Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

Một tuần sau ‘cú hích’ giá xăng: giá thực phẩm leo thang chóng mặt

Motthegioi

Một tuần sau 'cú hích' giá xăng: giá thực phẩm leo thang chóng mặt
Chỉ chừng 1 tuần sau khi giá xăng tăng lên mức kỷ lục, giá cả các loại thực phẩm tại Hà Nội cũng leo thang chóng mặt. Nguyên nhân không gì khác ngoài việc chi phí vận chuyển tăng nên các tiểu thương buộc lòng phải tăng giá.
Theo khảo sát của Một Thế Giới ngày 16.7 tại một số chợ ở Hà Nội như chợ Cầu Giấy, chợ Hôm, chợ Kim Liên, chợ Thành Công… giá cả các mặt hàng rau xanh (tăng từ 5-10%), thịt (tăng từ 5-7%), hải sản (tăng từ 5-10%) so với trước.

Cụ thể, tại chợ Cầu Giấy và chợ Thành Công, các loại rau mồng tơi, rau muống, rau ngót, bí xanh, rau cải… đều tăng thêm từ 2.000-5.000 đồng/mớ hoặc 1kg. Các loại củ như su su tăng thêm khoảng 4.000 đồng/kg, cà chua tăng 10.000 đồng/kg, khoai tây tăng thêm từ 8.000-12.000 đồng/kg, chanh tươi tăng thêm khoảng 5.000-7.000 đồng/kg…
Các loại thịt như thịt lợn cũng tăng thêm từ 5.000-10.000 đồng/kg so với trước, ở mức 90.000-120.000 đồng/kg. Thịt bò tăng thêm khoảng 10.000 đồng/kg, ở mức 270.000-320.000 đồng/kg. Thịt gà công nghiệp tăng thêm 7.000-12.000 đồng/kg, ở mức 70.000-85.000 đồng/kg.
Riêng thịt gà ta lông tăng thêm 10.000-15.000 đồng/kg, ở mức 130.000-140.000 đồng/kg. Các loại hải sản như tôm sú tăng thêm từ 10.000-12.000 đồng/kg, mực tăng thêm từ 50.000-100.000 đồng/kg. Riêng các loại cá như cá trắm cũng tăng thêm từ 15.000-20.000 đồng/kg, cá chép tăng thêm khoảng 10.000 đồng/kg.
Tại chợ Hôm, giá cả các mặt hàng thực phẩm tăng khoảng 7-12% so với trước, được đánh giá là tăng nhiều hơn so với các chợ khác. Trung bình các loại rau tăng thêm từ 5.000-10.000 đồng/mớ, các loại củ, quả tăng thêm từ 10.000-20.000 đồng/kg. Đặc biệt, các loại thực phẩm như thịt lợn, thịt gà cũng tăng thêm từ 20.000-30.000 đồng/kg. Riêng hải sản có mức 100.000-170.000 đồng/kg…
“Người ta nói thế nào thì mình biết thế đó. Từ trước đến nay người tiêu dùng lúc nào chẳng chịu thiệt. Hồi trước thì mỗi khi xăng dầu tăng kéo theo hàng loạt thứ tăng giá còn thấy bức xúc, nhưng giờ nghe mãi cũng quen rồi”.
“Trước đây giá xăng tăng 200-300 đồng/lít thì chúng tôi cũng cố gắng kìm giá, vì thời buổi khó khăn, buôn bán đã chẳng được như trước mà còn tăng giá nữa thì chẳng có khách. Nhưng vừa rồi xăng dầu tăng giá ác quá, như tôi thì cũng chẳng tính thêm tiền đổ xăng khi đi lấy hàng đâu, nhưng ở chợ đầu mối người ta tăng giá nhiều nên thành thử phải tăng giá theo.
Những người bán hàng ở chợ đầu mối toàn chở hàng bằng xe tải từ các tỉnh đổ về, nhiều khi tiền rau cỏ tính ra còn rẻ hơn cả tiền vận chuyển, cho nên chi phí vận chuyển mà tăng thì chắc chắn họ cũng phải tăng giá rồi. Lời lãi được có vài nghìn bạc thì thấm vào đâu” – chị Hạnh, tiểu thương buôn bán rau củ tại chợ Cầu Giấy cho biết.
Không riêng gì chị Hạnh, chị Nguyễn Phương – tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Hôm cũng than thở giá cả leo nhanh quá.
“Cách đây 3 ngày vẫn chưa thấy tăng là mấy, nhưng 2 ngày đổ lại đây thì thấy thứ gì cũng tăng. Rõ ràng là mình đến tận nhà người ta để mua lợn, thịt tại chỗ rồi mang về chợ bán. Mình phải chịu tiền vận chuyển, tiền công giết mổ, thế nhưng nhà chủ bán lợn vẫn vin vào cớ cái gì cũng tăng, tiền cám gạo tăng nên lợn hơi cũng phải tăng giá. Mà mua vào đắt thì cũng phải bán đắt hơn thôi chứ ai muốn” – chị Phương nói.
Anh Mạnh Hùng, một tiểu thương buôn bán hải sản tại chợ Kim Liên cũng cho rằng, quy luật chung là khi xăng tăng giá thì tất cả các mặt hàng đều sẽ rục rịch tăng theo.
“Những thứ khác thì chẳng nói chứ riêng hải sản thì chắc chắn phải chịu phí vận chuyển xa rồi. Gần nhất thì từ Hải Phòng, Nam Định đổ về nên cứ mỗi lần xăng dầu tăng giá là y như rằng tôm, cua, mực cũng phải tăng theo.
Tôi làm nghề này được 5 năm rồi và chưa bao giờ thấy giá xăng tăng mà giá hải sản lại không tăng cả, chỉ là tăng ít hay tăng nhiều thôi. Thông thường, theo như tôi tính thì xăng dầu cứ tăng khoảng 200-300 đồng/lít thì hải sản sẽ tăng khoảng 50.000-60.000 đồng/kg, cứ theo tỉ lệ đó mà nhân lên là khắc biết” – chị Hùng chia sẻ.
Trong khi các tiểu thương đều lấy lý do chi phí vận chuyển tăng, giá cả nhập vào tăng nên phải tăng giá bán lẻ thì một số người tiêu dùng lại cho rằng, đó chỉ là cái cớ.
“Chẳng biết là có phải do chi phí vận chuyển tăng thật không chứ tôi thấy nhiều khi chỉ là cái cớ thôi. Họ thấy giá xăng dầu tăng thì vin vào đó mà tăng thêm lợi nhuận. Thực phẩm cũng thế mà hàng ăn uống, dịch vụ cũng thế. Chứ tôi nghi tăng thêm vài trăm đồng một lít xăng thì đáng bao nhiêu lắm mà cái gì cũng tăng cả vài chục ngàn đồng” – chị Nguyễn Thị Minh Hằng (Hai Bà Trưng – Hà Nội) cho biết.
“Người ta nói thế nào thì mình biết thế đó. Từ trước đến nay người tiêu dùng lúc nào chẳng chịu thiệt. Hồi trước thì mỗi khi xăng dầu tăng kéo theo hàng loạt thứ tăng giá còn thấy bức xúc, nhưng giờ nghe mãi cũng quen rồi. Mình có không bằng lòng thì cũng đến thế mà thôi, chẳng thay đổi được gì nên giờ tốt nhất là không quan tâm nữa. Cố gắng làm thêm để kiếm thêm thu nhập bù đắp vào thôi” – chị Hoàng Thanh (Đê La Thành – Hà Nội) nói.
Duyên Duyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét