Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

Nghĩ về Công dân và Đảng nhân ngày Độc lập

Kính Hòa, phóng viên RFA

000_Hkg10092626.jpg
Tranh cổ động chào mừng ngày 2/9 tại Hà Nội, ảnh chụp hôm 28/8/2014. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam
Độc lập và công dân
Xin bắt đầu bài điểm blog của tuần lễ đầu tháng chín này bằng nhận xét của tác giả Bùi Minh Hào trong bài “Tản mạn về Tinh thần công dân trong xã hội dân chủ”:


“Trải qua hơn nửa thế kỷ, con người Công dân ở Việt Nam vẫn đang lửng lơ giữa một mức độ chưa đạt đến sự hoàn thiện. Điều này cũng thể hiện một chế độ dân chủ chưa được xây dựng đầy đủ ở Việt Nam”.
Nửa thế kỷ mà Bùi Minh Hào nói đến là khoảng thời gian tính từ lúc ông Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập cho Việt nam vào ngày 2/9/1945 tại Hà nội. Theo tác giả, thì xã hội Việt nam vốn là một xã hội thần dân trước khi bắt đầu có những ảnh hưởng từ phương Tây về một xã hội công dân. Trong xã hội thần dân đó người dân không có quyền mà chỉ thần phục. Cuộc giành chính quyền mùa thu năm 1945 ấy lẽ ra là đã tạo điều kiện để xã hội Việt nam phát triển thành một xã hội công dân, nơi người dân có quyền chứ không thần phục.
Đảng
Nhưng xã hội Việt nam vẫn chưa là xã hội công dân, vì quyền lực của người dân còn kém xa một quyền lực khác bao trùm lên đất nước hơn nửa thế kỷ qua, đó là quyền lực đảng.
Trong cái bóng của quyền lực đảng này, có một tội danh mà ai cũng phải sợ hãi, đó là tội danh chống đảng. Tác giả Hoàng Tuấn Công nhớ lại về những ngày này tròn 30 năm về trước, khi cha ông, một nhà thơ, bị đuổi việc về quê vì tội chống đảng, sau khi một bài thơ nói về việc chống tham nhũng ra đời. Cụ già “chống đảng” năm xưa ấy hãy còn sống và Hoàng Tuấn Công cho rằng:
“Tuy nhiên, những câu chuyện cũ như thế này người ta lại không được phép quên. Bởi đó là một phần của lịch sử và cũng là một trong những bài học quý giá của quá khứ.”
Điều trớ trêu là mấy mươi năm sau thời kỳ… “chống đảng,”  một hiện tượng trái ngược lại xảy ra, người ta không chống đảng nữa mà lại bỏ luôn đảng. Có những người tuyên bố từ bỏ đảng, và cũng có những người lẳng lặng không tham gia hoạt động của đảng nữa, tác giả Trần Kỳ Trung gọi đó là những người …thoái đảng!
Blogger Giang nam Lãng tử từ miền Tây sông Hậu nói rõ lý do bỏ đảng của mình:
“Tất cả những lý do đó có thể nói là từ đường lối sai lầm cho đến đạo đức tồi. Không có lý gì mình đứng dưới ngọn cờ đó được, mình không thể cho họ mượn tên mình để họ hoạt động không đúng với tôn chỉ, mục đích của họ nữa. Nói cách khác, họ đã từ bỏ đảng, từ bỏ mục tiêu, lý tưởng của đảng, thì không có lý do gì mà mình đi theo họ nữa”.
Trong làn sóng bỏ đảng ấy có một lý do từ bên ngoài, đó là sức nặng quá lớn của đảng cộng sản Trung quốc lên đảng cộng sản Việt nam. Mà Trung quốc thì lại đang lấn lướt nước Việt nam trên nhiều mặt, đe dọa lên cả nền độc lập của dân tộc Việt nam. Vì thế nhiều người không thể chịu được cái cách mà đảng cộng sản Việt nam cứ một mực giữ tình đồng chí anh em với những người cộng sản phương bắc.
Blogger Vương Trí Dũng viết trong bài Vứt đi đảng anh em, hãy nghĩ về dân tộc':
“Thật ra họ đã nhầm. Mất sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là do nhân dân Việt Nam quyết định chứ không phải từ lãnh đạo Trung Quốc. Có chăng trong thời điểm hiện nay, với chính sách lãnh đạo hiện hành, giới cầm quyền Trung Quốc có thể tham gia làm vững chắc ghế cho một ai đó.
Hàng chục vạn đảng viên và hàng triệu người Việt Nam đã hy sinh, không ngờ rằng lý tưởng mà họ lựa chọn đã bị phản bội. Họ dấn thân vì sự nghiệp giải phóng đất nước khỏi ách thống trị thực dân phong kiến, họ hy sinh vì Độc lập Tự do của Dân tộc, chứ nhất định không phải vì sự cầm quyền của Đảng Cộng sản, cũng như không mảy may vì đảng cầm quyền“.
Và cũng chính vì lý do dân tộc này mà vào đúng dịp kỷ niệm mùng 2/9 năm nay, một số sĩ quan quân đội Việt nam gửi kiến nghị cho đảng cộng sản và nhà nước Việt nam yêu cầu quân đội chỉ được dùng để phục vụ nhân dân mà thôi, và phải công bố những chuyện có liên quan đến Trung quốc.  Đại tá Phạm Quế Dương một trong những người đặt bút ký kiến nghị nói rằng trên thế giới hiện nay chỉ còn có vài nước cộng sản mà thôi và Việt nam phải bước theo con đường dân chủ nhân quyền mà thôi.
Nhưng cũng trong những ngày đầu tháng chín này, sức khỏe của một vị đảng viên cao cấp là ông Nguyễn Bá Thanh lại được nhiều người quan tâm. Ông Thanh bị dư luận nghi là thân Trung quốc, nhưng hiện nay ông lại đang chữa bệnh ở Hoa Kỳ. Ông được đưa ra Hà nội từ thành phố Đà Nẵng quê hương ông để giữ chức vụ Trưởng ban Nội chính trung ương, một chức vụ quan trọng cho việc chống tham nhũng mà đảng cộng sản đang phát động. Cũng có người như nhà báo Trương Duy Nhất, trước đây từng nói ông Thanh là một gương mặt khá đặc biệt của sân khấu chính trị Việt nam.
Blogger Viết từ Sài gòn viết rằng:
“Sự quan tâm này không phải là quan tâm của người dân đối với một lãnh đạo Cộng sản mà là sự quan tâm của nhân dân đối với hiện tình đất nước, nó hàm chứa sự mong mỏi thay đổi bằng mọi giá, trong đó, Nguyễn Bá Thanh đóng vai trò đại diện thay đổi của đảng Cộng sản”.
Trong sự mong mỏi thay đổi đó, trong những ngày này, nhiều người bàn đến lời nhận xét của một quan chức cao cấp là ông Vũ Ngọc Hoàng về tình trạng tụt hậu quá xa của Việt nam. Ông Alan Phan, một nhà kinh tế, đồng thời cũng là một blogger quan tâm nhiều đến xã hội chính trị Việt nam, viết rằng ông cũng đã rơi lệ theo ông Vũ Ngọc Hoàng khi nhìn tình cảnh những người Việt đi làm thuê trên khắp thế giới, kể cả ở những quốc gia được xếp loại là nghèo khổ. Ông Alan viết bài ‘Rơi lệ ngày quốc khánh':
“Theo Mác Lê, chúng ta có thể biện bạch là mục đích sau cùng của những công nhân này là “tìm đường cứu nước” hay “xuất khẩu cách mạng” như chiến lược do Đệ Tam Quốc Tế đề xuất từ thời 1940’s. Nhưng liệu các đồng chí của chúng ta ở những quốc gia này có tin hay họ chỉ cười rũ rượi?
Một nguyên lý ở Việt Nam: ở đây, thất vọng nhiều gấp triệu lần hy vọng.”
Câu sau của ông Alan, trớ trêu thay làm nhớ lại câu nói cách đây mấy năm của Bà Nguyễn Thị Doan, Phó chủ tịch nước Việt nam, rằng ở Việt nam có dân chủ triệu lần hơn các quốc gia tư bản.
Làm gì cho hiện tại và tương lai?
Làm gì trong tình cảnh “thất vọng nhiều gấp triệu lần hy vọng đó?”
Tác giả Nguyễn Văn Thương viết trong ‘Một góc khuyết trong lịch sử Việt nam':
“Chúng ta cần hiểu rằng, thay đổi đến từ chính bản thân chúng ta. Ta là người nắm giữ vận mệnh cuộc đời ta, vận mệnh của đất nước. Khi xã hội đã như vậy, nhà nước đã như vậy thì trách nhiệm của ta càng khó khăn hơn, càng nặng nề hơn gấp bội. Nhưng ta không được nhụt chí mà lùi bước vì khi xã hội càng tệ hại thì ta lại càng phải dấn thân.”
Tiến sĩ Tô Văn Trường thì nhấn mạnh đến khía cạnh con người mà những người lãnh đạo Việt nam cần phải chú tâm vào:
“Nhân hòa ở nước Việt thời nay còn là cái phải nỗ lực, và giải quyết tốt các mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình vận động và phát triển mới hy vọng nội lực nước Việt mạnh lên. Mâu thuẫn giữa lợi ích nhóm và lợi ích của đa số nhân dân. Mâu thuẫn giữa những người muốn cách tân đất nước và những người thủ cựu, gắn với lợi ích nhóm. Lợi ích nhóm là một trong những “vật cản” mà nước Việt phải chiến đấu lâu dài và chế ngự“.
Một điều lý thú là trong số những blogger suy nghĩ về tương lai Việt nam trong những ngày tháng chín này lại là một người nước ngoài. Đó là Giáo sư người Mỹ Jonathon London. Trên trang blog bằng tiếng Việt của mình, ông trích lại bản Yêu sách của nhân dân An Nam cách đây hơn 100 năm. Vào năm 1919 hai ông Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường đã gửi bản yêu sách này đến đế quốc Pháp cai trị Việt nam lúc ấy. Nội dung bao gồm các khoản sau đây:
1.Tổng ân xá cho những người bản xứ bị án tù chính trị;
2. Cải cách nền pháp lý;
3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;
4. Tự do lập hội và hội họp;
5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;
6. Tự do học tập;
7. Thay thế chế độ ra sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;
8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu …

Nay dù là đế quốc Pháp không còn cai trị Việt nam nữa, nhưng Ông London viết tiếp:
“Vào một giải đoạn lịch sử như hiện nay, tôi thấy vấn để chủ yếu của Việt Nam không phải là chống lại những người đang đấu tranh vì những nguyên tắc trên. Thay vì chống lại những cơ hội lịch sử hãy tìm cách nắm bắt được những cơ hội mà có. Hãy đẩy mạnh đường lối của 1919″.
Những điều ông London nói vẫn còn nguyên giá trị nhưng điều đáng tiếc là trong những ngày kỷ niệm quốc khánh của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam năm nay không có tù nhân chính trị nào được ân xá.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét