Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Chế độ ràng buộc pháp lý mềm

 Boxitvn

Kirill Rogov
Phạm Nguyên Trường dịch
Lời người dịch: Sở thảo về kinh tế chính trị học của chủ nghĩa tư bản nửa mùa hay là những cạm bẫy vô hình nhưng vô cùng lợi hại mà các nước hậu cộng sản cần phải vượt qua.
Hiện nay có hai luồng ý kiến về chế độ xã hội và thể chế chính trị của nước Nga được nhiều người chia sẻ. Thứ nhất, hiện tượng tham nhũng tràn lan trong tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế và xã hội và chất lượng cực kỳ thấp của tất cả các thiết chế hiện hành (mà trước hết là các thiết chế pháp luật). Đấy là ý kiến của những người có những quan điểm chính trị và địa vị xã hội khác nhau, cả người bán hàng, người đối lập chính trị, quan chức cấp thấp lẫn các chính trị gia đều đồng ý như thế. Thứ hai, luồng ý kiến này cũng rất thịnh hành, đấy là: do những nguyên nhân khác nhau, hoàn cảnh này gần như không thể nào thay đổi được.
Nói cách khác, việc công nhận tình trạng tồi tệ trong lĩnh vực thực thi pháp luật lại không đi kèm với đòi hỏi phải có những hành động hữu hiệu nhằm chấn chỉnh nó. Nhưng đấy không phải là nghịch lý không thể giải thích được, các nhà kinh tế học gọi nó là bẫy thiết chế. Những định chế tồi tạo ra cho nền kinh tế nhiều thiệt hại to lớn và gây ra nhiều phiền toái cho người dân, nhưng dân chúng sẽ thích nghi; hơn nữa, một số người còn tìm cách lợi dụng những thiết chế tồi tệ, trong khi một số khác thì mất tự tin vào khả năng cạnh tranh của mình vì không thể nào dự đoán được tình huống. Trong hoàn cảnh như thế, người ta dễ nghĩ rằng cải thiện các thiết chế là việc làm quá tốn kém mà lợi ích thì không rõ ràng, và vì thế, mặc dù ai cũng nhận thấy tác hại, nhưng lựa chọn của họ lại là: giữ nguyên hiện trạng.

Dưới đây chúng tôi sẽ cố gắng mô tả cơ chế hoạt động của bẫy thiết chế và tính chất của chế độ đã được tạo ra và đang giữ được ổn định trong giai đoạn hiện nay. Xin được gọi chế độ đặc thù này là chế độ ràng buộc pháp lý mềm. Đây là thuật ngữ cố tình bắt chước thuật ngữ ràng buộc ngân sách mềm của János Kornai, thuật ngữ được ông dùng để mô tả những đặc trưng chủ yếu của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Kornai cho rằng ràng buộc kinh tế mềm là khuyết tật căn bản của nền kinh tế quốc doanh hoạt động theo kế hoạch, nó phản ánh tình trạng: xí nghiệp không phải chịu trách nhiệm kinh tế về những hoạt động, vì có thể được nhà nước lấy tiền ngân sách bao cấp cho các khoản chi phí của mình. Như mọi người đều biết, luận điểm của Kornai có vai trò quan trọng trong việc hình thành quan niệm về cách thức và những hạn chế của công cuộc cải tổ nền kinh tế xã hội chủ nghĩa hồi cuối những năm 1980. Từ đây nhất định sẽ dẫn đến chu kỳ “tự do hoá – ổn định – tư nhân hoá”, và chắc chắn cũng sẽ dẫn đến việc chuyển từ chế độ ràng buộc kinh tế mềm sang chế độ ràng buộc kinh tế cứng, như là công thức nhằm “đưa” chủ nghĩa tư bản vào những nước xã hội chủ nghĩa trước đây. Sử dụng thuật ngữ tương tự như thuật ngữ của Kornai là chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng câu chuyện đang được nói tới ở đây – ở khía cạnh nào đó – có thể được áp dụng cho những vấn đề đã được người ta giải quyết trong vòng xoáy quốc doanh hoá nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua. Nhưng để có thể định nghĩa và giải thích mối quan hệ này, cần phải mô tả chế độ ràng buộc pháp lý mềm trước đã.
***
Nói chung, chế độ ràng buộc pháp lý mềm là chế độ, trong đó các điều luật (luật thành văn) không chỉ để cho người ta tôn trọng mà còn để cho người ta vi phạm; nói cách khác, hành vi vi phạm mang tính hệ thống. Không thể nói rằng luật pháp không vận hành trong hệ thống đó, chúng có vận hành, nhưng vận hành theo một kiểu đặc biệt. Hệt như trong một số kiểu chơi bài với mục đích là thu được càng nhiều quân bài càng tốt, còn kiểu chơi khác thì bỏ được càng nhiều quân bài đi càng tốt, có những chế độ mà giá trị của luật pháp là để người ta tôn trọng, nhưng cũng có những chế độ mà giá trị của luật pháp là vi phạm chúng, tất nhiên là vi phạm theo những luật chơi nhất định. Trong hệ thống này, việc vi phạm luật pháp (xin nhắc lại) là có tính hệ thống, nhưng được thực hiện theo những luật chơi nhất định. Có nghĩa là ở đây việc vi phạm luật pháp chính thức được thực hiện theo những luật chơi phi chính thức, và như thế, chế độ được nói tới ở đây khác hoàn toàn với những tình huống khi mà luật pháp không được tôn trọng là do các định chế cưỡng bức quá yếu, thí dụ như ở nước Nga nửa đầu những năm 1990. Trong chế độ ràng buộc pháp lý mềm, nhà nước không phải không có phương tiện cưỡng bức, còn sự kiện là hiện tượng vi phạm pháp luật trong hệ thống này được thực hiện theo những luật chơi nhất định cho phép ta coi hệ thống này là một hình thức đặc thù của trật tự (tình trạng ổn định), trong nhận thức của xã hội thì trật tự này hoàn toàn không phải là tình trạng vi phạm pháp luật tràn lan, không thể quản lý được.
Những qui định thành văn trong hệ thống này được làm ra là để người ta có thể vi phạm, khi cần. Nghĩa là chúng được tạo ra sao cho việc tuân thủ là khó và khá tốn kém, trong khi khả năng không tuân thủ qui định lại tạo cho người ta lợi ích cạnh tranh đáng kể. Nói các khác, các qui định trong hệ thống này được tạo ra nhằm khuyến khích người ta vi phạm. Kết quả là toàn bộ đời sống của xã hội được hình thành như một cuộc mặc cả bất tận, các thành viên của xã hội mặc cả để có quyền vi phạm những điều luật nhất định, họ sẽ được lợi khi vi phạm những điều luật đó. Nhà nước, mà đại diện là bộ máy quan liêu, hoạt động như một cửa hàng chuyên bán cho các cá nhân quyền vi phạm các điều luật.
Mỗi cấp chính quyền đều có quyền bán quyền vi phạm một số điều luật nhất định và dĩ nhiên là để có thể bán quyền thì cơ quan đó cũng có quyền trừng phạt những vi phạm chưa được cấp phép. Cần phải nhấn mạnh sự khác biệt này: cơ quan quản lý hành chính, quan liêu không giám sát việc tuân thủ luật lệ mà chỉ trừng phạt những hành vi vi phạm chưa được cấp phép mà thôi. Vì vậy mà nó cũng không quan tâm đến việc hoàn thiện những biện pháp quản lý và kiểm tra, kiểm soát; đối với nó, điều quan trọng không phải là giảm thiểu những trường hợp vi phạm và động cơ vi phạm mà là tạo ra khu vực mặc cả quyền vi phạm.
Xin lấy Cảnh sát giao thông làm thí dụ. Cảnh sát giao thông không quan tâm, ai, ở đâu và có bao nhiêu vụ vi phạm luật giao thông; nó cũng không có nhiệm vụ đưa ra những biện pháp có tính hệ thống nhằm giảm số vụ vi phạm, thí dụ như giảm động cơ vi phạm hay sử dụng các hệ thống kiểm tra tự động. Điều quan trọng đối với Cảnh sát giao thông là toàn bộ các nhân viên của nó đều được phân công đến những điểm mà luật giao thông hay bị vi phạm để họ mặc cả về những vi phạm đó. Sự kiện là Cảnh sát giao thông hầu như không tuần tra đường quốc lộ và đường phố như cảnh sát nhiều nước vẫn làm mà thường đứng ở những điểm nhất định là minh chứng cụ thể cho điều đó. Nói cách khác, Cảnh sát rất ít quan tâm đến việc kiểm soát việc giao thông trên đường và theo dõi những vụ vi phạm có thể tạo ra nguy cơ thực sự (thí dụ như lái xe hung hãn và không đúng luật). Không những không tuần tra, Cảnh sát giao thông lại thích sử dụng phương pháp “cổ chai”, tức là đứng ở một chỗ nào đó và kiểm tra một vài qui định chỉ liên quan đến an toàn giao thông một cách gián tiếp (thí dụ như giấy tờ và bằng lái xe, phiếu kiểm định và bảo hiểm).
Nói chung, trong hệ thống mà ta đang nói tới, người ta đồng thời vừa lên án vừa biện hộ cho những vụ vi phạm pháp luật. Cùng với những qui định chính thức, còn có những qui định không chính thức; vi phạm các qui định chính thức được cho là cố ý, nhưng không thể tránh được, được mọi người chấp nhận và tha thứ. Những hành vi vi phạm pháp luật trong hệ thống này không những không bị che dấu đi mà còn được người ta tuyên truyền rộng rãi nữa. Điều kiện quan trọng cho việc chính danh của chế độ này chính là niềm tin của xã hội rằng vi phạm pháp luật xảy ra khắp nơi, có khả năng là trong quan niệm của người dân mức độ vi phạm pháp luật còn cao hơn thực tế nữa. Nhưng quan niệm cho rằng vi phạm pháp luật diễn ra tràn lan lại là biện pháp quan trọng nhằm tạo ra trong đầu óc dân chúng khuôn mẫu mang tính xã hội và tiêu chuẩn hành động: kết quả là những cố gắng nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật hoặc đòi hỏi phải thay đổi đều có vẻ như chẳng ăn nhập gì với cuộc sống hay là những việc vớ vẩn, là những cố gắng vô ích trong cuộc đấu tranh với truyền thống.
Quan niệm cho rằng vi phạm pháp luật diễn ra khắp nơi cũng là một thành tố quan trọng của tổ chức chính trị và tính chính danh chính trị của chế độ mà ta đang nói tới. Nhờ có quan niệm như thế mà về mặt tham nhũng, các giai tầng bên trên không ở thế đối đầu với các giai tầng bên dưới (theo nghĩa rộng của từ này), mà dường như chúng còn liên kết với nhau trong một khuôn khổ thống nhất của những khả năng tham nhũng. Vì vậy mà những câu chuyện bất tận về tham nhũng, việc lên án tham nhũng diễn ra khắp nơi không làm mất tính chính danh của cơ cấu thang bậc đã được thiết lập, mà hơn thế, còn củng cố nó và phục vụ cho mục đích tuyên truyền và củng cố tính chính danh của cái trật tự có thật và không thể khắc phục được này (trong khi trật tự pháp luật lại bắt đầu bị người ta có là bịa đặt và hư ảo).
Luật cho phép vi phạm các điều luật thành văn mỗi lúc, mỗi nơi mỗi khác và đấy cũng là một đặc trưng quan trọng của hệ thống, tạo cho nó sự ổn định, mềm dẻo và thậm chí là cả khả năng cạnh tranh nữa. Thứ nhất, sự biến hóa của luật cho phép vi phạm luật pháp không cho đối tượng đã được ban cho quyền vi phạm luật được quyền tự tung tự tác, hắn phải giữ và thường xuyên cập nhật mối liên hệ với hệ thống và trật tư hiện hành. Ngoài ra, sự biến hóa còn tạo ra hình thức cạnh tranh đặc thù trong hệ thống: những kẻ được lợi và những kẻ giữ vị trí quán quân trong vòng này chưa chắc đã giữ được vị trí đó trong vòng sau. Hơn thế nữa, cách mặc cả quyền vi phạm pháp luật áp dụng thành công nhất trong giai đọan này lại thường bị tuyên bố là cấm trong giai đọan sau.
Thứ hai, sự biến hóa của luật cho phép vi phạm pháp luật là điều kiện quan trọng cho sự hình thành thang bậc của cơ cấu quản lý và tổ chức chính trị của xã hội. Dễ hiểu là trong hệ thống, nơi mà luật pháp bị vi phạm, nhưng luật cho phép vi phạm lại thường xuyên thay đổi thì người kiểm soát được qui trình thay đổi của luật cho phép vi phạm pháp luật chính là kẻ có quyền lực cao nhất. Kết quả là hệ thống sẽ có ba tầng sau đây: 1. Những người mặc cả quyền vi phạm pháp luật (đối tượng được phép/không được phép vi phạm); 2. Những người bán quyền vi phạm điều luật cụ thể nào đó (cơ quan thực hiện); 3. Những người kiểm soát sự thay đổi của luật cho phép vi phạm luật pháp và đấy cũng là những người vi phạm và kẻ bán quyền vi phạm (cấp lãnh đạo chính trị).
Đặc trưng này của chế độ ràng buộc pháp lý mềm giúp ta giải thích vì sao “cuộc chiến đấu trường kỳ với tham nhũng” lại cũng là thành tố củng cố cho sự ổn vững của chế độ. Cũng như các hệ thống kiểm tra kiểm soát khác, mục đích của “cuộc chiến đấu chống tham nhũng” không phải là đào tận gốc, trốc tận rễ nó mà chỉ là giữ cho hệ thống buôn bán quyền vi phạm pháp luật họat động mà thôi, thực chất, “cuộc chiến đấu chống tham nhũng” chính là bộ phận điều tiết họat động tham nhũng được cấp phép, buộc cơ quan thực hiện phải mặc cả với cấp trên, tức là cấp lãnh đạo chính trị, về quyền bán quyền vi phạm pháp luật của mình.
Tóm lại, chế độ ràng buộc pháp lý mềm là chế độ có những qui định pháp luật, nhưng đấy là những qui định có thể vi phạm; chúng hoạt động theo chế độ “tắt/bật” [switch on/ switch off], và đấy chính là chức năng của chúng. Cũng như trong trường hợp ràng buộc ngân sách mềm của Kornai, tính từ mềm ở đây phản ánh tình trạng có tính nguyên tắc là những ràng buộc do luật thành văn qui định chỉ là đối tượng mặc cả theo chiều dọc [vertical bargaining]; còn hệ thống pháp luật thành văn chỉ là cái khung, qui định đối tượng, điều kiện và các thông số của cuộc mặc cả. Nếu việc tham gia vào hệ thống mặc cả theo chiều dọc để mua quyền vi phạm pháp luật trở thành hiện tượng phổ biến thì xã hội sẽ không còn quan tâm đến việc chuyển sang trạnh thái khác nữa. Bất cứ người nào, sau khi nhận được quyền vi phạm pháp luật, đều có một số ưu thế tương đối và vì vậy mà tỏ ra bàng quan, thậm chí không quan tâm tới việc tối ưu hóa hay làm cho các điều luật trở thành bớt nghiêm khắc hơn vì việc đó có thể làm mất giá những lợi thế mà anh ta đã nhận được và làm mất những khỏan đầu tư mà anh ta đã bỏ ra trong cuộc mặc cả trước đó. Điều này càng đặc biệt quan trọng khi ta xem xét tác động của chế độ ràng buộc pháp lý mềm đối với nền kinh tế và chỉ ra cơ chế kinh tế của bẫy thiết chế của chế độ ràng buộc pháp lý mềm.
Nguyên nhân của hiện tượng ràng buộc ngân sách mềm (trong quan niệm của Kornai) là sở hữu nhà nước, chính vì vậy mà ngân sách nhà nước buộc phải bao cấp cho những khỏan chi phí của doanh nghiệp. Có thể giả định rằng việc hình thành và tồn tại của chế độ ràng buộc pháp lý mềm cũng có liên quan với những tính chất đặc thù của quan hệ sở hữu đã định hình cho đến nay.
Trong hệ thống này, sở hữu tư nhân chỉ có tính chất giới hạn: tồn tại về mặt pháp lý nhưng không được xã hội công nhận. Xã hội coi quyền sở hữu như là trường hợp cá biệt và là kết quả của việc sử dụng quyền vi phạm pháp luật, là sự hợp pháp hóa và tiền tệ hóa quyền nói trên. Vì vậy mà việc mất sở hữu vì mất quyền vi phạm pháp luật cũng được xã hội coi là hợp pháp. Kết quả là trong hệ thống đó, sở hữu, một mặt, được quản lý như tài sản tư nhân, theo nghĩa là người chủ sở hữu danh nghĩa có quyền thu và sử dụng lợi tức do tài sản mang lại; nhưng tài sản cũng có thể bị mất không chỉ là do những điều khỏan nào đó của hợp đồng mà vì người chủ đã mất quyền vi phạm pháp luật.
Rõ ràng là hệ thống, trong đó sở hữu được quản lý như sở hữu tư nhân nhưng lại có thể bị tước đọat, đòi hỏi phải có chế độ pháp lý hai mang. Một mặt, cần phải có luật pháp thành văn, bảo đảm cho việc thực hiện các hợp đồng trong khuôn khổ những mối quan hệ theo chiều ngang, liên quan đến việc sử dụng sở hữu (tín dụng, cung ứng, mua bán…), ở đây người chủ sở hữu hành động như người chủ hợp pháp trong quan hệ với đối tác (luật pháp chính thức ở chế độ bật [switch on]). Mặt khác, ở đây sở hữu là thành tố của hệ thống mặc cả theo chiều dọc về quyền vi phạm pháp luật, và trong khuôn khổ của hệ thống này, sở hữu có thể bị tước đọat và đưa vào quá trình phân phối lại quyền sử dụng (luật pháp chính thức ở chế độ tắt [switch off]).
Vấn đề chúng ta phải giải quyết và biện hộ cho việc sử dụng thuật ngữ của Kornai nằm ở câu hỏi sau đây: xí nghiệp sẽ gặp phải chuyện gì nếu ràng buộc ngân sách mềm đã không còn, nghĩa là việc “khởi động” chủ nghĩa tư bản đã được thực hiện, nhưng lại có những ràng buộc pháp lý mềm, nghĩa là về nguyên tắc có thể bỏ qua phần lớn các hạn chế được qui định trong luật thành văn? Ràng buộc ngân sách cứng nghĩa là doanh nghiệp không thể dùng những khỏan tài trợ từ bên ngòai để trang trải cho những chí phí của mình nữa (đúng hơn, về nguyên tắc là không vì trong chế độ ràng buộc pháp lý mềm vẫn có thể có những trường hợp ngọai lệ), nghĩa là doanh nghiệp buộc phải tham gia vào hệ thống quan hệ thị trường theo chiều dọc và tìm mọi cách nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Theo nghĩa này, nhiệm vụ căn bản của quá trình “khởi động” chủ nghĩa tư bản đã được giải quyết xong. Nhưng đồng thời xí nghiệp cũng có thể sử dụng quyền vi phạm pháp luật nhằm giảm bớt quản lý phí và các chi phí gián tiếp khác, tạo ra ưu thế trên thương trường và kết quả là gia tăng được lợi nhuận so với hiệu quả kinh tế thực sự của mình. Hòan tòan có lý khi giả định rằng quản lý phí và các chi phí gián tiếp của các xí nghiệp khác cao hơn xí nghiệp được nói tới bên trên. Nghĩa là lợi nhuận của các xí nghiệp nghiệp đó thấp hơn, đấy là nói khi hiệu quả kinh tế của các xí nghiệp là như nhau. Kết quả là, thứ nhất, lợi nhuận được tái phân phối giữa các xí nghiệp vì quản lý phí và các chi phí gián tiếp được chia không đều; và thứ hai, lợi nhuận và sự thăng giáng của lợi nhuận không phản ánh một cách trực tiếp hiệu quả và sự thăng giáng hiệu quả kinh tế của xí nghiệp.
Về mặt lý thuyết, có thể giả định rằng người chủ doanh nghiệp sẽ cố gắng tìm cách gia tăng lợi nhuận bằng cả hai cách: thứ nhất, giảm quản lý phí và các chi phí gián tiếp và thứ hai, tăng hiệu quả kinh tế. Nhưng những đặc điểm của chế độ mà ta bàn tới bên trên lại làm cho người ta thích cách thứ nhất hơn. Vấn đề là, quyền sở hữu ở đây được định nghĩa như là quyền sử dụng lợi nhuận, còn chính sở hữu thì có thể bị tước đọat. Đầu tư cho việc mua quyền vi phạm pháp luật là đầu tư làm gia tăng ngay lập tức lợi nhuận, còn đầu tư cho việc gia tăng hiệu quả sản xuất lại là đầu tư vào tài sản mà đặc trưng chủ yếu của nó là có thể bị tước đọat bất cứ lúc nào. Đầu tư như thế là quá mạo hiểm vì bạn đang đầu tư cho lợi nhuận trong tương lai mà lúc đó bạn có thể không còn quyền sở hữu khối tài sản đó nữa. Tạo ra doanh nghiệp với hiệu suất quay vòng vốn cao là bạn đang gia tăng nguy cơ bị tước quyền sở hữu và bạn phải đầu tư thêm nhằm bảo vệ quyền sử dụng khối tài sản đó. Trong khi đó, đầu tư cho quyền vi phạm pháp luật là đầu tư không chỉ làm gia tăng lợi nhuận tức thời mà về nguyên tắc khi tài sản bị tước đọat thì nó cũng không tự động chuyển giao cho người chủ mới, như vậy nghĩa là khỏan đầu tư này làm giảm đi nguy cơ bị tước đọat sở hữu của chính bạn. Lợi nhuận của doanh nghiệp càng phụ thuộc vào những điều khỏan đặc biệt trong hợp đồng giữa người chủ và người quản lý thì việc chuyển quyền quản lý càng khó khăn hơn, và ngược lại. Điều đó quyết định cách thức lựa chọn giữa hai biện pháp nhằm tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp.
Như chúng ta đã thấy, mối liên hệ giữa chế độ ràng buộc pháp lý mềm và đặc thù của sở hữu mang tính hai mặt. Đặc thù của sở hữu thúc đẩy người ta đầu tư nhằm tối đa hóa lợi nhuận tức thời và giảm bớt những khỏan đầu tư nhằm tìm kiếm lợi nhuận trong tương lai. Nhưng, trong khi tìm cách bảo đảm và gia tăng lợi nhuận bằng những biện pháp phi kinh tế (bằng cách vi phạm pháp luật), người chủ sở hữu danh nghĩa cũng đồng thời củng cố chế độ mà quyền sở hữu của anh ta bị hạn chế.
Chuyện đó xảy ra như thế nào? Một mặt, tham gia mặc cả quyền vi phạm pháp luật là anh ta đang đánh mất sự ủng hộ của xã hội đối với quyền sở hữu của mình. Mặt khác, trong tình hình khi mà lợi nhuận không phản ánh trực tiếp hiệu quả kinh tế thì người sở hữu không có khái niệm rõ ràng về hiệu quả kinh tế của công việc kinh doanh của mình. Thí dụ, doanh nghiệp họat động có hiệu quả nếu lợi nhuận tăng 15-20% một năm mà chi phí chỉ tăng 5-7%. Nhưng nếu giả sử rằng ba phần tư khỏan gia tăng lợi nhuận là do những tác nhân ngòai kinh tế (ràng buộc pháp lý mềm) thì hóa ra trên thực tế hiệu quả của doanh nghiệp đã giảm. Kết quả là người chủ sở hữu phụ thuộc vào hệ thống phân phối quyền vi phạm pháp luật: anh ta không biết nếu không có hệ thống này thì anh ta có đủ sức cạnh tranh hay không và có thể bù đắp được chi phí hay không. Thời gian càng kéo dài và doanh nghiệp càng thành công trong chế độ ràng buộc pháp lý mềm thì sắc xuất là anh ta không làm được càng tăng, và chính anh ta cũng tin như thế. Đấy gọi là hiệu ứng “cái lồng vàng”.
Nhưng ta sẽ thấy rõ hậu quả quan trọng nhất của chế độ ràng buộc ngân sách mềm khi xem xét vấn đề không phải từ quan điểm hậu quả đối với doanh nghiệp mà từ quan điểm hậu quả đối với thị trường nói chung. Như chúng ta đã thấy, sự tồn tại và vị trí của doanh nghiệp được quyết định không phải chỉ bởi cân bằng cung – cầu (quan hệ thị trường theo chiều ngang) mà còn bởi những điều kiện của “cuộc mặc cả theo chiều dọc” về quyền vi phạm pháp luật nữa. Việc mua quyền này chỉ có ý nghĩa nếu những người tham gia thương trường khác bị luật thành văn ràng buộc. Nghĩa là hệ thống “mặc cả theo chiều dọc” họat động như một bộ lọc, chỉ cho một số doanh nghiệp nào đó tiếp cận với một số lĩnh vực nào đó của thị trường mà thôi. Trong trường hợp này, đầu tư của danh nghiệp để mua quyền vi phạm pháp luật không còn là chi phí phụ trội nữa vì người tiêu dùng sẽ phải trả.
Trong chế độ ràng buộc ngân sách cứng thì chỉ có người mua mới có thể hòan trả cho doanh nghiệp những chi phí mà họ đã bỏ ra để mua quyền vi phạm pháp luật. Vì vậy, giá bán trong chế độ ràng buộc pháp lý mềm sẽ cao hơn là khi nó được quyết định bởi cung cầu trên thị trường (quyết định bởi những điều kiện “mặc cả theo chiều ngang”). Người tiêu dùng phải trả chi phí mua quyền vi phạm pháp luật của doanh nghiệp cũng như phải trả giá cho hiệu quả ngày càng thấp của doanh nghiệp. Điều đó phần nào giải thích vì sao doanh nhân họat động trong khuôn khổ của hệ thống này không coi chế độ ràng buộc pháp lý mềm là trở ngại đối với quá trình kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp: chi phí cho việc mua quyền vi phạm pháp luật được chuyển sang cho người tiêu thụ. Kết quả là doanh nhân mua được quyền vi phạm pháp luật cảm thấy điều kiện cạnh tranh có vẻ dễ dàng hơn, chỉ cần tập trung vào lợi nhuận tức thời và nếu chấp nhận khả năng bị tước mất quyền sở hữu trong tương lai thì ông ta sẽ là người hòan tòan hạnh phúc. Nếu các cá nhân tham gia vào hệ thống mặc cả để mua quyền vi phạm pháp luật không còn quan tâm đến hệ thống trong đó mọi qui định đều đơn giản và được tuân thủ thì người nắm quyền sở hữu cũng không quan tâm đến việc bảo đảm quyền sở hữu một cách lâu dài, nhưng bù lại, người ta lại thu được lợi nhuận tức thời cao hơn.
***
Trong quan niệm của những nhà cải cách xã hội cách đây hai mươi năm thì việc “khởi động” chủ nghĩa tư bản, đặc biệt là thông qua cơ chế ràng buộc ngân sách cứng nhất định sẽ biến doanh nghiệp thành chủ thể độc lập trong các quan hệ thị trường (đưa doanh nghiệp ra khỏi hệ thống mặc cả theo chiều dọc). Đến lượt mình, các quan hệ mới sẽ dẫn đến việc hình thành những định chế nhằm duy trì và bảo vệ cạnh tranh vì chỉ có như thế doanh nghiệp mới có thể thu được lợi nhuận tối đa. Trên cái nền như thế, chế độ ràng buộc pháp lý mềm trông sẽ chẳng khác gì cơ chế bù trừ: nó có tác dụng làm giảm hiệu quả của chế độ ràng buộc ngân sách cứng.
Tính cứng rắn của ràng buộc ngân sách đã khởi động cơ chế trách nhiệm của doanh nghiệp và khuyến khích họ tìm kiếm lợi nhuận; đồng thời cơ chế ràng buộc pháp lý mềm lại tạo điều kiện cho người ta phân bố lại lợi nhuận giữa các doanh nghiệp, bất chấp hiệu quả kinh tế của chúng và như vậy cũng có nghĩa là đã giữ lại nguyên tắc mặc cả theo chiều dọc, nhưng lần này không phải là mặc cả về chi phí mà là mặc cả về lợi nhuận. Kết quả là, cơ chế đó cản trở quá trình hình thành quyền sở hữu một cách đầy đủ, làm giảm động cơ đầu tư nhằm nâng cao hiệu suất họat động sản xuất kinh doanh (đặc biệt là làm giảm những khỏan đầu tư dài hạn), giảm hiệu quả của doanh nghiệp trong dài hạn và làm tăng giá trên thị trường.
Vì cơ chế ràng buộc ngân sách cứng vẫn họat động cho nên doanh nghiệp không thể họat động với hiệu suất âm – doanh nghiệp sẽ bị phá sản. Kết quả là “cái chủ nghĩa tư bản nửa vời” này có nhiều khả năng sẽ sống sót và tự tái tạo lại mình mặc dù không có điều kiện phát triển. Từ quan điểm hiệu suất kinh tế, có thể nói rằng doanh nghiệp sẽ tiến đến tình trạng cân bằng “bên trên số không một chút”. Điều này tạo ra nguy cơ là tình trạng “mập mờ” cùng với tiềm lực phát triển thấp sẽ được duy trì trong thời gian dài. Dĩ nhiên là đến một lúc nào đó sự kém hiệu quả của những doanh nghiệp được ưu tiên ưu đãi sẽ biến chúng thành những kẻ “ăn” vào lợi nhuận do nền kinh tế tạo ra. Nhưng hệ thống có thể hi sinh các doanh nghiệp đó. Vì không phải những “ông trùm” (quán quân về quyền vi phạm pháp luật) mà là bộ máy quan liêu có quyền bán quyền vi phạm pháp luật mới là những kẻ được lợi nhất trong hệ thống này. Sức mạnh của nó không chỉ được thể hiện ở sự tồn tại của những “ông trùm” cụ thể, mà trước hết được thể hiện ở quá trình “tạo ra những ông trùm” đang diễn ra liên tục. Tiềm lực của chế độ ràng buộc pháp lý mềm thể hiện đầy đủ nhất trong quá trình “tạo ra các ông trùm” và vì vậy mà một số “ông” sẽ phải biến khỏi vũ đài.
Như vậy là, nói chung, có thể nói rằng chế độ ràng buộc pháp lý mềm tạo điều kiện cho việc hình thành hệ thống, trong đó có hai kiểu lý lẽ cùng song song tồn tại: lý lẽ của những quan hệ thị trường theo chiều ngang và lý lẽ của “mặc cả theo chiều dọc”, giữ vai trò tái phân phối – bên ngòai quan hệ thị trường – các nguồn lực và lợi nhuận giữa các xí nghiệp. Chế độ ràng buộc pháp lý mềm là cái công tắc cho phép người ta chuyển từ lý lẽ này sang lý lẽ kia. Lý lẽ thứ nhất, mà cụ thể là nguyên tắc ràng buộc ngân sách cứng tạo điều kiện cho nền kinh tế tạo ra lợi nhuận, lý lẽ thứ hai giúp người ta tái phân phối lợi nhuận thu được.
K.R.
Dịch từ nguyên bản tiếng Nga, nguồn: http://www.inliberty.ru/blog/krogov/2471/
Dịch giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét