Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Giải Nobel và lý tưởng tuổi 17


Tin cô gái Pakistan, Malala Yousafzai được trao giải Nobel Hòa bình năm nay không làm nhiều người ngạc nhiên.

Vì từ mấy ngày trước, Malala, cùng Đức Giáo hoàng Francis và Edward Snowden đã dẫn đầu trong số các ứng viên cho giải thưởng này.
Nhưng điều vẫn làm người ta phải suy nghĩ là lứa tuổi của người được trao giải.
Sinh ngày 12 tháng 7 năm 1997, tại Mingora, Pakistan, năm nay Malala mới vừa tròn 17 tuổi và là người trẻ nhất nhận giải Nobel Hòa bình trong lịch sử giải thưởng này.


Phải chăng một thế giới nhiều tai ương, bạo lực, loạn lạc và dịch bệnh đang hướng về thế hệ tuổi thiếu niên để có thêm hy vọng?
Vì cũng mới gần đây, Joshua Hoàng Chi Phong, 17 tuổi được báo Time vinh danh là ‘Gương mặt của Hong Kong’.

Lý tưởng tuổi thiếu niên

Điểm nổi bật về Malala là lòng dũng cảm và trí thông minh.
Trong tuyên bố của mình, Ủy ban Nobel ở Oslo, Na Uy viết:
“Dù tuổi trẻ, Malala Yousafzai đã chiến đấu nhiều năm cho quyền đi học của phụ nữ, và đã chứng tỏ trẻ em, thiếu niên cũng có thể đóng góp để cải thiện hoàn cảnh của mình.”
Bắt đầu từ những bài blog đăng trên trang của BBC Urdu khi mới 11 tuổi, cô đã nêu ra vấn đề quyền được đi học của trẻ em ở vùng rừng núi Pakistan bị phe Taliban cấm đoán.
Cô viết: “Hãy cầm sách và bút vì chúng là những vũ khí mạnh nhất của chúng ta.”

 

Câu nói của Malala hẳn được ủng hộ bởi những người phản đối các trận oanh kích tiền tỷ của Phương Tây tại Trung Đông, nơi mỗi trái tên lửa Tomahawk trị giá 1.5 triệu USD, theo trang CNN nói về các bắn phá mục tiêu của IS.
Phái phản chiến nói các cuộc vận động dư luận, giáo dục, viện trợ sẽ có tác động tốt hơn biện pháp quân sự chống lại các nhóm chính trị Hồi giáo cực đoan.
Sau vụ bị bắn hồi tháng 10/2012 trên đường từ trường về nhà, Malala sống sót, và đã tiếp tục phát biểu về tầm quan trọng của giáo dục.
Cô coi như đã chết một lần sau vụ bị ám sát không thành và nguyện tiếp tục sống không sợ hãi vì lý tưởng đem đến cho trẻ em cơ hội giáo dục:
“Tôi tự bảo, Malala, bạn đã gặp cái chết một lần và đây là cuộc sống thứ nhì nên đừng sợ. Vì nếu sợ sẽ không đi tiếp được.”
Quyền đi học là vấn đề lớn ở nhiều quốc gia bị kìm hãm bởi ý thức hệ cực đoan.
Nhưng ở nhiều nơi khác, quyền này có lúc không được thực hiện đầy đủ, hoặc một cách an toàn.
Có nơi giáo dục bị hạn chế vì lý do nghèo khó, vì thiếu phương tiện như ở châu Phi, hay vì giao thông quá kém, khiến học sinh phải liều mình băng qua suối mùa lũ để đến trường như ở Việt Nam.
Giới chức cần suy nghĩ và lắng nghe tiếng nói của những bạn trẻ tuổi 15, 17.

Làn sóng dân tự học

Vẫn về lý tưởng của tuổi trẻ và chuyện đi học, thanh niên Hong Kong, Joshua Hoàng Chi Phong đã lập ra phong trào Scholarism (Học dân tư trào), phản đối việc áp đặt chế độ học từ Trung Quốc.
Năm đó, Hoàng Chi Phong cũng mới 15 tuổi và đến năm nay, nhóm này đã đóng vai trò quan trọng trong đợt biểu tình ở Hong Kong hơn 10 ngày qua.
Trả lời báo chí nước ngoài, cho đến nay, Hoàng Chi Phong vẫn nói, “Điều quan trọng nhất là tôi muốn học tốt nghiệp, có bằng”.
Nhưng học gì và học thế nào là vấn đề Hoàng Chi Phong đang đưa thành một nghị trình đấu tranh khá bài bản, có sức thuyết phục cao trong giới trẻ Hong Kong.
‘Dân tự học’ gặp gỡ với nhóm Chiếm Trung Tâm và phái Dân chủ Hong Kong qua mục tiêu đấu tranh.
Theo họ, Hong Kong phải cải tổ chính trị thì mới có thể đảm bảo học đường được độc lập tư duy, không bị áp đặt giáo án Trung Quốc và cách diễn giải lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tờ Time vinh danh Joshua Hoàng Chi Phong ở Hong Kong
Vì còn trẻ, Hoàng Chi Phong cũng tỏ ra không sợ.
Khi báo Mỹ Wall Street Journal hỏi có sợ bị Đảng Cộng sản Trung Quốc trả đũa không, Hoàng Chi Phong nói:
“Cách trả đũa nào cũng chỉ gây ra phản ứng đối lập của người dân, như vụ các lãnh đạo sinh viên bị bắt hai tuần trước đã khiến có thêm nhiều người dân tới ủng hộ cuộc biểu tình.”

Không nhận giải Nobel

Cũng nhân nói về lý tưởng tuổi trẻ và giải Nobel, ta không quên có người Việt Nam từng được trao giải này nhưng từ chối không nhận.
Không khác gì Malala và Hoàng Chi Phong, nhà cách mạng Lê Đức Thọ (sinh năm Tân Hợi, 1911) đã tham biểu tình chống Pháp khi mới 15 tuổi nhân đám tang của chí sĩ Phan Châu Trinh năm 1926.
Hẳn khi đó, giống như rất nhiều người trẻ Việt Nam khác, cậu thiếu niên Phan Đình Khải đã ôm hoài bão tiếp nối cuộc đấu tranh của thế hệ cha ông, giành độc lập cho dân tộc, dù chưa gặp gỡ chủ nghĩa cộng sản.
Điều này cũng đã được chính trang về Giải Nobel ở địa chỉ www.nobelprize.org ghi nhận:
“Khi đàm phán với Henry Kissinger về cuộc ngưng bắn ở Việt Nam từ 1969 đến 1973, Lê Đức Thọ đã có kinh nghiệm lâu dài trong cuộc chiến chống lại các đại cường. Khi còn trẻ tuổi, ông đã trở thành người Cộng sản và bị chính quyền thực dân Pháp cầm tù nhiều năm. Ông giành chỗ đứng trong nhóm lãnh đạo Đảng Cộng sản trong thời gian Nhật chiếm đóng Việt Nam, thời kỳ Thế Chiến Hai…”
Trang này cũng nói ông Lê Đức Thọ “trở thành một trong những chỉ huy quân sự trong cuộc kháng chiến chống lại người Pháp”.

Hai nhà đàm phán Henry Kissinger và Lê Đức Thọ
Điều tôi muốn nói ở đây là về một điểm chung giữa ba nhân vật nêu ra ở đây.
Khi còn trẻ, họ đều có lý tưởng mạnh mẽ và dấn thân không sợ hãi cho lý tưởng đó, và đây là điều đáng ghi nhận cho dù chúng ta có đồng ý hay không với lý tưởng đó.
Người ta cũng có thể ủng hộ hoặc phản đối, lên án các quyết định, hành động của cá nhân những người được giải Nobel Hòa bình sau đó.
Và sự so sánh cũng tạm thời nên dừng ở đây vì hiện quả là còn rất sớm, quá sớm để biết sau này Malala sẽ làm gì, có xứng đáng với giải Nobel hay không, và liệu Joshua có được đề cử nhận giải này không.
Riêng về người Việt Nam duy nhất tới nay không nhận Nobel là ông Lê Đức Thọ, hiện vẫn còn khác biệt trong cách nhìn nhận về ông, cụ thể là về quyết định từ chối giải thưởng này.
Trong số người được trao Nobel Hòa bình từ 1901 đến 1973, ông Lê Đức Thọ còn là người thuộc nhóm lãnh đạo đương quyền duy nhất từ cả phe xã hội chủ nghĩa, được trao giải thưởng lớn ‘từ phe tư bản’, theo quan niệm khi ấy.
Báo Việt Nam hồi 2011, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông đã nhắc lại chuyện này, và một tờ báo viết:
“Đồng chí Lê Đức Thọ được trao giải Nobel Hòa bình cùng Henry Kissinger năm 1973. Tuy nhiên, ông từ chối giải thưởng này vì lý do hòa bình chưa thực sự được lập lại trên đất nước Việt Nam.”
Nhưng mục Nobel Hòa bình 1973 trên trang của Ủy ban Nobel lại ghi chuyện từ chối giải, ‘Refused the Peace Prize’ như sau:
“Khi Hà Nội bị ném bom vào mùa Giáng Sinh theo lệnh của Kissinger, Lê Đức Thọ đồng ý ngưng bắn. Nhưng khi ông được trao giải Nobel cùng Kissinger vào mùa thu năm 1973, ông đã từ chối chấp nhận nó, lấy lý do là người cùng nhận vi phạm thỏa thuận ngưng bắn.”
Ông Kissinger trái lại đã tự hào nhận giải thưởng vào năm 1973 có giá trị 510 000 kronor.
Để các bạn có sự so sánh, giải cho Malala năm nay trị giá 1,4 triệu USD.
Các bạn đọc thêm bài viết cùng tác giả ở trang Blog Tòa soạn, BBC Tiếng Việt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét