Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

“Người bộ tộc tà-ru” đi về vùng đất tự do…


Bùi Ngọc Tấn (ở giữa) cùng bạn văn. (Ảnh Xuân Bình)
15 năm trước, Tết Canh Thìn, ra Hà Nội, tôi được nhà thơ Dương Tường – “nhà phát hành bí mật” của những tác phẩm ngoài luồng thời bấy giờ, dúi cho cuốn Mộng Du (tên cũ của Chuyện kể năm 2000), khi ấy còn là một bản đánh máy.
Những Tuấn, Ngọc, Già Đô, vẻ diễm lệ của nỗi cay đắng phận người ấy đã cùng tôi đi xuyên qua đêm giao thừa tưng từng nhất, để bước vào thiên niên kỷ mới.


Nhiều năm sau, khi những câu chữ và nhân vật đã mờ đi trong ký ức, tôi tự hỏi: Điều lớn nhất tôi nhận được từ cuốn sách ấy là gì? Phải chăng là một niềm tin vững chắc để dấn bước vào những vùng u tối nhất của đời sống, rằng nếu hấp lực của việc viết có đẩy mình tới đâu, thì vẫn có cách đi xuyên qua nghịch cảnh mà không đánh mất phẩm giá, dẫu có phải đối diện và trở thành nạn nhân của sự u tối và tàn bạo đến thế nào, thì nhất quyết không để sự ngu dốt vô minh nuốt chửng để trở nên cay nghiệt, hằn thù.
Sau 5 năm “thực tế sáng tác’ trong tù, ông đã đem đến cho tôi và những nhà văn đi sau một kinh nghiệm tuyệt vời như thế.
2001, khi cuốn sách được in và bị thu hồi ngay sau đó, tôi lại bay ra gặp ông để thực hiện một cuộc phỏng vấn. Có lẽ đó là một trong những bài phỏng vấn dài nhất mà tôi thực hiện trong đời làm báo của mình. Đó cũng là lần đầu ông trả lời phỏng vấn. Trong căn gác nhỏ số 10 Điện Biên Phủ Hải Phòng, không gian cũ với mớ hồi ức ngồn ngộn, tất cả đống dữ liệu ấy khiến tôi bối rối, và hơn một lần cả tôi và ông đều nhầm, gọi tên ông và vợ ông theo nhân vật trong cuốn sách.
Khi ấy, tôi chợt nhận ra (một cách cay đắng) rằng dù ở phương diện nhà văn – một chứng nhân, ông cố gắng đem đến cho bạn đọc một cách kể khách quan trong vẻ diễm lệ của sự thứ tha, sự hòa giải với nghịch cảnh, nhưng trong khía cạnh nạn nhân, 5 năm “thực tế bất đắc dĩ” ấy sẽ mãi ở lại trong ông, và không bao giờ ông ra khỏi nó.
Hơn một lần tôi định hỏi ông: “Con người chào đời với đôi bàn tay nắm chặt, như thể đang quyết tâm thực hiện một nguyện ước trong đời này nhưng khi ra đi thì ai cũng duỗi thẳng đôi tay, đó là viên thành nguyện ước hay buông xuôi bỏ cuộc?”. Tôi biết ông sẽ chỉ trả lời bằng một nụ cười hiền, với những nếp nhăn như bị vò nhàu trên gương mặt dường như chưa bao giờ nếm trải hạnh phúc trọn vẹn.
Có lẽ Bùi Ngọc Tấn sinh ra với một cam kết bí mật: trải nghiệm, thấu cảm để viết về nỗi đau, cho nên hạnh phúc với ông vô cùng hiếm hoi. Ngay cả những ngày tháng cuối đời, khi cánh cửa nhà tù đã ở lại đằng sau hàng chục năm, ông cũng không ra khỏi lời cam kết đó. Sau 2 cuốn tiểu thuyết, nhiều tập truyện ngắn và bút ký, một cú địa chấn trong làng văn chương Việt đầu thế kỷ 21, một giải văn chương Pháp (Henri Queffenlec 2012), ông vẫn tự giam mình vào sứ mệnh của một nhà văn thay vì hưởng thụ thành quả. Thời Biến Đổi Gien, một tiểu thuyết – hồi ký có thể được xem là hậu “Chuyện kể năm 2000″ sau nhiều lần viết đi viết lại đã ra mắt độc giả tại Đài Loan và Mỹ trong những ngày ông chiến đấu với bệnh tật.
Căn bệnh ung thư từ phổi di căn vào xương nhốt ông trong những cơn đau triền miên.
Nó đã mang ông đi lúc 6:15 sáng nay.
Hơn một lần tôi thầm ước: Ước gì ông chưa từng trải qua ngần ấy cay đắng, để văn chương ông không chỉ tích tụ thứ ánh sáng hiếm hoi của tình yêu, niềm hy vọng, sự thứ tha và lòng từ ái sau bao nhiêu nghịch cảnh cay đắng mà là thứ ánh sáng kỳ vĩ của niềm hạnh phúc tối thượng, nỗi kiêu hãnh làm người và ngùn ngụt năng lượng của một sinh linh tuyệt đối tự do.
Hè năm ngoái, gặp luật sư Lê Công Định tại Sài Gòn, ông ôm vai anh nói đùa: “Chúng ta là người của bộ tộc tà-ru.”
Có lẽ già làng của “bộ tộc tà – ru” đang đi về vùng đất tuyệt đối tự do, với sự thảnh thơi của người đã hoàn thành nhiệm vụ.
Vĩnh biệt ông, người hiền của văn chương Việt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét