Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Đa nguyên chính trị và đa đảng ở Việt Nam

Boxitvn

Hà Huy Sơn
Bàn về vấn đề đa nguyên chính trị và đa đảng, tôi chỉ xin trích dẫn Bách khoa toàn thư mở Wikipedia:
“Đa nguyên theo nghĩa tổng quát là sự xác nhận và chấp nhận tính đa dạng. Khái niệm này thường được dùng theo nhiều cách khác nhau trong nhiều vấn đề khác nhau. Trong chính trị, sự xác nhận tính phong phú về các mối quan tâm và niềm tin của toàn thể công dân là một trong số các đặc tính quan trọng của nền dân chủ hiện đại. Trong khoa học, khái niệm này thường miêu tả quan điểm cho rằng có vài, không phải duy nhất, phương pháp, lí thuyết hay quan điểm là hợp lí hoặc đáng tin cậy. Thái độ này được cho là một yếu tố quan trọng cho tiến bộ khoa học. Thuật ngữ đa nguyên cũng được dùng với một số nghĩa khác trong ngữ cảnh tôn giáotriết học.

Triết học: Học thuyết triết học đa nguyên luận chỉ thừa nhận sự tồn tại của nhiều nguyên thể khác biệt, độc lập với nhau trong thế giới, thế giới được hợp thành bởi nhiều bản nguyên.
Kinh tế - chính trị: Học thuyết đa nguyên trong kinh tế - chính trị học cho rằng cần có nhiều lực lượng chính trị, nhiều đảng phái trong một quốc gia (chống lại vai trò độc quyền lãnh đạo của một đảng); nhiều thành phần kinh tế cùng tồn tạiđua tranh với nhau, không có thành phần kinh tế chủ đạo.”
Tôn giáo là một phạm trù triết học, chính trị hay nói cách khác đa tôn giáo chính là đa nguyên chính trị. Trong lịch sử Việt Nam rất nhiều tôn giáo được du nhập, hình thành và tồn tại ở Việt Nam từ hàng ngàn năm. Chỉ tính riêng về tôn giáo cũng đủ khẳng định đa nguyên chính trị là một thực tế khách quan ở Việt Nam.
“Hệ thống đa đảng là hệ thống mà ở đó có hai hoặc nhiều hơn các đảng chính trị có khả năng giành quyền điều hành chính phủ một cách độc lập hay liên minh với nhau.
Không giống như hệ thống một đảng phái hay hệ thống không đảng phái, hệ thống đa đảng khuyến khích toàn bộ cử tri thành lập nhiều nhóm đặc trưng riêng, được công nhận chính thức và thường được gọi là các đảng chính trị. Mỗi đảng tranh cử từ những cử tri hợp thức (được cho phép bầu). Hệ thống đa đảng là thiết yếu trong một nền dân chủ đại nghị, vì nó ngăn ngừa sự lãnh đạo của một đảng duy nhất dẫn đến những chính sách không mang tính cạnh tranh (được đưa ra thách thức bởi các đảng phái khác).
Nếu chính phủ gồm các ghế được bầu ra, các đảng có thể chia quyền theo đại diện tỉ lệ hoặc luật thắng với đa số tương đối. Ở đại diện tỉ lệ, mỗi đảng giành được một số ghế theo tỉ lệ phiếu bầu mà đảng đó nhận được. Còn ở thắng với đa số tương đối, cử tri được chia thành nhiều khu vực, mỗi khu vực một người được chọn cho một ghế bởi đa số phiếu. Luật thắng với đa số tương đối không có lợi cho sự phát triển của nhiều đảng, và chúng tự nhiên hướng đến một hệ thống chỉ có hai đảng, nơi chỉ có hai đảng có cơ hội thực sự trong việc đưa ứng viên của họ giành chiến thắng (hệ quả này còn gọi là luật Duverger). Trái lại, đại diện tỉ lệ không có khuynh hướng này và cho phép nhiều đảng chính phát triển.
Sự khác biệt này không phải là không có liên quan với nhau. Một hệ thống hai đảng đòi hỏi cử tri đứng vào các khối lớn, nhiều khi lớn đến nỗi họ không thể đồng ý với các nguyên tắc chung. Theo cách nghĩ này, một số thuyết cho rằng điều này những ứng viên ôn hòa sẽ giành chiến thắng. Trong khi đó, nếu có nhiều đảng chính, mỗi đảng có số phiếu bầu về cơ bản ít hơn đa số, các đảng buộc phải liên minh với nhau để thiết lập một chính phủ. Điều này cũng khuyến khích một đường lối ôn hòa. Hoa Kỳ là một ví dụ cho hệ thống đa đảng nhưng chỉ có hai đảng từng điều hành chính phủ. Đức, Ấn Độ, Pháp và Israel là những quốc gia điển hình đang sử dụng hệ thống đa đảng một cách hiệu quả trong nền dân chủ của mình. Với những nước này, nhiều đảng chính trị thường thiết lập liên minh để tạo thành một khối mạnh cho việc điều hành chính phủ.
Ngày nay, hệ thống này được áp dụng tại hầu hết các quốc gia trên thế giới như Vương quốc Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Ý, Nga, Đức, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Nigieria, Cameroon.” (Nguồn – Wikipedia).
Ngược lại với đa đảng là chế độ độc đảng được áp dụng tại một số quốc gia xã hội chủ nghĩa như Việt Nam, Cuba, Liên bang Xô viết cũ, Lào, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Trung Quốc (danh nghĩa là đa đảng nhưng thực chất là do Đảng Cộng sản lãnh đạo)
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã từng đa đảng (gồm các đảng: Đảng Lao động Việt Nam - Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Xã hội Việt Nam và Đảng Dân chủ Việt Nam), nhưng thực chất cũng như Trung Quốc.
Hệ tư tưởng là cơ sở của một đảng phái chính trị. Đa nguyên chính trị thì tất yếu có đa đảng. Lợi ích quốc gia, dân tộc sẽ tùy thuộc vào thể chế đó là đa đảng hay độc đảng, nó quyết định chính sách đối nội, đối ngoại.
Hà Nội, ngày 02/07/2014
H. H. S.
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét