Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị Ngành Kế hoạch và Đầu tư ở Đà Nẵng hôm 7/8/2014. -Courtesy chinhphu.vn
Gánh nợ quốc gia nguy ngập?
Phát biểu tại Đà Nẵng hôm 7/8/2014 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trấn an toàn dân: “Việt Nam dứt khoát không để vỡ nợ.”Thực tế gánh nợ quốc gia của Việt Nam nguy ngập thế nào mà Thủ tướng phải lên tiếng như vậy.
Trả lời Nam Nguyên, ông Bùi Kiến Thành một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về thị trường tài chính quốc tế từ Hà Nội nhận định: “Thủ tướng nói như thế nhưng lấy cái gì để bảo đảm Việt Nam không
vỡ nợ công. Nếu Việt Nam cứ tiếp tục đi vay nợ như thế này trong tình
hình kinh tế không sáng sủa, doanh nghiệp chết hàng loạt. Kinh tế Việt
Nam thì khó khăn mà mình cứ việc đi vay như thế thì lấy gì bảo đảm sẽ
không vỡ nợ.”
Ngay từ đầu năm nay, TS Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế độc lập ở Hà
Nội đã bày tỏ sự đặc biệt quan ngại về tình trạng nợ công của Việt Nam.
Ông nói: “Theo tôi vấn đề nợ công rất là phức tạp, hiện nay cứ mỗi ba tháng
ngân sách Nhà nước phải trả nợ nước ngoài khoảng 1 tỷ USD. Đấy là một
khoản nợ không phải là nhỏ và số nợ công trong những năm gần đây đã tăng
lên một cách nhanh chóng. Đấy cũng là một yếu tố rất đáng chú ý và rất
đáng lo ngại.”
Theo tôi vấn đề nợ công rất là phức
tạp, hiện nay cứ mỗi ba tháng ngân sách Nhà nước phải trả nợ nước ngoài
khoảng 1 tỷ USD. Đấy là một khoản nợ không phải là nhỏ.
-TS Lê Đăng Doanh
Ngày 31/7/2014 vừa qua Argentina một quốc gia Nam Mỹ đã vỡ nợ lần thứ
nhì, sau khi mất khả năng thanh toán 1,5 tỷ USD trái phiếu quốc gia cho
cho hai quỹ đầu tư của Mỹ. Một trong các tổ chức đánh giá tín nhiệm là
Fitch Ratings đã định giá trái phiếu Argentina xuống mức hạng Junk bond
tức không khác gì giấy lộn. Như thế Argentina không thể vay tiền được
nữa kể cả từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cho đến khi khả năng trả nợ được phục
hồi.
Giả thiết trường hợp Việt Nam rơi vào tình trạng vỡ nợ thì điều gì sẽ xảy ra, chuyên gia Bùi Kiến Thành phát biểu: “Nếu Việt Nam vỡ nợ, tất nhiên hệ số tín nhiệm của tín dụng đối
với Việt Nam sẽ rất là thê thảm, trong trường hợp nhà nước muốn vay tiền
chỉ số tín dụng từ BB sẽ rơi xuống B- và xuống hơn nữa….như thế làm sao
Việt Nam có thể tồn tại trên thị trường tài chính quốc tế. Những chuyện
ấy sẽ kéo theo làm cho một nước không thể ngóc đầu lên nổi. Chúng ta đã
thấy chuyện đó xảy ra rồi, thí dụ bên Argentina vỡ nợ lần thứ hai kéo
theo bao nhiêu hệ lụy của nền kinh tế.”
Từ hai năm qua, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia đã lên tiếng báo
động về tình trạng nợ công của Việt Nam. Báo động không những về cách
tính nhằm giảm nhẹ tổng nợ công thực tế mà còn về tình trạng lãng phí nợ
vay nước ngoài thực hiện tràn lan các dự án. Chuyên gia Bùi Kiến Thành
nhận định: “Phải tìm cách hãm lại gánh nợ công, hãm lại đầu tư công, hãm lại
những thứ gọi là những phí phạm trong vấn đề quản lý nhà nước, hãm lại
những cái rút ruột công trình, hãm lại vấn đề cán bộ nhà nước không kiểm
tra đầy đủ chi tiêu nợ công.”
Theo báo điện tử VnEconomy, tại Hội nghị ngành kế hoạch đầu tư tổ
chức tại Đà Nẵng ngày 7/8/2014 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo xin
trích nguyên văn “Việt Nam dứt khoát không để vỡ nợ, phải bố trí đủ để
trả nợ, chủ yếu là trả nợ phần đầu tư xây dựng trước. Trái phiếu cũng
phải tính 5 năm. Tổng trái phiếu chính phủ và địa phương sẽ được tính
kỹ, căn cứ vào bảo đảm nợ công rồi mới tính phát hành trái phiếu thế nào
để có nguồn vốn bổ sung cho đầu tư phát triển nhưng đồng thời phải giữ
vững an toàn cho nền tài chính quốc gia.”
Tính nợ công mập mờ?
Ảnh minh họa. AFP PHOTO.
Báo cáo của Bộ Tài chính đưa ra tại hội nghị Đà Nẵng cho thấy tổng số
nợ công tính đến cuối năm 2013 chỉ là 41,5% GDP. Đây là một chỉ số đẹp
toàn hảo nhưng bị các chuyên gia ngoài chính phủ cho là một con số ảo.
Theo các chuyên gia độc lập, cách tiếp cận vấn đề nợ công của Chính phủ
Việt Nam hoàn toàn khác với thông lệ quốc tế.
Cách tính nợ công mập mờ tách rời những món nợ lớn của doanh nghiệp
nhà nước mà chính phủ bảo lãnh gây ra nhiều tranh cãi trong giới chuyên
gia.
Chuyên gia Bùi Kiến Thành nhận định: “Chúng ta thấy tỷ lệ nợ công không rõ ràng, có thể nói là nhà nước
không thực sự công bố hết nợ công, phần nợ công nào đi vay nước ngoài,
nợ công nào đi vay trong nước; nợ công nào trực tiếp của Trung ương; nợ
công nào của địa phương; nợ công nào nhà nước bảo lãnh cho các tập đoàn
nhà nước… nếu mà cộng hết những cái đó lại thì không phải 50%-60% GDP
như công bố mà có nhiều chuyên gia nói là có thể hơn 100% GDP. Vấn đề ở
đây là nợ công và sự an toàn của nó là khả năng trả nợ. Phải có nền kinh
tế phát triển tốt thì lúc đó mới có tiền vào ngân sách để trả nợ. Trong
khi nền kinh tế Việt Nam ba bốn năm nay các doanh nghiệp chết hàng loạt
thì làm sao có khả năng mà trả nợ nổi.”
Báo chí Việt Nam trích lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi sử dụng
hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đó là tiền đề cho sự thúc
đẩy tăng trưởng, tạo nền tảng ổn định vĩ mô, tạo công ăn việc làm và đảm
bảo an sinh xã hội.
Chúng ta thấy tỷ lệ nợ công không rõ
ràng, có thể nói là nhà nước không thực sự công bố hết nợ công, phần nợ
công nào đi vay nước ngoài, nợ công nào đi vay trong nước.
-Bùi Kiến Thành
Tuy vậy trên các diễn đàn, chuyên gia ngoài chính phủ trong ngoài
nước nhiều lần kêu gọi Việt Nam cải cách thể chế, công khai minh bạch và
dân chủ trong kinh tế thì mới có thể phát triển kinh tế bền vững. Tham
nhũng đi đôi với lãng phí và đầu tư không hiệu quả. Chuyên gia Bùi Kiến
Thành nhận định: “Thanh tra kiểm tra không đủ cho nên bao nhiêu công trình bị rút
ruột. Tất cả các vấn đề nó phải giải quyết chứ không thể để nhà nước bỏ
ra 100 đồng mà vào trong công trình có 40-50 đồng còn lại thì bị ăn xén
ăn bớt hết, tạo ra những công trình không có chất lượng rồi phải đầu tư
thêm để sửa chữa những công trình ấy. Có những công trình không sửa chữa
được, một con đường đã hỏng rồi như Đại lộ Thăng Long đi lên Láng Hòa
Lạc làm chưa xong đã hỏng rồi, cái nền ở dưới nó hỏng thì phải đào hết
nó lên để làm lại hai ba lần. Ông Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư nói là chi
phí làm đường ở Việt Nam cao hơn bên Mỹ tới hai ba lần, như thế là làm
sao? Không phải chỉ nói nợ công đó là bao nhiêu mà nợ công đó làm gì có
ích lợi gì, tồn tại bao lâu. Cái nợ công đó tạo ra nợ công khác. Phải có
những biện pháp khống chế vấn đề tiêu xài của nhà nước như thế nào đừng
gây ra lãng phí.”
Không riêng nợ công và cách tính nợ công khác thường của Bộ Tài chính
Việt Nam cho ra một con số đẹp, cách tính GDP tổng sản phẩm quốc nội
của Việt Nam cũng gây cho giới chuyên môn một trận cười bất tận. Thời
báo kinh tế Việt Nam trích lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 7/8 tại
Hội nghị Đà Nẵng, xin trích nguyên văn: “Cách tính GDP của các tỉnh
thành hiện nay là không xác thực và so với quốc tế thì không giống ai.”
Thủ tướng yêu cầu các tỉnh thành từ nay phải tính toán xác thực không tô
hồng hay làm sai lệch vì trong những năm qua tỉnh thành nào cũng báo
cáo GDP tăng trưởng 10% tới 15% nhưng GDP cả nước chỉ tăng từ 5% đến 7%.
Theo các chuyên gia cách tính GDP không xác thực dẫn tới sai lầm dây
chuyền trong nền kinh tế, từ kế hoạch phát triển cho đến đầu tư sai lạc
và dàn trải kém hiệu quả. Lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhìn
nhận phương pháp tính GDP của Việt Nam không xác thực và phải mau chóng
cải cách. Các kế hoạch kinh tế của 63 tỉnh thành ở Việt Nam dựa trên
những con số tô hồng chuốt lục dẫn tới những sai lạc cho cả quốc gia.
Một đất nước với các chỉ số ảo về tăng trưởng GDP, nợ công không được
công bố một cách đầy đủ và minh bạch thì khó có thể đảm bảo không có
ngày vỡ nợ. Những khoản nợ công bị phung phí ngày hôm nay chính là gánh
nặng cho các thế hệ Việt Nam mai sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét