Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

Sài Gòn, còn hay mất?

Huy Phương – Nguoiviet

Mấy tuần này, hải ngoại xôn xao vì chuyện Sài Gòn sắp xóa Thương Tá Tax (hay Charner) trên đại lộ Lê Lợi, để xây một cao ốc 40 tầng với số tiền lên đến hàng trăm triệu đô la.
Chúng ta đã được xem nhiều bài báo và hình ảnh trong nước hàm ý tiếc nuối một cơ sở mang nhiều kỷ niệm của những người Sài Gòn thuở trước, nay sẽ không còn nữa. Một vị nữ độc giả gửi thư cho tôi yêu cầu tôi viết một bài và vận động làm sao để giữ lại được Thương Tá Tax, không bị phá bỏ. Quả là một yêu cầu quá đáng với thời thế và sức con người cũng như chúng ta nên xét lại sự suy nghĩ về chuyện mất, còn trong thế gian này. Ngay ở Sài Gòn, một số cư dân thành phố làm kiến nghị yêu cầu chính quyền ngưng ngay việc này, nhưng chắn chắn đây là những “lời nói gió bay.”


Những chiếc Vespa của Sài Gòn xưa nay được tân trang lại. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Ngày 30 Tháng Tư, 1975, cả miền Nam sụp đổ, mất trắng vào tay Cộng Sản cũng không ai làm được gì để cứu vãn tình hình, bây giờ mất thêm một chuyện nhỏ trong câu chuyện lớn, là lẽ thường tình. Có người đã nói “mất nước là mất tất cả!” Chúng ta thường nghĩ rằng chúng ta đã mất Sài Gòn, mất tên, mất cả nhân dáng hình hài.
Chúng ta thật sự đã mất rất nhiều, không phải những chuyện nhỏ của Sài Gòn như chiếc Taxi Renault 4 CV sơn hai màu xanh trắng, chiếc xích lô máy nổ giòn giã, khói mù mịt trong đêm Sài Gon hay chiếc Velo Solex màu đen lượn lờ trên đường Nguyễn Huệ ngày cũ. Có người nhớ quán La Pagode, nhưng cũng có người nhớ đến một quán cóc cà phê nào đó, nhóm bếp lửa bập bùng vào lúc Sài Gòn chưa tỉnh ngủ. Có người nhớ đến tiếng lóc cóc của chiếc xe thổ mộ mang hoa và rau cải vào thành phố lúc hừng sáng, nhưng cũng có người nhớ mãi tiếng rao quà ngọt ngào của Sài Gòn ngày trước. Có người ra đi nhớ mãi những âm thanh của Sài Gòn ngày cũ nhưng cũng có người mang theo bao nhiêu hình ảnh của những góc phố, con đường, con kinh, bờ rạch. Chắc cũng có người nhớ đến mùi vị của Sài Gòn, ly nước mía Viễn Ðông ngọt ngào, miếng bò bía chấm tương đen, hay miếng mực khô đẫm chút tương đỏ cay đầu lưỡi.
Sài Gòn những ngày chiến tranh với những đêm thấy hỏa châu soi sáng một vùng nào đó ở ngoại ô, nghe ì ầm tiếng của đạn pháo vọng về, hay nghe tiếng xe cứu thương hụ còi tất tả trong đêm vắng. Rồi Sài Gòn với những ngày câm nín, tàn phai, chia lìa vội vã. Con mắt đèn xanh đỏ nhấp nháy thâu đêm, lo lắng, sầu muộn. Những điều này quả là quá đơn sơ, nhỏ nhoi trong cuộc sống như dòng sông mải miết chảy, không bao giờ dừng lại.
Phải chăng những cái gì mất đi chúng ta mới thấy tiếc nuối. Có người bỏ Sài Gòn ra đi vội vã, đẫm những dòng nước mắt, trên không phận hay trong dòng sông giữa hai bờ dừa nước. Cũng có người trở lại Sài Gòn lần đầu, con mắt đỏ hoe.
Nhưng có phải chăng bây giờ tất cả đã xóa mờ như vết thương đã thành sẹo, cát bụi đã chôn vùi, xóa hết vết tích của Sài Gòn ngày cũ.
Không! Sài Gòn hôm nay đã đổi tên, cái tên này, hiện diện trên những văn bản của chính quyền, nó sẽ chẳng bao giờ có chỗ đứng trong lòng người. Cái tên dài dòng này đã đảo lộn cách nói thông thường của người dân, ở Rạch Giá, Cần Thơ, người ta nói “lên thành phố,” trong khi nơi họ sống đã là “thành phố” rồi! Những công ty thương mãi, những dịch vụ, nhà hàng, không ai muốn phiền phức, ngớ ngẩn đến nỗi phải mang cái tên “bác” trên bảng hiệu.
Tôi thường gửi tiền về giúp bà con ở Sài Gòn nhưng tuyệt đối khi viết địa chỉ không dùng tên hiện nay, nếu ai có chê tên Sài Gòn xin trả lại tiền cho tôi. Nếu ba triệu người Việt ở hải ngoại khi viết thư, gửi tiền, điện thoại về nhà mà không dùng tên hiện nay thì Sài Gòn vẫn còn đó. Nếu cả nước vẫn gọi thủ đô của VNCH bằng cái tên ngày cũ thì đừng lo Sài Gòn mất.
Không phải như những đất nước khác, cả miền Nam yêu mến Sài Gòn, đó là cửa ngõ của những ngày ra đi và sẽ là nơi trở về. Chúng ta đã mang theo Sài Gòn trong cuộc hành trình bỏ nước ra đi, và ở mỗi nơi dừng chân mà chúng ta nhận là quê hương thứ hai, có những “Sài Gòn Nhỏ” được thành hình.
Cái tên mới kẻ trên những bích chương hay bảng hiệu màu đỏ máu sẽ còn tồn tại bao lâu nữa?
Thời sùng bái nhân vật Joseph Stalin, lãnh đạo của Liên Bang Xô Viết, từ năm 1925, thành phố Volgograd được đặt tên là Stalingrad. Khi chế độ Cộng Sản sụp đổ, thần tượng tiêu ma, thành phố Volgograd trở lại mang tên cũ từ năm 1956. Ðài VOA loan tin, ngày 10 Tháng Chín năm nay, Hội Ðồng Thành Phố Volgograd thông báo chấp nhận cho tên Stalingrad (chỉ) được dùng lại cho sáu ngày một năm vào các dịp kỷ niệm kết thúc Thế Chiến 2, nhưng cũng trong ngày này, tất cả báo Sài Gòn (Công An, Thanh Niên, Báo Mới…) lập lờ chạy tin Volgograd sẽ được phục hồi lại tên Stalingrad, để lừa dân Việt Nam, làm như hồn ma Cộng Sản ở các nước Ðông Âu đang bắt đầu đội mồ sống dậy!
Năm 1924, sau khi Lenin qua đời, Saint Petersburg được đổi tên thành Leningrad. Cùng với số phận Stalin, theo chế độ Cộng Sản, tượng Lenin cũng đã bị giật sập đổ nhào, và năm 1991, tên Lenin cũng đã được xóa bỏ để Saint Petersburg vẫn là Saint Petersburg ngày cũ.
Bốn mươi năm chưa phải là một thời gian dài, những thần tượng Karl Marx, Stalin, Lenin đã lần lượt bị sụp đổ chôn vùi ở các nước Cộng Sản đã tan rã, liệu những nhân vật Hồ Chí Minh, Mao Trạch Ðông, và chế độ Cộng Sản ở đây còn tồn tại được bao ngày?
Vài năm về trước, Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ, một nhà hoạt động chính trị ở New Zealand, đã phát động phong trào “đòi lại tên Sài Gòn,” mà tôi cho là không cần thiết, vì khi chế độ Cộng Sản Việt Nam sụp đổ, không những cái tên Hồ Chí Minh đã bị xóa mà cái lăng ở Ba Ðình cũng bị san bằng.
Tuy hiện nay, một số người còn bám víu lấy cái hình tượng Hồ chí Minh “vĩ đại,” “ đạo đức,” để “học tập,” “noi gương,” nhưng qua thời gian, tượng đất đã tróc lột hết lớp sơn phết, đổ nát thành một đống bùn nham nhở, để cho dân tộc thấy rõ con người vô đạo, bất lương, khát máu đã đẩy dân tộc Việt Nam tới chỗ chết chóc, khốn cùng.
“Vĩ đại” vì sự thần hóa qua kinh nhật tụng Ðảng Cộng Sản, kiên cố trên hình thể “xi măng-cốt sắt,” Stalin, Lenin cuối cùng cũng đã bị lịch sử lật nhào úp mặt xuống bùn, thứ “xi măng-cốt tre” của những thần tượng Việt Nam thì đi đến đâu!
Trong tâm trạng thương nhớ Sài Gòn, trân trọng gọi Sài Gòn bằng “Người,” ông Nguyễn Ðình Toàn đã viết, “Ta mất Người như Người đã mất tên!” Ông tin tôi đi. Tên Sài Gòn vẫn còn, và Sài Gòn sẽ mãi mãi của chúng ta, không mất đâu!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét