Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

Các hành vi của Trung Quốc trên biển Đông trong thời gian gần đây dưới góc nhìn của luật pháp quốc tế và phản ứng của Việt Nam

VHNA

Ngô Hữu Phước[1]

Tàu Trung Quốc tấn công tàu cảnh sát biển Việt Nam trên biển ĐôngTàu Trung Quốc tấn công tàu cảnh sát biển Việt Nam trên biển Đông
1. Các hành vi của Trung Quốc trong thời gian gần đây dưới góc nhìn của luật pháp quốc tế.
Với sức mạnh và vị thế của một “cường quốc đang trỗi dậy hòa bình”, Trung Quốc ngày càng ra sức biểu dương sức mạnh của mình đối với thế giới, đặc biệt là với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, tâm điểm để Trung Quốc thị uy sức mạnh của họ chính là ở Biển Đông. Nhằm thực hiện mưu đồ “độc chiếm Biển Đông”, thời gian gần đây Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp các cam kết chính trị với Asean và Việt Nam, thực hiện một có hệ thống các hành vi vi phạm pháp luật quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển, đảo của của Việt Nam đã được luật pháp quốc tế và đặc biệt là UNCLOS thừa nhận.


Một là: Các hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông gồm:
- Tuyên bố về yêu sách đường chữ U chín đoạn chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông ngày 7/5/2009[2].
- Thành lập thành phố Tam Sa, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam ngày 22/6/2012[3].
- Tiến hành tôn tạo, xây dựng trái phép các bãi cạn trên quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đã xâm lược của Việt Nam tháng 3/1988 (bãi Châu Viên, Chữ Thập, Gạc Ma, Ga ven, Tư Nghĩa, Su Bi)[4].
- Đưa vào hệ thống đăng ký quyền sử dụng đất đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam tháng 6/2014;
- Vẽ lại bản đồ quốc gia theo khổ dọc với đường 10 đoạn chiếm hơn 90% diện tích Biển Đông ngày 26/6/2014[5].
Các hành vi nói trên của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền đối với lãnh hải và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là những bộ phận không thể tách rời của Việt Nam. Về phương diện pháp luật quốc tế, đây là hành vi “xâm lược mềm”, “xâm lược bằng bản đồ” của Trung Quốc. Các hành vi này được Trung Quốc thực hiện một cách bài bản, có hệ thống nhằm từng bước thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, cụ thể hóa âm mưu độc chiếm Đông. Đồng thời, biến Biển Đông nằm trọn trong vành đai liên hoàn với 3 điểm tiền tiêu chiến lược từ Bắc xuống Nam gồm: Đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam để từ đó kiểm soát, khống chế toàn bộ tuyến đường hàng hải, hàng không và mọi hoạt động trên Biển Đông, biến Biển Đông thành “ao” riêng của Trung Quốc.
Hai là, các hành vi xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông gồm:
- Dùng tàu Hải giám quấy nhiễu và cắt cáp ngầm của tàu Bình Minh 2 đang hoạt động thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ngày 25/6/2011[6]
- Ngang nhiên mời thầu quốc tế 09 lô dầu khí hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam năm 6/2012[7];
- Cản trở hoạt động hợp tác khai thác dầu khí của Việt Nam với các công ty nước ngoài[8];
Các hành vi này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã được Việt Nam xác lập và thực thi phù hợp với UNCOLS.
Tham vọng bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc không dừng lại mà ngày càng gia tăng cả về tính chất và mức độ nguy hiểm, đe doạ hoà bình, an ninh, tự do hàng hải, hàng không và thương mại của khu vực và thế giới. Đỉnh điểm là sự kiện Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định của UNCLOS (cách đảo Lý Sơn, điểm cơ sở số 10 trên tuyến đường cơ sở của Việt Nam xác lập theo Tuyên bố của Chính phủ CHXHCN Việt Nam ngày 12/11/1982, 119 hải lý[9]) vào ngày 1/5/2014,.
Đánh giá trên tất cả các phương diện pháp luật, chính trị và quan hệ quốc tế, hành vi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hợp quốc, các nguyên tắc điều chỉnh mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia (các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế), UNCLOS, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC năm 2002 và các thỏa thuận song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, cụ thể:
(1) Về phương diện pháp luật quốc tế, đây là hành vi vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam đã được thừa nhận và quy định trong UNCLOS. Theo UNCLOS, quốc gia ven biển có quyền thiết lập vùng đặc quyền kinh tế rộng không quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở[10]. Trong vùng biển này, quốc gia ven biển có các quyền thuộc chủ quyền về kinh tế (quyền thăm dò khai thác, bảo tồn, quản lý tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như các hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vùng biển này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió). Đồng thời, quốc gia ven biển có quyền tài phán (cho phép, kiểm tra, giám sát, xử lý ) đối với các hoạt động lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình, nghiên cứu khoa học về biển và bảo vệ và gìn giữ môi trường biển[11].
Để thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình, UNCLOS cho phép các quốc gia ven biển có quyền “ thi hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp để bảo đảm việc tôn trọng các luật và quy định mà quốc gia đã ban hành theo đúng Công ước”[12].
Bên cạnh đó, UNCLOS cũng quy định trách nhiệm của các quốc gia khác, “khi thực hiện các quyền và làm các nghĩa vụ của mình theo Công ước, các quốc gia phải tính đến các quyền và các nghĩa vụ của quốc gia ven biển và tôn trọng các luật và quy định mà quốc gia ven biển đã ban hành theo đúng các quy định của Công ước…”[13].
Đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, UNCLOS cho phép quốc gia ven biển thiết lập một vùng đáy biển có chiều rộng tính từ đường cơ sở đến rìa lục địa hẹp nhất là 200 hải lý và rộng nhất là 350 hải lý là thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia. Quốc gia ven biển có các quyền thuộc chủ quyền đối với mọi tài nguyên thiên nhiên có trong thềm lục địa của mình. Đây là các quyền có tính chất đặc quyền, nghĩa là các quốc gia ven biển không thăm dò thềm lục địa hay không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa, thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy, nếu không có sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia đó[14].
Đồng thời, quốc gia ven biển có quyền tài phán ở thềm lục địa trong 4 lĩnh vực: (i) Lắp đặt các đảo và công trình thiết bị nhân tạo; (2) Nghiên cứu khoa học về biển; (iii) Khoan ở thềm lục địa; (iiii) Bảo vệ giữ gìn môi trường biển[15].
Nghiêm trọng hơn, khi các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan Hải Dương 981 thì Trung Quốc đã huy động thường xuyên và liên tục một lực lượng hùng hậu với hơn 100 tàu các loại gồm cả tàu hộ vệ tên lửa, tàu tấn công nhanh, tàu kéo, tàu hải giám, tàu ngư chính, tàu hải cảnh, tàu hải tuần và hàng trăm lượt máy bay quân sự đe dọa và tấn công các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam và tàu cá của ngư dân Việt Nam, làm thiệt hại nặng nề đối với tài sản và sức khỏe của các chiến sĩ Cảnh sát biển, Kiểm ngư viên và ngư dân Việt Nam. Đây là hành vi sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, vi phạm Hiến chương Liên hợp quốcvà các nguyên tắc điều chỉnh mối quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia đã được Đại hội đồng Liên hợp quốcthông qua ngày 24/10/1970 trong đó có Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia; Nguyên tắc cấm sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; Nguyên tắc hoà bình giải quyết các tranh chấp quốc tế; Nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau và Nguyên tắc tậntâm thực hiện các cam kết quốc tế (tận tâm thực hiện các cam kết quốc tế Pacta sunt servanda). Đặc biệt, hành vi này của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng các quyền thuộc chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được UNCLOS ghi nhận mà Trung Quốc, một cường quốc của thế giới và là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốcđã phê chuẩn năm 1996, lẽ ra Trung Quốc phải gương mẫu và tuân thủ thực hiện.
(2) Về phương diện pháp luật quốc gia, hành vi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 đã vi phạm nghiệm trọng pháp luật Việt Nam, đặc biệt là Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam 2013 và Luật Biển Việt Nam năm 2012. Trong đó, Luật Biển Việt Nam 2012, một đạo luật chuyên ngành về biển, là cơ sở pháp lý quốc gia quan trọng nhất để nhà nước, cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam quản lý, khai thác và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển của Việt Nam (nội thuỷ, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) đã xác lập hoàn toàn phù hợp với UNCLOS.
Trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Luật Biển Việt Nam 2012 quy định:Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở[16]. Trong vùng đặc quyền kinh tế, Nhà nước thực hiện, quyền chủ quyền về việc thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên thuộc vùng nước bên trên đáy biển, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển; về các hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vùng này vì mục đích kinh tế; Quyền tài phán quốc gia về lắp đặt và sử dụng đảo nhân tạo, thiết bị và công trinh trên biển; nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển; Các quyền và nghĩa vụ khác phù hợp với pháp luật quốc tế.
Đồng thời, Luật Biển 2012 khẳng định, Nhà nước tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không; quyền đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và hoạt động sử dụng biển hợp pháp của các quốc gia khác trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Luật này và điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, không làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam. Việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt các thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên cơ sở các điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, hợp đồng được ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của Chính phủ Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế có liên quan. Các quyền có liên quan đến đáy biển và lòng đất dưới đáy biển quy định tại Điều này được thực hiện theo quy định tại Điều 17 và Điều 18 của Luật này[17].
Trong thềm lục của CHXHCN Việt Nam, Luật Biển 2012 quy định, thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa. Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này cách đường cơ sở chưa đủ 200 hải lý thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc không quá 100 hải lý tính từ đường đẳng sâu 2.500 mét[18].
Nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình, Luật Biển Việt Nam 2012 quy định, Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền đối với thềm lục địa về thăm dò, khai thác tài nguyên. Quyền chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có tính chất đặc quyền, không ai có quyền tiến hành hoạt động thăm dò thềm lục địa hoặc khai thác tài nguyên của thềm lục địa nếu không có sự đồng  ý của Chính phủ Việt Nam. Nhà nước có quyền khai thác lòng đất dưới đáy biển, cho phép và quy định việc khoan nhằm bất kỳ mục đích nào ở thềm lục địa. Nhà nước tôn trọng quyền đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và hoạt động sử dụng biển hợp pháp khác của các quốc gia khác ở thềm lục địa Việt Nam theo quy định của Luật này và các điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, không làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam.
Việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt thiết bị và công trình ở thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, hợp đồng ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của Chính phủ Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế có liên quan[19].
(3) Về phương diện chính trị ngoại giao quốc tế, hành vi của Trung Quốc đãvi phạm nghiên trọng Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông mà Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký năm 2002 (DOC[20]); Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ giữa CHXHCN Việt Nam và CHND Trung Hoa năm 1993 và Thoả thuận về nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2011.
Về nội dung của DOC, Trung Quốc và các nước ASEAN đã cam kết:
- Tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp quốc, UNCLOS, Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác khu vực Đông Nam Á(TAC[21]), năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình (của Trung Quốc) và những nguyên tắc được thừa nhận phổ biến khác của luật pháp quốc tế…[22].
- Tìm kiếm những cách thức xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau hài hòa với những nguyên tắc nêu trên và trên căn bản bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau[23].
- Tôn trọng quyền tự do hoạt động hàng hải, hàng không theo các nguyên tắc được thừa nhận phổ biến trong luật pháp quốc tế và UNCLOS[24].
- Giải quyết tranh chấp về lãnh thổ bằng các phương pháp hòa bình phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận phổ quát của luật pháp quốc tế, kể cả UNCLOS[25].
- Kiềm chế thực hiện các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định khu vực…[26].
- Hợp tác về các lĩnh vực: Bảo vệ môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; an toàn hàng hải và thông tin trên biển; tìm kiếm cứu hộ; đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, kể cả nhưng không hạn chế trong hoạt động buôn lậu các loại thuốc cấm, hải tặc và cướp có vũ trang trên biển, hoạt động buôn bán trái phép vũ khí..[27].
- Tiếp tục đối thoại và tham vấn về những vấn đề liên quan..khuyến khích sự minh bạch và láng giềng tốt, thiếp lập sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau một cách hài hòa, và tạo điều kiện thuận lợi cho một giải pháp hòa bình và tranh chấp giữa các bên[28].
- Tôn trọng những điều khoản của Tuyên bố này và hành động phù hợp với sự tôn trọng đó[29].
- Khẳng định quyết tâm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC[30].
Đồng thời, hành vi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã phá vỡ các Thoả thuận về giải quyết tranh chấp lãnh thổ, biên giới giữa hai nước năm 1993 và 2011. Trong đó, theo Thỏa thuận năm 1993, hai nước cam kết thương lượng giải quyết hòa bình các vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước trên cơ sở năm nguyên tắc: tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không xâm phạm lẫn nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng, cùng có lợi và cùng tồn tại hòa bình; căn cứ vào tiêu chuẩn và nguyên tắc luật pháp quốc tế được công nhận và tham khảo thực tiễn quốc tế để giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ …không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tranh chấp, không dùng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực.
Thỏa thuận năm 2011 tiếp tục ghi nhận, Việt Nam và Trung Quốc cam kết: (i)Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng; (ii) Tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên biển; (iii) Nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước, nguyên tắc và tinh thần của “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC); (iv) Tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi; (v) Giải quyết các vấn đề trên biển theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau; (vi) Tiến hành cuộc gặp định kỳ Trưởng đoàn đàm phán biên giới cấp Chính phủ một năm hai lần, luân phiên.
          (4) Về phương diện an ninh, hàng hải quốc tế và thương mại quốc tế,hành vi của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng an ninh, an toàn hàng hải và hoạt động thương mại của các nước trong khu vực và thế giới, đặc biệt là các cường quốc Mỹ, Ấn Độ, Nga, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc…. và chính của Trung Quốc[31]. Mặt khác, hành vi của Trung Quốc đã làm gia tăng chạy đua vũ trang và nguy cơ xung đột vũ trang, một hệ lụy vô cùng nguy hiểm đối với hoà bình và an ninh của các nước trong khu vực và thế giới.
          (5) Về tình hữu nghị và đoàn kết giữa hai dân tộc Việt – Trung,hành vi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã làm tổn hại đến tình cảm và mối quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp, hòa hiếu, láng giềng thân thiện của hai nước và hai dân tộc Việt – Trung, là tài sản vô cùng quý giá đã được các thế hệ lãnh đạo và người dân hai nước xây dựng và vun đắp từ trước tới nay. Bởi lẽ, để biện minh cho hành vi sai trái của mình, Chính phủ và giới truyền thông của Trung Quốc đã đánh lừa nhân dân Trung Quốc khi tráo trở cho rằng, Việt Nam đã có hành động cản trở, quấy nhiễu, tấn công các tàu Trung Quốc đang hoạt động hợp pháp trong vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Mặt khác, Trung Quốc đã không ngần ngại dùng “chiến tranh thông tin” “chiến tranh bản đồ”, “đặt giàn khoan dành lãnh thổ”, cố tình bóp méo sự thật và lịch sử về chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông nhằm hợp thức hóa mưu đồ “độc chiếm Biển Đông” phi pháp của mình.
II. Phản ứng của Việt Nam
Trước những hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế của Trung Quốc, xâm phạm đến quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã kiên trì, vận dụng tất cả các biện pháp chính trị, ngoại giao, mọi kênh đối thoại để yêu cầu Trung Quốc đàm phán giải quyết hòa bình các tranh chấp hiện nay nhưng phía Trung Quốc vẫn không đàm phán thực chất để giải quyết[32]. Chính thái độ và cách hành xử đó của Trung Quốc đã buộc Việt Nam phải thay đổi cách tiếp cận trong việc tìm kiếm giải pháp giải quyết tranh chấp, xung đột hiện nay trên Biển Đông trong khuôn khổ Hiến chương Liên hợp quốcvà UNCLOS nhằm bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông. Sự thay đổi có tính bước ngoặt này đã được Thủ tướng CHXHCN Việt Nam tuyên bố, “Chúng tôi (Việt Nam) đã chuẩn bị và sẵn sàng cho hành động pháp lý” và “Chúng tôi đang xem xét thời điểm thích hợp để thực hiện biện pháp này”[33]. Điều đó khẳng định rằng, Việt Nam đã và đang tính tới việc sử dụng biện pháp pháp lý để giải quyết tranh chấp nhằm buộc Trung Quốc chấm dứt các hành vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Nghiên cứu các tranh chấp trên Biển Đông hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc chúng tôi thấy rằng, hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc đang tồn tại hai loại tranh chấp sau đây:
Một là,tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa;
Hai là,tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS, cụ thể là:
(i) Tranh chấp liên quan đến tuyên bố của Trung Quốc về đường chữ U chín đoạn ngày 7/5/2009 (đường lưỡi bò) và nay là đường 10 đoạn được Trung Quốc công bố trên bản đồ khổ dọc vào ngày 26/6/2014;
(ii) Tranh chấp phát sinh từ sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam;
(iii) Tranh chấp phát sinh từ hành vi sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực trên Biển Đông.
Vậy, Việt Nam có thể khởi kiện Trung Quốc ra cơ quan Tài phán quốc tế nào? Theo chúng tôi, đối với tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam có thể nghiên cứu để khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Công lý quốc tế của Liên hợp quốc (International Court of Justice – ICJ) hoặc Tòa trọng tài thường trực quốc tế La Haye (Permanent Court Arbitration – PCA[34]). Bởi vì, đây hai cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ. Mục đích của vụ kiện này (nếu Việt Nam thực hiện) là nhằm khẳng định quan điểm, lập trường kiên định về chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với Trung Quốc và thế giới; chứng minh cho cộng đồng quốc tế biết và nắm rõ hơn về lịch sử xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa[35]; khẳng định với Trung Quốc và thế giới rằng, Việt Nam chưa và không bao giờ từ bỏ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng đối với quần đảo Hoàng Sa; ngăn ngừa Trung Quốc tiến hành các hoạt động tiếp theo xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này; làm cho nhân dân Việt Nam tin tưởng vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, theo Quy chế của ICJ (1945) và PCA (1992), hai cơ quan tài phán này chỉ giải quyết các tranh chấp khi được các bên tranh chấp yêu cầu (đồng thuận[36]). Do vậy, ICJ và PCA sẽ không có thẩm quyền giải quyết nếu Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện. Do vậy, nếu tiến hành thì vụ kiện của Việt Nam sẽ bị “treo” tại ICJ và PCA. Tuy nhiên, việc khởi kiện là một hành động có ý nghĩa chính trị pháp lý rất lớn, biểu thị cho sự minh bạch và bản lĩnh của Việt Nam trước luật pháp quốc tế và cộng đồng quốc tế. Ngược lại, nếu Trung Quốc từ chối, chứng tỏ rằng việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là trái pháp luật quốc tế.
Theo chúng tôi, Việt Nam cũng có thể xem xét để yêu cầu ICJ tư vấn (thông qua Đại Hội đồng Liên Hợp quốc) với câu hỏi: Các hành vi của Trung Quốc trong thờigian qua trên Biển Đông (hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981; sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực) có vi phạm luật pháp quốc tế?. Để được ICJ tư vấn, Việt Nam cần vận động để Đại Hội đồng ra được 01 Nghị quyết của về vấn đề này. Về phương diện thực tiễn, để Đại Hội đồng ra Nghị quyết ủng hộ Việt Nam là không dễ cho dù hiện nay Việt Nam có sự ủng hộ của Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Philippines…nhưng Trung Quốc lại có thể vận động được rất nhiều phiếu các quốc gia Châu Phi, Châu Mỹ. Tuy nhiên, nếu Đại hội đồng thông qua một Nghị quyết thuận về vấn đề này cho Việt Nam thì tư vấn của ICJ sẽ có ảnh hưởng lớn về chính trị, pháp luật và quan hệ quốc tế rất có lợi cho Việt Nam.
Hai là: Vụ kiện về giải thích và áp dụng sai UNCLOScủa Trung Quốc (đặc biệt là yêu sách đường chữ U chiếm hơn 90% diện tích Biển Đông và hành vi sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực mà Trung Quốc đã thực hiện trong thời gian gần đây). Với vụ kiện này, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý quốc tế để khởi kiện Trung Quốc ra Toà trọng tài quốc tế về luật biển được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS dựa trên 5 cơ sở và lập luận pháp lý sau đây:
(i) Giữa Việt Nam và Trung Quốc đang tồn tại tranh chấp.
Mặc dù Trung Quốc đang cố tình né tránh, không thừa nhận có tranh chấp và luôn cho rằng, họ đang thực hiện các “quyền đương nhiên”, “lợi ích cốt lõi” của họ trên Biển Đông thì thực tế hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang tồn tại tranh chấp liên quan đến việc Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai UNCLOS. Đó chính là cơ sở, điều kiện cơ bản, mang tính quyết định cả về thủ tục và nội dung để Việt Nam tiến hành một vụ kiện trước các cơ quan tài phán được qui định tại Điều 287  UNCLOS gồm: Tòa án Công lý quốc tế, Tòa án quốc tế về luật biển, Toà trọng tài quốc tế về luật biển được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS, Toà trọng tài đặc biệt được thành lập theo Phụ lục VIII của UNCLOS;
(ii) Việt Nam đã áp dụng các biện pháp chính trị ngoại giao nhưng Trung Quốc không hợp tác, tranh chấp không được giải quyết.
Căn cứ vào Phần XV- Về giải quyết tranh chấp, Mục 1- Các quy định chung từ Điều 280 đến Điều 285 của UNCLOS, đặc biệt là Điều 281 đã quy định, “1. Khi các quốc gia thành viên tham gia vào một vụ tranh chấp liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước đã thỏa thuận tìm cách giải quyết tranh chấp này bằng một phương pháp hòa bình theo sự lựa chọn của mình, thì các thủ tục được trù định trong phần này chỉ được áp dụng nếu không đạt được một cách giải quyết bằng phương pháp này và nếu sự thỏa thuận giữa các bên không loại trừ khả năng tiến hành một thủ tục khác.  2. Nếu các bên cùng thỏa thuận về một thời hạn, thì khoản 1 chỉ được áp dụng kể từ khi kết thúc thời hạn này”. Theo quy định này, từ khi phát sinh tranh chấp Việt Nam đã tiến hành đàm phán, trao đổi quan điểm với Trung Quốc nhưng Trung Quốc vẫn không thiện chí để giải quyết và cũng không có bất kỳ thoả thuận nào với Việt Nam, tranh chấp không được giải quyết và ngày càng căng thẳng, phức tạp. Đây chính là căn cứ quan trọng để Việt Nam sử dụng biện pháp tài phán theo qui định tại Điều 287 của UNCLOS. Phần XV- Giải quyết tranh chấp, Mục 2- Các thủ tục bắt buộc dẫn tới các quyết định bắt buộc, Điều 286 của UNCLOS quy định, với điều kiện tuân thủ Mục 3[37], mọi tranh chấp liên quan đến giải thích hay áp dụng UNCLOS khi không được giải quyết bằng cách áp dụng Mục 1, theo yêu cầu của một bên tranh chấp, đều được ra trước Tòa án có thẩm quyền theo mục này.
(iii)Việt Nam và Trung Quốc không bị ràng buộc bởi nghĩa vụ giải quyết tranh chấp cụ thể nào trong các điều ước quốc tế đa phương hoặc song phương.
Cho đến nay Việt Nam và Trung Quốc không bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ giải quyết tranh chấp dẫn đến các kết quả ràng buộc từ các Hiệp chung, khu vực hay hai bên theo Điều 282. Trên thực tế, Việt Nam và Trung Quốc chỉ bị ràng buộc bởi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC); Hiệp định Hợptác thân thiện giữa các quốc gia Đông Nam Á (TAC) năm 1976; Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vần đề biên giới, lãnh thổ giữa CHXHCN Việt Nam và CHND Trung Hoa năm 1993 và Thỏa thuận về nguyên tắc 6 điểm giải quyết các vấn đề trên biển năm 2011. Tuy nhiên, các văn bản này không định bất kỳ biện pháp giải quyết tranh chấp cụ thể nào mà chỉ qui định chung về hòa bình giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.
(iv) Thủ tục trọng tài quốc tế về luật biển được thành lập theo Phụ lục VII là thủ mặc nhiên.
UNCLOS mặc nhiên coi các bên đã chọn Tòa trọng tài quốc tế về luật biển được thành lập theo Phụ lục VII. Điều 287 của UNCLOS quy định, khi ký hay phê chuẩn UNCLOS hoặc tham gia UNCLOS, hay ở bất kỳ thời điểm nào sau đó, một quốc gia được quyền tự do lựa chọn, hình thức tuyên bố bằng văn bản, một hay nhiều biện pháp sau đây để giải quyết các tranh chấp có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng UNCLOS:
(1) Tòa án quốc tế về luật biển được thành lập theo đúng Phụ lục VII;
(2) Tòa án công lý quốc tế;
(3) Một Tòa trọng tài được thành lập theo đúng Phụ lục VII;
(4) Một Tòa trọng tài đặc biệt được thành lập theo đúng Phụ lục VIII để giải quyết một hay nhiều loại tranh chấp đã được qui định rõ trong đó[38].
Và khi một quốc gia thành viên tham gia vào một vụ tranh chấp mà không được một tuyên bố còn có hiệu lực bảo vệ, thì được xem là đã chấp nhận thủ tục trọng tài đã trù định ở Phụ lục VII[39]. Cho đến nay cả Việt Nam và Trung Quốc đều chưa có tuyên bố nào theo quy định tại khoản 1 Điều 287. Do vậy, chiếu theo khoản 3 Điều 287 thì Việt Nam và Trung Quốc mặc nhiên đã chọn Tòa trọng tài quốc tế về luật biển được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOSđể giải quyết tranh chấp về giải thích và áp dụng UNCLOS[40].
(v) Về phạm vi và nội dung khởi kiện của Việt Nam (nếu thực hiện) không vi phạm giới hạn và các ngoại lệ theo quy định tại Điều 297 và Điều 298 của UNCLOS.
Về phạm vi và nội dung khởi kiện của Việt Nam (nếu thực hiện) liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS sẽ không vi phạm giới hạn phạm vi áp dụng của các biện pháp bắt buộc theo qui định tại Điều 297 (các tranh chấp liên quan đến việc thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển về nghiên cứu khoa học biển và đánh bắt hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế sẽ đương nhiên bị loại trừ khỏi phạm vi giải quyết tranh chấp bắt buộc của UNCLOS).
Mặt khác, vụ kiện của Việt Nam (nếu thực hiện) sẽ không vi phạm các qui định tại Điều 298 của UNCLOS về những ngoại lệ không bắt buộc giải quyết trước các cơ quan tài phán đó là 4 loại tranh chấp về:
(i) Giải thích hay áp dụng các Điều 15, 74 và 83 liên quan đến việc hoạch định ranh giới các vùng biển[41];
(ii) Các vụ tranh chấp về các vịnh hay danh nghĩa lịch sử;
(iii) Các vụ tranh chấp liên quan đến các hoạt động quân sự, kể cả hoạt động quân sự của tàu thuyền và phương tiện bay của Nhà nước được sử dụng cho một dịch vụ không có tính chất thương mại, và các vụ tranh chấp liên quan đến các hành động bắt buộc chấp hành, đã được thực hiện trong việc thi hành các quyền thuộc chủ quyền hoặc quyền tài phán mà Điều 297, khoản 2 và 3, đã loại trừ khỏi thẩm quyền của một tòa án[42];
(4) Các vụ tranh chấp mà Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, trong khi thi hành các chức năng của mình do Hiến chương Liên hợp quốcgiao phó có trách nhiệm giải quyết, trừ khi Hội đồng bảo an quyết định xóa vấn đề trong chương trình nghị sự của mình hay yêu cầu các bên tranh chấp giải quyết tranh chấp của họ bằng các phương pháp đã qui định trong UNCLOS[43]. Đây cũng là các ngoại lệ mà Trung Quốc đã bảo lưu theo tuyên bố ngày 25/8/2006[44].
Chúng tôi cho rằng, nếu Việt Nam quyết định khởi kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế về luật biển được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS sẽ có một số thuận lợi sau đây:
- Toà trọng tài quốc tế về luật biển được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS sẽ giải quyết vụ kiện kể cả khi Trung Quốc không đồng ý;
- Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm từ vụ kiện của Philipines và các quốc gia đã giải quyết tại Tòa trọng tài quốc tế về luật biển như: Barbados, Trinidad và Tobago, Ireland, Anh, Guyna, Suriname… trong việc chuẩn bị hồ sơ khởi kiện và chiến thuật tranh tụng tại Tòa.
- Phán quyết của Toà có ý nghĩa chính trị, ngoại giao và dư luận quốc tế rất lớn nhằm góp phần ngăn ngừa các hành động tiếp theo của Trung Quốc;
- Tạo niềm tin và nguồn động viên to lớn đối với nhân dân Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay.
Tuy nhiên, nếu Việt Nam quyết định khởi kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS, Việt Nam có thể gặp một số khó khăn nhất định như phản ứng tiêu cực của Trung Quốc đối với hành vi khởi kiện của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư sẽ tác động đáng kể đến tình hình chính trị, kinh tế – xã hội của Việt Nam. Điều này sẽ có tác động không nhỏ đối với Việt Nam. Bởi lẽ, khác với Philippines, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có lãnh thổ liền kề, có mối quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa…chặt chẽ hơn rất nhiều so với Philippines; mặc dù phán quyết của Tòa trọng tài có giá trị chung thẩm nhưng không có cơ chế bảo đảm thi hành. Do vậy, việc thực thi phán quyết của trọng tài là không cao.
Chính vì vậy, trong thời điểm hiện nay Việt Nam cần tính toán hết sức khoa học, thận trọng khi quyết định khởi kiện Trung Quốc.
……………………….
[1]Tiến sĩ Luật học, Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế, khoa luật Quốc tế, trường Đại học Luật TP.HồChí Minh.
[2]Theo công hàm mà BộNgoại giao Trung Quốc đã gửi Tổng thưký LiênHợp quốc vào ngày 7/5/2009. Xem Phụlục 1, bản đồđường chữU 9 đoạn (đường lưỡi bò) phi pháp của Trung Quốc.
[3]Nơi đặt trụsởchính quyền thành phốTam Sa là đảo Phú Lâm, tên quốc tếlà Woody Island. Đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất quần đảo Hoàng Sa. Đến ngày 24/11/2012 Trung Quốc đã chính thức công bốbản đồthành phốTam Sa. Xem Phụlục 2, mô tảbản đồthành phốTam Sa được thành lập trái pháp luật quốc tếcủa Trung Quốc.
[4]Xem Phụlục 3, hình ảnh Trung Quốc đang tôn tạo, xây dựng trên bãi cạn Gạc Ma.
[5]Xem Phụlục 4, bản đồđường chữU 10 đoạn của Trung Quốc. Với bản đồkhổdọc này, lần đầu tiên trong lịch sử, bản đồTrung Quốc được vẽtheo khổdọc thay vì khổngang nhưtrước đây. Với cách vẽnày, Trung Quốc đã “biến” bản đồcũ có chiều ngang 5.200km và chiều dọc là 3.000km thành bản đồmới có chiều ngang 5.200km và chiều dọc là 5.500km. Cần lưu ý rằng, tấm bản đồnày bao trùm cảBiển Đông, Biển Hoa Đông và bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ.
[6]Xem Phụlục 5, vịtrí tàu Hải giám Trung Quốc cắt cáp ngầm của tàu Bình Minh 2 đang thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tếvà thềm lục địa của Việt Nam ngày 26/5/2011.
[7]Xem Phụlục 6, bản đồ9 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong thềm lục địa của Việt Nam mà Trung Quốc đã ngang ngược mời thầu quốc tế.
[8]Xem hình ảnh và vịtrí các lô dầu khí của Việt Nam hợp tác khai thác với các công ty nước ngoài nhưng bịTrung Quốc cản trởtại Phụlục số7.
[9]Xem hình ảnh và vịtrí Trung Quốc hạđặt giàn khoan Hải Dương 981trong vùng đặc quyền kinh tếvà thềm lục địa Việt Nam tại Phụlục số8.
[10]Điều 57 UNCLOS.
[11]Điều 56 UNCLOS.
[12] Điều 73 UNCLOS.
[13]Điều 58 UNCLOS
[14]Điều 77 UNCLOS
[15]Điều 78,79,80,81 UNCLOS.
[16]Điều 15 Luật biển Việt Nam năm 2012.
[17]Điều 16 Luật Biển Việt Nam năm 2012.
[18]Điều 17 Luật Biển Việt Nam năm 2012
[19]Điều 18 Luật Biển Việt Nam năm 2012.
[21]Xem nội dung Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á ngày 24/2/1976 (Treaty of Amity and Cooperation inSoutheast Asia Indonesia, 24 February 1976) tại địa chỉwebsite: http://www.asean.org/news/item/treaty-of-amity-and-cooperation-in-southeast-asia-indonesia-24-february- 1976-3
[22]Điểm 1 của DOC.
[23]Điểm 2 của DOC.
[24]Điểm 3 của DOC
[25]Điểm 4 của DOC
[26]Điểm 5 của DOC
[27]Điểm 6 của DOC.
[28]Điểm 7 của DOC
[29]Điểm 8 của DOC
[30]Điểm 10 của DOC
[31]. Theo thống kê, hơn 90% lượng vận tải thương mại của thếgiới thực hiện bằng đường biển và 45% trong sốđó phải đi qua Biển Đông. Khoảng 80% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc, 60% của Nhật Bản và 66% của Hàn Quốc cũng đi qua vùng biển này.
[32]Việt Nam đã chủđộng liên hệ, kêu gọi, đềxuất với Trung Quốc giải quyết tình hình hiện nay hơn 30 lần kểcảsửdụng diễn đàn ASEAN, ARF, Liên Hợp quốc nhưngTrung Quốc vẫn không thiện chí giải quyết.
[33]Trích bài trảlời phỏng vấn của Thủtướng Chính phủnước CHXHCN Việt Nam với hãng tin Bloomberg ngày 30/5/2014.
[34]Tòa trọng tài thường trực La Haye (PCA) được thành lập vào năm 1899, trên cơsởCông ước La Haye 1899 (còn được gọi là Công ước La Haye I) vềgiải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế. Với tưcách là một thiết chếquốc tếgiúp các quốc gia có thểgiải quyết các tranh chấp quốc tếbằng biện pháp hòa bình, tòa trọng tài thường trực La Haye có trụsởchính tại Cung điện Hòa Bình, thành phốLa Haye của Hà Lan, bắt đầu đi vào hoạt động từnăm 1902.  Từkhi thành lập cho đến nay, PCA đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tếcũng nhưgóp phần quan trọng vào sựphát triển của pháp luật quốc tế. Hiện nay Tòa có 115 quốc gia và vùng lãnh thổlà thành viên, PCA đã tham gia giải quyết nhiều vụviệc tranh chấp liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau của các quốc gia thành viên. Việt Nam đã là thành viên của Tòa trọng tài thường trực La Haye (Việt Nam chính thức tham gia Công ước La Haye 1899 từ29/12/2011 và Công ước La Haye 1907 từ27/02/2012). Với việc ký kết Hiệp định nước chủnhà với PCA ngày 23/6 vừa qua, Việt Nam đã chính thức công nhận Tòa trọng tài thường trực có tưcách pháp lý cần thiết đểtiến hành các hoạt động giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tếthông qua trọng tài, trung gian, hòa giải và ủy ban điều tra. PCA sẽcó tưcách pháp lý đểcung cấp các hỗtrợthích hợp khác liên quan đến hoạt động giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tếdo Tòa trọng tài thường trực tiến hành tại Việt Nam, cũng nhưtiến hành các hoạt động hợp tác với Việt Nam.
[35]Theo quan điểm của tác giả, thời điểm này Việt Nam chưa nên đưa tranh quần đảo Trường Sa ra giải quyết tại ICJ và PCA vì liên quan đến nhiều bên, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Philipines, Malaysia, Brunei, Đài Loan, tình hình sẽphức tạp thêm.
[36]Có 3 phương thức đểcác quốc gia trao quyền giải quyết tranh chấp cho ICJ và PCA đó là phương thức chấp nhận trước và phương thức chấp nhận sau: Phương thức chấp trước được thực hiện bằng cách (1) Các quốc gia ký kết các điều ước quốc tếtrao quyền giải quyết cho ICJ và PCA trước khi tranh chấp phát sinh hoặc (2) Các quốc gia tuyên bốđơn phương chấp nhận thẩm quyền giải quyết tranh chấp của ICJ và PCA trước khi tranh chấp phát sinh. Phương thức chấp nhận sau được thực hiện bằng cách, (1) khi tranh chấp phát sinh các bên tranh chấp thỏa thuận đồng thỉnh cầu ICJ và PCA giải quyết hoặc (2) khi tranh chấp phát sinh một bên tranh chấp khởi kiện bên kia ra ICJ hoặc PCA và bên tranh chấp kia tuyên bốchấp nhận.
[37]Giới hạn và ngoại lệđối với áp dụng được quy định cụthểtại Điều 297 và Điều 298.
[38]Khoản 1 Điều 287 UNCLOS.
[39]Khoản 3 Điều 287 của UNCLOS.
[40]Trong 4 cơquan tài phán được qui định tại Điều 287, thì ICJ và ITCLOS không thểcó thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc nếu Việt Nam khởi kiện nhưng Trung Quốc không chấp nhận. Vì hai cơquan tài phán này chỉcó thẩm quyền giải quyết tranh chấp khi được các bên tranh chấp đồng thuận yêu cầu. Còn Tòa trọng trọng tài đặc biệt, theo Phụlục VIII của UNCLOS chỉcó chức năng điu tra xác lp các sựkiện từnguồn gốc vụtranh chấp liên quan đến đánh bắt hải sản, bảo vệvà gìn giữmôi trường biển, nghiên cứu khoa học biển và hàng hải kểcảnạn ô nhiễm do các tàu thuyền hay do nhận chìmchứkhông thực sựlà một cơquan giải quyết tranh chấp. Bởi lẽ, nếu tất cảcác bên trong vụtranh chấp yêu cầu thì Toà trọng tài đặc biệt có thểthảo ra các khuyến nghị; những khuyến nghịnày không có giá trịquyết định mà chỉlà cơsởđểcác bên tiến hành xem xét lại những vấn đềlàm phát sinh ra tranh chấp mà thôi.
[41]Phân định lãnh hải, đặc quyền kinh tếvà thềm lục địa.
[42]Điều 298, khoản 1, điểm b của UNCLOS.
[43]Điều 298, khoản 1, điểm c của UNCLOS.
[44]Xem toàn văn Tuyên bốcủa Trung Quốc ngày 25/8/2006 tại địa chỉwebsite: http://www.un.org/ Depts/ los/convention_agreements/convention_declarations.htm#China Upon ratification. Theo đó, Trung Quốc tuyên bốrằng, “Chính phnước Cng hòa nhân dân Trung Hoa không chp nhn bt kỳ thtc quy đnh ti Mc 2 Phn XV caUNCLOSđi vi tt ccác loi tranh chp quy đnh ti khon 1 (a) (b) và (c) vi Điu 298 ca UNCLOS.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét