giám Trung Quốc đều có trang bị vũ khí hải quân. Cả tàu Hải giám Trung Quốc lẫn các tàu khu trục của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân đều bố trí xạ thủ cho các ổ súng đã để lộ nòng và cố tình nhắm vào các tàu Việt Nam trong cuộc đối đầu chung quanh giàn khoan.
Cho đến nay Việt Nam đã đáp trả những hành vi quyết đoán hung hăng này của lực lượng hải giám Trung Quốc như thế nào? Đâu là chiến lược của Việt Nam nhằm chống cự lại sự chèn ép của Trung Quốc?
Việt Nam đang duy trì một sự hiện diện liên tục ở vòng ngoài của đoàn tàu Trung Quốc triển khai chung quanh giàn khoan. Hàng ngày, tàu Cảnh sát biển Việt Nam dùng loa phóng thanh phát đi các tuyên bố khẳng định chủ quyển Việt Nam và kêu gọi phía Trung Quốc rời khỏi lãnh hải Việt Nam.
Theo Scott Bentley, phía Việt Nam đã hết sức thận trọng, cố giữ kín các vũ khí nhẹ trên tàu, việc này rõ ràng đưa tín hiệu cho thấy Việt Nam đang theo đuổi lập trường không khiêu khích.
Việt Nam vẫn còn để các chiến hạm và tàu ngầm của mình nằm yên trong cảng hay nằm khá xa vùng biển tranh chấp quanh giàn khoan. Các quan chức Việt Nam liên tục kêu gọi Trung Quốc thảo luận vấn đề. Họ đề nghị sử dụng đường dây nóng giữa các lãnh đạo cấp cao và họ đã yêu cầu phía Trung Quốc tiếp Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đã điện đàm với người đồng nhiệm Trung Quốc, ông Vương Nghị [Wang Yi]. Và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã tiếp xúc ngắn ngủi với người đồng nhiệm phía Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Thường Vạn Toàn [Chang Wanquan], bên lề cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN gần đây tại [Thủ đô Miến Điện] Nay Pyi Taw.
Trung Quốc đã bác bỏ các đề nghị nói trên của Việt Nam, trong khi các tiếp xúc cá nhân thì rất lạnh nhạt.
Nỗ lực ban đầu của Việt Nam nhằm đưa ra một lập trường hòa giải đã bị đẩy lùi bởi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc của công nhân tại các khu công nghiệp. Những cuộc biểu tình này bất ngờ trở nên bạo động và nhắm vào các nhà máy và công nhân Trung Quốc. Các quan chức chính phủ và công an Việt Nam đã nhanh chóng tái lập luật pháp và trật tự, đồng thời bắt giữ một số đông công nhân bị qui trách nhiệm gây ra cuộc bạo loạn. Trung Quốc đã gửi tàu và máy bay để di tản hàng ngàn công nhân của mình về nước. Vào lúc tôi viết bài này, các tòa án Việt Nam đang tuyên án tù giam đối với những người sách động bạo loạn.
Phản ứng của Việt Nam đối với cuộc khủng hoảng giàn khoan gồm có các đề nghị ngoại giao gửi đến Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và kêu gọi hậu thuẫn từ cộng đồng quốc tế. Trong một cách ứng xử mới, Việt Nam đang cân nhắc hành động pháp lý, chưa được tiết lộ chi tiết, nhằm chống lại Trung Quốc. Người ta suy đoán, việc này có thể mang hình thức một nỗ lực pháp lý độc lập hoặc là Việt Nam sẽ hậu thuẫn Philippines tại Toà án Trọng tài Quốc tế hiện đang tiến hành.
Theo các cuộc trao đổi riêng với một số quan chức chính phủ Việt Nam và các chuyên gia an ninh, Việt Nam cũng đang vạch ra một chiến lược dài hạn nhằm chặn đứng các hành vi xâm lược tương tự của Trung Quốc trong tương lai. Phần thảo luận dưới đây chỉ là nỗ lực nắm bắt một số ý kiến đang được trao đổi, chưa phải là thành tố của một chính sách được chính phủ Việt Nam chính thức phê chuẩn.
Cốt lõi của chiến lược đang hình thành của Việt Nam là tránh trực diện đối đầu với Trung Quốc trong một nỗ lực buộc họ phải rút giàn khoan và các tàu hải quân Trung Quốc ra khỏi Khu Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam. Nói đúng ra, các nhà chiến lược Việt Nam chỉ tìm cách ngăn chặn các hành động tương tự của Trung Quốc trong tương lai.
Vào thời điểm này, hình như Việt Nam đang cân nhắc hai chiến lược để ngăn chặn Trung Quốc –một là, dùng đòn bẩy của các quan hệ đồng minh giữa Mỹ với Nhật Bản và Philippines, và hai là, trong trường hợp có xung đột vũ trang, dùng “hiểm họa hai bên chắc chắn hủy diệt lẫn nhau” [mutually assured destruction]. Các quan chức Việt Nam trong tiếp xúc riêng tư đã nhấn mạnh rằng tất cả những hành động được thực thi dù theo bất cứ chiến lược nào cũng sẽ hoàn toàn minh bạch để giảm đến mức tối thiểu các tính toán sai lầm từ phía Trung Quốc.
Mục đích chính của chiến lược mới thành hình của Việt Nam là không trực tiếp đối đầu với Trung Quốc nhưng chỉ ngăn chặn họ bằng cách tạo tình huống theo đó Trung Quốc sẽ phải hoặc là chấp nhận nguyên trạng hoặc là leo thang xung đột. Việc này sẽ kéo theo nhiều rủi ro cho Trung Quốc vì các lực lượng Việt Nam sẽ hoạt động bên cạnh hai đồng minh của Hoa Kỳ để theo đuổi mục tiêu của mình bằng phương cách hòa bình.
Trước khi cuộc khủng hoảng giàn khoan xảy ra Việt Nam đã đề nghị một cuộc đối thoại an ninh ba bên với Hoa Kỳ và Nhật Bản. Hình như đề nghị này đã nhận được một phản ứng dè dặt từ phía Nhật Bản, nhưng nó vẫn còn ở trên bàn chờ cơ hội xét lại. Trong tình hình hiện nay, một dàn xếp ba bên có thể là cách để cùng nhau phác họa một chiến lược đa phương nhằm chặn đứng Trung Quốc.
Việt Nam đã tiếp cận Nhật Bản và Philippines trong một nỗ lực nhằm đẩy mạnh sự tương tác với các lực lượng biển của những nước này, gồm cả lực lượng Cảnh sát biển và Hải quân. Việt Nam hi vọng sẽ tham dự các cuộc huấn luyện hỗn hợp và các hình thức diễn tập trên biển khác, kể cả tuần tra hỗn hợp, trong biển Hoa Nam [tức Biển Đông Việt Nam]. Các cuộc diễn tập này sẽ diễn ra ở một địa điểm khá xa vị trí đang có những căng thẳng hiện nay. Chúng sẽ được tiến hành ở ngoài khơi và trong Vùng Đặc quyền Kinh tế Việt Nam băng qua đường chín đoạn của Trung Quốc.
Việt Nam cũng đang cân nhắc đến việc cầu thân với Hoa Kỳ. Một đề nghị được đưa ra là thúc đẩy hiệp định hợp tác giữa hai Lực lượng Cảnh sát biển. Như thế, Lực lượng Cảnh sát biểnHoa Kỳ có thể được triển khai trên lãnh hải Việt Nam để tham dự các cuộc huấn luyện hỗn hợp. Hai bên có thể trao đổi quan sát viên với nhau.
Việt Nam gần đây đã tham gia Sáng kiến an ninh chống phổ biến vũ khí giết người hàng loạt. Sự kiện này có thể tạo cơ hội để Hoa Kỳ trợ giúp Việt Nam phát triển khả năng giám sát vùng biển thuộc trách nhiệm của mình. Trước đây, Việt Nam đã bày tỏ ý muốn mua máy bay hải giám của Mỹ. Hoa Kỳ có thể gửi đến Việt Nam một mẫu máy bay mà Việt Nam muốn mua và tiến hành các chuyến bay biểu diễn có nhân viên quân sự Việt Nam trên đó.
Ngoài ra, các máy bay không vũ trang thuộc lực lượng hải giám của Hải quân Hoa Kỳ, có căn cứ tại Philippines theo hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng mà hai nước vừa ký kết, có thể triển khai đến Việt Nam trên cơ sở tạm thời. Chúng có thể tiến hành các phi vụ giám sát biển hỗn hợp cùng với các máy bay Việt Nam. Nhân viên quân sự Mỹ có thể bay trên các máy bay thám thính Việt Nam với tư cách quan sát viên, và ngược lại.
Các quan chức và các nhà phân tích Việt Nam dự kiến Trung Quốc sẽ tung ra các cuộc diễu võ giương oai của hải quân trên biển Hoa Nam [Biển Đông] hàng năm từ tháng Năm đến tháng Tám. Đây cũng là cơ hội để Hoa Kỳ và Nhật Bản tổ chức một loạt các cuộc thao diễn hải quân kéo dài và các chuyến bay giám sát biển với Việt Nam ngay trước khi các lực lượng Trung Quốc xuất hiện và suốt trong thời gian từ tháng Năm đến tháng Tám. Chi tiết của tất cả các hoạt động này sẽ hoàn toàn minh bạch đối với mọi quốc gia trong khu vực, kể cả Trung Quốc.
Chiến lược gián tiếp này của Việt Nam tạo phương tiện cho Hoa Kỳ bày tỏ một cách cụ thể chính sách công khai chống lại việc sử dụng hình thức đe dọa và chèn ép để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Chiến lược gián tiếp của Việt Nam không đòi hỏi Hoa Kỳ phải trực tiếp đối đầu với Trung Quốc. Chiến lược của Việt Nam đặt gánh nặng lên vai Trung Quốc trong việc quyết định có nên hay không nên chấp nhận rủi ro do việc tấn công các đội hình quân sự hỗn hợp gồm tàu Hải quân và máy bay Việt Nam hoạt động cùng với các đồng minh của Mỹ, tức Philippines và Nhật Bản, hoặc với nhân viên quân sự Mỹ.
Những lực lượng hải quân và không quân này sẽ hoạt động trong vùng biển và vùng trời quốc tế. Mục tiêu là duy trì một sự hiện diện liên tục của hải quân và không quân để ngăn chặn việc Trung Quốc dùng đe dọa và chèn ép đối với Việt Nam. Khả năng ngăn chặn có thể được tăng cường bằng cách trao đổi các thủy thủ đoàn và các phi hành đoàn trong tất cả các cuộc diễn tập. Phạm vi và cường độ của những cuộc diễn tập này có thể thay đổi tùy theo mức độ của các căng thẳng.
Chiến lược ngăn chặn thứ hai mà Việt Nam có thể dùng đến, là “bảo đảm hủy diệt lẫn nhau”, chỉ được áp dụng cho một tình thế nghiệt ngã khi quan hệ Việt-Trung tồi tệ đến mức trở thành xung đột vũ trang. Các nhà chiến lược Việt Nam lý luận rằng mục đích của chiến lược này không phải là đánh bại Trung Quốc mà chỉ gây đủ thiệt hại vật chất và bất ổn tâm lý khiến giá bảo hiểm của Công ty Lloyd đối với các tàu biển tăng vọt và khiến các nhà đầu tư nước ngoài hoảng hốt bỏ chạy.
Theo chiến lược này, nếu xung đột vũ trang bùng nổ, Việt Nam sẽ dành ưu tiên cho việc nhắm vào các thương thuyền và các tàu chở dầu mang cờ Trung Quốc hoạt động trong vùng cực nam biển Hoa Nam [Biển Đông]. Việt Nam hiện có tên lửa đạn đạo phòng duyên có thể bắn đến các căn cứ hải quân Trung Quốc trên đảo Hải Nam và đảo Phú Lâm.
Một số nhà chiến lưọc Việt Nam còn tranh luận rằng Việt Nam phải mua ngay nhiều số lượng lớn các tên lửa đạn đạo có khả năng bắn đến Thượng Hải và thậm chí đến cả Hồng Kông. Trong trường hợp có xung đột vũ trang, những thành phố này và nhiều thành phố khác có thể trở thành mục tiêu pháo kích nhằm gây rối loạn rộng lớn cho nền kinh tế Trung Quốc. Việc này sẽ có một tác động toàn cầu. Các nhà chiến lược Việt Nam tin chắc rằng các cường quốc quan trọng sẽ can thiệp để chống lại hành động xâm lược của Trung Quốc.
Việt Nam đang cân nhắc một chiến lược mới, gồm việc gián tiếp lôi kéo các nước khác vào cuộc đối đầu với Trung Quốc của mình. Đây là một chỉ dấu cho thấy các quan chức và các nhà chiến lược Việt Nam coi những căng thẳng hiện nay như là một chiến lược dài hạn của Trung Quốc nhằm quyết đoán địa vị bá quyền không những tại biển Hoa Nam [Biển Đông] mà còn tại biển Hoa Đông. Sức thu hút của một chiến lược gián tiếp, minh bạch, và không khiêu khích nằm ở chỗ là nó cung cấp cho Nhật Bản, Philippines và Hoa Kỳ một phương cách ngặn chặn đường lối nguy hiểm hiện nay của Trung Quốc.
C. T.
Dịch giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét