VnExpress
Thứ tư, 27/8/2014 | 00:00 GMT+7
“Muốn chống tham nhũng có hiệu
quả trước hết phải chống ngay trong các cơ quan chống tham nhũng, không
thể có vùng cấm, đặc quyền, ngoại lệ”, đại diện TAND Tối cao nói.
Ngày 26/8, tại Đà Nẵng diễn ra Hội thảo Tăng cường
liêm chính, trách nhiệm giải trình và minh bạch trong ngành hành pháp
do Bộ Công an phối hợp với Cơ quan phòng, chống ma tuý và tội phạm của
Liên hợp quốc (UNODC) Việt Nam tổ chức.
Ông Nguyễn Chí Công, đại diện TAND Tối cao, nói rằng
tham nhũng và lạm quyền của cán bộ trong ngành tư pháp cũng như công an ở
Việt Nam đang có dấu hiệu gia tăng. Từ đầu năm 2010 đến nay, các hành
vi như bức cung, dùng nhục hình, làm sai lệch hồ sơ vụ án dẫn đến oan
sai, bao che, bỏ lọt tội phạm, “chạy án”, nhận hối lộ, ra quyết định
trái pháp luật… liên tục được phát hiện.
Thứ trưởng Bộ Công an Đặng Văn Hiếu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Đông
|
Dẫn ra hàng loạt các vụ án nổi cộm như dùng nhục hình xảy ra tại Công an TP Tuy Hòa (Phú Yên), vụ án liên quan cựu phó giám đốc Công an Hải Phòng Dương Tự Trọng hay vụ làm sai lệch hồ sơ của ông Nguyễn Thanh Chấn
ở Bắc Giang, ông Công kiến nghị: “Muốn chống tham nhũng có hiệu quả thì
trước hết phải chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham
nhũng, không thể có vùng cấm, đặc quyền, ngoại lệ trong chống tham
nhũng”.
Trong khi đó, Phó Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối
cao Võ Kim Sáu cho rằng, những hành vi tham nhũng trong hoạt động điều
tra hình sự được thể hiện dưới nhiều hình thức và vì họ thường hiểu biết
pháp luật, có kinh nghiệm trong việc che giấu hành vi nên rất khó phát
hiện. Do đó cần phải quy định cụ thể thẩm quyền điều tra tội phạm tham
nhũng trong hoạt động tư pháp; công khai, minh bạch một số hoạt động
điều tra hình sự;…
Giám đốc UNODC tại Việt Nam, tiến sĩ Zhuldyz Akiseva
cho rằng cảnh sát là lực lượng có sự hiện diện và tiếp xúc nhiều nhất
với người dân, được trao quyền lớn nhất nhằm thực thi pháp luật. “Do đó,
đảm bảo liêm chính của lực lượng cảnh sát đóng vai trò quan trọng trong
việc đạt được lòng tin của người dân, và tạo ra môi trường công cộng an
toàn”, bà nói.
Theo tiến sĩ Akiseva, việc Bộ Công an triển khai những
hoạt động liêm chính trong lực lượng công an là một bước đi kịp thời và
là đóng góp quan trọng trong nỗ lực chống tham nhũng.
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Thường trực Bộ
Công an, nói sự khác nhau về chế độ chính trị, thể chế kinh tế, quy định
của pháp luật giữa các quốc gia tạo nên những quan niệm khác nhau về
hành vi phạm tội và quan điểm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Vì
thế việc chia sẻ quan điểm, kinh nhiệm trong công tác thực thi pháp luật
và đấu tranh phòng chống tham nhũng là cần thiết.
“Bộ Công an luôn chú trọng công tác rèn luyện tư cách,
phẩm chất, đạo đức người cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân, kiên quyết
đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng và xử lý nghiêm các
trường hợp mắc sai phạm. Trong đó biện pháp cần thiết là phải đề cao
tính kỷ luật, tăng cường liêm chính, minh bạch trong hành động và thực
hiện tốt hoạt động giám sát”, Thứ trưởng nói.
Nguyễn Đông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét