Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Nghệ An: Cán bộ bớt cả tiền lẫn gạo cứu đói của dân nghèo

http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Nghe-An-Can-bo-bot-ca-tien-lan-gao-cuu-doi-cua-dan-ngheo-post147999.gd
Xuân Hòa  -31/07/14 06:41
(GDVN) – Với lý do thu tiền làm nông thôn mới, một số hộ nghèo tại xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương (Nghệ An) dù đã được cấp tiền và gạo cứu đói đều phải nộp lại.
Chia đã sai, sau còn đòi lại
Theo phản ánh của người dân xóm 13, xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương, Nghệ An thì trong dịp tết Giáp Ngọ vừa qua toàn xóm có 14 hộ được nhận tiền và gạo cứu đói của Nhà nước.


Tuy nhiên, theo người dân thì trong số 14 hộ được nhận gạo và tiền cứu đói thì có đến 13 hộ không phải là hộ đói.
Trong đó, có cả gia đình ông Hoàng Văn Nam là xóm trưởng cũng nằm trong danh sách nhận gạo cứu đói. Còn 12 hộ còn lại đều có hoàn cảnh khá giả, nhà cửa kiên cố, có đầy đủ xe máy, vật dụng sản xuất nông nghiệp, dư gạo ăn.
Trong khi đó, những gia đình trong xóm 13 có hoàn cảnh khó khăn thực sự cần cứu đói như trường hợp hộ Hoàng Thị Liên (SN 1964) đau ốm đã 30 năm nay, không chồng con. Hiện nằm chị Liên lại nằm một chỗ không thể di chuyển bố, mẹ già phải chăm sóc lại chỉ nhận được 100.000 đồng tiền cứu đói chứ không có gạo. Ông Hoàng Văn Chuyên (80 tuổi, bố chị Liên) nghẹn ngào nói: “Vào dịp Tết vừa rồi, con tôi được hỗ trợ 100 nghìn, do nó không đi được nên tôi lên xã nhận thay, còn gạo thì không có”.
Chị Hoàng Thị Liên thuộc diện hộ nghèo, nằm liệt giường phải nhờ vào sự chăm sóc của bố, mẹ già nhưng chỉ được hưởng 100.000 tiền cứu đói chứ không được nhận gạo cứu đói trong dịp tết vừa qua
Hay như hoàn cảnh chị Đặng Thị Loan, chồng mất sớm, con trai chỉ mới 8 tuổi và cũng thuộc hộ nghèo, khó khăn những cũng chỉ được 100 nghìn, không được gạo. Còn gia đình ông Đặng Hữu Trinh thuộc diện hộ nghèo nhưng cũng chỉ được nhận 100.000 đồng chứ không được hỗ trợ gạo như quy định.
Vậy số gạo cứu đói cho các hộ nghèo theo quy định được chia đi đâu? Theo người dân tại đây cho biết thì số gạo đó đã được chia cho các hộ khá giả khác trong xóm do ông Nam lập danh sách và được UBND xã Thanh Hà ký duyệt.
Theo người dân nguyên nhân ông Nam không đưa những hộ đặc biệt khó khăn vào diện được hưởng gạo cứu đói mà đưa những hộ khá vào là vì những hộ này có đông khẩu, sẽ được nhiều gạo hơn nên gạo sau khi phát thì thu về quỹ xóm được nhiều hơn.
Theo đó, sau khi phát tiền và gạo cho các hộ nghèo, ông Hoàng Văn Nam lại yêu cầu các hộ này phải nộp lại. Ông Nam dọa các hộ này nếu không chấp hành nộp lại năm sau sẽ không đưa vào diện hộ nghèo nữa.
Ông Hoàng Văn Chuyên (bố chị Liên) cho biết, con ông thuộc diện hộ nghèo và khó khăn trong thôn nhưng cũng chỉ được nhận 100 nghìn chứ không được gạo cứu đói
Điển hình như gia đình Nguyễn Thị Cúc thuộc diện hộ nghèo và chồng đã mất nên dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ bà được nhà nước hỗ trợ 45kg gạo và 100 nghìn đồng. Nhưng sau khi mang gạo và tiền theo yêu cầu của ông Nam nên bà Cúc đã phải nộp lại 40kg gạo. Nhưng do gạo đã lỡ dùng nên bà Cúc phải đóng 400.000 đồng với giá tính 10.000 đồng/1kg gạo. Như vậy, thực tế bà Cúc chỉ còn được hưởng 5kg gạo cứu đói.
Còn gia đình chị Đặng Thị Loan chỉ được hỗ trợ 100 nghìn tiền cứu đói cũng phải đem nộp lại cho ông Nam. Gia đình ông Đặng Hữu Trinh cũng chịu hoàn cảnh tương tự khi chỉ được hỗ trợ 100 nghìn cũng phải đem nộp lại.
Không chỉ có chuyện thu tiền và gạo cứu đói dịp tết của các hộ nghèo mà với chức vụ chỉ là một xóm trưởng nhưng ông Nam tự ý thu của gia đình Hoàng Đình Trường 1 triệu đồng để bán đất cho hộ này. Ngoài ra, nhiều người dân còn phản ánh ông Nam tuyên bố bán đấu giá một số mảnh đất của xóm, nếu ai không mua thì ông sẽ mua.
Tận thu để làm nông thôn mới?
Trước những việc làm sai quy định và quá thẩm quyền đó của ông Hoàng Văn Nam, PV Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc làm việc với vị xóm trưởng này. Về việc bắt các hộ nghèo phải nộp lại tiền và gạo cứu đói ông Nam giải thích:  “Thu gạo và tiền cứu đói của các hộ nghèo là để làm nghĩa vụ xây dựng nông thôn mới. Hiện nay chưa có định mức thu, chúng tôi thu hộ nghèo trước, rồi sẽ cân đối sau, hộ nào cũng phải nộp”.
Việc thu 1 triệu của gia đình ông Hoàng Đình Trường để bán đất cho hộ này thì ông Nam thừa nhận. Còn việc ông Nam tuyên bố bán đấu giá một số mảnh đất của xóm thì ông không thừa nhận.
Ông Hoàng Cao Phơn – Chủ tịch UBND xã Thanh Hà khẳng định: “Chúng tôi đã phát tiền và gạo tận tay các hộ, có kí nhận đầy đủ. Còn việc xóm thu tiền lại như vậy là sai”.
Trao đổi về vấn đề trên ông Hoàng Cao Phơn – Chủ tịch UBND xã Thanh Hà khẳng định: “Chúng tôi đã phát tiền và gạo tận tay các hộ, có kí nhận đầy đủ. Còn việc xóm thu tiền lại như vậy là sai”. Ông Nam tự ý thu tiền bán đất cho người dân và còn tuyên bố bán một số mảnh đất khác thì ông Phơn chống chế: “Có lẽ anh Nam nói thế là nói đùa?!”.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Vinh – Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: “Trong dịp tết vừa qua, Chính phủ chỉ cấp gạo cho những hộ thuộc diện đói hoặc đặc biệt khó khăn. Chúng tôi đã chỉ đạo xã cấp đến tận từng hộ. Còn xây dựng nông thôn mới là huy động đóng góp chung của toàn dân trên cơ sở tự nguyện, đồng thuận. Tôi sẽ cho kiểm tra, làm rõ sự việc, nếu xóm 13, xã Thanh Hà chỉ thu tiền và gạo của hộ nghèo thì chúng tôi sẽ xử lí kỉ luật những người có trách nhiệm”.
Qua sự việc này cho thấy việc bình bầu hộ nghèo ở tại địa phương này có nhiều điều bất cập. Cùng với đó, việc không kiểm soát chặt cán bộ cấp cơ sở đã khiến cho một trưởng thôn bất chấp quy định của nhà nước làm nhiều việc sai trái.
Tại sao chính quyền địa phương không có giải pháp xử lí nghiêm ngay từ đầu? Lẽ nào cán bộ xã không nắm được sự việc hay có nguyên nhân gì khác?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét