Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

Dân chủ có giúp tăng trưởng kinh tế?


Biến động hay ổn định chính trị sẽ giúp Việt Nam phát triển?
Đó là một ngày hè giữa tháng Năm, khi những con phố ở Hà Nội bị làm cho rung chuyển bởi hàng nghìn bước chân xuống đường tham gia vào một trong những cuộc biểu tình chống Trung Quốc quy mô lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây.


Cuộc tuần hành, theo giới quan sát là có sự ‘bật đèn xanh’ từ chính quyền, được truyền thông trong nước miêu tả là thể hiện ‘tinh thần đoàn kết dân tộc’ trước điều mà Hà Nội gọi là âm mưu thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông của Bắc Kinh qua việc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển tranh chấp.
Tuy nhiên, điều đã không được ống kính truyền thông nhà nước đả động đến, đó là sự phân hoá sâu sắc xảy ra giữa dòng người ấy.
Các thanh niên trong đoàn biểu tình ‘quốc doanh’, mặc áo cờ đỏ sao vàng và đeo băng đỏ trên cổ tay, đã xô xát với đoàn biểu tình của các nhóm xã hội dân sự và yêu cầu nhóm này vứt bỏ những khẩu hiệu cổ súy cho dân chủ và kêu gọi trả tự do cho các nhà hoạt động chống Trung Quốc đang bị cầm tù.
Cuộc đối đầu hôm ấy, tuy nhỏ, nhưng có lẽ sẽ còn đại diện cho sự xung đột về tư tưởng tại Việt Nam trong nhiều năm tới:
Phe ủng hộ cho dân chủ, với số lượng đang gia tăng đáng kể trong những năm gần đây nhờ sự phát triển của Internet và mạng xã hội, tin rằng việc ‘thoát Trung’ chỉ có thể bắt đầu với một Việt Nam phồn thịnh, và sự phồn thịnh ấy chỉ có thể đạt được thông qua tiến trình dân chủ hoá.
Phe cổ suý độc đảng lâu nay vẫn bị cho là sản phẩm của nền giáo dục nặng tính chất tuyên truyền, nhưng đây là một nhận định thiếu chính xác và có lẽ là hơi cực đoan.
Trên thực tế, không ít người trong giới trí thức được đào tạo tại nước ngoài vẫn tin rằng, Việt Nam chỉ có thể phát triển dựa trên nền tảng của sự ổn định về chính trị, và sự ổn định đó sẽ bị phá vỡ nếu tiến trình dân chủ hoá được thực hiện quá sớm.
Trước sự trỗi dậy của Trung Quốc trong hai thập niên qua và hậu quả thảm khốc của Mùa xuân Ả Rập, có lẽ hơn bao giờ hết, những hoài nghi về tác động của tiến trình dân chủ hoá đối với những quốc gia nghèo đang ngày càng lan rộng.
Vậy, đâu là cách nhìn khách quan và thực tế về tác động của dân chủ đối với nền kinh tế?

Biểu đồ dân chủ tại Bắc Hàn giai đoạn từ 1948 – 2013

Biểu đồ dân chủ Nam Hàn giai đoạn từ 1948-2013

Chuyện trứng và vịt

Nhà bình luận Thomas L Friedman, trong một bài xã luận trên báo New York Times hồi năm 2009, nhận định: “Một chế độ độc tài đảng trị rõ ràng là có nhiều khiếm khuyết. Tuy nhiên khi được điều hành bởi những lãnh đạo sáng suốt, giống như Trung Quốc ngày nay, nó cũng có thể có những điểm ưu việt.”
“Đảng cầm quyền khi đó có thể áp đặt những chính sách vô cùng quan trọng để đưa xã hội tiến vào thế kỷ 21 mà không vấp phải những chướng ngại về chính trị.”
Một nghiên cứu của kinh tế gia Robert J. Barro tại đại học Harvard hồi năm 1996 đối với 100 quốc gia trong giai đoạn 1960 – 1990 thậm chí còn chỉ ra rằng tiến trình dân chủ hoá chỉ có tác động tích cực đối với tăng trưởng kinh tế ở những quốc gia nơi mặt bằng tự do chính trị rất thấp, nhưng lại có tác động tiêu cực đối với những nước có tự do chính trị từ mức trung bình trở lên.
Tại Việt Nam, không ít ý kiến đã lấy sự trỗi dậy của Hàn Quốc để làm một ví dụ điển hình cho tính ưu việt của dân chủ và những tác động của nó đối với nền kinh tế.
Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Hàn Quốc là điển hình cho thấy sự thành công của một chính thể độc tài biết tôn trọng tự do kinh tế và quyền sở hữu tài sản.
Từ khi chiến tranh liên Triều chấm dứt cho đến năm 1980, cả hai miền Triều Tiên đều bị cai trị dưới chế độ độc tài.
Chỉ số biểu thị độ hạn chế về quyền hành của lãnh đạo (‘constraint on excutive’) của thước đo Polity IV trong thời kỳ từ 1950-1980 tại Bắc Hàn là 1.71/7 điểm và Nam Hàn 2.16/7 điểm.
Tuy nhiên, chính quyền độc tài Nam Hàn đã chọn theo con đường tư bản và tôn trọng quyền sở hữu tài sản, trong khi chính quyền độc tài ở Bắc Hàn chọn đường lối xã hội chủ nghĩa.
Sự khác biệt đó đã giúp đẩy thu nhập bình quân trên đầu người của Nam Hàn lên $1589 trong năm 1980, trong khi Bắc Hàn chỉ đạt $768 trong cùng thời kỳ.
Câu chuyện của hai miền Triều Tiên, theo nghiên cứu của Seymour Martin Lipset, một học giả chính trị xã hội người Mỹ, là minh chứng cho thấy chỉ vì dân chủ có mối tương quan nhất định đối với tăng trưởng kinh tế và nguồn vốn con người, không có nghĩa nó là tác nhân dẫn đến tăng trưởng kinh tế mà là ngược lại: Chính sự phát triển về kinh tế đã giúp Hàn Quốc đạt được những tiến bộ về thể chế.


Nền kinh tế của Việt Nam Cộng hòa không phát huy được các chính sách tiến bộ do bị chiến tranh tàn phá
Nền kinh tế Việt Nam Cộng hoà dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm đã đi trước Hàn Quốc gần 10 năm khi áp dụng chính sách tập trung vào công nghiệp nặng để thay thế công nghiệp nhẹ và đẩy mạnh xuất khẩu, trong khi Bắc Việt, giống như Bắc Hàn, lại theo đuổi con đường xã hội chủ nghĩa.
Tỷ lệ % đóng góp cho GDP giữa công nghiệp và nông nghiệp của miền nam Việt Nam trong thời kỳ này cũng bắt đầu có những biểu hiện của một nền kinh tế hiện đại, với tăng trưởng GDP trong năm 1959 lên đến hơn 19%.
Trước 1975, miền nam Việt Nam đã sản xuất ra xe hơi và tự đào tạo ra những nhân tài đẳng cấp quốc tế. Trong khi đó, Việt Nam dưới con đường xã hội chủ nghĩa ngày nay, với hàng triệu giáo sư, tiến sỹ, vẫn phải đi nhập ốc vít và có mức độ sáng tạo được đánh giá thua cả Campuchia.
Tuy nhiên, những chính sách tiến bộ khi ấy của miền Nam, không phải là nhờ thành quả của một nền dân chủ, mà là sự lựa chọn sáng suốt của một nhà độc tài.

Tác động dài hạn

Một chính thể độc tài kèm theo nhiều sự bất cập. Tuy nhiên những bất cập nào trong số này ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng?
Có một điều rõ ràng rằng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thường xuyên rất bất ổn ở quốc gia bị cai trị bởi những chính quyền độc tài. Cuộc Đại Nhảy Vọt của Mao ở Trung Quốc hay nền kinh tế Việt Nam sau năm 1975 là một ví dụ điển hình.
Một nghiên cứu hồi năm 2007 của Benjamin Jones và Benjamin Olken chỉ ra rằng sự lãnh đạo sáng suốt của một số cá thể chỉ thực sự quan trọng đối với các nhà nước độc tài.
Theo hai tác giả này, tại những xã hội có thể chế phát triển và nền dân chủ lâu đời, chất lượng lãnh đạo lại không có nhiều tác động đối với tăng trưởng kinh tế, bởi nền kinh tế được bảo toàn bởi những khuôn khổ pháp lý.
Tại Việt Nam, điều dễ thấy nhất là hệ thống hiện hành đã dẫn đến việc vốn nhà nước rơi vào tay một số cá nhân có quyền lực và không có những khuôn khổ pháp lý để ngăn chặn tình trạng lộng quyền, dẫn đến những quyết định sai lầm hoặc thiếu trách nhiệm, gây ra hậu quả nghiêm trọng, tiêu biểu là vụ tai tiếng Vinashin và chính sách tăng trưởng nóng bằng tín dụng trong hơn một thập niên qua.
Bên cạnh đó, một nhà nước chuyên chế có thể là bước cản cho nền kinh tế về dài hạn.


Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ khó cạnh tranh ở những vị trí cao hơn trên chuỗi giá trị toàn cầu nếu không khuyến khích tự do về tư tưởng
Sự thành công của Trung Quốc là câu chuyện của một nền kinh bắt đầu từ vị trí rất thấp và hưởng nhiều lợi thế từ việc di dân từ khu vực nông thôn lên thành thị.
Tuy nhiên, Trung Quốc về cơ bản vẫn là một nền kinh tế đang lên, và sẽ bắt đầu gặp khó khăn khi cạnh tranh ở những khu vực cao hơn trên chuỗi giá trị toàn cầu.
Đối với những nền kinh tế hiện đại, tăng trưởng không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào quyền sờ hữu tài sản hoặc kinh tế thị trường, mà còn dựa vào sự sáng tạo để đưa sáng kiến, công nghệ nhằm giúp các công ty mới ra đời và thay thế các công ty cũ.
Một trong những công trình nghiên cứu chứng minh cho lập luận này, đó là nghiên cứu của đại học Columbia, Harvard và MIT tại Hoa Kỳ hồi tháng 8 năm nay, trong đó chỉ ra rằng tùy thuộc vào mức độ dân trí mà tiến trình dân chủ hóa ở một số nước có thể có những tác động tiêu cực vào giai đoạn đầu đối với nền kinh tế.
Tuy nhiên, về dài hạn, một nền dân chủ có thể nâng tăng trưởng kinh tế cao hơn 20% so với nền kinh tế dưới chế độ độc tài.
Không phải ngẫu nhiên khi Bắc Kinh bắt đầu phải thiết lập các đặc khu kinh tế, nơi chính quyền trung ương có thể nới lỏng kiểm soát để làm mô hình thử nghiệm cho cả nước.
Trong cuốn ‘One man’s view of the World’, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu cho rằng sự cứng rắn và thận trọng về chính trị lẫn kinh tế của Bắc Kinh sẽ giúp cho Trung Quốc có thêm không gian và thời gian để thử nghiệm các bước đi mới nhưng lại tránh được sự hỗn loạn nằm ngoài tầm kiểm soát.
Việt Nam cũng đang bắt đầu xây dựng các đặc khu kinh tế ở cả ba miền Bắc Trung Nam và Hà Nội cũng đã đánh tín hiệu cho thấy các mô hình này, nếu thành công, có thể được áp dụng trên một quy mô lớn hơn.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ hồi tháng Ba năm nay được Thông tấn xã Việt Nam trích lời nói các đặc khu kinh tế sẽ được “áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù trong xây dựng, đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế, du lịch, giáo dục”, và “là nơi thử nghiệm các cơ chế chính sách có tính đột phá để có thể áp dụng cho cả nước sau này”.

Dân chủ và giáo dục

Như vậy, dân chủ hoá không phải là lời giải cho mọi vấn đề. Một quốc gia cần hội tụ đủ những điều kiện cần thiết trước khi tiến trình dân chủ hóa được thực hiện, và một trong những điều kiện tối quan trọng là giáo dục.
Không phải ngẫu nhiên mà cố Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D.Roosevelt từng tuyên bố: “Dân chủ không thể thành công nếu người dân không sẵn sàng để lựa chọn một cách khôn ngoan. Vì vậy, giáo dục chính là lá chắn bảo vệ tốt nhất cho nền dân chủ.”
Vì sao nền dân chủ có thể tồn tại bền vững ở Hoa Kỳ, Anh quốc và những quốc gia châu Âu khác, nhưng lại là một mớ hỗn độn, thiếu đồng đều ở châu Phi?
Một nghiên cứu của Đại học Harvard chỉ ra rằng 95% các quốc gia thực hiện dân chủ hóa trong những năm 60 với mặt bằng dân trí cao (biểu hiện qua số % dân số đã trải qua giáo dục phổ thông) thì vẫn tiếp tục là những nền dân chủ trong 40 năm tiếp theo và có kinh tế phát triển.
Trong khi đó, 50% trong số các quốc gia dân chủ hóa trong cùng thời gian với mặt bằng dân trí thấp hơn đã mau chóng bị cai trị trở lại bởi những chế độ độc tài chỉ sau khoảng 10 năm.
Nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard, MIT và Columbia cũng cho rằng tiến trình dân chủ thường có đóng góp tích cực với nền kinh tế tại những quốc gia đã có mặt bằng dân trí cao.
Giáo dục cũng là điều cần thiết nhằm tránh những xung đột vượt ngoài tầm kiểm soát.
Theo Seymour Martin Lipset, những người có học vấn cao thường chọn cách giải quyết mâu thuẫn bằng đàm phán và biểu quyết hơn là xung đột bạo lực.
Trong nhiều năm qua, không ít người đã đặt ra câu hỏi: “Liệu người Việt đã sẵn sàng làm chủ đất nước một cách có trách nhiệm?”.
Dân chủ, cũng như một công cụ, đòi hỏi người dùng hiểu rõ về tính năng của nó và làm sao để tận dụng nó một cách tốt nhất.
Vậy thì, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu dõng dạc rằng: “Dân chủ là xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người” và “Đảng ta phải nắm chắc lấy ngọn cờ dân chủ”, hãy đánh giá tính chân thật của nó dựa trên những gì Đảng Cộng sản đang làm để xây dựng một hệ thống giáo dục giúp người dân làm chủ đất nước.
Cho đến khi nào, nền giáo dục của Việt Nam vẫn còn sản sinh ra những thế hệ sợ hãi và căm ghét những những tiếng nói trái chiều như trong cuộc biểu tình buổi trưa tháng Năm ấy tại Hà Nội, thì dân chủ mãi là một khái niệm mơ hồ và nếu có trở thành sự thật, sẽ không bền vững và không có những tác động tích cực lên nền kinh tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét