Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

Ngã ngửa khi nhận lãi tiết kiệm

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20141108/nga-ngua-khi-nhan-lai-tiet-kiem/668982.html
08/11/2014 09:34 GMT+7
TT – Liên quan đến câu chuyện “tiền tiết kiệm bốc hơi sau 30 năm”, ngày 7-11 Tuổi Trẻ tiếp tục nhận được nhiều chia sẻ của bạn đọc cũng đang giữ những sổ tiết kiệm gửi những năm 1980.

Ông Quãng Văn Hai (Bình Thạnh, TP.HCM) gửi tiết kiệm 1.800 đồng tháng 11-1975, đến năm 2000 số tiền nhận lại là 23.562 đồng. Trong ảnh: thông báo mời lãnh tiền tiết kiệm của NH Công thương VN chi nhánh 3 gửi cho ông Hai – Ảnh: Hữu Khoa

Do đồng tiền mất giá, người gửi tiết kiệm lại không đến điều chỉnh một thời gian dài dẫn đến giá trị cuốn sổ tiết kiệm giảm dần theo thời gian
Ông Đinh Thế Hiển (chuyên gia tài chính)

Phần lớn đều cho biết họ khá băn khoăn về cách tính lãi của ngân hàng (NH).
Kể câu chuyện của cha mình là ông Quãng Văn Hai, anh Quãng Hùng Minh (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho hay năm 2001, sau khi “gõ cửa” nhiều nơi, gia đình ông được hướng dẫn đến NH Công thương VN (VietinBank) chi nhánh 3, TP.HCM sẽ là đơn vị chi trả cho khoản tiết kiệm có số dư gửi là 1.800 đồng vào ngày 8-11-1975 do ba anh Minh đứng tên.
Trong thông báo mời đến lãnh tiền tiết kiệm, VietinBank chi nhánh 3 cho biết số dư tài khoản tiết kiệm của ba anh Minh tới ngày 31-12-2000 là 23.562 đồng. Đây là số tiền được tính dựa trên lãi qua từng thời kỳ đổi tiền và lãi suất thay đổi theo thời kỳ.
“Nhận giấy mời lãnh tiền mà nhà tôi ngã ngửa. Tiền lời không đủ tiền xe lên NH lãnh tiền nên ba tôi cũng bỏ luôn. Đến giờ tôi vẫn giữ tờ giấy báo làm kỷ niệm” – anh Minh nói.
Cảm thông câu chuyện của bà Bích Thủy, bạn đọc Khang Minh cũng cho biết trong gia đình có hai cuốn sổ tiết kiệm gửi trong giai đoạn từ năm 1979-1985 nên rất hiểu rõ giá trị số tiền lúc đó.
“Có một chuyện rất vui là cuối năm 1980 tôi trúng thưởng… 1 đồng. Cả tổ tôi 15 người hò reo như vỡ chợ. Số tiền ấy đủ bao chè cho mọi người. Rồi cũng như cô Thủy, mấy mươi năm sau, tôi cầm hai sổ tiết kiệm đến nơi tôi đã gửi tiền, cô thu ngân cũng chỉ nhìn cười… buồn”.
Theo chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển, trước đây phần lớn người dân đi gửi tiền tiết kiệm hay mua các dạng công trái… trong tinh thần đóng góp xây dựng đất nước nên ít ai để ý đến lãi thế nào.
Về nguyên tắc, những sổ tiết kiệm này dù bao năm đi nữa trách nhiệm của NH phải lưu trữ, xác minh hồ sơ, chứng từ để luôn bảo đảm chi trả cho người dân, dù người dân quên 20-30 năm thì vẫn phải cộng dồn lãi suất và tính toán đúng.
Thực tế, do đồng tiền mất giá, người gửi tiết kiệm lại không đến điều chỉnh một thời gian dài dẫn đến giá trị cuốn sổ tiết kiệm giảm dần theo thời gian.
Giám đốc một NH thương mại cũng nhìn nhận nhiều người gửi tiền tiết kiệm trong giai đoạn những năm trước do biến động lịch sử nên cùng với thời gian số tiền bị trượt giá đi đáng kể. Vấn đề là cách chi trả thế nào để người gửi tiền cảm thấy được chia sẻ.
Bạn đọc Khanhnd8… cho biết: “Tôi còn nhớ một NH của Pháp có văn phòng ở phố Tràng Thi, Hà Nội có chi trả tiền tiết kiệm cho một khách hàng VN gửi tiết kiệm từ năm 1953 cách đây vài năm. Số tiền chi trả được tính theo giá lạm phát hằng năm cộng lãi suất của kỳ hạn tương ứng kỳ hạn gửi của khách hằng hằng năm nên sau hơn 50 năm, giá trị của sổ tiết kiệm đó không hề giảm sút”.
Hiện nay, huy động tiền gửi thông qua kênh tiết kiệm là một trong những nghiệp vụ quan trọng của NH, đây cũng là nguồn vốn huy động có vai trò đối với nền kinh tế.
Ông Đinh Thế Hiển cho rằng cùng với đó, sự phát triển thị trường tài chính, mỗi sản phẩm dịch vụ đều có quy định rõ, nên dù người gửi tiền có quên 5 năm hay 10 năm đi nữa thì cũng được đảm bảo lợi ích.
Đại diện HDBank cho biết trong huy động tiền gửi tiết kiệm từ dân cư, NH có rất nhiều sản phẩm tiết kiệm và linh hoạt trong phương thức trả lãi như trả lãi cuối kỳ, trả lãi trước, trả lãi hằng tháng, hằng quý, hằng năm…
Đối với các khoản tiền gửi thông thường, NH sẽ tự động gia hạn thẻ tiết kiệm thêm một kỳ hạn mới theo lãi suất hiện hành tại thời điểm gia hạn nếu khách hàng không có đề nghị gì khác.
Trong suốt thời gian gửi tiết kiệm, nếu NH có thay đổi các quy định, điều khoản liên quan đến khoản tiền gửi tiết kiệm của khách hàng, NH sẽ gửi thông báo cho khách hàng qua nhiều hình thức như thông tin trên website, gửi tin nhắn, gửi thư qua đường bưu điện…
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng hiện người dân gửi tiền tiết kiệm vào các NH với mục đích chủ yếu là tiết kiệm và sinh lời, lãi suất tiền gửi NH cũng đã được điều chỉnh theo lạm phát, ngày càng sát với biến động thị trường.
“Người tiêu dùng có thể phàn nàn lãi suất thấp nhưng nếu so với lạm phát thì tiền gửi của họ cũng được bảo đảm có lời. Các định chế tài chính thị trường VN đang dần hoàn thiện và NH cạnh tranh nhiều hơn nên trường hợp như bà Thủy sẽ khó xảy ra” – ông Đinh Thế Hiển nhận xét.
Khi nào ngân hàng đóng tài khoản?
Theo các NH, về nguyên tắc, tất cả khoản tiền gửi có giá trị của khách, NH đều duy trì chứ không thể tự tất toán.
Thông thường lãi suất của tài khoản tiết kiệm cao hơn lãi suất của tài khoản gửi thanh toán và người chủ tài khoản không được hưởng dịch vụ thanh toán qua NH như tài khoản tiền gửi thanh toán.
Theo ông Nguyễn Thanh Toại – phó tổng giám đốc NH ACB, những tài khoản tiền gửi thanh toán trong thời gian nhất định theo quy định của NH nếu không có giao dịch sẽ bị đóng và được xem là tài khoản “ngủ”.
Chẳng hạn ở ACB, những tài khoản tiền gửi trong sáu tháng liên tục mà không phát sinh giao dịch, hệ thống sẽ chuyển qua tình trạng “tạm ngừng hoạt động” (inactive).
Tình trạng này kéo dài trên 12 tháng thì hệ thống quản lý sẽ chuyển tài khoản sang chế độ “ngủ” (dormir), tách riêng để dễ kiểm soát, tránh tài khoản bị lạm dụng.
Khi yên vị với chế độ “ngủ”, các tài khoản này sẽ không phát sinh lãi hay bị trừ chi phí gì vì theo quy định của NH, tài khoản phải luôn duy trì mức tối thiểu không dưới 100.000 đồng.
*********************************
  • Duy 13:39 08/11/2014
    Giã dụ trường hợp 1 người hay tổ chức nào đó vay vốn ngân hàng hơn 30 năm số tiền tương đương với 10 cây (lượng) vàng. Sau đó 30 năm sau ngân hàng vô tình tìm lại được người hay tổ chức đó và đòi nợ, thì số nợ đó sẽ được tính như các trường hợp báo chí đăng tải mấy ngày qua hay là tính theo giá vàng và giá trị của dòng tiền bây giờ…?
    Tôi nhận thấy 1 điều, tiền của mình (NH) nợ người khác (người dân) thì không nhớ thậm chí không thèm nhớ (hay tính toán) còn người khác (người dân) nợ mình (NH) thì tính từng đồng từng ngày. Tôi nói vậy có nói quá cho các vị NH không?
  • Vũ Bảo 09:41 08/11/2014
    Tôi hay đọc báo, xem phim thì thấy có nhiều trường hợp như thế này ở nước ngoài nhưng kết quả khác hoàn toàn. Ví dụ hồi xưa ông nội gửi 100 $dollar vào ngân hàng, 100 năm sau con cháu ra lãnh được 1 triệu $dollar, đó là 1 số tiền khổng lồ chứ đâu có tréo ngoe như ở VN mình.
  • Ngọc Trung 09:40 08/11/2014
    Hóa ra “Để lâu cứt trâu hóa bùn” là đây!
  • Lâm Mạnh 11:05 08/11/2014
    Đây là vấn đề niềm tin vào nhà nước chứ không đơn thuần là lãi nữa.
  • trần văn tài 10:50 08/11/2014
    Do đồng tiền mất giá, người gửi tiết kiệm lại không đến điều chỉnh một thời gian dài dẫn đến giá trị cuốn sổ tiết kiệm giảm dần theo thời gian.
    Ông Đinh Thế Hiển là chuyên gia tài chính mà sao lại nói thế? Cho dù người ta có đến hay không thì trách nhiệm của ngân hàng phải đảm bảo giá trị tài sản cho người ta chứ.
  • hieu 10:28 08/11/2014
    Nói ra thì ngân hàng lại nói do người dân không đến điều chỉnh lại vậy thử hỏi NH sao không gửi giấy báo đến nhà cho dân đi chứ tự nhiên kêu dân đi thì sao dân biết đúng là không hiểu được nhà nước VN thế nào nữa
  • Kimmai 14:13 08/11/2014
    Tiền gửi tiết kiệm tháng 11 năm 1975 là tiền thời điểm Nhà nước đổi tiền, mỗi nhà chỉ đổi được có 200 đồng, số còn dư Nhà nước bắt buộc gửi lại Ngân hàng khi nào có việc quan trọng như tang ma hay bệnh nặng mới được rút tiền với điều kiện là phải làm đơn xin Uỷ Ban Nhân Dân Phường xác nhận rồi lên Quận xác nhận lần nữa thì mới rút được và số tiền rút cũng bị khống chế là 50 đồng. Chính vì thế nhiều người không rút được sau đó mất đi và con cháu cũng không biết. Tôi đã sống qua thời đó nên mới biết xin nói lại cho quý vị biết!
  • Pham Nguyen 09:48 08/11/2014
    Một vấn đề hay, mong báo Tuổi Trẻ tiếp tục lên tiếng để gửi dân yên tâm hơn khi gửi tiền tiết kiệm vào nhà nước! Gửi tiết kiệm vào ngân hang nhà nước, vừa là kiến thiết đất nước nhưng cũng vừa là gửi gắm niềm tin của mình!
  • anhsaumientay 13:37 08/11/2014
    Có kế này gửi cho ngân hàng Nhà nước như sau: Để giữ uy tín cho ngân hàng và Nhà nước, các loại hình huy động vốn từ năm 1975 đến nay nên quy đổi thành vàng tại thời điểm gửi và tính lãi cho người dân. Làm như vậy người dân mới tin vào chính phủ mà an tâm gửi tiền. Nhất cử lưỡng tiện.
  • Hoàng Anh 13:37 08/11/2014
    Thế này thì bảo sao người dân đổ xô đi tích vàng với đô.

  • Minh Phương 11:55 08/11/2014
    Chính vì cách tính lãi suất tiết kiệm qua các lần đổi tiền và đồng tiền bị mất giá như cách làm của hệ thống ngân hàng nên tôi dư gần chục tỷ VND, nhưng tôi không ngu dại gì để gửi tiết kiệm vào các ngân hàng mà mua vàng và ngoại tệ mạnh để dự trữ hoặc gửi ngân hàng nước ngoài.
    Thời bao cấp có chuyện vui nhưng mà có thật. Một ông người dân tộc thiểu số gửi tiền tiết kiệm để xây dựng đất nước theo lời kêu gọi của chính phủ. Số tiền ông gửi đủ mua một con trâu. 5 năm sau ông đến ngân hàng thanh toán để sửa nhà. Sau một hồi tính toán, cán bộ ngân hàng trả cho ông cả tiền gốc và tiền lãi chỉ đủ mua một con gà. Ông cười buồn và nói, ngân hàng lừa mình, chơi không đẹp, ngân hàng nhận của mình con trâu, nhưng sau 5 năm chỉ trả cho mình một con gà.
  • trần văn tài 10:54 08/11/2014
    “Theo ông Nguyễn Thanh Toại – phó tổng giám đốc NH ACB, những tài khoản tiền gửi thanh toán trong thời gian nhất định theo quy định của NH nếu không có giao dịch sẽ bị đóng và được xem là tài khoản “ngủ”. Chẳng hạn ở ACB, những tài khoản tiền gửi trong sáu tháng liên tục mà không phát sinh giao dịch, hệ thống sẽ chuyển qua tình trạng “tạm ngừng hoạt động” (inactive). Tình trạng này kéo dài trên 12 tháng thì hệ thống quản lý sẽ chuyển tài khoản sang chế độ “ngủ” (dormir), tách riêng để dễ kiểm soát, tránh tài khoản bị lạm dụng. Khi yên vị với chế độ “ngủ”, các tài khoản này sẽ không phát sinh lãi hay bị trừ chi phí gì vì theo quy định của NH, tài khoản phải luôn duy trì mức tối thiểu không dưới 100.000 đồng.”
    Theo như trên thì đây là hình thức ăn cắp tiền của người gởi. Đồng tiền ở trong ngân hàng là tiền đẻ ra tiền. Làm gì có chuyện tiền nằm ngủ.
  • Tuấn Anh 11:59 08/11/2014
    Hóa ra lâu nay, ngân hàng ở Việt Nam chỉ nhìn mặt con số thay vì giá trị đồng tiền theo thời kỳ? 1 đồng thời 70~80 có giá trị khá lớn, nên tôi nhớ không nhầm thì 1 lượng vàng khi ấy có giá trị 5.000 đồng, so với 35 triệu đồng như bây giờ. Vậy 23.562 đồng nếu theo tỉ giá thời thập niên 70~80 thì cũng phải vài trăm triệu nếu quy đổi ra hiện tại. Tại sao không linh động quy đổi giá trị thời đó sang thời nay mà vẫn chỉ giữ con số vô hồn chỉ vì người dân không tới điều chỉnh? Chưa kể chưa chắc gì thông tin điều chỉnh ở ngân hàng đã được thông báo rộng rãi tới người dân nên chẳng có mấy ai biết tới mà điều chỉnh. Đây rõ là thói quan liêu, làm ăn ì ạch.
  • Hoàng Trung Hiếu 12:48 08/11/2014
    Nói như ngân hàng trả lời tôi cho là chưa đúng bởi, nếu trách người gửi không ra ngân hàng làm những thủ tục nhì nhằng gì ấy thì tại sao, ngân hàng không có trách nhiệm liên hệ với chủ tài khoản, tôi đã từng xem một bộ phim Trung Quốc, nội dung tương tự cũng qua các thời kỳ chế độ, nhưng ngân hàng đó vẫn hoạt động chỉ đổi tên hoặc hình thức thì ngân hàng vẫn phải có trách nhiệm đối với tài khoản đó, vì ngân hàng sử dụng tiền của người gửi để hoạt động, sau khi sang thời đại mới nhân vật trong phim có một số tiền của một triệu phú, vì cách tính của ngân hàng là lãi mẹ đẻ lãi con, lãi cộng vào gốc và lại đẻ lãi. Xin nói thêm Trung Quốc cũng là nước xã hội chủ nghĩa về cơ bản chế độ xã hội như nước ta. Thống đốc ngân hàng nên can thiệp vấn đề này để lấy lại lòng tin cho người dân hiện này đã trót có tiền tỉ gửi ngân hàng quốc doanh.
  • kim thanh 13:14 08/11/2014
    Ha ha, ông bà ta có câu: “Tiền trong túi của mình, chưa chắc là của mình” huống chi có tiền mà giao cho người khác giữ! Tui học ở ông bà, nên năm 1980 tui chắt mót mua được 2 chỉ vàng 24k, nay nó vẫn là 24k. Còn bạn của tui lúc đó gửi NH với số tiền tương đương với 2 chỉ vàng, nó quên đi, nay vô tình tìm lại được sổ tiết kiệm định đi rút cả vốn và lãi, tính ra lỗ tiền xăng! Lúc này nó mới công nhận ông bà nói đúng?
  • LUONG HOANG PHONG 14:31 08/11/2014
    Điều này cần xem lại. Trước đây, đã có lần tôi nhớ trên báo có đăng trường hợp một vài người dân có vay tiền và đã trả nợ nhưng còn thiếu 1 hoặc 2 nghìn đồng gì đấy, không phải do người dân không trả mà là quá nhỏ so với số tiền đã trả nhưng Ngân hàng vẫn không tất toán khoản vay. Sau vài năm, ngân hàng lại phát thông báo thu nợ với số nợ lên đến vài trăm triệu. Cách tính này là thế nào? Có nghiên cứu áp dụng cách tính trên với trường hợp người dân gửi tiền vào Ngân hàng không?
  • Nguyễn cao sơn 13:18 08/11/2014
    Tiền cách đây 30 năm có giá trị khác với ngày nay, vì sao những người từng kêu gọi nhân dân gửi tiền tiết kiệm lại có thể xem nó ngang giá nhau được? Ngày trước 5.000 đổ xăng đầy bình, còn hôm nay phải 50.000 mới đầy bình. Ngày trước 5.000 ăn no nê còn ngày nay 5.000 1 ly trà đá thì phải thấy rõ ràng là tiền ngày trước có giá thế nào, không thể đẩy người dân gánh nặng trượt giá đó mà phải quy giá rõ ràng. Ngày xưa làm gì có vài triệu, vài trăm triệu hay vài tỷ để mà gửi ngân hàng? Phải trả công bằng cho họ.
  • nguyen tan 14:19 08/11/2014
    Tôi rất thú vị với câu hỏi của bạn Duy .Tôi đang giữ 2 sổ tiết kiệm của bà và mẹ tôi từ 1980 đến giờ nhưng thấy ngân hàng nhà nước tính lãi < hay quá > nên không muốn đi lấy. Đúng là có quá nhiều chuyện hài cười ra nước mắt.
  • Huỳnh Văn Hiệp 15:30 08/11/2014
    1800VNđ tháng 11/1975 lớn lắm: gạo 4 hào/kg, vàng khoảng 90 VN đồng/chỉ. nhất là tiền gửi tiết kiệm do sự vận động của nhà nước nữa.
  • minhhoang 15:30 08/11/2014
    1800 đồng năm 1975, sau 40 năm đổi được 1 lít xăng =))

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét