Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Peter Arnett: Kết thúc của Ngô Đình Diệm (1963)

Phan Ba


Peter Arnett đứng cạnh một chiếc A 1 Skyraider đã cháy rụi vào ngày 12 tháng Mười 1965 ở gần Biên HòaPeter Arnett làm việc cho hãng thông tấn Associated Press (AP) từ 1962 cho tới 1975 ở Việt Nam và qua đó là phóng viên lâu năm nhất ở tại chỗ. Các bài viết mang nhiều tính phê phán của ông thường không làm cho giới quân đội Mỹ và chính phủ Nam Việt Nam hài lòng. Đối với nhiều người, ông là thông tính viên tốt nhất của Chiến tranh Việt Nam. Mới đây, ông cũng nổi tiếng qua những bài tường thuật riêng cho CNN từ Chiến tranh vùng Vịnh chống Iraq.
<<< ===  Peter Arnett đứng cạnh một chiếc A 1 Skyraider đã cháy rụi vào ngày 12 tháng Mười 1965 ở gần Biên Hòa
Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ tương đối kiêu ngạo khi tới Việt Nam. Lúc đầu, người Pháp đã thất bại ở đất nước này. Chính sách của họ, chính sách mà với nó, họ muốn tái chiếm vương quốc thuộc địa của họ sau Đệ nhị Thế chiến, đã thất bại. Họ đã thua một loạt các trận đánh lớn. Nhưng Hoa Kỳ không vì vậy mà e sợ. Các sĩ quan Mỹ mà tôi gặp
vào đầu những năm sáu mươi gọi nổ lực của người Pháp là nửa vời. Lời bình của họ: “Chúng tôi đã cứu thoát người Pháp hai lần trong thế kỷ này rồi, trong Đệ nhất và Đệ nhị Thế chiến, và chúng tôi chắc chắn là chúng tôi có thể cứu thoát họ thêm một lần nữa. Chúng tôi đi vào đó. Chúng tôi có thể chiến thắng xung đột này.” Tức là người Mỹ không những quên bài học từ chiến bại của người Pháp. Không, họ lao vào sự việc và tin rằng: Nếu anh nhét đủ tiền vào trong đó thì anh đã thắng rồi! Vì Hoa Kỳ cho rằng họ cần phải làm tròn một nhiệm vụ trên khắp thế giới và cứu thoát nhân loại ra khỏi chủ nghĩa cộng sản. Họ thật sự tin như vậy. Và họ bước vào cuộc xung đột với niềm tin này. Họ không nhìn thấy tài tổ chức của phe cộng sản, không chú ý tới tình hình quân sự đang đi tới khủng hoảng, không cảm nhận được nhiệt tình đấu tranh của người cộng sản. Tính toán rất đơn giản: “Chủ nghĩa cộng sản là xấu xa, chúng ta chiến đấu cho một sự việc tốt hơn, tức là chúng ta sẽ chiến thắng.”
Người Mỹ nhận ra quá muộn, rằng tự hào quốc gia đóng vai trò quyết định ở bên phía Việt Cộng. Đó hoàn toàn không phải là về chủ nghĩa cộng sản. Người Bắc Việt không hề nghĩ tới việc đó khi họ chiến đấu chống tổng thống Diệm. Họ nhìn người Mỹ như là những ông chủ thuộc địa mới. Những người này thì lại nói ngược lại: “Chúng tôi không phải là thế lực thuộc địa! Chúng tôi muốn xây dựng một nền dân chủ ở đây!” Các nhà chiến lược chính trị Mỹ hoàn toàn không hiểu đối phương muốn gì. Chính họ cũng không biết gì về Việt Nam, không nhìn người Việt như là một quốc gia độc lập, ở bên ngoài của chủ nghĩa cộng sản và dân chủ. 2000 năm trời, chủ nghĩa dân tộc Việt Nam hoàn toàn không quan tâm tới những ý thức hệ khác ở bên ngoài. Họ là người Việt, có là người cộng sản hay người dân chủ cũng thế, trước hết thảy, họ là người Việt.
Thế nhưng tôi vẫn chưa có được những nhận định đó khi tôi được hãng thông tấn Associated Press (AP) gửi sang Việt Nam năm 1962. Đã xảy ra một vài vụ việc mà trong đó có người Mỹ bị giết chết – bởi những người mà Hoa Kỳ gọi là những kẻ khủng bố và người cộng sản gọi là những người chiến đấu cho hòa bình. Tình hình ngày một nóng lên. Tổng thống John F. Kennedy tuyên bố rằng Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ phải chiến đấu chống lại bất cứ sự hung hãn nào và bảo vệ bất cứ người bạn nào, và Nam Việt Nam được xem là bạn, và điều đó tất nhiên đẩy mạnh sự tham gia của Mỹ. Dường như đã đến lúc phải tường thuật nhiều hơn.

Địa hình khó đi lại của Việt Nam nhanh chóng trở thành một thách thức cho quân khí hiện đại cao của Mỹ
Địa hình khó đi lại của Việt Nam nhanh chóng trở thành một thách thức cho quân khí hiện đại cao của Mỹ
Thời đó, điều thú vị đối với tôi và các phóng viên trẻ tuổi khác là việc Hoa Kỳ bước dần vào cuộc chiến như thế nào. Giữa 1962, họ có khoảng 8000 tới 10.000 cố vấn quân sự tại chỗ, đưa ra những lời khuyên bảo cho người Nam Việt, cũng cùng đi chiến đấu với họ, nhưng không có quyền chỉ huy những lực lượng này. Rồi 1962/1963 người Mỹ ngày càng đi theo hướng chiến trường. Nhưng ở ngoài đó, bất thình thình họ bị tổn thất. Ví dụ như 100 lính Mỹ bị giết chết năm 1964 trong một trận đánh.
Sự phát triển mà giới nhà báo chúng tôi tập trung vào là việc Hoa Kỳ thật sự tiếp nhận lấy quyền chỉ huy trong cuộc chiến này ra sao mà giới công chúng không biết tới. Chính phủ Kennedy ở Washington và sứ quán Mỹ ở Sài Gòn rất tức giận về những câu chuyện chúng tôi viết, nói về sự phản bội niềm tin. Ở một mặt, người ta có những thông báo chính thức về tình hình, mặt khác là những tuyên bố mà ví dụ như “New York Times”, “Washington Post” và AP đưa ra, và hoàn toàn trái ngược với những tuyên bố của chính phủ. Vì thế mà ngay từ đầu đã có cuộc tranh luận, điều gì đã xảy ra thật sự ở Việt Nam.
Mặc dù vậy, đó là một cuộc chiến mà báo chí không bị bịt miệng. Nhà báo chúng tôi có thể bay cùng trong trực thăng, tháp tùng các đơn vị Mỹ hay Nam Việt, đi xe xuyên qua đất nước và tường thuật về tất cả. Nhưng cũng khó nói thật ra đó là một loại chiến tranh gì. Có rất ít những trận đánh lớn. Trong hầu hết thời gian của cuộc chiến, quân đội lùng sục trong rừng rậm để tìm các đơn vị cộng sản. Trong lúc đó đã xảy ra những trận chiến tự phát ở trên vùng rừng núi, rất khó mà quan sát được. Tức là tướng Westmoreland chỉ huy và tổng thống Johnson có thể quả quyết: Chúng ta chiến thắng!, mặt khác, phóng viên chúng tôi đi ra chiến trường và nói: Chúng ta thua trận! Rất khó đánh giá tình hình, vì không có vùng đất nào được chiếm lấy hay bị mất đi. Trong Đệ nhị Thế chiến, ngay ở Triều Tiên, người ta có thể xác định được diễn tiến của cuộc chiến qua những vùng đất chiếm được: Có được một thành phố, một làng, một đất nước không? Nhưng ở Việt Nam thì tất cả chỉ diễn ra ở trong rừng.
Đánh giá tình hình chiến sự là một việc rất khó khăn. Chúng ta thua hay chúng ta thắng? Khó mà nói được. Thời đó, một vài khái niệm không được ưa chuộng đã trở nên quen thuộc: “bodycount” (con số xác chết) và “killration” (tỷ số giết chết). “Bodycount” xuất hiện rất sớm trong cuộc chiến, như là một cố gắng để chứng tỏ tiến bộ. Phía Mỹ không thể xác định thành công của họ qua đất đai chiếm được. Thế là người ta đếm xác chết, để đo đạc ưu thế. Nhưng tại một cuộc chiến tranh trong rừng rậm thì điều đó là không thực tế, vì người cộng sản luôn luôn mang những người đã hy sinh của họ ra khỏi chiến trường với kỷ luật thật cao; không thể đếm họ được. Thế là quân đội Mỹ phát triển quy tắc để ước đoán một cách chung chung con số người chết theo số lượng đạn được bắn đi. Theo công thức đếm xác chết này thì sau hai năm, toàn bộ chiến binh của đối phương đã bị giết chết hết. Tức là hoàn toàn không đúng. “Killratio” là một cố gắng khác để thể hiện thành công trong chiến cuộc. Cứ nói là có 100 người lính Mỹ đã hy sinh trên cao nguyên đi, người sĩ quan Mỹ sẽ thể hiện điều đó như thế này: “Okay, chúng tôi đã mất 100 người, nhưng bù vào đó thì chúng tôi đã giết chết 4000 người cộng sản. Tức lỷ lệ giết chết là…” Cả nó cũng là một phương pháp không thực tế. Mặc dù vậy, cả hai vẫn được sử dụng cho tới khi chiến tranh kết thúc.
Khi tôi sang Việt Nam năm 1962, tình hình rất căng thẳng vì Việt Cộng đã tăng cường mạnh quân đội của họ; có khủng bố ở Sài Gòn, nhà hàng bị cho nổ tung, rất nhiều vị trí quân sự có bao cát bảo vệ được thiết lập, dây kẽm gai ở khắp nơi. Một tổ chức chính trị Phật giáo tấn công chính phủ Công giáo La Mã của tổng thống Ngô Đình Diệm, tố cáo họ ngược đãi bất cứ ai không phải là người Công giáo. Nhiều vụ việc mà trong đó có những người biểu tình Phật giáo tử vong đã khiến cho sự lộn xộn trở nên hoàn hảo. Thường có biểu tình ở Sài Gòn và đàn áp công khai. Qua đó, một tình huống đã thành hình mà Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ phải hành động.

Bom nổ trước Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn vào ngày 30 tháng 3 năm 1965. Ảnh: AP/Horst Faas
Bom nổ trước Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn vào ngày 30 tháng 3 năm 1965. Ảnh: AP/Horst Faas
Trong mùa hè 1963, thái độ của Mỹ đã rõ: hoặc là Diệm phải thích ứng hoặc là người ta phải bỏ ông, vì những sự tàn bạo của ông đối với người Phật giáo đang có nguy cơ phát triển thành những dòng tít báo ở khắp nơi trên thế giới. Đã có những vi phạm đối với người dân thường, nhà sư tự thiêu công khai. Việt Nam gây sự chú ý nhiều hơn là chính phủ Hoa Kỳ muốn. Họ không muốn cả thế giới nói về Việt Nam, họ muốn tiến hành những chiến dịch của họ trong sự im lặng. Thế là đại sứ Henry Cabot Lodge sang để quở trách tổng thống Diệm. Ông nói với ông ấy: “Anh đã hành xử như một thằng ngốc. Anh phải thỏa thuận như thế nào đó với người Phật giáo.” Thế nhưng người này thì lại cứng đầu, từ chối và cho phép người của ông, tức là người em trai của ông, tiếp tục tiến hành những điều tàn bạo nhất; không thể khép ông ấy vào kỷ luật được.
Điều này là giọt nước làm tràn cái ly đầy: “Chúng ta không thể cứ chiều theo gã này mãi được. Hắn khiến cho cả thế giới chống lại chúng ta. Chúng ta phải bỏ hắn!” Qua đó thì đã rõ là cần phải làm gì. Các cơ quan quân sự ở Sài Gòn thông báo cho các phóng viên, rằng câu trả lời có thể là một cuộc đảo chánh – lúc nào đó. Rồi trong đầu mùa thu, những tiếng nói chống Diệm trong giới truyền thông bắt đầu lớn hơn, và một vài người hiểu điều đó như là một sự khuyến khích cho giới quân đội hãy đứng dậy chống lại ông ấy. Chính cuộc nổi dậy thì lại là một việc bí mật. Ngày nay, chúng ta biết rằng tổng thống Kennedy đã chấp thuận cuộc đảo chánh, nhưng không đồng ý giết chết Diệm và người em trai của ông; ông tương đối bị sốc khi biết được điều đó. Nhưng các viên tướng Việt Nam thì nghĩ rằng họ không có sự lựa chọn. Không giết chết Diệm có nghĩa là thêm một xung đột chính trị nữa. Tất nhiên là họ không muốn cho phép điều đó, họ muốn có một sự kết thúc dứt khoát.
Lúc đó, tôi ở trong một nhóm dự án nhỏ của AP, văn phòng của chúng tôi nằm đối diện với dinh tổng thống Sài Gòn. Vào trưa ngày 1 tháng Mười một 1963, chúng tôi nghe tiếng súng nổ ở ngay trước cửa sổ của chúng tôi. Sau một giờ thì đã rõ rằng đó là cuộc tấn công chính. Chúng tôi rời văn phòng của chúng tôi, vì nó nằm trong tầm đạn, và ngụ tại một khách sạn cách đó ba con đường. Vào sáng ngày hôm sau, khi hết tiếng súng bắn, chúng tôi đi vào dinh và phỏng vấn các viên tướng đã tổ chức cuộc đảo chánh. Tất cả đều diễn ra trên một vùng khoảng một dặm vuông, người ta có thể đi bộ tới tất cả các điểm nóng.
Cuộc đảo chánh Diệm nhận được sự đồng tình lớn ở Sài Gòn và trong các thành phố lớn khác, vì chính quyền này đã khiến cho đa số Phật giáo của người dân chống lại nó. Người dân nhảy múa trên đường phố, rất hạnh phúc, vì họ cảm nhận được là vị tổng thống đã muốn ép buộc Công giáo lên đất nước họ. Họ cũng không ưa cách làm việc tham nhũng của Diệm; ông ta đã trao quyền lực cho người của ông ở khắp nơi. Đó là một cuộc đảo chánh rất được lòng dân. Những viên tướng thực hiện nó đã được chào mừng như những người anh hùng của dân tộc. Thật không may là họ không thể thỏa thuận với nhau rằng ai cần phải nắm lấy quyền lực. Thế là có cả một loạt đảo chánh tiếp theo trong năm sau đó, những cái đã đẩy đất nước vào trong sự hỗn loạn.
Sau khi Diệm không còn nữa, phải cần tới hai năm mới tạo được một tình hình chính trị ổn định ở Nam Việt Nam. Đó là khi một giới lãnh đạo quân đội dưới sự chỉ huy của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thành hình. Ông nắm quyền từ 1966 cho tới khi chiến tranh chấm dứt, có được sự ủng hộ của quân đội do là một viên tướng lãnh. Nguyễn Cao Kỳ, một người nổi tiếng của Không lực Nam Việt Nam, tham gia chính phủ của ông. Nhưng cả chính quyền này cũng không có tham vọng nào về dân chủ và bầu cử tự do.
Phan Ba trích dịch từ “Apokalypse Vietnam”
Đọc những bài phỏng vấn khác ở trang Chiến tranh Đông Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét