Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

Biển Đông: Giàn khoan Trung Quốc và đấu tranh chính trị nội bộ ở Hà Nội


Giàn khoan Hải Dương HD-981 (DR)
Giàn khoan Hải Dương HD-981 (DR)

Trọng Nghĩa  -RFI

Sau vụ Bắc Kinh đưa giàn khoan vào hoạt động ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Hà Nội đã lên tiếng dọa kiện Bắc Kinh ra trước tòa án quốc tế nhưng vẫn chưa hành động. Trong bài phân tích công bố ngày 16/07/2014, Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc giải thích thái độ rụt rè của Việt Nam bằng giả thuyết : Sự cản trở của phe thân Trung Quốc trong giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam được ông mệnh danh là «accommodationist».
Bài viết « Biển Đông : Giàn khoan Trung Quốc và đấu tranh chính trị nội bộ tại Hà Nội – South China Sea: China’s Oil Rig and Political In-fighting in Hanoi » bao gồm một số câu trả lời phỏng vấn báo chí. Được sự đồng ý của Giáo sư Thayer, RFI xin giới thiệu nguyên văn phần hỏi-đáp.


HỎI : Đấu đá nội bộ giữa hai phe thân Trung Quốc và thân Mỹ trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đã ngăn cản không cho Việt Nam có hành động pháp lý chống lại Trung Quốc ngay cả trước vụ giàn khoan HD-981. Giáo sư có thể xác nhận điều này hay không, và dựa trên yếu tố nào để chứng minh ?
ĐÁP : Việt Nam đã cân nhắc hành động pháp lý chống lại Trung Quốc từ sáu năm nay, theo các nguồn tin từ Hà Nội. Khi xẩy ra cuộc khủng hoảng giàn khoan HD-981, Việt Nam đã xem xét hai phương pháp tiếp cận riêng biệt, một liên quan đến chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và một liên quan đến quần đảo Trường Sa.
Sự kiện Việt Nam vẫn chưa khởi động vụ kiện chống Trung Quốc, và cũng không hỗ trợ vụ kiện của Philippines, là bằng chứng cho thấy phương án pháp lý không đảm bảo được một đa số trong Bộ Chính trị.
Điều cũng đáng ghi nhận là Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã công khai tuyên bố mạnh mẽ về các hành động pháp lý. Theo ông, hành động pháp lý sẽ phụ thuộc vào thời gian. Đại tướng Phùng Quang Thanh đã nói tại Đối thoại Shangri-La rằng lựa chọn pháp lý là một phương sách cuối cùng.
Có tin cho rằng Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì trong chuyến thăm gần đây, đã cảnh cáo Việt Nam về việc tìm kiếm hành động pháp lý.
HỎI : Trung Quốc hiện đã di chuyển giàn khoan trước thời hạn giữa tháng Tám như từng nói lúc ban đầu. Như vậy có thể nói rằng phe thân Trung Quốc đã giành được thế thượng phong hay không ? Nếu đúng thì tại sao ? Nếu không, thì tại sao không ?
ĐÁP : Việc Trung Quốc rút giàn khoan dầu sẽ làm cho căng thẳng giảm ngay lập tức. Trung Quốc cũng sẽ rút hạm đội hơn một trăm chiếc tàu và chiến hạm. Điều này sẽ tạo tiền đề cho Việt Nam rút lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư ra khỏi khu vực. Do đó, sẽ có cơ sở cho các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Việt Nam để thảo luận về cách đưa quan hệ hai nước trở lại hướng cũ.
Phe gọi là ủng hộ Trung Quốc, hoặc là thỏa hiệp (accommodationist), sẽ chống lại bất kỳ hành động nào có thể sẽ làm xấu thêm quan hệ với Trung Quốc. Điều này có nghĩa là phương án pháp lý và việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ không có khả năng xẩy ra trong tương lai gần. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nguy cơ bị gạt qua một bên.
Một cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng dự kiến ​​sẽ cân nhắc lợi hại của hành động pháp lý chống Trung Quốc. Cuộc họp đó sẽ chuyển khuyến nghị lên Bộ Chính trị.
HỎI : Theo quan điểm của phe thân Trung Quốc, hậu quả của việc xích lại quá gần với Hoa Kỳ sẽ như thế nào ? Cũng như thế, theo quan điểm của phe thân Mỹ, việc tiếp tục thỏa hiệp với Trung Quốc sẽ có hại ra sao về chính trị và kinh tế ?
ĐÁP : Xích lại quá gần với Hoa Kỳ sẽ dẫn đến áp lực tiêu cực, thậm chí biện pháp trừng phạt từ phía Trung Quốc. Xích lại quá gần với Hoa Kỳ sẽ kéo theo một số đòi hỏi phải đáp ứng yêu cầu của Mỹ, đòi Việt Nam chứng tỏ tiến bộ về nhân quyền và áp lực của Mỹ đòi quyền tiếp cận Việt Nam rộng rãi hơn về quân sự, chẳng hạn như Vịnh Cam Ranh, gia tăng các chuyến Hải quân ghé cảng và các cuộc tập trận chung.
Phe gọi là thân Mỹ sẽ cảm thấy rằng việc thỏa hiệp với Trung Quốc sẽ hạn chế quyền tự do hành động của Việt Nam và đưa Việt Nam vào thế phục tùng và lệ thuộc Trung Quốc. Sự phụ thuộc ý thức hệ sẽ làm giảm triển vọng cải cách kinh tế ở Việt Nam.
HỎI : Việc Trung Quốc rút giàn khoan ảnh hưởng ra sao đến đấu đá nội bộ giữa hai phe tại Việt Nam ? Trường đấu có thể kết thúc thế nào ?
ĐÁP : Sự kiện Trung Quốc rút giàn khoan sẽ dẫn đến việc giảm căng thẳng và làm tăng khả năng các cuộc đàm phán song phương cấp cao Việt-Trung. Điều đó sẽ có lợi cho những người muốn thỏa hiệp với Trung Quốc. Đấu đá trong nội bộ Đảng có khả năng tăng cường độ trên những bất đồng về lợi ích ngắn hạn so với lợi ích lâu dài.
HỎI : Đấu tranh giữa phe ủng hộ Trung Quốc với phe thân Mỹ sẽ nhào nặn cách Việt Nam xử lý các cuộc xung đột trong tương lai với Trung Quốc như thế nào ?
ĐÁP : Nếu lãnh đạo Việt Nam tiếp tục chia rẽ giữa phe thân Trung Quốc và phe thân Mỹ, điều đó có nghĩa là Việt Nam sẽ không thể đẩy mạnh quan hệ với Hoa Kỳ trong các lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Việt Nam sẽ thận trọng tiến hành việc này và một cách thất thường.
Còn về cuộc xung đột trong tương lai với Trung Quốc, nhóm thỏa hiệp sẽ tự kiểm duyệt chính mình. Họ sẽ phủ quyết bất kỳ chính sách nào có khả năng khơi dậy sự giận dữ của Trung Quốc. Họ sẽ liên kết với Trung Quốc, tức là tránh chỉ trích Trung Quốc với hy vọng rằng Việt Nam sẽ được thưởng công về kinh tế cho hành vi tốt của mình.
Vấn đề là việc chia sẻ cùng một ý thức hệ xã hội chủ nghĩa sẽ trói tay Việt Nam và hạn chế khả năng hoạt động vì lợi ích dân tộc. Tóm lại, cuộc đấu đá tiếp tục giữa phe thân Trung Quốc và phe thân Mỹ sẽ làm suy yếu khả năng của Việt Nam trong việc bảo vệ lợi ích dân tộc của mình và chống lại áp lực từ Trung Quốc.
HỎI : Liệu việc Trung Quốc rút giàn khoan có liên quan đến việc Thượng viện Mỹ thông qua một nghị quyết chỉ trích Trung Quốc vào tuần trước, và cuộc điện đàm giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình cách đây vài ngày ?
ĐÁP : Việc Trung Quốc rút giàn khoan không liên quan trực tiếp đến nghị quyết của Thượng viện Mỹ và các cuộc điện đàm giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình vì các quyết định loại này không thể được thực hiện dưới sự thúc ép của tình hình.
Trung Quốc có thể là đã quyết định dời giàn khoan, vì dữ liệu thương mại đầy đủ đã được thu thập và họ không có gì để mất khi kết thúc sớm hoạt động thăm dò dầu khí. Chắc chắn là bão Rammasun sắp đến cũng tác động đến quyết định rút sớm.
Cuối cùng, Trung Quốc cũng chú tâm đến chính sách chiến lược. Họ muốn tác động đến một cuộc họp quan trọng sắp tới của Ban Chấp hành Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà mục tiêu là quyết định nên hay không nên có hành động pháp lý chống lại Trung Quốc và, rất có thể là tìm kiếm quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét