MLBVN
Trong lần Đánh giá định kỳ phổ quát của Hội đồng Nhân quyền
(UPR) năm 2014, nhà nước Việt Nam đã chấp nhận những khuyến nghị của UPR
Úc trong lãnh vực “truyền thông phi chính phủ”, tự do thể hiện quan
điểm, tự do hội họp, và tạo điều kiện cho một môi trường thuận lợi để
các nhà hoạt động xã hội dân sự có thể tự do hội họp và thể hiện quan
điểm của mình.
Dựa vào thái độ chính thức trên của chính phủ Việt Nam, Úc đã cùng
với Liên minh châu Âu, Đại sứ quán Canada, New Zealand, Na Uy và Thụy Sĩ
đứng ra tổ chức buổi Hội thảo: Truyền thông Phi Nhà nước ở Việt Nam trong thời kỳ hiện nay.
Khách mời tham dự khác bao gồm Chính phủ Việt Nam, Đảng Cộng Sản Việt
Nam, thành viên của cộng đồng khối ngoại giao và xã hội dân sự trong đó
có Mạng Lưới Blogger Việt Nam (MLBVN).
Ngày 29/7/2014 – một ngày trước buổi hội thảo – công an Nha Trang
đã bắt giữ không có lý do một thành viên của MLBVN là blogger Mẹ Nấm –
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh với mục đích ngăn chặn blogger này đang trên đường
ra Hà Nội tham dự buổi hội thảo theo lời mời chính thức của Đại sứ quán
Úc.
Ngày 30.7.2014 – trước giờ khai mạc hội thảo – công an Hà Nội đã
bao vây chị Trần Thị Nga và Huỳnh Phương Ngọc, ngăn chận hai công dân
này đến tham dự. Ngay sau khi buổi hội thảo chấm dứt, blogger Phạm Thanh
Nghiên, đại diện MLBVN, đã bị an ninh bao vây, khủng bố tinh thần, tìm
cách áp đảo về đồn công an cho đến khi các thành viên của MLBVN phải
liên lạc với người của Đại sứ quán Úc đến tận hiện trường để can thiệp.
Từ những vụ việc trên, MLBVN nhận định rằng:
1. Tất cả những “thiện chí” mà chính phủ Úc ghi nhận đối với
nhà nước Việt Nam tại bàn ngoại giao đã bị chính các bộ phận an ninh
chứng minh bằng hành động rằng: đó là những lời hứa hẹn suông. Hành vi
tùy tiện bắt giữ và ngăn chận công dân Việt Nam tham dự hội thảo là “bài
thuyết trình” sống và thật nhất của an ninh Việt Nam, là những phủ định
hùng hồn nhất gửi đến chính phủ Úc sau khi quốc gia này cho rằng có sự “thể
hiện thiện chí ngày càng tăng của Việt Nam trong tiến trình phối hợp
với các đối tác trong và ngoài nước về các vấn đề nhân quyền. Thiện chí
này cũng được thể hiện trong sự tham gia đầy tính xây dựng của Việt Nam
vào Đánh giá định kỳ phổ quát của Hội đồng Nhân quyền (UPR) năm 2014…” như đã ghi trong thư của Đại sứ quán Úc gửi mời khách tham dự buổi hội thảo. (*)
2. Vấn đề mà Đại sứ quán Úc, Canada, New Zealand, Na Uy,
Thụy Sĩ và Liên minh châu Âu muốn cùng với chính phủ Việt Nam, đảng
CSVN, cộng đồng ngoại giao và xã hội dân sự thảo luận “có thể sử dụng phương tiện truyền thông mới như thế nào để thúc đẩy nhân quyền trong khuôn khổ của hệ thống chính trị Việt Nam” (*) đã có kết luận ngay cả trước khi buổi hội thảo bắt đầu:
- Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm nhân quyền, tự do thể hiện quan
điểm bị bắt cóc, bao vây và tự do hội họp bị ngăn chặn, cấm đoán.
- Những cam kết như “Việt Nam cũng chấp nhận những khuyến nghị
rằng Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho một môi trường thuận lợi để các nhà
hoạt động xã hội dân sự có thể tự do hội họp và thể hiện quan điểm của
mình” (*) của Bộ ngoại giao Việt Nam đã bị vi phạm và chà đạp bởi Bộ
Công an Việt Nam qua những hành vi của bộ phận này đối với công dân
Việt Nam.
- Phương tiện truyền thông mới không thể hoạt động trong “khuôn khổ của hệ thống chính trị Việt Nam”
hiện thời vì đó là một khuôn khổ vi phạm hiến pháp, đứng trên luật
pháp, bất chấp dư luận thế giới, đi ngược lại mọi cam kết quốc tế bởi
một nền công an trị.
3. Sự can thiệp ngay lập tức của Đại sứ quán Úc để bảo vệ
cho blogger Phạm Thanh Nghiên đã nói lên sự quan tâm đầy trách nhiệm từ
phía tổ chức đối với những khách mời. Mạng Lưới Blogger Việt Nam tin
rằng sự quan tâm này sẽ được tiếp tục trong những thời gian tới với
những thử thách, đe dọa, bao vây và khủng bố tinh thần áp đặt lên
blogger Phạm Thanh Nghiên nói riêng và các blogger khác nói chung đang
nỗ lực góp phần biến những cam kết về nhân quyền mà chính phủ của họ,
trong vai trò một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã
chấp nhận thi hành, thành hiện thực.
Ngày 30 tháng 7 năm 2014
(*) Thư của Đại sứ quán Úc gửi mời tham dự buổi hội thảo “Truyền thông Phi Nhà nước ở Việt Nam trong thời kỳ hiện nay”.
http://mangluoiblogger.blogspot.com/2014/07/hoi-thao-truyen-thong-phi-nha-nuoc-o.html
http://mangluoiblogger.blogspot.com/2014/07/hoi-thao-truyen-thong-phi-nha-nuoc-o.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét