Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Tướng Tàu tham nhũng

Ngô nhân Dụng - Nguoiviet

Tập Cận Bình tung một mẻ lưới bắt tham nhũng, hứa sẽ “bắt cọp;” dám đụng tới những tay hạm lớn. Ðầu năm nay là Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), tay trùm các ngành tình báo, công an, mật vụ. Họ Tập cũng bắt đầu đụng tới quân đội; nhưng đến tuần này mới tấn công vào một tay trùm lớn. Tướng Từ Tài Hậu (Xú Cáihòu) mới bị trục xuất ra khỏi đảng vì tham nhũng. Nhưng ông ta không chỉ là một đại tướng bình thường mà đã từng là một ủy viên Bộ Chính Trị và một trong hai phó chủ tịch Quân ủy Trung ương.

So với những tay bị tố cáo trước đây thì số tiền tham nhũng được đưa ra hơi nhỏ. Chu Vĩnh Khang, cũng đứng đầu nhiều đại công ty dầu khí, cài cho vợ con, anh em, và cả thông gia làm chủ 37 công ty trên hàng chục tỉnh ở Trung Quốc, trị giá 160 triệu đô la Mỹ. Họ Chu là một trong ba ủy viên Bộ Chính Trị, khóa 2007-2012, có tài sản trên 150 triệu Mỹ kim. Gia đình Ôn Gia Bảo, cựu thủ tướng, được báo The New York Times ở Mỹ tiết lộ, đã thâu tóm được những tài sản trị giá 2.7 tỷ Mỹ kim; nhưng ông ta chưa hề bị tố cáo tham nhũng lạm quyền. Hãng thông tấn kinh tế Bloomberg News cho biết chính gia đình Tập Cận Bình cũng làm chủ nhiều tài sản nhiều trăm triệu. Còn Từ Tài Hậu, tội hối lộ được nêu ra chỉ đáng hơn 6 triệu Mỹ kim, theo lời tố cáo của chính quyền Trung Cộng.
Nhưng vụ tố cáo Từ Tài Hậu vẫn lớn, vì ông ta là người cao nhất trong quân đội đã bị trục xuất ra khỏi đảng vì tội tham nhũng. Trước đây, viên tướng tham nhũng nổi tiếng nhất là Cốc Tuấn San (Gu Junshan); bị trục xuất khỏi đảng vào Tháng Ba vừa qua. Trung tướng Cốc Tuấn San chỉ là phụ tá chỉ huy trưởng ngành tiếp vận; một ngành phụ trách nhà cửa, trại gia bình, doanh trại và các kho tiếp liệu cho quân đội với một ngân sách khổng lồ.
Sinh năm 1943, năm 56 tuổi Từ Tài Hậu mới lên hàng đại tướng, sau khi đã làm phó chính ủy toàn quân. Năm 2004, được lên làm phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, cơ quan nắm toàn quyền đối với quân đội, ngồi vào chỗ của Hồ Cẩm Ðào khi ông này lúc đó mới được đưa lên làm chủ tịch, mặc dù đã lên làm chủ tịch đảng từ năm 2002, vì Giang Trạch Dân vẫn nắm giữ ngôi vị đầy quyền lực mà ngày xưa Ðặng Tiểu Bình đã ngồi. Việc đưa Từ Tài Hậu lên làm một phó chủ tịch bất ngờ, vì theo vai vế trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Cộng thì Tăng Khánh Hồng đáng lẽ được đôn lên ngồi vào chỗ đó. Chọn Từ Tài Hậu tức là Hồ Cẩm Ðào muốn loại bỏ mạng lưới quyền hành của phe Thượng Hải, do Giang Trạch Dân đứng đầu. Sau đó ba năm, Từ Tài Hậu được đưa vào làm một trong 25 ủy viên Bộ Chính Trị. Bây giờ, Tập Cận Bình trục xuất Từ Tài Hậu ra khỏi đảng vì tội tham nhũng, với tổng số tiền hối lộ được nêu ra chỉ đáng hơn 6 triệu Mỹ kim, cũng là một hành động nhằm loại bỏ tay chân của Hồ Cẩm Ðào. Vì hiện nay Từ Tài Hậu đang bị bệnh ung thư, nằm chờ chết, và không có tay chân nào trong đám chỉ huy quân đội. Từ Tài Hậu đã tìm cách vận động cho một đàn em là Tướng Phạm Trường Long (Fan Changlong) lên ngồi ghế phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, nhưng thất bại.
Việc tố cáo một viên tướng trong“Quân Giải Phóng” về tội tham nhũng không có gì khó khăn. Trước đây, các tướng chỉ huy quân đội Trung Cộng còn chia nhau nắm quyền trong các xí nghiệp do họ lập ra, tha hồ chia chác không khác gì trong những doanh nghiệp nhà nước. Năm 1998, Giang Trạch Dân đã ra lệnh giải thể các doanh nghiệp thuộc loại này, nhưng từ đó tới nay các tướng vẫn tìm ra cơ hội làm giàu vì quân đội được quyền kiểm soát rất nhiều nhà cửa, đất đai, trong khi cả nước Trung Hoa đang lên cơn sốt địa ốc và xây dựng hạ tầng cơ sở.
Tình trạng các tướng lãnh lạm quyền, tham nhũng trong quân đội chỉ phản ảnh tình trạng thối nát chung của cả guồng máy cai trị của đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong chính trị là các phe cánh tranh giành quyền lợi, phe này lên, phe kia xuống, tựu chung đều tìm cách nâng đỡ tay chân mình và triệt hạ các đối thủ. Trong quân đội cũng không thoát khỏi nạn bè phái đó. Cốc Tuấn San và Từ Tài Hậu thuộc cùng một phe, khi họ Từ vào Quân Ủy và Bộ Chính Trị thì họ Cốc cũng lên theo. Bên ngoài dân chúng không được phép có ý kiến phản đối các lãnh tụ thì bên trong quân đội cũng vậy. Ngoài kỷ luật quân sự, người lính và các sĩ quan còn không được thi hành quyền công dân của họ trong việc chọn người cai trị, thì họ cũng không có cách nào chọn được những cấp chỉ huy trong sạch.
Ở các nước khác quân đội cũng phải tuân theo kỷ luật, không được phép cãi lệnh cấp trên. Nhưng khi được sống trong một nước dân chủ tự do, người lính và các sĩ quan cấp dưới còn có hy vọng hàng ngũ chỉ huy của họ trong sạch hơn, vì trong cơ cấu xã hội có những cơ quan kiểm soát hàng ngang thuộc chính quyền dân sự, những cơ quan này có quyền quyết định ngân sách, kiểm tra kế toán và việc sử dụng tài sản của quân đội. Ngay việc bổ nhiệm các tướng lãnh trong quân đội cũng phải được quốc hội thông qua. Như vừa rồi, một công dân Mỹ gốc Việt Nam được đề nghị làm tướng, đề nghị này phải qua thủ tục của Thượng viện Mỹ.
Ở các nước độc tài đảng trị không có những cơ chế hàng ngang dân sự như vậy. Tất cả xã hội nằm dưới quyền kiểm soát của một đảng; mà các lãnh tụ đảng, quân sự và dân sự bao che lẫn nhau. Các đảng Cộng sản đặt ra vai trò chính trị viên trong quân đội, chính là mạng lưới thâu tóm quyền hành vào tay một nhóm lãnh tụ, việc bổ nhiệm các tướng lãnh và chức vụ chỉ huy cũng chỉ do các lãnh tụ đảng quyết định.
Cộng sản Việt Nam đã học tập đường lối Mao Trạch Ðông từ năm 1950. Cho nên, khi Lê Duẩn muốn củng cố mọi quyền hành vào tay mình, thì ông ta đưa Nguyễn Chí Thanh lên làm đại tướng, và gạt bỏ Võ Nguyên Giáp, cho ra ngoài làm công việc kiểm soát sinh đẻ. Ngoài thành tích là gốc nông dân, không có bằng cấp nào, không là cựu giáo sư trung học như Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh còn là một người được Lê Duẩn nâng đỡ, cho nên lòng trung thành được bảo đảm.
Nguyễn Chí Thanh có thời gian đã phụ trách nông nghiệp ở tỉnh Quảng Bình. Một nhà báo lão thành ở Hà Nội, năm nay 85 tuổi, đã thuật lời nhà văn Nguyễn Tuân kể một câu chuyện về Nguyễn Chí Thanh. Năm đó, Nguyễn Tuân dẫn một nhà báo Pháp, Pierre Abraham của tờ báo Nouvelle Critique vào thăm Ðồng Hới. Tới nhà giao tế, Nguyễn Tuân nhòm vào tủ rượu thấy hai chai rượu champagne đắt tiền, nhãn Moet Chandon thì mừng quá, khen ông chủ nhiệm khéo chọn rượu ngon của Pháp cho khách từ Pháp tới. Ông chủ nhiệm lắc đầu, nói rằng đây là rượu dành cho ông tướng Thanh, ngày nào cũng hai chai. Sáng hôm sau, thấy bàn ăn bày hai cỗ đầy món ngon, nhà văn lại hiểu lầm, khen ông chủ nhiệm trọng đãi khách phương xa tới. Ông lại từ chối lời khen, khai rằng đây là bàn ăn dành cho Thường vụ Tỉnh ủy thết đãi gia đình ông tướng, họ đi săn với nhau.
Trong một chế độ độc tài, quân đội khó giữ được hàng tướng lãnh trong sạch, vì thiếu một hệ thống hàng ngang của chính quyền dân sự kiểm soát. Chính quyền dân sự trong các nước độc tài cũng là một hệ thống tham ô, lạm quyền, thủ lợi, cho nên quân đội cũng không tránh khỏi bệnh tham nhũng, lạm quyền.
Nếu Tập Cận Bình muốn làm cho quân đội trong sạch, cách tốt nhất là phải dân chủ hóa chính trị. Khi nào cả xã hội được trong sạch thì quân đội mới trong sạch. Khi người dân Trung Hoa chưa được sử dụng các quyền tự do dân chủ thì dù Tập Cận Bình có truy tố hàng trăm ông tướng tham nhũng cũng không tẩy rửa được cái ung nhọt tham nhũng. Tình trạng tướng lãnh tham nhũng không những làm tài sản quốc gia bị thất thoát mà còn làm cho quân sĩ mất tinh thần, không tin tưởng ở cấp trên.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét