Bizlive
Nguyễn Vân
BizLIVE – Chuyên gia tài chính Bùi Kiến
Thành nói rằng: “Chính phủ nên nghĩ đến việc không độc quyền nguồn vốn
của nhân dân, thay vào đó là khuyến khích ngân hàng cho doanh nghiệp vay
vốn”.
Ngân hàng Nhà nước vẫn khẳng định, tính đến cuối tháng 6/2014, tín dụng tăng 3,52% so với cuối năm 2013. Ảnh tư liệu
Bộ Kế hoạch và đầu tư hôm qua đã công bố số doanh nghiệp gặp khó
khăn buộc phải giải thể, hoặc tạm ngừng hoạt động 7 tháng đầu năm tăng
9,8% so với cùng kỳ năm 2013. Tổng vốn của các doanh nghiệp thực sự khó
khăn, chắc chắn phải ngừng hoạt động là 291,6 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, chỉ mới đầu tháng Bảy, Ngân hàng Nhà nước vẫn khẳng
định, tính đến cuối tháng 6/2014, tín dụng tăng 3,52% so với cuối năm
2013, con số được tại Hội nghị sơ kết 6 tháng ngành ngân hàng hồi đầu
tháng 7.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia tài chính, ông Bùi Kiến Thành nhận
định: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã không làm tròn trách nhiệm, bởi
một ngân hàng trung ương có trách nhiệm điều tiết lưu lượng tiền tệ và
quản lý mặt bằng lãi suất”.
Ông Thành dẫn chứng năm 2008, kinh tế thế giới suy thoái, ngân hàng
trung ương các nước đều hạ lãi suất chiết khấu từ khoảng 5-6 % xuống
còn 0% hay 0,25%, hoặc 0,1% để tạo điều kiện cho ngân hàng thương mại
cho doanh nghiệp vay lại với lãi suất 1,2 hoặc 3 % là cao nhất.
Nhưng tại Việt Nam, trong khi hàng vạn doanh nghiệp Việt Nam “chết”
bởi lãi suất hai mươi mấy phần trăm, ông Thống đốc vẫn giải thích với
báo chí: Huy động vốn với lãi suất cao thì cho vay cao.
Ông Thành cho rằng: “Đó là nói theo cách quản lý của ngân hàng
thương mại, không phải cách quản lý của ngân hàng trung ương là đảm bảo
một mặt bằng lãi suất cho doanh nghiệp phát triển”.
Dưới góc độ thị trường, PGS TSKH Võ Đại Lược – Giám đốc Trung tâm
Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương – cho hay, lãi suất Việt Nam được xác
định theo cơ chế thỏa thuận, nhưng về cơ bản là sự thỏa thuận giữa các
ngân hàng thương mại quốc doanh, nghĩa là một thị trường do ngân hàng
quốc doanh chi phối.
Hơn nữa, từ năm 2002 đến nay, lãi suất VNĐ đã liên tục tăng, hiện
lãi suất chiết khấu tới 6-7%/năm cao hơn mức lãi suất của nhiều quốc gia
trong khu vực và trái với xu thế giảm lãi suất phổ biến trên thế giới,
đồng thời cao hơn lãi suất USD nghĩa là VND được đánh giá cao hơn USD,
đây là hiện tượng không bình thường.
Các ngân hàng thương mại quốc doanh là lực lượng huy động chính huy
động các nguồn tiết kiệm trong dân, đồng thời cũng là lực lượng cho vay
chủ yếu, ông Võ Đại Lược nói: “Tính thị trường ở đây về cơ bản là tính
thị trường nhà nước”.
Doanh nghiệp tiếp tục ngừng sản xuất, phá sản trong bối cảnh tín
dụng vẫn tăng, câu hỏi đặt ra, dòng vốn từ các ngân hàng thương mại đã
chảy vào đâu?
Không khó tìm câu trả lời từ chính Ngân hàng Nhà nước. Đầu tháng
Bảy, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ – Ngân hàng
Nhà nước đã thừa nhận với báo chí: 6 tháng đầu năm, dòng tiền các ngân
hàng thương mại tập trung 90% vào trái phiếu chính phủ và tín phiếu Kho
bạc Nhà nước.
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành tiếp tục phân tích: “Ở đây có hai vấn đề”.
Một là, các vị quản lý các ngân hàng thương mại đi huy động vốn
trong nhân dân nhưng không biết cách quản lý cho tốt, để đưa nguồn tín
dụng đó vào doanh nghiệp để sản xuất kinh doanh.
Hai là, các ngân hàng thương mại đã làm trái mục đích. Vai trò của
các ngân hàng thương mại không phải là nhân viên huy động cho Chính phủ.
Một câu hỏi đặt ra, tại sao các ngân hàng thương mại lại làm trái mục đích?
Ông Thành nói do ngân hàng muốn lãi suất cao, mà lãi suất cao thì
chỉ Chính phủ mới có thể trả được. Doanh nghiệp không đưa ra được những
dự án phát triển kinh doanh tốt, trong bối cảnh ngân hàng lười biếng,
không nghiên cứu các dự án phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp.
Một nền kinh tế thị trường phải phát huy tối đa doanh nghiệp tư
nhân. Ông Thành nhận xét: “Ngân hàng làm như vậy là không đúng chức
năng, nhiệm vụ của mình”.
Về quản lý nhà nước, ông Thành nói: “Ngân hàng Nhà nước không tạo
ra môi trường, điều kiện cho doanh nghiệp cận được nguồn vốn, còn các
ngân hàng thương mại chỉ lo cho quyền lợi của mình”.
“Vấn đề của nền kinh tế sẽ không được giải quyết nếu cứ để doanh
nghiệp tiếp tục “chết”, ông Thành cảnh báo và đề xuất: Nhà nước, Chính
phủ phải xem lại vấn đề quản lý của Ngân hàng Nhà nước, tại sao lưu
lượng tiền tệ không phù hợp với sự cần thiết của nền kinh tế.
Bởi theo ông Thành, lưu lượng tiền tệ phải đủ để kinh tế phát triển,
không nhiều quá để sinh ra lạm phát, cũng không ít quá để cho “ruộng
khô, lúa cháy”.Lãi suất phải phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn mới để phát triển sản xuất kinh doanh và tích lũy để trả nợ cũ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét