(Tin tức thời sự) – “Giữ lại qua đêm” tại trụ sở công an xã với tội danh như “nghi trộm cắp tài sản”, nhiều mạng người đã bị tước bỏ.
Một công an viên ở Đắk Lắk vừa bị bắt khẩn cấp vì nghi
đánh chết người sau một đêm giữ nạn nhân ở lại hội trường thôn. Những
cái chết này không lạ, không mới và sẽ còn tiếp tục xảy ra, nếu căn
nguyên chưa được chữa trị.
Ngày 8.7, đại tá Nguyễn Văn Bôn, Phó Thủ trưởng Cơ
quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk, xác nhận cơ quan này đã bắt khẩn cấp ông
Lê Viết Hùng (57 tuổi, công an viên thôn Xuân Hòa, xã Phú Xuân, huyện
Krông Năng).
Đám tang của ông Nguyễn Hữu Thâu- người mới chết nghi do công an viên đánh.
Trước đó, tối 3.7, nghi ông Nguyễn Hữu Thâu trộm cắp
tài sản nên công an viên Lê Viết Hùng và một số người trong ban tự quản
thôn đã đưa ông Thâu về hội trường thôn làm việc và giữ lại qua đêm.
Đến sáng 4.7, vợ ông Thâu lên hội trường thấy ông Thâu
nằm bất động dưới đất, mặt mày tím tái, miệng, mũi chảy nhiều máu nên
đưa đi cấp cứu. Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk chẩn đoán ông Thâu bị
chấn thương sọ não. Sau đó nạn nhân được người nhà đưa đi Bệnh viện Chợ
Rẫy TPHCM nhưng tử vong trên đường đi.
Sẽ là những hình ảnh ghê người nếu bạn dùng công cụ
tìm kiếm với từ khóa “chết tại trụ sở công an”, “bị dùng nhục hình tới
chết”, trang mạng tìm kiếm sẽ cung cấp ngay cho bạn hàng loạt những vụ
việc, những con số, những phận người đau lòng.
Rất nhiều vụ việc trong số đó, nạn nhân đều đã bị đánh
cho đến chết, hoặc đến viện thì chết, sau khi bị triệu lên trụ sở công
an xã vì những lý do “nghi trộm cắp tài sản” hay “gây rối trật tự công
cộng”.
Những lý do khiến các nạn nhân khi bị “giữ lại qua
đêm” tại trụ sở công an xã có gây nguy hiểm và cấp thiết cho xã hội hay
không? Chắc chắn là không, nhưng chỉ vì những tội danh như “nghi trộm
cắp tài sản”, nhiều mạng người đã bị tước bỏ, bằng cách bị dùng vũ lực
cho tới chết. Như ông Nguyễn Hữu Thâu kể trên.
Sự lạm quyền, lạm dụng vũ lực của công an viên, những
người thừa hành pháp luật ở cấp xã, cấp gần dân nhất đã trở nên đáng báo
động trong thời gian gần đây. Tình trạng này xảy ra ở rất nhiều địa
phương, khiến người dân thấp cổ bé họng cảm thấy uất ức, phẫn nộ. Báo
chí phản ánh, nhưng đâu vẫn hoàn đó. Vậy thì nguyên nhân vì đâu?
Trong bài trả lời phỏng vấn báo Pháp luật Thành phố Hồ
Chí Minh, ông Đỗ Đức Vĩnh- Kiểm sát viên cao cấp Viện Kiểm sát nhân dân
Tối cao tại TP.HCM cho biết: “Theo quy định, tiêu chuẩn công an viên
chỉ cần hết trung học cơ sở hoặc hết tiểu học (ở vùng sâu, vùng xa).
Tiêu chuẩn này quá thấp so với sự phát triển của xã hội hiện nay… Khi
anh không có kiến thức pháp luật mà giao quyền đụng chạm đến quyền con
người rất dễ bị lạm quyền”.
Thông tin này có đáng gây sốc không thưa bạn đọc? Tiêu
chuẩn để được tuyển vào làm công an viên chỉ là học hết cấp 2 ở khu vực
đồng bằng và hết tiểu học ở vùng sâu vùng xa. Chính chuyên gia trong
ngành tư pháp cũng phải thừa nhận: “Tiêu chuẩn này quá thấp so với sự
phát triển của xã hội hiện nay”.
Tôi không thể hình dung một người mới chỉ tốt nghiệp
cấp 1, cấp 2 mà lại được quyền đại diện cho pháp luật để làm việc với
công dân. Một người có trình độ như vậy, ngay cả quyền lợi của bản thân
của họ ra sao chưa chắc họ đã biết đủ, vậy mà lại có quyền để đại diện
pháp luật? Thật hãi hùng.
Bởi thế cho nên chúng ta sẽ chẳng thấy ngạc nhiên khi
gần đây, hàng loạt những vụ bạo hành nghi phạm xảy ra, nhẹ thì đi viện
cấp cứu, nặng thì dẫn đến chết người. Chúng ta có thể đòi hỏi gì hơn ở
những công an viên mới ở trình độ thoát nạn mù chữ như vậy?
Với trình độ có thể gọi là mức “i tờ” như thế, nhưng
công an cấp xã được quyền thực hiện nhiều nhóm công việc, trong đó có
nhiệm vụ giữ an ninh trật tự trên địa bàn. Công an xã được quyền thẩm
tra, xác minh, phân loại các tin tức về an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Công an xã được phép lập hồ sơ, lấy lời khai ban đầu. Ông Đỗ Đức Vĩnh
cho biết: “Như vậy, trong một số trường hợp, công an xã đã làm công tác
“tiền tố tụng”, làm công việc của điều tra viên”.
Tôi đọc những thông tin này mà thấy lạnh gáy, đây phải
chăng chính là mấu chốt của vấn đề, là căn nguyên của tình trạng nhiều
người đã chết oan khi bị triệu lên làm việc với công an viên?
Một người mới tốt nghiệp cấp 1 hoặc cấp 2, mà lại được
pháp luật trao quyền cho như một điều tra viên, để lập hồ sơ, lấy lời
khai ban đầu của nghi can các vụ án liên quan đến an ninh, trật tự trên
địa bàn. Với trình độ “i tờ” thì các bộ luật tố tụng, các điều khoản
pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân có lẽ chỉ
là con số không vô nghĩa. Bảo sao mà không phải dùng vũ lực, bảo sao mà
không ra tay cho thỏa cơn thú tính trỗi lên trong người.
Mọi công dân trong xã hội đều đã đóng thuế- như một
cách thực hiện nghĩa vụ công dân để duy trì hoạt động của bộ máy hành
chính từ trung ương đến địa phương. Vậy thì người dân hoàn toàn có quyền
đòi hỏi một trình độ tương xứng của công chức mà dân đã bỏ tiền ra
“thuê” để giải quyết công việc cho mình.
Tôi hay bạn, chúng ta có quyền đòi hỏi được làm việc
với những điều tra viên, những công an viên được đào tạo chính quy, có
đầy đủ kiến thức pháp luật, chứ không thể là một người chỉ có trình độ
tốt nghiệp cấp 1, cấp 2, viết một câu cho đúng ngữ pháp và chính tả e là
còn khó.
Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc tại sao tiêu chuẩn
và trình độ công an viên lại thấp lè tè như vậy? Nực cười thay, khi mà
trên bảng thống kê, Việt Nam hiện có đến 24.300 tiến sĩ? Và quý hóa
thay, tự hào thay, nếu tính từ hàm Thứ trưởng trở lên, số người có trình
độ tiến sĩ ở Việt Nam cao gấp 5 lần Nhật Bản.
Sẽ còn tiếp tục lạm quyền, sẽ còn tiếp tục những cái
chết sau khi bị triệu lên làm việc với công an nếu như không có một cải
cách mạnh tay để nâng cao tiêu chuẩn của đội ngũ công an viên trên toàn
quốc.
Đã quá nhiều những cái chết oan uổng, đã quá thừa những mạng người bị tước đoạt, bởi những công an viên chỉ có trình độ “i tờ”.
-
Mi An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét