Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Báo lá cải ngày nay và lịch sử bị che giấu của hôm qua

Kính Hòa, phóng viên RFA

034_2631774.jpg
Người Việt đọc báo sáng tại vỉa hè Sài Gòn. AFP photo
Câu chuyện truyền thông tuần qua

Câu chuyện truyền thông được giới blogger chú ý trong tuần qua là bài viết trên báo Trí thức trẻ nói rằng phụ nữ miền Tây Nam Bộ là không có học thức. Trước đó một bài viết khác thì nói rằng đàn ông khôn ngoan không nên lấy vợ miền Bắc. Cái đáng nói là một số tờ báo lớn cũng đăng các bài viết này, rồi sau đó một vài tờ im lặng rút đi. Các bài viết này làm giới blogger và FBker lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ. Trong bài viết mang tựa đề Phụ nữ Việt Nam có tệ lắm không? Blogger, Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho rằng đây là sự thối nát của ngành truyền thông nước nhà:

Cội rễ của sự thối nát truyền thông vẫn đâu đó, lùi bước chỉ là một cách đối phó. Rồi đây chúng ta sẽ lại bắt gặp những đề tài như vậy nay mai. Xin đừng tức giận mà hãy đếm, vì đó là những tiếng chuông cuối cùng, báo hiệu sự cáo chung của nền báo chí lá cải xã hội chủ nghĩa, vốn được dung dưỡng bấy lâu nay.
Đề tài truyền thông cũng được nhà văn Phạm Thị Hoài đề cập đến trong bài viết Sự thật về sự thật rẻ tiền. Theo đó báo chí chính thống Việt Nam đã trích dẫn một cách lầm lẫn các tờ báo hài hước của phương Tây, để nói về các sự kiện quan trọng như vụ máy bay của hàng không Mã Lai rơi ở Ukraine. Bên cạnh đó, theo nhà văn Phạm Thị Hoài, truyền thông lề trái cũng đã vội vàng trích dẫn các báo chí thân ông Putin bên Nga để chỉ trích chính phủ Việt Nam.
Cội rễ của sự thối nát truyền thông vẫn đâu đó, lùi bước chỉ là một cách đối phó. Rồi đây chúng ta sẽ lại bắt gặp những đề tài như vậy nay mai.
– Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Và cũng trong bài viết này, Phạm Thị Hoài mô tả một buổi lễ kỷ niệm sự hợp tác quân sự giữa Việt Nam và quân đội Liên Xô cách đây mấy mươi năm. Bà viết:
Ngắm những cụ ông cụ bà cựu công dân Liên Xô, ngực nặng huân huy chương ngồi nghe kể chuyện ngày xưa đánh giặc ở một xứ sở lạ hoắc, thưởng thức văn nghệ cây nhà lá vườn từ một sinh viên Việt Nam để kiểu tóc kết hợp giữa Kim Chính Ân và Kim Chính Nhật, ngoan ngoãn xếp hàng ăn buffet lèo tèo vài món cơm rang nem rán, rồi đứng nghiêm chụp hình lưu niệm để sang năm lại như thế, tôi chỉ thấy một cảnh thác ngộ thời đại, nửa gợi thương cảm, nửa gây cười. Không có gì chứng tỏ phía Việt Nam muốn giấu diếm hay thậm chí chối bỏ công lao của các bạn Xô-viết.
Câu chuyện bàn cờ mới
Câu chuyện hợp tác quân sự trong quá khứ gợi nhớ đến một chủ đề mà giới bloggers hầu như liên tục đề cập đến trong hơn một năm qua, đó là chuyện vị trí của Việt Nam trong bàn cờ mới ở châu Á Thái Bình Dương. Trên bàn cờ mới này quan hệ Việt Mỹ đã trở nên vô cùng quan trọng đối với nhiều người Việt Nam, nhưng đồng thời cũng vô cùng tế nhị đối với những người Việt Nam khác. Sự tế nhị lên đến mức có nhiều chuyên gia đánh giá các cuộc thăm không chính thức của ông Phạm Quang Nghị tại Mỹ, và ông McCain tại Việt Nam là có tầm quan trọng lớn lao. Và ngay lúc chúng tôi hoàn thành bài điểm blog này, thì ông Tổng tham mưu quân đội Mỹ Martin Demsey đến Hà Nội. Trước đó, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng từ Đại học George Mason nói:
Ông Nghị là người của Bộ chính trị nữa, có khả năng lớn nói chuyện. Ông nói cái gì mình không biết nhưng có điều chắc chắn là hai bên đã đạt được một thỏa thuận tiên khởi nào đó thì ông McCain mới sang Việt Nam bởi ông mới ở Việt Nam về ông lại sang ngay.
Tôi nói dân ta hèn là vì như thế này: dân ta anh hùng nhưng sợ từ anh tổ trưởng sợ đi, sợ anh công an, sợ các thứ. Tôi cũng cảm thấy chính mình cũng hèn. Mình sợ nhiều thứ quá. Đấy là một tâm lý rất Việt.
– Trần Đĩnh
Những thỏa thuận Mỹ Việt là điều mà nhiều người trong thế hệ trẻ Việt Nam hy vọng. Blogger trẻ tuổi Silver Reyleigh viết:
Chúng ta cùng chờ đón rằng Hoàng Sa sẽ trở về lại với khổ chủ sau 40 năm vuột mất và trò đánh đu chính trị, đu dây sẽ chấm dứt.
Thậm chí nhiều blogger trẻ tuổi đã châm biếm hai từ Việt Hoa trong những câu khẩu hiệu hữu nghị với Trung Quốc thành Việt… Hoa Kỳ.
Nhưng các blogger trẻ tuổi ấy không hề quên rằng chuyện liên minh giữa hai quốc gia cựu thù, có những cách hành xử rất khác nhau về dân chủ là một chướng ngại không dễ vượt qua. Blogger Silver viết:
Tuy nhiên, báo chí trong nước khi đưa tin về bài phát biểu của ông McCain không hề đả động gì đến lời nhắn gửi của ông McCain về “dân chủ và nhân quyền” cho đỡ quê vì là “con tin”, thà để cho người ta đồn đại trên mạng còn hơn.
Cùng lúc ấy, blogger Người Buôn Gió phản bác những lời kết tội của nhà cầm quyền đối với blogger Anh Ba Sàm rằng Anh Ba Sàm phản lại truyền thống cách mạng của gia đình anh. Người Buôn Gió viết rằng những gì Anh Ba Sàm làm hôm nay chính là những giá trị dân chủ của xã hội trước khi những người cộng sản lên cầm quyền.
Blogger Phạm Đình Ấm viết trên blog Bà Đầm Xòe về sự cầm quyền ấy của đảng cộng sản:
Với một đảng độc tài tồn tại gần trăm năm qua không có ai tranh giành, kiểm soát, lãnh đạo không được ai bầu ra…việc nó ngạo mạn, liên tục tích lũy sai lầm, tham nhũng, tội ác thậm chí bán nước (nếu có)…cũng là hợp quy luật và những người có lương tri phải mổ xẻ, phê phán cái sai của nó, làm cho nó thay đổi để dân được làm chủ, đất nước được hùng cường toàn vẹn giang sơn.
Trở ngại dân chủ, nhân quyền ấy không gì khác hơn là một di sản của một quá khứ chiến tranh cách mạng cộng sản của nước Việt Nam.
Chuyện quá khứ
622f035b-fbfe-4f70-b030-1bab4b9e7c7e-250.jpg
Bìa sách tư liệu mang tựa đề Đèn Cù của nhà văn, nhà báo Trần Đĩnh. RFA file
Tuần qua cũng chứng kiến một tác phẩm nhìn lại quá khứ cách mạng của Việt Nam được ra đời. Đó là tác phẩm Đèn Cù của Trần Đĩnh, một nhà văn một thời gần gũi các nhân vật hàng đầu của đảng cộng sản Việt Nam. Trong tác phẩm đầy ắp tư liệu này, Trần Đĩnh viết rằng ông rất buồn vì chứng kiến bản tính sợ quyền lực của người Việt Nam đã làm dẫn đến tình trạng của một xã hội mất dân chủ.
Tôi nói dân ta hèn là vì như thế này: dân ta anh hùng nhưng sợ từ anh tổ trưởng sợ đi, sợ anh công an, sợ các thứ. Tôi cũng cảm thấy chính mình cũng hèn. Mình sợ nhiều thứ quá. Đấy là một tâm lý rất Việt. Bom đạn không sợ nhưng rất sợ quyền lực.
Sự nhìn nhận sự thực quá khứ, cũng như nhận chân thái độ ứng xử của người Việt Nam đối với quá khứ cũng là tâm trạng của nhà văn, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, ông viết trong bài Chiến tranh, nhớ và quên rằng:
Mấy chục năm qua là giai đoạn bi hài kịch của nước Việt. Những mục tiêu cơ bản được dự tính ban đầu về tương lai dân tộc, được nêu thành những khẩu hiệu kêu xoang xoảng…đều bị đảo lộn theo cách vừa thê thảm, vừa nực cười…
– Blogger Nguyễn Trần Sâm
Người Việt mình thường đối diện với các sự kiện xảy ra trong quá khứ một cách hời hợt. Chỉ có nhớ vặt không có suy nghĩ.
Họ luôn luôn nhắc tới chiến tranh và muốn xã hội nhắc tới chiến tranh chỉ cốt để biện hộ cho sự hư hỏng của mình.
Quả thật là việc nhận ra tình thế mới của đất nước, cũng như định rõ di sản chính trị của những biến động xã hội chính trị trong hơn nửa thế kỷ qua là điều không hề dễ dàng đối với nhiều người Việt Nam. Nhiều người hãy còn ca ngợi tình hữu nghị Hoa Việt ngày hôm trước khi giàn khoan Trung quốc kéo vào thềm lục địa Việt Nam, nhiều người khác thì nghĩ rằng nước Nga của Putin hôm nay chính là những đồng minh Xô Viết cũ, như nhà văn Phạm Thị Hoài đã mô tả.
Cũng nhìn lại quá khứ, blogger Nguyễn Trần Sâm Thấy rằng mấy mươi năm cách mạng vừa qua lại là một sự mỉa mai, vì những mục tiêu ban đầu của cuộc cách mạng đều được làm ngược lại trong mấy mươi năm sau đó:
Mặt khác, không chỉ nông dân, mà ở đất nước này, với luật đất đai quy định đất là “sở hữu toàn dân” bất cứ ai cũng không thể trở thành chủ nhân thực sự của một tấc đất nào. Vì vậy, giấc mơ “người cày có ruộng” hoàn toàn và tuyệt đối là ảo mộng, không có nền tảng pháp lý nào để thành hiện thực. Hơn thế, bất cứ ai, vào bất kỳ giây phút nào, cũng có thể bị tống cổ khỏi ngôi nhà và mảnh đất mình đang ở ra đường, nếu không phải là các nhà hoạch định các dự án xây dựng hoặc có quan hệ mật thiết với những người này theo kiểu nào đó.
Mấy chục năm qua là giai đoạn bi hài kịch của nước Việt. Những mục tiêu cơ bản được dự tính ban đầu về tương lai dân tộc, được nêu thành những khẩu hiệu kêu xoang xoảng, thành những thứ “lý luận”, “nghị quyết”, “văn kiện”,… đều bị đảo lộn theo cách vừa thê thảm, vừa nực cười, và theo cách nào đó là khá “ngoạn mục”.
Một chuyện cũ nữa cũng được blogger Lê Thọ Bình nêu ra trong bài viết trên blog Huỳnh Ngọc Chênh, đó là chuyện người đồng thời với nhà văn Trần Đĩnh là ông Nguyễn Hữu Đang, tinh thần của nhóm Nhân Văn Giai phẩm. Lê Thọ Bình ví ông như một cánh chim đại bàng của trí tuệ:
Nhưng rồi cái tư tưởng phóng khoáng, tự do của một chú đại bàng “hoang dã” muốn đưa đồng loại của mình tới khoảng trời bay nhảy tự do đã khiến ông rơi từ “trời cao” xuống vực thẳm, để lại cho nhân gian những câu chuyện thật đau lòng bằng một vụ án văn chương mà người ta gọi là “Nhân văn giai phẩm”.
Để kết thúc bài điểm blog tuần này chúng tôi xin mượn hai câu thơ của nữ thi sĩ đa tài bạc mệnh Xuân Quỳnh.
Quá khứ đáng yêu, quá khứ đáng tôn thờ
Nhưng không phải là điều em ao ước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét