Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

HỢP TÁC BIÊN GIỚI GIỮA TRUNG QUỐC VÀ VIỆT NAM TRONG THẬP NIÊN 1990

Basam

Asian Survey, Vol. 40, No. 6 (Nov. – Dec., 2000), 1042-1058
Tác giả: Cổ Tiểu Tùng (Gu Xiaosong) và Brantly Womack
Người dịch: Huỳnh Phan
15-12-2014
Mùa xuân năm 1989, hàng ngàn người Việt Nam sống ở khu vực biên giới phía bắc lội bộ qua sông Bắc Luân để sang Trung Quốc. Làn sóng người đến mang theo các thứ hàng hoá như gạo, đồng miếng, sắt phế liệu, và những thứ tương tự mà họ buôn bán trên các đường phố nơi họ đến, thị trấn biên giới Đông Hưng thuộc tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc. Những thương buôn này ngay sau đó đã được nối bước bởi hàng ngàn người Việt chọn cách ăn Tết trên đường đi bằng việc mua sắm đủ loại hàng tiêu dùng ở Đông Hưng. Những người Việt ở Đông Hưng không lẻ loi, nhiều đồng bào của họ cũng đã dùng dịp nghỉ lễ để thực hiện các chuyến đi tương tự qua biên giới sang Quảng Tây.


Những diễn tiến mùa xuân này tiêu biểu cho xu hướng chung trong việc nối lại các hoạt động kinh tế và giao thương dọc theo biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam đã từ từ mở ra vào cuối năm 1988 và đầu năm 1989. Các hoạt động này đã tạm dừng 10 năm trước, một thiệt hại do cuộc chiến Trung¬Việt gây ra. Thập niên 1990 chứng kiến việc mở rộng liên lạc và hợp tác dọc theo biên giới mà đỉnh điểm là ngày 30 tháng 12 năm 1999 khi hai ngoại trưởng của Trung Quốc và Việt Nam ký kết hiệp ước phân định biên giới đất liền giữa hai nước. Đây là một bước đi mang tính biểu tượng quan trọng nói lên nỗ lực của cả hai bên trong việc đặt bình thường hoá quan hệ trên một nền tảng ổn định lâu dài và kết quả logic của một thập niên đánh dấu bởi các quan hệ thân mật ở các khu vực biên giới.
Mục đích của bài viết này là mô tả quá trình bình thường hóa ở biên giới trong thập niên 1990. Trước nhất nó nêu sơ qua địa lý đại cương khu vực biên giới và sau đó điểm lại tiến trình bình thường hóa quan hệ Trung – Việt. Phần thứ ba trình bày chi tiết lịch sử chính sách quan hệ biên giới liên quan đến hợp tác kinh tế và phát triển, còn phần thứ tư bình luận về những hệ quả chuyển đổi cho nền kinh tế biên giới. Hai phần cuối cùng sẽ bàn luận các vấn đề về quan hệ biên giới và triển vọng cho tương lai.

Địa lý đại cương khu vực biên giới Trung-Việt

“Việt Nam, Trung Hoa – núi (sơn) liền núi, sông (thuỷ/nước) liền sông” – như một câu nói nổi tiếng ở cả Trung Quốc và Việt Nam nêu lên, vì đó là những đặc điểm tiêu biểu cho địa hình biên giới giữa hai nước. Biên giới giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc thuộc vùng đồi núi, trong khi biên giới giữa tỉnh Quảng Tây và Việt Nam gồm cả đồi núi lẫn sông nước – dòng sông Bắc Luân. Cuối cùng, nước, cụ thể là vùng biển trong vịnh Bắc Bộ, nằm giữa tỉnh Hải Nam và nước láng giềng Đông Nam của Trung Quốc. Bài viết này sẽ chú tâm vào biên giới đất liền; do đó, khi thảo luận về hợp tác kinh tế dọc theo biên giới, “phía Trung Quốc” của quan hệ này được hiểu là Quảng Tây và Vân Nam. Biên giới đất liền Trung – Việt trải dài 2 363 km. Vì hầu hết đoạn biên giới dài 1 343 km với Vân Nam thuộc miền núi và giao thông quốc gia qua Quảng Tây thường thuận tiện hơn nên 80% giao thương biên giới diễn ra trên đoạn biên giới dài hơn 1 020 km của Việt Nam với tỉnh này.
Dân số chung của cả hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam là 88 triệu, gần bằng với dân số Việt Nam. Diện tích của hai tỉnh này gộp lại khoảng 610 000 km², với Quảng Tây chiếm khoảng 230 000 km² và Vân Nam 380 000 km². Tổng sản phẩm trong nước (GDP) gộp chung khoảng 365,900 tỉ nhân dân tệ trong năm 1997 – chiếm gần 5% GDP của Trung Quốc – với 201,5 tỉ nhân dân tệ ($ 536 cho mỗi đầu người) là từ Quảng Tây và 164,4 tỉ nhân dân tệ ($ 502 cho mỗi đầu người) từ tỉnh láng giềng. Bên phía Việt Nam của biên giới gồm 6 trong số 61 tỉnh thành của Việt Nam. Tổng dân số 6 tỉnh này gần 4 triệu người vào năm 1999, chiếm 5,2% dân số Việt Nam. Diện tích tổng cộng khoảng 55 584 km² chiếm 16,8% diện tích đất đai cả nước. Năm 1996 GDP các tỉnh này là 7 920 tỉ đồng (khoảng $ 720 triệu) tạo thành 2,9% của GDP quốc gia.
Theo phân loại chính thức của Trung Quốc, dọc biên giới Trung – Việt có 15 cửa khẩu được quy định là cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh. Bốn trong số 5 cửa khẩu cấp quốc gia nằm trên địa phận tỉnh Quảng Tây. Đó là Đông Hưng (Dongxing) , phía Việt Nam là Móng Cái; Bằng Tường (Pingxiang), tương ứng với Đồng Đăng; Hữu Nghị Quan (Youyiguan), tương ứng với cửa khẩu Hữu Nghị; và Thuỷ Khẩu (Shuikou), sánh đôi với Tà Lùng. Cửa khẩu cấp quốc gia duy nhất của Vân Nam là Hà Khẩu (Hekou), nằm trên sông Hồng, dọc theo tuyến đường sắt Côn Minh-Hải Phòng; cửa khẩu đối diện của Việt Nam là Lào Cai. Một tỉ lệ ưu thế tương tự cho các cửa khẩu cấp tỉnh – 8 trên 10 là ở Quảng Tây.
Hầu hết các tuyến nối kết giao thông từng tồn tại xuyên qua biên giới đã được khôi phục và cải thiện trong thập niên 1990. Có hai tuyến đường sắt nối kết. Tuyến nối chính, tuyến đường sắt Nam Ninh-Hà Nội, dài 418 km. Đoạn qua biên giới giữa Lạng Sơn và Bằng Tường được hoàn thành vào tháng 6 năm 1993 và mở cửa hai năm sau đó. Tuyến nối thứ hai được hình thành bởi tuyến đường sắt Vân Nam-Việt Nam. Được người Pháp hoàn thành vào năm 1910, nó trải dài từ Hải Phòng đến HàNội sang Côn Minh. Dù đã được hiện đại hóa phần nào phía Trung Quốc, nó vẫn là một tuyến đường nói chung không bằng phẳng, với khổ đường rầy hẹp đôi khi bỏ qua khi di chuyển từ đường hầm tới cầu. Liên quan đến thảo luận ở đây là đoạn Côn Minh-Hà Nội của tuyến đường sắt này, dài 761 km. Việc nối kết đường sắt đã được mở lại cho giao thông quốc tế hồi tháng 4 năm 1997, sau 12 năm hai bên thù địch và thêm 6 năm đàm phán. Tuy nhiên, số lượng hàng hóa có thể vận chuyển trên tuyến đường này thấp và kết quả là tuyến nối kết này trở nên tương đối ít được sử dụng.
Về đường bộ, có 10 tuyến nối kết Trung Quốc và Việt Nam. Hai trong số này tạo tiện lợi sử dụng cho các tuyến đường chính trên cả hai phía biên giới. Trong khi tuyến đường ngắn nhất và thuận tiện nhất giữa Nam Ninh và Hà Nội đi qua ngã Bằng Tường (419 km), việc nâng cấp tuyến đường đi từ Nam Ninh đến biên giới qua ngã Đông Hưng thành một tuyến đường thu phí với sáu làn xe hầu như trên toàn tuyến khiến cho hành trình đến Việt Nam nhanh chóng hơn. Các tuyến đường khác có thể được mô tả rộng lượng là có hai làn xe, trải đá, đường chính địa phương.
Vận tải đường sông trên sông Hồng không đáng kể, nhưng giao thông ven biển lại nhanh chóng và dày đặc. Vịnh Bắc Bộ là vùng biển tương đối được bảo vệ — phần nào biệt lập với vùng biển quốc tế và do đó yên tĩnh hơn. Có tàu du lịch cánh ngầm chạy giữa Phòng Thành (Fangcheng) và vịnh Hạ Long, và có vô số địa điểm mà tàu thuuyền ven biển có thể cập bến từ đảo Hải Nam chạy dài xuống tận đồng bằng sông Cửu Long.

Bình thường hóa quan hệ Trung-Việt

Như Christopher Roper vạch rõ, thập niên 1980 là giai đoạn đối đầu giữa hai nước.[i] Bước ngoặt lớn trong quan hệ Trung-Việt là cuộc họp thượng đỉnh bí mật ở Thành Đô tháng 9 năm 1990 (chính thức tiết lộ vào năm 1999) theo sau là việc bình thường hóa chính thức trong tháng 11 năm 1991. Tháng đó, theo lời mời của tổng bí thư Giang Trạch Dân và thủ tướng Lý Bằng của Trung Quốc,đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam, do tổng bí thư Đỗ Mười và chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt dẫn đầu, đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc qua đó hai nước đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi cả hai phát triển quan hệ láng giềng tốt và thân thiện.
Từ năm 1991, quan hệ song phương về chính trị và ngoại giao đã phát triển nhanh chóng. Hai nước đã vạch ra các chuyến viếng thăm cấp cao định kì mỗi năm, để cho các nhà lãnh đạo chóp bu có cơ hội thường xuyên thảo luận về cải cách, mở cửa cho nước ngoài, và phát triển kinh tế của cả hai nước. Năm 1998, 148 đoàn đại biểu từ cả hai bên đã có các chuyến thăm qua lại thảo luận về hợp tác. Năm đó cũng là cột mốc chính trong mối quan hệ song phương dưới hình thức chuyến thăm Trung Quốc của thủ tướng Phan Văn Khải và chuyến viếng Việt Nam của phó chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào. Những chuyến thăm này đã được tiếp nối bằng chuyến đi sớm hơn bình thường của tổng bí thư Lê Khả Phiêu đến Bắc Kinh, Tứ Xuyên, Quảng Đông vào tháng 2 và 3 năm 1999. Trong chuyến thăm này, Trung Quốc và Việt Nam khẳng định kế hoạch, công bố lần đầu vào tháng 7 năm 1997, chính thức hóa một thỏa thuận về biên giới đất liền vào năm 1999 và trên vịnh Bắc Bộ vào cuối năm 2000. Thỏa thuận này ban đầu được dự kiến sẽ đạt được trong chuyến thủ tướng Chu Dung Cơ đến Việt Nam vào đầu tháng 12 năm 1999, được ký kết ngày 30 tháng 12 (văn bản không được công bố).
Quan hệ kinh tế đã phát triển đều đặn. Kể từ khi bình thường hóa, hai nước đã ký kết hơn 20 văn kiện bao gồm các vấn đề hợp tác thương mại và kinh tế. Các thỏa thuận này đã bao quát một loạt các vấn đề, bao gồm cả các vấn đề kinh tế và thương mại; giao thông đường hàng không, đường biển, đường sắt; vấn đề văn hóa; các vấn đề an ninh công cộng; hải quan, thuế; và các chủ đề khác. Năm 1997, thương mại song phương tổng cộng $ 1,44 tỉ. Trung Quốc có 41 dự án đầu tư tại Việt Nam năm đó với giá trị hợp đồng là $ 102 triệu. Cả hai bên đều tìm cách nâng cao giá trị thương mại hai chiều lên $ 2 tỉ vào cuối thế kỷ đó, dù cuối cùng mục tiêu này đã không đạt được.

Chính sách về phát triển khu vực biên giới

Bình thường hoá đánh dấu một kỷ nguyên mới trong chính sách biên giới của cả Trung Quốc lẫn Việt Nam; cả hai không chỉ đơn giản là quay về các chính sách thời thập niên 1970. Mục tiêu chính sách biên giới ban đầu trong thập niên đó là tạo dễ dàng cho việc Trung Quốc yểm trợ nỗ lực chiến tranh của Việt Nam, không phải để phát triển kinh tế thương mại của mỗi bên. Nhưng trong giai đoạn thù địch nhau vào thập niên 1980, các khuôn khổ chính sách quốc gia của cả hai bên đều thay đổi đột biến.[ii] Chính sách cải cách mở cửa và dựa vào thị trường của Trung Quốc đã chuyển đổi ưu tiên và nội dung chính sách thương mại quốc tế trong thập niên đó. Ở Việt Nam, phát triển xuất khẩu đã được nâng lên thành một trong những việc mà chính phủ xem là ba nhiệm vụ lớn của đất nước trong năm 1986, mặc dù cấm vận còn tiếp tục trong thập niên 1990 làm hạn chế những tác động thực tế của sự thay đổi trong chính sách.[iii] Do vậy tới năm 1991 cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều đã sẵn sàng áp dụng quan tâm mới trong thương mại của mình cho các cơ hội trên biên giới do bình thường hoá tạo ra.
Nói một cách đại khái thời kỳ hậu-bình thường hóa phân thành hai giai đoạn phát triển chính sách của cả hai bên. Giai đoạn đầu, kéo dài từ 1991-92, chứng kiến sự hoà nhập của các khu vực biên giới vào các khuôn khổ chính sách thương mại quốc gia. Giai đoạn thứ hai, diễn ra vào năm 1996, giải quyết các vấn đề về quy định của thương mại và phát triển hơn nữa sự hợp tác. Giai đoạn chính sách đầu mở đầu với việc ký kết thỏa thuận tạm thời về các vấn đề quản lý biên giới trong năm 1991. Tiếp theo điều này, vào ngày 25 tháng 3 năm 1992 Việt Nam ban hành Chỉ thị số 94 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam “[V]ề việc tổ chức và quản lý thị trường vùng biên giới Việt – Trung trong tình hình mới.” Đối phó với các vấn đề như thương mại nhập khẩu và xuất khẩu, trao đổi hàng hoá giữa cư dân biên giới, bình ổn các tài khoản và tiền tệ và thị trường cho thương mại biên giới, mục tiêu của nó là để tăng cường quản lý thương mại biên giới. Quy định ban đầu này đã được mở rộng hai ngày sau đó với Chỉ thị số 98, “Mở các cửa khẩu trên tuyến biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam.”[iv]
Việc thực hiện của Trung Quốc mở đầu với Văn bản số 62 do Hội đồng Nhà nước(Quốc vụ viện) ban hành vào tháng 9 năm 1992. Văn bản này mở cửa năm thành phố và thị trấn ở khu vực biên giới — Nam Ninh, Côn Minh, Đông Hưng, Bằng Tường, và Hà Khẩu—và cho các khu vực này được hưởng các chính sách ưu đãi như đã được áp dụng cho các khu vực ven biển. Các chính sách này trao cho chính quyền địa phương quyền kiểm tra và phê chuẩn các dự án đầu tư; giảm miễn lệ phí; giảm miễn thuế; và cho vay để đầu tư vào tài sản cố định. Tháng 9 đó, Văn phòng Quốc vụ viện về các Đặc khu chấp thuận việc thành lập các khu kinh tế cho hợp tác biên giới tại Đông Hưng, Bằng Tường, và Hà Khẩu. Các chính sách điều tiết các khu này có nhiều ưu đãi hơn so với những quy định trong Văn bản số 62.
Sau khi có phát triển nhanh chóng của thương mại biên giới trong những năm đầu thập niên 1990, cả hai bên cảm thấy rằng cần có các quy định cụ thể hơn cũng như một khuôn khổ chính sách để giúp mở rộng hợp tác. Đối với Trung Quốc, các quy định mới đáp ứng một phần nhu cầu chung cho các chính sách biên giới cụ thể được tạo ra bởi một xu hướng đi lên trong thương mại biên giới dọc vùng ngoại vi của họ, từ Siberia đến Việt Nam. Năm 1996, Quốc vụ viện ban hành “Thông tư của Quốc vụ viện về một số vấn đề trong thương mại biên giới.” Nó bao gồm một số quy định về thương mại cho cư dân khu vực biên giới, buôn bán nhỏ, và hợp tác kinh tế với nước ngoài. Văn bản này đưa ra các định nghĩa và chính sách chi tiết hơn ở cấp quốc gia. Ngoài các chính sách cấp quốc gia này, chính quyền địa phương ở khu vực biên giới các tỉnh, huyện, quận cũng đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi riêng nhằm thúc đẩy sự phát triển các khu vực biên giới.
Ở Việt Nam, tác động của thương mại biên giới pha trộn hơn nhiều, như bài viết của Christopher Roper gợi ý. Hàng hóa Trung Quốc tràn ngập có xu hướng làm phá sản doanh nghiệp Việt Nam, dẫn đến nỗ lực không thành công cấm 17 loại hàng nhập của Trung Quốc trong 1992-93.[v] Dù có quan ngại này và thâm hụt thương mại tăng lên, Việt Nam vẫn sẵn sàng mở rộng hợp tác biên giới. Ngày 18 tháng 9 năm 1996, thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt đã ký và ban hành Quyết định số 675 “về việc áp dụng thí điểm một số chính sách [ưu đãi] tại khu vực cửa khẩu Móng Cái.” Việt Nam có kế hoạch để tạo Móng Cái thành một đặc khu kinh tế tương tự như đặc khu kinh tế Thẩm Quyến của Trung Quốc nằm cạnh Hong Kong. Các chính sách ưu đãi bao gồm giảm 50% giá thuê đất, miễn thuế bốn năm cho các doanh nghiệp mới, nới lỏng các hạn chế xuất nhập cảnh của người nước ngoài, và dành 50% doanh thu để tái đầu tư vào các khu vực địa phương. Các chính sách này nhằm đẩy mạnh đầu tư từ bên ngoài và thúc đẩy những nỗ lực chính trong phát triển giao thương và du lịch. Năm 1998, Lạng Sơn và Lào Cai đã được cho phép thực hiện các chính sách tương tự như Móng Cái.

Hợp tác và Phát triển kinh tế

Chính sách đã phải vật vả để theo kịp sự phát triển nhanh chóng và đa dạng của khu vực biên giới. Giao thương quy mô nhỏ vốn mở đầu quan hệ kinh tế đã sớm bị lu mờ bởi thương mại quy mô lớn, và tới lượt nó tạo ra một sự mất cân bằng thương mại thường xuyên làm hạn chế tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, quan hệ đã tiếp tục phát triển theo những hướng mới về du lịch, đầu tư và hợp đồng, khu hợp tác kinh tế, và cải thiện cơ sở hạ tầng.

Giao thương biên giới

Thực tế kinh tế đơn lẻ quan trọng nhất của quan hệ biên giới bình thường là thương mại. Nếu không có thương mại, khu vực biên giới phải chịu những bất lợi do việc nằm trên rìa của nền kinh tế quốc gia khép kín. Với thương mại, vị trí trở thành một lợi thế và các khu vực biên giới trở thành nơi thuận tiện nhất để mua và bán hàng hóa với nước láng giềng.
Về các dạng thức giao thương qua biên giới Trung-Việt từ khi bình thường hóa, xu hướng đầu tiên được ghi nhận là thương mại quy mô nhỏ, tức là, thương mại giới hạn ở các khu vực biên giới, đã bị thương mại quy mô lớn chiếm chỗ, tức là, thương mại chính thức giữa hai nước mà hàng hoá được chuyển một phần theo các tuyến đường xuyên qua khu vực biên giới. Việc mở cửa biên giới đã dẫn đến một sự bứt phá một lần trong thương mại quy mô nhỏ vào năm 1992, nhưng nói chung quan hệ giao thương ngày càng được xác định bởi thương mại quy mô lớn. Buôn lậu, không được kể đến trong thống kê chính thức, được một số chuyên gia ước tính không chính thức là vượt quá khối lượng thương mại chính thức. Buôn lậu trên quy mô này có thể gần tương đương với thương mại quy mô lớn hơn so là trao đổi biên giới. Bất chấp điều đó, thương mại quy mô nhỏ vẫn tiếp tục phát triển và vẫn còn quan trọng đối với khu vực biên giới, đặc biệt là những vùng không nằm trên các tuyến đường thương mại quốc gia.
Trong các điều kiện cụ thể, tỉnh Quảng Tây đã chứng kiến giá trị của tổng thương mại với Việt Nam tăng nhanh chóng từ 450 triệu nhân dân tệ trong 1988 lên 2,6 tỉ nhân dân tệ trong năm 1992, một bước nhảy gần gấp sáu lần. Kể từ đó giao thương đã chựng lại; vào năm 1999, thương mại của tỉnh này với Việt Nam là 2 864 tỉ nhân dân tệ, chỉ tăng 10% trong hơn 7 năm. Tất cả các tỉnh đều chứng kiến giao thương quy mô nhỏ và quy mô lớn bị ảnh hưởng bởi đợt khởi đầu của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vốn gây khó khăn trên toàn bộ khu vực. Tổng thương mại của Trung Quốc với Việt Nam giảm 13% trong năm 1998, còn Quảng Tây và Vân Nam chứng kiến thương mại của họ với mọi đối tác sụt giảm 3% năm đó. Xuất khẩu sang nhiều khu vực Đông Nam Á đã giảm hơn một nửa.[vi]
Việt Nam bị mất cân bằng trong giao thương với Trung Quốc kể từ khi quan hệ thương mại mở lại. Sự mất cân bằng thương mại có xu hướng trở nên tự hạn chế. Cho đến năm 1998, thương mại tổng thể của Việt Nam với Trung Quốc được đánh dấu bằng sự tăng mạnh trong nhập khẩu và một sự tăng trưởng phẳng lặng hơn nhiều trong xuất khẩu. Điều này dẫn đến việc gia tăng thâm hụt trong cán cân thanh toán của Việt Nam với Trung Quốc. Thâm hụt, cùng với những đe dọa mà hàng nhập khẩu Trung Quốc đã gây ra cho sản xuất trong nước, thúc đẩy Việt Nam áp dụng cấm vận có tính bảo vệ để giảm thâm hụt thương mại trong năm 1992. Các biện pháp này không thể bền vững khi đối mặt với nhu cầu tiêu dùng và việc buôn lậu dễ dàng, và năm 1995 chứng kiến một bước nhảy vọt trong nhập khẩu. Tuy nhiên, sự mất cân bằng thô (gross) của thương mại tự nó là một giới hạn lớn cho sự phát triển thương mại, vì Việt Nam phải trả cho những gì họ mua và không kiếm được gần đủ từ những gì họ bán. Thương mại với Trung Quốc chỉ chiếm 10% tổng thương mại, nhưng Việt Nam cũng bị thâm hụt với các đối tác thương mại khác nữa.
Các tác động tổng thể của giao thương mất cân đối lên tăng trưởng thương mại có thể thấy ở hình 1 và 2. Hình 1 cho hình ảnh bi quan hơn bởi vì nó minh hoạ tỉ lệ tăng trưởng hàng năm. Biểu đồ này trông giống như việc dội ngược của một quả bóng tennis chết sắp đến điểm dừng. Tuy nhiên, cần lưu ý đỉnh của hình được xác định bởi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu gần 600% vào năm 1992, nếu Việt Nam duy trì tỉ lệ tăng trưởng xuất khẩu thì xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc vào năm 1999 sẽ đạt đến $ 45 ngàn tỉ! Năm 1995, tốc độ tăng trưởng gần 100% là rất lưu ý và sẽ không bị lu mờ bởi những năm đầu. Tuy nhiên, thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam rõ ràng là không có khả năng chuyển biến với sự gia tăng tỉ lệ lớn trong tương lai gần.
Hinh 1Hình 1 Giao thương với Trung Quốc của Việt Nam (% thay đổi hàng năm)
SOURCE: Đào Ngọc Chương, “Jinru 2000 Nian di Yue Zhong shanghuo guangxi” [quan hệ thương mại Việt Trung bước vào năm 2000]; và Nguyễn và Tăng, “Yue Zhong kuajing huoyi: Kunnan yu Youli tiaojian” [Trao đổi hàng hóa quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc: Khó khăn và thuận lợi] (các bài viết được trình bày tại Hội thảo nhân kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Trung-Việt, Nam Ninh , tháng 1 năm 2000).
Hinh 2
Hình 2 Giao thương của Việt Nam với Trung Quốc (Mức tăng hàng năm)
(Nguồn: nt.)
Hình 2 có phần lạc quan hơn bởi vì nó cho thấy độ tăng hàng năm, tức là, số lượng thật chứ không phải là tăng tỉ lệ phần trăm về khối lượng thương mại. Ở đây, sự gia tăng thương mại năm 1995 và 1997 được thể hiện lớn hơn so với sự gia tăng trong những năm đầu. Tuy nhiên, con số này cũng làm nổi bật sự to lớn của suy thoái thương mại năm 1998, chắc chắn là kết quả của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, dù gián tiếp. Cùng với nhau, hình 1 và 2 làm nổi bật các chiều kích bổ sung nhau về sự mất cân bằng thương mại ngày càng tăng. Một hình cho thấy sự chuyển đổi suy giảm trong thương mại, hình kia cho thấy khối lượng tăng lên nói chung của nó.

Du lịch

Với việc mở cửa các khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam và việc giao thương nở rộ giữa chúng, du lịch xuyên biên giới cũng đang cho thấy sự tăng trưởng đáng kể. Trong những năm 1980, gần như không có liên lạc xuyên biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam, ngoại trừ các chuyến đi thầm lén thường xuyên của cư dân biên giới. Với thập niên 1990, không những tình hình biên giới trở nên bình thường hơn mà sự thịnh vượng của Trung Quốc còn dẫn đến sự phát triển về du lịch. Du lịch ở Việt Nam đã trở nên không quá đắc đỏ đối với ngườiTrung Quốc và nhiều người đã chớp lấy cơ hội để tận mắt nhìn thấy đất nước này. Phần lớn trong số những người đến viếng Việt Nam là dân các thành phố biên giới Đông Hưng và Bằng Tường, với các điểm đến như Móng Cái, Lạng Sơn, Vịnh Hạ Long, Hà Nội, Hải Phòng, và thậm chí xa hơn về phía nam tận thành phố Hồ Chí Minh. Với gốc gác những du khách này, hiện tượng này được mô tả là “du lịch biên giới.”
Nhiều người Việt Nam đã hành động đối lại với các chuyến đi du lịch sang Trung Quốc với điểm nhập cảnh là tỉnh Quảng Tây. Từ năm 1993 đến năm 1998, có 12,77 triệu lượt người đi xuyên qua biên giới Trung – Việt (8,18 triệu từ Trung Quốc và 4,59 triệu từ Việt Nam). Không có số liệu thống kê từ phía Việt Nam, về phía Trung Quốc ước tính lợi nhuận từ du lịch Việt Nam là 745 tỉ nhân dân tệ.[vii] Các cải thiện thêm nữa cơ sở hạ tầng du lịch sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng tiếp tục trong lĩnh vực này.

Hợp đồng đầu tư và Dịch vụ

Do mức độ phát triển kinh tế giữa hai nước khác nhau, đầu tư trong mọi ý hướng và mục đích chỉ theo một chiều từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trái ngược với các nhà máy mà Trung Quốc tặng Việt Nam trong thập niện 1960, đầu tư hiện tại của Trung Quốc thường liên quan đến việc tạo điều kiện dễ dàng cho giao thương. Số dự án liên doanh Trung-Việt tại Việt Nam ngày càng tăng. Mới đầu, nhiều dự án trong số này được tiến hành tại các tỉnh biên giới, nhưng vào cuối thập niên 1990 nhiều dự án cũng đã được triển khai trong nội địa Việt Nam.
Các nhân tố chính đằng sau các dự án đầu tư là các doanh nghiệp và cá nhân thuộc mọi cấp của tỉnh Quảng Tây, từ các doanh nghiệp lớn của nhà nước đến các thương nhân. Dự án hợp tác kinh tế và công nghệ lần đầu tiên được thực hiện do tỉnh Quảng Tây chú ý ở Việt Nam là việc tân trang công nghệ nhà máy liên hợp sản xuất hoá chất và phân đạm ở Hà Bắc. Kể từ đó, nhiều các nỗ lực khác nhau đã được thực hiện. Trung Quốc cung cấp 17,5 triệu nhân dân tệ dưới dạng các khoản vay không lãi để nhập khẩu thiết bị, phụ tùng thay thế vào Việt Nam. Công ty thương mại biên giới hàng đầu của Đông Hưng hợp đồng để cải tiến đường cao tốc trong vùng lân cận Móng Cái, nằm trên biên giới từ Đông Hưng. Công ty Đông Hưng cung cấp lao động và vật liệu, và Việt Nam trả lại bằng cao su. Dự án này dưới dạng hàng đổi hàng. Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu nguyên liệu mà chính họ cần. Còn Việt Nam mua công nghệ, thiết bị và xây dựng các dự án mà không cần sử dụng ngoại hối.

Khu hợp tác kinh tế

Để giảm bớt thủ tục lượm thượm và không cần thiết, tăng cường trao đổi và thương mại, mang lại tiến bộ trong kinh tế địa phương, và thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước, nhiều kế hoạch thử nghiệm đã được các chính quyền địa phương, các học viện tỉnh và quốc gia, và các học giả đề xuất nhằm thành lập các khu hợp tác kinh tế tại các địa điểm thích hợp dọc theo biên giới. Trong số này, hai kế hoạch đặc biệt phát triển tốt và sẽ được bàn luận dưới đây.
Thứ nhất là khu hợp tác kinh tế sông Bắc Luân. Khu này sẽ bao gồm Đông Hưng và Móng Cái, với diện tích khoảng 1 000 km². Và dân số khoảng 160 000 người. Đông Hưng và Móng Cái là cặp thành phố cửa khẩu biên giới lớn nhất và gần nhau nhất, chỉ cách nhau bởi dòng sông Bắc Luân tương đối hẹp. Hai thành phố này nằm trên bờ biển vịnh Bắc Bộ. Địa hình bằng phẳng, khu này bao gồm một diện tích rộng lớn, giao thông đường bộ và đường thuỷ đều thuận tiện, và khu đề xuất này có nhiều nước ngọt. Các điều kiện là thoả đáng cho việc hình thành và phát triển một khu đô thị quốc tế thực sự. Cũng có những điểm tương đồng về dân tộc. Trấn Giang Bình (Jiang-ping) của Đông Hưng là quê hương của cộng đồng mạnh mẽ gồm 15 000 người dân tộc Kinh (Jing), một sắc dân thiểu số Trung Quốc giống như sắc dân Kinh đa số của Việt-nam. Vì tất cả những lý do này, Trung Quốc và Việt Nam rất chú trọng đến việc xây dựng và phát triển hai thành phố này, cả hai đều đã được nâng cấp hành chính từ cấp thị lên cấp thành phố vào cuối năm 1990. Kinh tế của cả hai thành phố đang phát triển nhanh chóng và chúng đang được các dự án xây dựng làm biến đổi.
Kế hoạch khu hợp tác kinh tế thứ hai là khu bao gồm Bằng Tường và Lạng Sơn. Khu thương mại này 10 km² nằm trong nội đia. Mặc dù nhỏ, nó chỉ cách Hà Nội 150 km và có một cửa khẩu đường sắt, nên việc vận tải thuận tiện. Vị trí đã làm cho nó thành trung tâm cho việc tích lũy và phân phối hàng hóa, cũng như cho thương mại và trao đổi thông tin. Trong tương lai, nó có thể trở thành một ngõ vào Trung Quốc không chỉ những cho Việt Nam mà còn cho các nước Đông Nam Á khác.

Phát triển cơ sở hạ tầng khu vực biên giới và Chính quyền thành phố

Trước khi quan hệ Trung-Việt tan băng, kinh tế xã hội các khu vực biên giới còn hoang sơ. Cơ sở hạ tầng về giao thông, bưu chính, viễn thông đều kém phát triển, trình độ quản trị hành chính thành phố cũng thế. Tình trạng này là không phù hợp với nhu cầu cải cách và mở cửa.
Trong những năm 1990, Trung Quốc và Việt Nam tăng cường đầu tư vào khu vực biên giới tương ứng của mình, đặc biệt nhắm vào việc phát triển cơ sở hạ tầng, với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ phát triển ở đó. Năm 1992, chính quyền tỉnh Quảng Tây đã quyết định tại hai cuộc họp riêng biệt ở Đông Hưng và Bằng Tường, đầu tư hơn 200 triệu nhân dân tệ vào nhiều dự án cơ sở hạ tầng ở các khu vực biên giới. Mười bốn trong số những dự án này trị giá 123 triệu nhân dân tệ đầu tư nhắm vào hoặc trợ giúp Đông Hưng. Cho đến nay, đã xây dựng xong đường cao tốc bậc hai từ Phòng Thành (Fangcheng) đến Đông Hưng; đã kéo đường dây điện cao thế 110 kV nối hai thành phố này; bắt xong một cây cầu từ Đông Hưng sang Việt Nam trên sông Bắc Luân; Đông Hưng đã nhận được một máy nước mới cung cấp 40 000 tấn nước mỗi ngày, và khoảng 5 000 máy điện thoại liên lạc trực tiếp đã được lắp đặt. Nhiều loại cơ sở khác cũng đã được xây dựng, bao gồm cửa khẩu Trúc Sơn (Zhushan), khách sạn quốc tế Đông Hưng (Dongxing International Hotel), một cửa hàng bách hóa cũng như trường học, bệnh viện, và hội trường thành phố mới. Bằng Tường, Hà Khẩu, và các quận biên giới khác cũng đã trải qua việc phát triển nhanh chóng các yếu tố cơ sở hạ tầng như cấp nước, điện, đường giao thông, thông tin liên lạc, các ngành dịch vụ (ví dụ, ngân hàng, bảo hiểm và vận chuyển), và chính quyền thành phố (ví dụ: ngân sách cao hơn, nhiều nhân viên hơn, và nâng cấp hành chính như Đông Hưng chuyển từ thị xã lên thành phố).
Việt Nam cũng vậy, cũng đã theo đuổi nhiều dự án nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu vực biên giới của mình. Các dự án này bao gồm hiện đại hóa các tuyến đường cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn và Hà Nội-Móng Cái; dựng đường dây tải điện từ Hà Nội đến cả hai thành phố này; lắp đặt các máy điện thoại liên lạc trực tiếp trong các khu vực này; và xây dựng cửa khẩu Vạn Gia và sân bay trực thăng tại Móng Cái. Ngoài ra, chính quyền thành phố Móng Cái, Lạng Sơn và Lào Cai đã được phát triển rất nhiều để đán ứng với những gánh nặng gia tăng của thương mại biên giới.

Biến chuyển của các vùng biên giới

Thương mại, du lịch và đầu tư trên cả hai phía của khu vực biên giới đã tạo ra một kỷ nguyên vàng về phát triển tốc độ cao trong những năm 1990. Tuy nhiên, vàng đã không được phân bố đồng đều trên cả hai phía biên giới cũng như bên trong mỗi vùng. Nói chung, phía Trung Quốc phát triển nhanh hơn so với phía Việt Nam, và các trung tâm đô thị với các đường nối kết giao thông quốc gia hay tương tự như vậy đang tiến nhanh hơn so với những nơi tương đối nghèo và bị cô lập.
Như Bảng 1 cho thấy, GDP bình quân đầu người của các huyện ở hai tỉnh biên giới Trung Quốc rất khác biệt. Chẳng hạn, GDP bình quân đầu người của Bằng Tường bằng 180% trung bình của tỉnh Quảng Tây, trong khi các huyện Cẩm Bình (Jinping) và Lục Xuân (Luchun) tỉnh Vân Nam có GDP thấp so với mức trung bình của tỉnh (và Vân Nam không phải là một tỉnh giàu). Trong các huyện của mỗi tỉnh, một số chỗ sự chênh lệch thậm chí còn lớn hơn. GDP Bằng Tường gần gấp ba lần GDP trung bình của nhóm biên giới, trong khi Lục Xuân và Cẩm Bình chỉ khoảng một phần ba. Yếu tố chính để phân biệt địa phương giàu (GDP trên 100% trung bình nhóm biên giới) với các địa phương nghèo hơn là sự hiện diện của các thị trấn với mạng lưới thông tin liên lạc đường dài và khả năng vận chuyển.
Mặc dù tất cả các quận/huyện trong hai tỉnh biên giới của Trung Quốc đều cho thấy tăng trưởng về GDP đầy ấn tượng trong các năm 1995-96, chỉ hai trong số các quận/huyện nghèo – với GDP bình quân đầu người dưới 50% trung bình của tỉnh tương ứng – đã cố xoay xở để phát triển nhanh bằng với trung bình của tỉnh trong thời gian dài hơn 1993-1996. Điều này phản ánh một vấn đề chung với tăng trưởng dựa vào thị trường. Thị trường đem lại thặng dư nhưng thực tế nơi nghèo khó lại giành được thặng dư. Hơn nữa, trong chừng mức mà một địa phương bị tương đối cô lập với chính thị trường nội đia của mình thì nó chỉ có thể được hưởng lợi từ thương mại địa phương hóa. Thương mại địa phương hóa (và ngừng thù địch) là quan trọng trong việc duy trì chất lượng cuộc sống ở các khu vực miền núi dọc biên giới, nhưng nó không thể tạo ra những cơ hội mới. Đúng như dự đoán, mở cửa biên giới là một lợi thế rất lớn cho những khu vực tương đối kết nối tối như Bằng Tường, vì các khu này có thể vừa được hưởng lợi từ cả thương mại quốc gia lẫn địa phương.
Việc công bố tư liệu thống kê kinh tế-xã hội trong 61 tỉnh và thành phố của Việt Nam vào tháng 10 năm 1999 làm cho việc so sánh sự phát triển của tỉnh gần đây ở phía bên này biên giới có thể thực hiện được. Dữ liệu từ nguồn này làm thành cơ sở cho Bảng 2. Dữ liệu này không phải là hoàn hảo, ví dụ, tỉnh Lai Châu đã đạt mức gia tăng khó có thể có là 76% về GDP vào năm 1997. Tuy nhiên, nó hoàn chỉnh hơn rất nhiều so với bất kỳ bộ dữ liệu chính thức nào trước đó. Như dữ liệu cho thấy, sự chênh lệch về thu nhập giữa các huyện biên giới về phía Việt Nam ít cực đoan hơn phía Trung Quốc (mặc dù cần lưu ý rằng số đơn vị Việt Nam ít hơn và lớn hơn, điều đó sẽ ảnh hưởng đến việc so sánh). Để có được một bức tranh về xu hướng phát triển thì còn khó khăn hơn nữa. Thay đổi hàng năm trong một hoặc hai năm không thể lấy làm đại diện cho một xu hướng dài hạn Tuy nhiên, sẽ là hợp lý khi giả định rằng GDP ở tất cả các khu vực biên giới là thấp hơn và đồng đều hơn trước bình thường hóa, và phần về sự chênh lệch về GDP bình quân đầu người trong cuối thập niên 1990 phản ánh sự khác biệt về tốc độ tăng trưởng kể từ năm 1989.Bang 1v
(BẢNG 1 Phát triển kinh tế của Trung Quốc tại biên giới )
Nguồn: Tính toán từ Guangxi tongji nianjian, 1994 and 1997 [Quảng Tây thống kê niên giám, 1994 and 1997] (Beijing: Zhongguo Tongji Chubanshe, 1995, 1998); and Yunnan tongji nianjian, 1994 and 1997 [Quảng Tây thống kê niên giám, 1994 and 1997] (Beijing: Zhongguo Tongji Chubanshe, 1995, 1998).
*Đông Hưng được nâng cấp thành thành phố năm 1996 nhưng vẫn được báo cáo là thuộc Phòng Thành.
**Điều chỉnh theo lạm phát.
(BẢNG 2: Phát triển kinh tế của ViệtNam tại biên giới)
bang 2vNguồn: Tính toán từ Tổng Cục Thống Kê, Tư Liệu Kinh Tế Xã Hội 61 Tỉnh Và Thành Phố (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Thống Kê, tháng 10 năm 1999).
Vài bằng chứng riêng lẻ (chưa thật khoa học) xác nhận giả thiết này. Doanh thu huyện Hải Ninh của Quảng Ninh (nay là thành phố Móng Cái) đạt tới 180 tỉ đồng năm 1996, khiến nó trở thành huyện với doanh thu cao nhất trong tất cả các huyện thị của Việt-nam. Tăng trưởng Móng Cái đã xảy đến như là một kết quả trực tiếp của thương mại biên giới và du lịch. Có sự chênh lệch về kinh tế rõ ràng giữa hai phía đường biên giới. Xếp hạng tất cả 20 địa phương biên giới về GDP bình quân đầu người, chỉ có Quảng Ninh (thứ 6) và Lạng Sơn (thứ 8) của Việt Nam xuất hiện trong 10 hạng đầu bảng. Thứ hạng cao hơn có vẻ phân phối tốt hơn, với Lục Xuân của Trung Quốc là đơn vị nghèo nhất cho cả hai nước. Một cách so sánh thích đáng hơn có thể là giữa các đơn vị đối diện nhau qua biên giới. Cách này cho thấy GDP bình quân đầu người của các đơn vị phía Việt Nam thường vào khoảng một nửa đơn vị tương ứng phía Trung Quốc, với cặp với chênh lệch ít nhất (2/3) xảy ra giữa các huyện nghèo nhất, tức là Lai Châu và huyện láng giềng của Trung Quốc ở đầu phía tây của biên giới.
GDP bình quân đầu người cho ta giới hạn dưới cùng hữu ích cho việc so sánh, nhưng hiệu quả tổng thể của phát triển kinh tế cũng cần được nhắc lại. Thu nhập bình quân đầu người ở Đông Hưng và Bằng Tường của Quảng Tây vào năm 1997 đạt 2 466 nhân dân tệ và 2 172 nhân dân tệ, tương ứng, trong khi thu nhập bình quân đầu người của tỉnh nằm ở mức 1 875 nhân dân tệ. Một chỉ tiêu nữa về sự giàu có trong cả hai thành phố là trung bình số dư tiết kiệm trên đầu người và số máy điện thoại là cao nhất ở Quảng Tây. Phía Việt Nam, dữ liệu khảo sát thực tế so sánh dữ liệu năm 1990 với dữ liệu năm 1993 cho thấy 54% các gia đình ở khu vực biên giới phía bắc của Việt Nam đã nâmg mức sống lên, 31% vẫn ở mức hiện tại, và chỉ có 15% bị sụt giảm.

Những vấn đề hiện tại

Trong thập niên 1990, hợp tác kinh tế dọc theo khu vực biên giới Trung – Việt tạo ra thành công đáng kể. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng và các điều chỉnh đòi hỏi bởi các mối quan hệ mới đã tạo ra những vấn đề mới của riêng mình.
Thứ nhất, ở cấp quốc gia, trọng tâm trong quan hệ Trung-Việt là về bình thường hóa chính trị hơn là hợp tác kinh tế. Việt Nam lo lắng về việc bị Trung Quốc chi phối nền kinh tế của mình nhiều hơn là lo lắng về ảnh hưởng của các nước ngoài khác. Về phần mình, Trung Quốc vẫn nhớ $ 20 tỉ USD viện trợ mà họ chi ra trong cuộc chiến của Việt Nam với Mỹ và không cảm thấy bắt buộc phải hào phóng một lần nữa.
Thứ hai, do 10 năm ghẻ lạnh, có rất nhiều quan niệm sai lầm của cả hai bên. Có nhiều chỗ cho việc xây dựng lòng tin giữa các quan chức chính phủ và các doanh nghiệp hai bên, và cũng có sự thiếu hiểu biết về các cơ hội hiện có. Ví dụ, gạo đồng bằng sông Cửu Long được ghi nhận là có chất lượng cao, nhưng hiện nay ít được bán sang Trung Quốc. Các doanh nhân Trung Quốc có nhiều vấn đề với đầu tư vào Việt Nam vì họ không quen với các quy định của Việt Nam, trong khi các quan chức Việt Nam thường quá lo lắng về đầu tư từ Trung Quốc. Như một hệ quả, có rất ít doanh nghiệp lớn Trung Quốc tham gia vào các hoạt động thương mại và đầu tư tại Việt Nam.
Thứ ba, mặc dù từ khi nối lại các hoạt động kinh tế tới nay đã được một thập niên, hai bên đã không thảo luận một cách nghiêm túc các vấn đề hợp tác kinh tế biên giới rộng ra hơn. Không có kế hoạch dài hạn chung, cũng không có một cấu trúc phối hợp về luật pháp và thủ tục để điều chỉnh các hoạt động trong và phát triển khu vực biên giới. Việc thay đổi liên tục các quy định và chính sách quốc gia và địa phương tạo ra một sự đi xuống trong hoạt động kinh tế tại biên giới khi tâm thế quan chức là tâm thế muốn kiểm soát và điều tiết, và tạo ra một cơn lũ khi các quan chức đổi ý và khuyến khích phát triển.
Thứ tư, trong quá trình hợp tác và trao đổi, Trung Quốc và Việt Nam đã quá chú ý tới thương mại và quan tâm rất ít đến việc hợp tác phát triển công nghệ, du lịch, và các hoạt động công nghiệp ở khu vực biên giới. Ngoài ra, hợp tác về tài chính và giao thông đã không bắt kịp với sự phát triển của thương mại. Một số doanh nhân và quan chức chính phủ ở cả hai nước chú ý tới thương mại quy mô lớn và buôn bán nhỏ, nhưng không coi thị trường thương mại biên giới quy mô nhỏ là quan trọng vì nó không tạo ra lợi nhuận hoặc doanh thu đáng kể. Cách giám sát này là một vấn đề nghiêm trọng đối với các khu vực biên giới nghèo nói riêng vì thương mại quy mô nhỏ là tất cả cái họ có và nó cần phải được khuyến khích.
Cuối cùng, đường biên giới dài tạo nhiều cơ hội cho các hoạt động bất hợp pháp rất khó kiểm soát. Một số phần tử phi pháp đã nắm lấy cơ hội buôn lậu xe ô tô cũ, súng, và cô dâu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Ước tính có khoảng 10 000 phụ nữ Việt Nam di dân bất hợp pháp sang Trung Quốc trong thập niên 1990, mặc dù số này bao gồm cả các vụ cưới xin xuyên biên giới theo tập quán của địa phương cũng như nạn buôn gái quy mô lớn do sự thiếu hụt tương đối phụ nữ ở Trung Quốc.[viii] Hàng hóa bất hợp pháp như ma tuý cũng di chuyển qua biên giới, mặc dù hầu hết các chất gây nghiện cũng có sẵn tại Nam Ninh đến từ Miến Điện hơn là từ Việt Nam. Buôn lậu hàng hóa hợp pháp theo cả hai hướng là một vấn đề lớn bởi vì thuế suất cao tạo cơ hội cho việc kiếm lãi nhanh. Dù vậy, chiến dịch chống buôn lậu chính phát đông năm 1998 tại Trung Quốc đã có hiệu quả chống buôn lậu quy mô lớn vào nước này.

Triển vọng

Mặc dù lịch sử quan hệ Trung-Việt có tì vết, giai đoạn bình thường hóa hiện nay là có cơ sở vững chắc, và vì vậy việc phát triển hơn nữa kinh tế chính trị xuyên biên giới có khả năng sẽ tiếp tục. Nhưng các quan hệ ở biên giới sẽ vẫn là một phần phức tạp trong một khung cảnh quốc tế phức tạp. Một mặt, hội nhập kinh tế tại biên giới sẽ ảnh hưởng đến nhận thức về lợi ích quốc gia ở Bắc Kinh và Hà Nội. Chi phí của việc hạn chế hoặc đảo ngược các điều kiện chính sách tiên quyết của sự thịnh vượng biên giới sẽ tăng lên mỗi năm. Mặt khác, biên giới sẽ vẫn là một phong vũ biểu nhạy cảm trong quan hệ giữa hai nước, phản ứng cả với tiếng là xào xạc trong gió.
Sự ổn định của bình thường hoá có thể kỳ vọng được vì ba lý do chính. Thứ nhất, các lợi ích của việc cải thiện quan hệ song phương rõ ràng vượt quá chi phí bỏ ra. Điều này là rõ ràng nhất ở khu vực biên giới, nhưng nó cũng hiển nhiên trên khắp Việt Nam. Điều đó ít rõ ràng hơn ở Trung Quốc vì Việt Nam chỉ là chiếm một phần nhỏ trong kinh tế với nước ngoài của Trung Quốc. Thứ hai, trong khi kinh nghiệm mới đây của sự thù địch đã để lại những vết sẹo và nghi ngờ, đó cũng là một lời nhắc nhở nghiêm túc cho cả hai bên rằng đối đầu thù địch không tạo ra kết quả mong muốn. Khi các va chạm trong bình thường hoá đẩy quan hệ tới bờ vực khủng hoảng, giải pháp thay thế về sự thù địch sẽ được nhớ lại như một lựa chọn quen thuộc và không hứa hẹn. Thứ ba, việc Trung Quốc và Việt Nam bình thường hóa quan hệ song phương phù hợp với chính sách khu vực và toàn cầu về sự mở cửa đối với quốc tế của hai nước. Tạo ra một ngoại lệ từ chính sách chung khuyến khích hợp tác với bên ngoài sẽ thành khó khăn hơn. Vì những lý do này, mặc dù có các bất đồng phát sinh liên tục giữa hai nước nhưng khó có khả năng bình thường hoá sẽ phải đối mặt với bất kỳ thay đổi ngẫu nhiên hay đột ngột nào. Các cuộc đàm phán biên giới đi tới ký kết thời gian gần đây là chỉ số quan trọng về một quyết tâm chung trong việc khẳng định mối quan hệ song phương cơ bản này và đặt nó ngoài tầm tranh chấp và rủi ro.
Khi quan hệ ngoại giao trở nên an toàn hơn, mức độ hợp tác biên giới chắc chắn sẽ tăng. Chắc chắn, có rất nhiều cạnh tranh cũng như hợp tác trên biên giới. Nỗi lo của cả hai bên trong việc đạt được thành công có thể tạo ra các nghi ngờ và các thỏa thuận mong manh cũng như hợp tác. Tuy nhiên, về lâu dài các nỗ lực hợp tác có thể tạo ra một hê các điều kỳ vọng lẫn nhau qua biên giới và các thỏa thuận thành công có thể trở thành hình mẫu cho các dự án mới. Tỉ lệ tăng trưởng ở biên giới chắc chắn sẽ biến động và tốc độ tăng trưởng cao trong những năm đầu thập niên 1990 có thể phản ánh các nhu cầu bị dồn nén và lcác ợi thế ban đầu. Dù vậy, không có lý do gì để kỳ vọng rằng mô hình chung của sự phát triển trong những năm 1990 sẽ không giữ tiếp trong tương lai gần.
Sự khác nhau giữa quan điểm của các chính quyền cấp địa phương vốn nhận thức sâu sắc các cơ hội biên giới và bản thân có liên quan trong việc thúc đẩy chúng, còn các chính quyền cấp quốc gia của họ vốn ít quan tâm đến sự thịnh vượng địa phương nhưng quan tâm nhiều hơn với việc duy trì kiểm soát các quan hệ bên ngoài, có thể có ảnh hưởng hạn chế đến phát triển tương lai dọc theo biên giới. Căng thẳng liên chính phủ này có mặt ở cả Trung Quốc và Việt Nam, nhưng nghiêm trọng hơn ở Việt Nam vì Hà Nội cảm thấy dễ bị tổn thương hơn đối với Trung Quốc và tin rằng khả năng kiểm soát của họ đối với các mối quan hệ bên ngoài là mong manh hơn. Do đó, những hạn chế của chính sách quốc gia sẽ liên tục trói buộc những gì có thể phát triển trong khu vực biên giới ở cả hai bên.
Gạt các cẩn trọng đó sang một bên, tương lai của phát triển kinh tế và thương mại trong khu vực quanh biên giới Trung-Việt trông có vẻ hứa hẹn. Có vẻ lạ khi tự tin về tương lai ở một nơi từng trải qua những thay đổi đột ngột như vậy trong quá khứ gần đây của mình. Nhưng học từ ví dụ tiêu cực có thể khá hiệu quả và cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều chẳng hoàn thành gì nhiều qua đối đầu. Việc bình thường hóa trong thập niên 1990 bày ra một hứa hẹn thịnh vượng mà không ai muốn bỏ đi. Kết quả là, bàn tay vô hình của các quan chức địa phương và doanh nhân dọc theo biên giới đã sử dụng các chính sách quốc gia về bình thường hoá để ràng buộc Trung Quốc và Việt Nam với nhau thông qua hàng ngàn sợi dây cơ hội nhỏ.
—-
Ghi chú:
[i] See Christopher Roper, “Sino-Vietnamese Relations and the Economy of Vietnam’s Border Region”, pp.1019-41, in this issue.
[ii] See William Turley and Brantly Womack “Asian Socialism’s Open Doors: Guangzhou and Ho Chi Minh City”, China Journal no.40, (July 1998), pp. 29-120.
[iii] Gu Xiaosong, Yuenan di jingji gaige [Vietnamese economic reform] (Nanning: Guangxi Renmin Chubanshe, 1992], pp. 197-98.
[iv] The texts of the Vietnamese documents can be found in Nhung van ban can biet ye hop tac Viet Nam Trung Quoc [Some important documents regarding cooperation between Vietnam and China] (Hanoi: Nha Xuat Ban Cong An Nhan Dan [People’s security publishing house], 1992).
[v] . Brantly Womack, “Sino-Vietnamese Border Trade: The Edge of Normalizations”, Asian Survey 34:6 (June 1994), pp.495-512.
[vi] China Statistical Yearbook 1999 (Beijing: China Statistics Press, 1999), pp. 583, 592; and Tan Pichuang, “Zong shijiejingiji di jiaodu kan Guangxi” [Guangxi from the perspective of the world economy], Dongnanya zongheng [All-round Southeast Asia] 1999:2 (February 1999), pp. 4-6.
[vii] He Tianlin, “Jiji kaizhan Guangxi yu Yuenan luyou hezuo” [Actively develop cooperation in tourism between Guangxi and Vietnam] (paper presented at the Symposium on the 50th Anni¬versary of the Establishment of Sino-Vietnamese Diplomatic Relations, Nanning, January 2000). Tác giả: Cổ Tiểu Tùng là giáo sư và giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Học viện Khoa học Xã hội Quảng Tây, Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Brantly Womack là Giáo sư thuộc Khoa Chính quyền và Ngoại giao, Đại học Virgina, Charlottesville, Virginia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét