Boxitvn
Nguyễn Ngọc Lanh
Thoát Trung là thoát sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Vì,
đã lệ thuộc, dù ít, dù đó là nước cùng lý tưởng… nền độc lập sẽ không
thể toàn vẹn.
Về địa lý, số phận đã an bài, chúng ta không thể (và cũng không cần thiết) thoát Trung. Vĩnh viễn, ta và TQ là lân bang.
Do đâu lệ thuộc?
Lân bang và lệ thuộc là những khái niệm khác nhau,
không liên quan. Tuy nhiên, một nước vừa “nhược” vừa “tiểu”, lại có lân
bang hùng mạnh và văn minh hơn, trước sau sẽ là nạn nhân của mưu đồ thôn
tính, đồng hóa, thậm chí tiêu diệt. Đây là quy luật của lịch sử mà loài
người đã trải qua, từ thượng cổ cho tới thời kỳ văn minh nông nghiệp.
Chúng ta mất nước, đưa đến họa Bắc thuộc và Pháp thuộc là do vậy.
Tuy nhiên, so với sức mạnh vật chất thì văn minh (văn
hóa) mới là cái gốc, mới lâu bền. Mông Cổ và Mãn Thanh từng chinh phục
Trung Quốc bằng sức mạnh, nhưng sau một-hai trăm năm cai trị, chính giới
cầm quyền đã bị trình độ văn minh của Trung Quốc đồng hóa. Và sau đó,
chính Mông Mãn còn bị TQ nuốt lại. Bởi vậy, khi đã bị lệ thuộc hoặc mất
nước, sự kháng cự về văn hóa (để khỏi bị đồng hóa) mới thật sự là “thiên
nan, vạn nan” và trường kỳ gian khổ. Đó là hoàn cảnh tổ tiên ta từ ngàn
năm trước. Tới khi Ngô Quyền mở ra kỷ nguyên độc lập, thì cũng chỉ là
độc lập “tương đối”. Tổ tiên ta không thể sáng tạo hay du nhập ý thức hệ
nào khác – ngoài ý thức hệ phong kiến, mà chủ thuyết là đạo Nho của
Khổng tử. Cái lợi là chế độ phong kiến ở Việt Nam được củng cố, phát
triển, thực hiện được thiên chức do lịch sử trao. Cái hại là Việt Nam lệ
thuộc và rất ham ngưỡng vọng văn minh Trung Quốc.
Vẫn rất thời sự
Tới thế kỷ XX, chúng ta vẫn còn lại phần đất hiện nay
(mất lưỡng Quảng thời nhà Triệu), chứng tỏ tổ tiên ta đã nhiều lần
“thoát Trung” thành công và không thành công. May, đến nay chuyện các
dân tộc chinh phục, đồng hóa hoặc tiêu diệt nhau bằng bạo lực ngày càng
khó xảy ra; nhưng sự nô dịch nhau bằng văn minh, văn hóa (bao gồm chính
trị, chủ thuyết, ý thức hệ…) vẫn là chuyện rất thời sự. Chưa nói chuyện
tự đeo gông và không tự tháo gông.
Nước Nga xô viết quy tụ được gần đủ các nước “anh em”
(vốn là chư hầu của Nga hoàng) là nhờ giúp các nước đó lập đảng cộng
sản – bất cần sự hình thành của giai cấp công nhân – chỉ cốt chung ý
thức hệ (thế giới đại đồng). Bài học gì có thể rút ra?
Tiếp thu và đồng hóa những cái hay của kẻ đô hộ
Chỉ xin nêu 2 ví dụ: từ vựng và đạo Khổng
- Vốn từ vựng
Một dân tộc nhỏ yếu như Việt Nam trải ngàn năm bị đô
hộ mà không bị diệt vong hoặc bị đồng hóa, chính một phần quan trọng là
nhờ biết tiếp thu và đồng hóa những gì có lợi cho sự sống còn và phát
triển của mình.
Kho từ ngữ và sự sáng tạo thêm từ ngữ (để đáp ứng các
khái niệm mới nảy sinh) của một dân tộc nói lên trình độ văn minh của
dân tộc đó. Do trình độ còn thấp, tổ tiên ta buộc phải tiếp thu chữ viết
và các từ ngữ gốc Hán. Nhưng tổ tiên ta đã đồng hóa chúng và sử dụng
nhuần nhuyễn theo cách của mình. Thoạt tiên, là Việt hóa triệt để cách
đọc chữ Hán. Không khó gì phát âm “chung quở” nhưng chúng ta đọc là
“trung quốc”. Tiếp đó là sáng tạo chữ Nôm; nhờ vậy giữ được ngữ pháp
Việt, nhất là ghi lại được kho tàng văn hóa dân tộc (ca dao, tục ngữ, cổ
tích) và dùng tiếng Việt để sáng tác (truyện Kiều). Sau cùng, là dùng
chữ quốc ngữ thay hẳn chữ Hán và chữ Nôm. Tốn cả ngàn năm mới có kho từ
vựng được đồng hóa như hiện nay, nếu nay muốn “thoát” thì chỉ có… chết!
- Đạo Khổng (Nho giáo)
Văn minh nông nghiệp là trình độ mà loài người phải
trải qua sau thời kỳ mông muội, trong đó chế độ phong kiến là đương
nhiên phù hợp. Thoạt đầu, do trình độ quản lý còn thấp, chế độ phong
kiến chưa thể tập trung, mà phân tán, nhỏ lẻ… Chiến tranh giành đất đai
sẽ liên miên (thời Xuân Thu – Chiến Quốc dài gần ngàn năm). Sự tiến hóa
xã hội đòi hỏi tập quyền. Đạo Khổng ra đời đúng lúc, có tác dụng củng cố
và phát triển chế độ này. Ở đây, không phải chỗ bàn vì sao đạo Khổng
chỉ có thể ra đời ở phương Đông và vì sao chế độ phong kiến châu Á kéo
dài quá lâu.
Sự tiếp thu đạo Khổng (từ đời Lý) là cần thiết cho
Việt Nam. Mặc dù các vua Lý rất sùng đạo Phật, nhưng công lớn được lịch
sử ghi lại là triều Lý mở đầu các kỳ thi Nho giáo để tuyển chọn quan
lại. Đạo Phật (đề cao nhân ái và thiện căn) rất thích hợp khi đất nước
còn phân tán, chia rẽ (nội chiến), nhưng không thể dùng để trị quốc – mà
phải là đạo Khổng. Xin đừng oán trách đạo Khổng thời xa xưa và than vãn
cho sự éo le của số phận dân tộc.
Chính sự lan tỏa của văn minh công nghiệp từ phương
Tây sang châu Á là thời điểm đạo Khổng bộc lộ sự phản tiến bộ của nó.
Tàn dư đạo Khổng quả là một tai họa với nước ta (có người gọi đó là thứ
“văn hóa quỳ lạy”). Chỉ xin nêu 2 hiện tượng ai cũng trải (ai cũng từng
đi học) để thấy di họa của đạo Khổng thâm căn tới mức nào. Khẩu hiệu Tiên học lễ, hậu học văn
được đề cao suốt 4 đời bộ trưởng Giáo dục. Bộ này còn phát động phong
trào “chữ đẹp” với thành tích cao nhất là lùa học sinh cả huyện đi thi…
Éo le ở chỗ là nơi phát sinh đạo Khổng từ lâu đã không có 2 hiện tượng
này.
Đạo Khổng bị gột rửa sớm nhất và triệt để nhất ở Nhật
(duy tân), sau đó tới các nước “hóa rồng” khác: Đài Loan, Nam Hàn,
Singapore. Đạo Khổng cũng bị thanh toán mạnh mẽ ngay ở Trung Quốc – quê
hương nó. Mao đã phát động phong trào “phê phán Lâm Bưu và Khổng Tử” rầm
rộ cách đây cả nửa thế kỷ.
Do vậy, việc dứt bỏ tàn dư của đạo này không mang ý
nghĩa thoát Trung, mà là chuyện của riêng Việt Nam. Chính chúng ta đã
không tự tháo chiếc gông trên cổ.
Trung Quốc: tấm gương tự “thoát” chính mình
Cũng chỉ xin nêu 2 ví dụ
- Mao Trạch Đông “bắt tay” đế quốc Mỹ
Hãy hỏi các cụ 80 tuổi để biết phong trào chống Mỹ –
do đích thân Mao chủ tịch phát động – hừng hực cỡ nào ở đất nước tỷ dân.
Đó là thập niên 60 và 70 thế kỷ trước. Quả là kỳ công, khi làm cho cả
tỷ người tin Mỹ chỉ là “hổ giấy”. Trung Quốc quyết liệt chống Liên Xô
(có nổ súng ở biên giới) với cái cớ là Khrusov chủ trương chung sống hòa
bình với Mỹ – kẻ thù số 1 của CNXH. Nhưng… đùng một cái, năm 1972,
chính Mao bắt tay Mỹ, và bị đảng VN phê phán gay gắt (phản bội đồng chí,
phản bội ý thức hệ). Đảng Việt lên án Mao dựa trên quan điểm tuyệt đối
trung thành với chủ nghĩa; nhưng “đảng bạn” lại đặt ý thức hệ thấp hơn
lợi ích dân tộc. Tranh luận với nhau vô ích.
- Đặng Tiểu Bình chủ trương “bốn hiện đại hóa”
Đặng bị mất mọi chức vụ trong “cách mạng văn hóa” vì cái tội nói rằng: Miễn là bắt được chuột, bất kể mèo trắng hay đen.
Chủ nghĩa Mác-Lê chân chính đòi hỏi phải tập thể hóa sản xuất; nhưng
phong trào “công xã hóa” nông nghiệp do Mao khởi xướng đã thất bại thê
thảm (chết đói 30 triệu người). Câu nói của Đặng chỉ hàm một ý: Miễn là
sản xuất phát triển (mục đích), còn tư nhân hóa hay tập thể hóa chỉ là
biện pháp. Mao phát động “cách mạng văn hóa” để trừ khử những ai phê
phán sai lầm của ông; do vậy Lưu Thiếu Kỳ là nạn nhân số 1; Đặng – với
câu nói trên – là số 2.
Năm 1976, Đặng lấy lại địa vị cao, câu nói của ông
trở thành nổi tiếng và mang ý nghĩa rộng lớn hơn nhiều. Nó ngầm nêu ý
tưởng “thoát Mao” và thoát cả Mác-Lê. Trung Quốc cần hùng cường, bằng
bất kể biện pháp nào.
Năm 1978, Đặng chủ trương “bốn hiện đại hóa”, bị đảng
Việt phê phán nặng nề: Xa rời chủ nghĩa, rơi vào “vũng lầy” tư bản.
Thực ra, Đặng coi lợi ích dân tộc là cao nhất, trong khi chưa dám “sổ
toẹt” ý thức hệ chỉ vì phái bảo thủ còn rất mạnh.
Hội nghị Thành Đô 1990: thể hiện sự kiên định lý tưởng của phía VN
Về mặt trung thành với lý tưởng, đảng CSVN cao cả gấp
bội so với đảng bạn bên Trung Quốc! Đảng TQ chính thức bị chúng ta coi
là kẻ thù từ năm 1979 khi tiến hành chiến tranh xâm lược đẫm máu các
tỉnh biên giới nước ta. Và thêm một lần chúng ta nhận ra: đây là kẻ thù
truyền kiếp chứ có mới mẻ gì cho cam…
Không ai ở VN dám ngờ rằng chỉ 10 năm sau, khối XHCN
Đông Âu bắt đầu tan vỡ mà Liên Xô cứ bỏ mặc (vì lo thân mình chưa
xong!). Sự trung thành với ý thức hệ đã giúp đảng CSVN bỏ qua mối thù
1979 (bấy giờ được đảng coi là nhỏ, so với “đại cục”) để chủ động xin
gặp gỡ đảng bạn, đề nghị chủ trì sự nghiệp cứu vãn phần còn lại của
CNXH. Kết quả: Thành công; hội nghị Thành Đô 1990 đã đi đến những thỏa
thuận (nào đó)…
Thoát Trung, rốt cuộc là “tự thoát”?
Xin nhường lời cho bạn đọc.
N.N.L.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét