Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

Gậy công an vô tình làm vỡ…quai hàm học sinh?

http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/gay-cong-an-vo-tinh-lam-voquai-ham-hoc-sinh-3047337/
(Tin tức thời sự) – Họ ép con tôi phải ký biên bản thừa nhận là do tự đập mặt vào xe và bị thương, không phải do công an đánh…
a
Thương tích của em Đình sau khi va chạm với công an. Ảnh: Báo Tuổi trẻ
Vụ hai học sinh ở Kon Tum bị công an huyện Kon Rẫy dùng dùi cui gây sập quai hàm, gãy răng, rách môi, đa chấn thương phần mềm đã có đáp án: Trưởng công an huyện ký công văn trả lời: công an lúi húi che áo mưa, gậy vô tình va quệt dẫn đến thương tích.


Đọc bản tin về việc ngày 16/7, bà Trần Thị Thu Phước – Trưởng Công an huyện Kon Rẫy (Kon Tum) – đã ký văn bản trả lời gia đình hai học sinh bị thương do va chạm với công trên báo Tuổi trẻ, nhiều người chắc giống như tôi, cảm thấy phẫn nộ, chua chát và cay đắng.
Trong văn bản trả lời gia đình Vũ Hoàng Đình và Phạm Văn Vinh – hai học sinh Trường THPT Chu Văn An (huyện Kon Rẫy) về vụ việc va chạm giữa nhóm cán bộ Công an huyện Kon Rẫy với Đình và Vinh vào ngày 8/5 khiến cả hai học sinh bị thương, trong đó em Đình phải cấp cứu do sập quai hàm, đa chấn thương, gãy hai chiếc răng, bà Thu Phước cho biết:
“Nguyên nhân dẫn đến vết thương trên cơ thể của em Vũ Hoàng Đình là do cán bộ tên Hà – Công an huyện Kon Rẫy – trong lúc ngồi sau xe máy của đồng đội lúi húi che áo mưa nên để gậy vô tình va quệt vào dẫn đến thương tích đối với em Đình”.
Liên quan đến việc có hay không việc công an đã hành hung hai học sinh tại trụ sở UBND xã Đắk Ruồng sau khi dẫn Đình và Vinh về đây làm việc, Công an Kon Rẫy kết luận cán bộ tên Hà “do bực tức, không kiềm chế được bản thân” nên dùng tay tát vào mũ bảo hiểm, đấm vào bụng của Vinh.
Ngoài việc phủ nhận gây thương tích cho Vũ Hoàng Đình, bản kết luận vụ việc của Công an Kon Rẫy cũng phủ nhận các liên quan đến việc em Phạm Văn Vinh mất một sợi dây chuyền 4,09 chỉ trong quá trình làm việc với công an; việc không cho em Đình đi cấp cứu khi thấy Đình bị thương nặng được giải thích là “đã làm đúng trình tự, quy định”.
Một văn bản lời lẽ ngang xương và phi lý như thế, đã được bà Trưởng công an huyện ký, đóng dấu để gửi cho dân, tuồng như thể những người thân trong gia đình hai học sinh nạn nhân kia là trẻ lên ba hay tệ hơn, là những người không có năng lực trí tuệ.
Từ trước đến giờ, khi công an va chạm với dân, nói hoa văn theo ngôn ngữ khoa học là “dùng dùi cui tác động một lực nhất định lên một bộ phận nào đó trên cơ thể người dân, có để lại dấu vết và hậu quả” thì dân thường được giải thích là tại “đối tượng tự lao vào gậy”.
Ấy thế cho nên có lẽ bà Trưởng công an thấy cách giải thích đó cũng đã nhàm, bèn sáng tạo hơn, đổ cho “gậy vô tình”, còn người cầm gậy thì “lúi húi che áo mưa”. Chết thôi, văn phong uyển chuyển tinh tế đến thế là cùng.
Chỉ tiếc là bà Trưởng công an do mê mải làm văn mà quên mất khía cạnh khoa học của vấn đề, ấy là nếu đồng chí công an đang lúi húi che áo mưa để “gậy vô tình” va vào các em học sinh, thì lúc đó chắc các em này phải lao xẹt qua với vận tốc tên lửa mới có thể gây nên thương tích nặng nề như thế.
Em Vinh bị mất một sợi dây chuyền thì công an nói “không liên quan”, em Đình bị thương nặng nhưng không được đưa đi cấp cứu thì được giải thích là công an “đã làm đúng trình tự, quy định”. Đọc những lời giải thích ngang xương như thế, bố mẹ các em có là gỗ đá cũng không thể nào ngồi im cho được.
Ông Vũ Văn Lập - cha của Vũ Hoàng Đình - cho biết khoảng 8 giờ tối hôm đó nghe tin con trai bị công an đánh phải nhập viện,  ông liền chạy lên Bệnh viện huyện Kon Rẫy. Các bác sĩ kết luận Đình, bị gãy xương sống mũi, môi rách phải khâu 8 mũi, sập hàm và gãy hai chiếc răng. Sau khi sơ cứu, công an tiếp tục đưa em về trụ sở UBND xã Đắk Ruồng để hoàn thành tường trình. “Họ ép con tôi phải ký biên bản thừa nhận là do tự đập mặt vào xe và bị thương, không phải do công an đánh. Thấy con bị nặng quá, tôi yêu cầu phải thả cháu ra ngay lập tức để kịp thời đi xuống bệnh viện tỉnh cấp cứu, lúc đó họ mới cho về” - ông Lập kể trên báo Tuổi trẻ.
Nếu không xem lại ngày tháng hôm xuất bản bài báo này, có lẽ nhiều người cũng giống như tôi, tưởng những tình tiết ấy được dẫn ra từ một tác phẩm văn học hiện thực phê phán trước năm 1945. Nhưng chúng ta đều đã bé cái nhầm hết cả.
Thời này là thời nào mà vẫn có những văn bản trả lời cho người dân như thế? Một học sinh cấp 3, vì lỗi không đội mũ bảo hiểm, đành rằng em có vi phạm, nhưng có đáng để bị đối xử vô nhân đạo đến thế không? Sơ cứu ở viện xong, công an lại ép nạn nhân quay về trụ sở, ép ký biên bản tự đập mặt vào xe, không phải do công an đánh.
Những người công an trong vụ việc nói trên là những ai mà hành xử với dân vô nhân đạo đến thế? Họ định dùng tay che cả bầu trời? Họ định đoạt số phận người khác dễ dàng như vậy, bất chấp công lý như vậy sao?
“Gậy vô tình”, “không liên quan”, “đúng trình tự, quy trình”, những cụm từ này rồi sẽ còn được tái sử dụng bao nhiêu lần nữa? Ai sẽ đứng ra để lấy lại công bằng cho những người dân?
Chúng ta cay đắng tự hỏi và tự trả lời. Không ai cả.
  • Mi An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét