Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

Ý đồ sâu xa của TQ sau 25 năm chiếm Gạc Ma


Thái Anh (Học viện Ngoại giao)

-Các bước đi của TQ, từ Hải Nam, tới Hoàng Sa và Trường Sa, từ phối hợp quân sự và dân sự đều cho thấy Trung Quốc đang tìm mọi cách thực hiện tham vọng độc chiếm biển Đông.25 năm sau khi sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép Gạc Ma và 6 bãi đá trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc lại một lần nữa bất chấp luật pháp và sự phản đối của dư luận quốc tế, đang tìm cách cải tạo, mở rộng lấn chiếm quy mô lớn, biến rạn san hô ngầm này trở thành đảo nhân tạo với ý đồ từng bước thâu tóm và độc chiếm biển Đông.

Biến đá ngầm thành đảo nhân tạo…


Đá Gạc Ma là rạn san hô nằm ở đầu phía Tây Nam của cụm Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa, thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Nằm cách rạn gần nhất là đá Cô Lin hơn 3km về phía Đông Nam và được bao quanh bởi vành đai san hô trắng, phần lớn bãi đá này chìm dưới mặt nước.
Sau khi sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép bãi đá từ năm 1988, Trung Quốc đã từng bước cải tạo, xây dựng trên bãi đá này những cấu trúc vững chắc và biến nơi này thành một trong những tiền đồn quân sự phi pháp của họ trên biển Đông.
Mọi thứ lại một lần nữa thay đổi nhanh chóng kể từ cuối tháng 02/2014, khi quân đội Trung Quốc tiến hành các hoạt động cải tạo, mở rộng và lấn chiếm với quy mô lớn chưa từng có. Hàng chục máy xúc, máy ủi, cần cẩu với cả tá tàu bè lớn nhỏ ngày đêm bơm hút một lượng cát khổng lồ lên Gạc Ma.
Chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm, từ một bãi đá ngầm nửa nổi nửa chìm, Gạc Ma hiện nay đã trở thành một hòn đảo nhân tạo với những kết cấu rất rõ ràng của một cảng nước sâu, một cầu tàu quy mô lớn, một sân đỗ rộng với đường băng khá dài… Theo như bản quy hoạch do báo chí Trung Quốc tiết lộ, quân đội Trung Quốc đang có ý định biến Gạc Ma trở thành một căn cứ quân sự hỗn hợp không thể chìm với đầy đủ cơ sở vật chất, hậu cần, kỹ thuật, thông tin…
Đáng lo ngại hơn, những gì đang diễn ra ở Gạc Ma chỉ là một phần điển hình trong kế hoạch rộng lớn, tham vọng và phi pháp của Trung Quốc đối với biển Đông. Trung Quốc cũng đang tiến hành cải tạo, lấn chiếm quy mô lớn ở các đá Châu Viên, Huy Gơ, Gia Ven và Xu Bi… Đây thực sự là những nguy cơ đe dọa đối với hòa bình, ổn định của cả khu vực Đông Nam Á và Đông Á.
Gạc Ma, Trường Sa, Hoàng Sa, Trung Quốc, biển Đông, giàn khoan, DOC, COC, UNCLOS, ASEAN
Trung Quốc không ngừng đe dọa các bãi đá của Trường Sa, từ bãi đá Cô Lin đến Gạc Ma và nay là bãi Chữ Thập. Nguồn: SCMP
Biến biển Đông thành ao nhà…
Những hoạt động ngang ngược trên của Trung Quốc không chỉ vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), mà còn tạo ra một thực trạng mới hết sức nguy hiểm ở Trường Sa và biển Đông. Một khi Trung Quốc hoàn thành việc mở rộng lấn chiếm và bố trí lại lực lượng của họ ở khu vực, sẽ tạo ra một tương quan lực lượng mới rất nguy hiểm với ưu thế vượt trội về mọi mặt thuộc về Trung Quốc.
Về địa chiến lược, Trường Sa nói chung và Gạc Ma nói riêng có vị trí hết sức đắc địa. Gạc Ma là nút thắt của cả cụm đảo Sinh Tồn và cụm đảo phía Bắc (Song Tử); nằm án ngữ trên các tuyến hải trình ra Trường Sa, và đi qua khu vực biển Đông, rất gần với bờ biển Việt Nam (chỉ khoảng 250 km về phía Đông), nơi chúng ta đang có rất nhiều cơ sở quan trọng về kinh tế, xã hội, và an ninh – quốc phòng. Gạc Ma và nhất là đá Châu Viên, rất gần với khu vực bãi Tư Chính – Vũng Mây và khu vực các nhà giàn DK 1 của Việt Nam – nơi có những tiềm năng to lớn về dầu khí và tài nguyên khoáng sản.
Về bố trí lực lượng, hiện nay các bên liên quan như Việt Nam, Malaysia, Philippines hay Đài Loan chỉ bố trí ở khu vực này một số lực lượng đồn trú quy mô nhỏ và các cấu trúc hiện tại chủ yếu để phòng thủ, bảo vệ là chính. Còn với những gì mà Trung Quốc đang làm, họ sẽ xác lập các căn cứ không quân, hải quân, thông tin, hậu cần… hỗn hợp ở Gạc Ma và các điểm đảo khác.
Trung Quốc sẽ chiếm thế áp đảo hoàn toàn bởi rõ ràng Trung Quốc đang áp dụng tư duy tấn công trong việc xây dựng, lấn chiếm. Một khi hoàn thành, những căn cứ này đủ lớn để bố trí các lực lượng tấn công mạnh. Điều này cũng sẽ giúp Trung Quốc khắc phục được những điểm yếu trước đây như tham vọng lớn nhưng bố trí lực lượng không phù hợp, cải thiện về căn bản khâu tiếp liệu, vận tải, phối hợp tác chiến không biển… Trung Quốc sẽ nâng cao đáng kể khả năng kiểm soát cả trên không, trên biển và dưới mặt nước.
Về luật pháp quốc tế, gần đây, khi bị chất vấn về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã trả lời “việc cải tạo bãi đá ngầm để phục vụ đời sống nhân dân trên đảo.” Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ ngụy biện cho rằng “đảo Gạc Ma” là nơi có đủ khả năng duy trì sự sống, có quy chế như những đảo tự nhiên khác và họ sẽ căn cứ vào đó để vẽ đường cơ sở, tuyên bố lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế theo như quy định tại UNCLOS 1982. Nếu điều đó xảy ra, họ sẽ dần tạo lập một cơ sở pháp lý mới cho cái gọi là đường lưỡi bò phi lý hiện nay của họ, ôm trọn toàn bộ biển Đông.
Về phối hợp quân sự – dân sự, khi hoàn thành, Trung Quốc hoàn toàn có thể thiết lập một khu vực nhận dạng phòng không mới trên vùng biển phía Nam của biển Đông – điều mà hiện nay họ chưa làm được, đưa tàu bè dân sự, ngư dân, thậm chí là giàn khoan và các phương tiên khác vào sâu trong vùng biển, thềm lục địa phía Nam của Việt Nam… Tình hình khi đó sẽ trở nên cực kỳ phức tạp.
Về ngoại giao, tương quan lực lượng mới sẽ giúp Trung Quốc có được những lợi thế lớn trên bàn đàm phán với các nước ASEAN. Việc Trung Quốc vừa qua nhận lời “tham vấn” với các nước ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC), nhưng cố tình trì hoãn, dây dưa kéo dài là muốn chờ đợi sau khi hoàn thành các cơ sở này, họ sẽ có thế lực mới để “nói chuyện” với ASEAN.
Với những ưu thế như vậy, nên Trung Quốc không thể dễ dàng từ bỏ tham vọng ở biển Đông. Nhìn lại những hành động của Trung Quốc trong những năm qua, có thể thấy ngay từ rất sớm, Trung Quốc đã có những kế hoạch sâu xa và tính toán rất kỹ nhằm từng bước thôn tính biển Đông.
Những năm 1980 của thế kỷ trước, lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã quyết định tách Hải Nam ra khỏi tỉnh Quảng Đông và biến hòn đảo này thành một tiền đồn trên biển. Đây là một quyết định chiến lược bởi họ đã có những tính toán lâu dài đối với biển Đông. Vào những năm 1990, sau khi hoàn thành thế bố trí lực lượng  trên đảo Hải Nam, họ đã hai lần đưa giàn khoan Kantan-3 vào vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.
Sau khi hoàn thành việc bố trí các căn cứ quân sự trên quần đảo Hoàng Sa mà họ đang chiếm đóng trái phép, Trung Quốc lại kéo giàn khoan 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (5/2014). Sau này, khi việc mở rộng lấn chiếm ở Trường Sa hoàn thành, không sớm thì muộn, họ cũng sẽ làm tương tự. Các bước đi của Trung Quốc, từ Hải Nam, tới Hoàng Sa và Trường Sa, từ phối hợp quân sự và dân sự đều cho thấy Trung Quốc đang tìm mọi cách thực hiện tham vọng độc chiếm biển Đông.
Cần có hành động sớm và kiên quyết
Trước tình hình trên, chúng ta cần phải có hành động sớm và kiên quyết phản đối những việc làm sai trái, đơn phương và có tính khiêu khích của Trung Quốc.
Về pháp lý, bên cạnh việc tiếp tục đưa ra các bằng chứng pháp lý thuyết phục, chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cần làm sáng tỏ việc Trung Quốc đổi trắng thay đen, biến đá thành đảo. Điều này sẽ không có giá trị và không thể áp dụng UNCLOS 1982 cho các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang tìm cách xây dựng. Cần sớm giao thiệp với Liên Hiệp Quốc và các tòa án quốc tế liên quan về việc này.
Trên mặt trận truyền thông, cần lên tiếng càng sớm, càng mạnh mẽ càng tốt, cần vận động các nước trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là ASEAN cùng nhau lên tiếng phản đối.  Không thể để Trung Quốc tạo sự đã rồi để đe dọa an ninh của cả khu vực.
Về ngoại giao, cần phối hợp tốt với các nước ASEAN để đẩy nhanh việc đàm phán về COC; tiếp tục giương cao ngọn cờ pháp lý và chính nghĩa, kêu gọi các bên, đặc biệt là Trung Quốc, triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC, đặc biệt là điều 5 của DOC – một văn kiện mà Trung Quốc đã chính thức cam kết.
  • Thái Anh (Học viện Ngoại giao)
***********************************************
Tin liên quan về tình hình Biển Đông do Ba Sàm tổng hợp:
- Hoàng Sa du ký 1954 – Kỳ 2: Đây, Hoàng Sa, Vương quốc An Nam… (TT). Bia khẳng định chủ quyền Việt Nam do một đơn vị lính bảo an người Việt dựng trên đảo Hoàng Sa vào tháng 6-1938. Trên bia có khắc những dòng chữ bằng tiếng Pháp: Cộng hòa Pháp – Vương quốc An Nam – Quần đảo Hoàng Sa 1816 – Đảo Hoàng Sa 1938 – Ảnh tư liệu của UBND huyện Hoàng Sa.
- Ý đồ sâu xa của TQ sau 25 năm chiếm Gạc Ma (TVN). – Hà Tường Cát – Trung Quốc từng bước thôn tính Biển Đông (DĐTK).  – Phỏng vấn PGS. TS Nguyễn Bá Diến, GĐ Trung tâm Luật Biển và Hàng hải quốc tế: TQ xây đảo Gạc Ma: Việt Nam phải hành động cụ thể (ĐV).
- Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ: Do thám Biển Đông do TQ thiếu minh bạch (GDVN). “Theo bài báo, ông Daniel Russel bảo vệ cho hoạt động bay do thám ở Biển Đông của Mỹ, cho rằng: ‘Nói một cách thẳng thắn, hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc thiếu minh mạch, gây lo ngại cho một số nước láng giềng’.”
- Philippines và EU thống nhất lập trường về Biển Đông (VOA).  – Tranh chấp Biển Đông trắc nghiệm quan hệ Philippines-TQ (VOA). Quan hệ Phi – Trung chẳng có gì phải trắc nghiệm, vì nếu không có chuyện tranh chấp ở Biển Đông mối quan hệ giữa 2 nước cũng chẳng nồng ấm hơn, bởi Phi – Trung không phải là “đồng chí, anh em”, cũng chẳng phải là “bạn vàng, bạn tốt”, để chuyện tranh chấp có thể giúp trắc nghiệm mối quan hệ của họ.
- Quốc hội cần ra nghị quyết về chủ quyền biển đảo của Việt Nam (VOA). “… thực tế cũng đã cho thấy phương cách ngoại giao theo kiều cầu hòa, năn nỉ, nhượng bộ với kẻ xâm lăng cũng chỉ được kẻ xâm lăng thương tình tạm ngưng chứ vẫn không từ bỏ ý đồ xâm lăng biển đảo của Việt Nam. Trung Quốc vẫn âm thầm chuẩn bị cho những bước xâm lăng mới khi có điều kiện và thời cơ thuận lợi“.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét