Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015

Cuồng xúc Việt Nam

 Boxitvn

Nguyễn Hữu Liêm
Hãy cẩn thận với điều mình ước mơ bởi vì nó có thể thành hiện thực. Lý tưởng giải phóng và tự do là một con dao hai lưỡiN.H.L. Vâng đúng là thế! Nhưng đâu có phải vì thế mà trí thức Việt Nam thôi đừng dấn thân vì lý tưởng dân chủ hóa đất nước nữa, thưa anh Nguyễn Hữu Liêm. Phải nói anh đã viết một bài triết thuyết hấp dẫn, đặt ra nhiều vấn đề về tình thế lưỡng đao hiện tại của người trí thức Việt. Anh đã mô tả có phần đúng biểu tượng người trí thức Việt hiện “đang đi trên một chuyến xe đò… phải chấp nhận khả thể hiểm nguy như là một con cờ số phận, hy vọng vào xác suất rủi may – và người tài xế không ngủ gục. Cảnh đẹp bên ngoài hòa với nhịp tim đập trong hãi sợ tạo nên một niềm hoan lạc kỳ thú – một mạo hiểm với chính định mệnh không biết là gì của cuộc sống”. Điều anh nói làm tôi nghĩ đến nhân vật Dũng trong Đôi bạn của Nhất Linh tiêu biểu cho thế hệ thanh niên trí thức Việt những năm 30 thế kỷ trước, trong một lần đạp xe trong giá rét từ bến đò Gió trở về, cũng đã chiêm ngẫm về “con đường gió bụi” của thế hệ tinh hoa ấy không khác nhiều lắm điều anh nghĩ, từ trước đây đã ngót 80 năm.


Chỉ có điều, hình như anh vẫn có chút lơ đãng, ở chỗ, anh quên mất rằng định mệnh giờ đây mang tên rõ ràng là định mệnh lịch sử, định mệnh của cả một dân tộc mà không phải của riêng một lớp người tiên tri tiên giác – và là định mệnh lịch sử vào đầu thế kỷ XXI này, nghĩa là đã chứa đựng trong nó cái điều gọi bằng tất yếu khả tri chứ không hoàn toàn bất khả tri nữa, có phải vậy không? Và trong một điều kiện như thế, “Khi định mệnh giáng lên ngươi thì ngươi phải mang nó một cách can đảm” (Le sort qui vous emporte, il faut le porter courageusement – Sophocle, trong Œdipe à Colone). Bởi vậy, nếu anh muốn nói đến một phân số trí thức nào đấy “Như là người hành khách trên chuyến xe Bắc Nam kia khi nhìn qua cửa sổ, thay vì suy tư trong lý tính đến khả thể tai nạn hiểm nguy” thì lại “đang trong thực tại thân xác, an hưởng chính mình, đến một biên độ phi chính trị và phi công dân rất rõ rệt, trong một hoàn cảnh sống hòa bình, tương đối an nhàn, và được xã hội trọng vọng” thì đấy là xuất phát từ quan sát thực tế của chính anh, không ai dám bàn cãi. Tuy nhiên, tôi nghĩ, để cho công bằng hãy nên gạt sang một bên phân số không đáng bình phẩm này – dù có thể đấy là một tỷ lệ không nhỏ – mà nhìn và hiểu người trí thức Việt ở một tầm rộng thoáng hơn. Hẳn chắc đấy là lớp người đang không tránh khỏi ngoái xem lại dấu chân của mình trong hơn 60 năm – một quá khứ chưa xa với họ, tuy vậy không phải để họ âu sầu, đổ hết lỗi cho cơ chế và ngồi yên hưởng lạc trên một chút danh vọng không có thực, mà cốt yếu là nhằm tránh vết xe đổ cho những ngày đang tới.
Anh Nguyễn Hữu Liêm chắc cũng không phủ nhận một thực tế là nhân loại, hay ít nhất một nửa phần nhân loại, mãi đến vài ba thập niên gần đây mới ngày một thêm thấm thía bài học xương máu của lịch sử thế giới trong suốt thế kỷ XX. Ấy là: trên khắp cõi hành tinh, vô số dân tộc từng trải qua rất nhiều con đường đấu tranh không giống nhau; chủ nghĩa này tranh giành chủ nghĩa khác; ý thức hệ này chống lại ý thức hệ nọ; nơi này có thể đánh đổi máu và nước mắt nhiều hơn hay ít hơn nơi kia, hy vọng tìm được một tương lai rạng rỡ, nhanh chóng cứu thoát mình ra khỏi địa ngục tối tăm. Nhưng rút cục lại thì sau bao nhiêu máu và nước mắt đã chảy, người ta mới bừng ngộ ra được một chân lý thật giản dị mà không dân tộc nào tự coi mình có thể đứng trên hay đứng ngoài, kể cả cái dân tộc sinh sôi nhanh nhất thế giới hiện đang bị xỏ mũi bởi những chúa tể Đông phương hiện đại, rằng không có hạnh phúc nào thiêng liêng hơn cái hạnh phúc được làm người có thực quyền tự do bình đẳng giữa cõi trần thế này. Sớm hay muộn mọi nẻo đường đều dẫn tới La Mã mà thôi.
Vâng, nếu “mọi con đường đều dẫn tới La Mã” mà người trí thức Việt Nam hiện tại còn cứ phải băn khoăn chần chừ trước “một khả thể hiểm nguy” trên hành trình cầm chắc là không ít chông gai dù tự mình có ôn nhu đến mấy, để đến nỗi lỡ mất chuyến tàu đưa dân tộc đến cái đích Dân Chủ và Tự Do, thì còn tự nhận mình là trí thức làm gì nữa, thà làm người ngu hèn cho xong.
Dĩ nhiên, đã là con người thì bao giờ chẳng mang trong mình cái mâu thuẫn cố hữu của kiếp nhân sinh, cái “bất mãn hoài” như Đinh Hùng nói, thời nào chẳng có. Khi đã có được Tự do Dân Chủ vào tay rồi, người ta sẽ lại buồn chán vì không thỏa mãn với cái mình có, để rồi lại phải dấn thân theo kiểu của con người đã được tắm táp thừa thãi ánh sáng tự do dân chủ. Có khi là việc phải tìm mọi phương cách lobby để tranh giành chiếc ghế vào nghị viện giữa phe này đảng kia trong khi dân chúng thờ ơ, như anh Nguyễn Hữu Liêm nói. Có khi thì lại như vị GS Noam Chomsky kia, đang dạy tại một ngôi trường danh tiếng ở Hoa Kỳ, nhưng qua con mắt soi mói sắc sảo của ông, ông vẫn tìm ra ra bao nhiêu là khuyết tật nằm trong cái cơ chế mang “vỏ ngoài tự do dân chủ” mà ông đang hưởng thụ. Thế nhưng dù có thế thì cứ để đến lúc ấy ta lại hẵng hay. Lo trời sập vẫn là chuyện đáng lo miễn là phải lo đúng thời điểm ông trời sắp sập. Ấy mới gọi được là thức thời. “Chúa Jésus nói với chúng ta: “Các anh đừng lo lắng. Ta đã nghĩ về điều đó rồi” (Jésus nous dit, “ne vous inquiétez pas, j’ai déjà pensé à cela”).
Xin phép được đăng lại bài viết của nhà trí thức Nguyễn Hữu Liêm lên trang BVN với một chút lưu ý nho nhỏ như trên, coi như là tiếng nói tâm tình không riêng với tác giả mà với đông đảo bạn đọc.
Nguyễn Huệ Chi

Nếu không dấn thân vào biến cố, mà chỉ đứng ngoài để diễn tả tình thế, cho dù chính xác bao nhiêu, cũng chẳng tạo nên được một tác dụng giải phóng nào – và cuối cùng thì việc ấy cũng chỉ làm cho gánh nặng dối trá càng thêm áp bức, hay nói như Mao, cũng như đã nâng tảng đá lên rồi chỉ để thả nó xuống ngay vào chân mình” – Slavoj Zizek, Living in the End Times (2010).
Nếu ai đã có lần đi xe đò xuyên Việt trong những năm gần đây, như tôi đã trải qua đầu năm nay, đều chắc phải có một cảm xúc lạ lùng đầy thú vị. Một đằng thì trái tim tôi cứ thót đi từng chặp vì những lần xe vượt qua mặt, tranh đường, lạng lách, suýt đụng “head-on” với các xe tải chạy ngược chiều trên quốc lộ hẹp nhưng đầy xe cộ, người, thú vật và hàng trăm thứ vật liệu khác. Đằng kia thì khi nhìn ra ngoài cửa xe tôi thấy cảnh vật, núi rừng, đồng ruộng, làng xóm trong cảnh xế chiều đẹp không thể tả. Người đi xe chấp nhận khả thể hiểm nguy như là một con cờ số phận, hy vọng vào xác suất rủi may – và người tài xế không ngủ gục. Cảnh đẹp bên ngoài hòa với nhịp tim đập trong hãi sợ tạo nên một niềm hoan lạc kỳ thú – một mạo hiểm với chính định mệnh không biết là gì của cuộc sống. Một mặt thì thân xác đang đùa với khả năng tai nạn thảm khốc như là một thể tính trừu tượng thuần lý tính của cái có thể là; mặt kia thì tâm hồn và thân xác đang thưởng thức cung điệu bình an hiện thực đang là của làng xóm quê nhà phủ trong ánh nắng vàng hoàng hôn. Hai khuôn mặt, của thực nghiệm đang là và khả năng có thể là từ tư duy, trộn lẫn vào nhau làm cho con người trong cuộc như đang ăn một trái ớt tươi cay nồng nhưng rất thơm tho cho một tô bún đầy hương vị sống chan đầy chua, bùi, ngọt, đắng.
Và, theo tôi, đó cũng chính là màu sắc, hương vị và cung nhịp của trí thức Việt hôm nay, 2014, đối với chuyện nước nhà, xã hội. Hình như rằng tâm tư của các tầng lớp trí thức Việt Nam đã bị điều kiện hóa, nhưng chưa được định hình, từ một quá khứ tang thương, nhưng lẫy lừng, nhiều hãnh diện về dân tộc. Lịch sử, đối với họ, như là một thể tính trừu tượng của bản ngã, nhưng họ đang mang đầy thất vọng về khả thể của con người Việt Nam nhằm thiết lập một thể chế chính trị có khả năng và bản sắc đại diện từ một quá khứ oai hùng đó. Những người cha và các đứa con của “thế hệ Vàng” thời Việt Minh chống Pháp, “thế hệ Xanh” thời Việt Cộng chống Mỹ bắt đầu nhìn lại chính mình và con đường mà chuyến xe lịch sử dân tộc đang đi trong sự tương nghịch giữa hai vế: hiểm nguy như là khả thể tính, bị cắt nhịp theo từng khoảnh khắc bởi khoái lạc từ đời sống thân xác đang là.
Khi trí thức Việt nhìn ra Biển Đông với những con “tàu lạ” Trung Quốc như là những chiếc xe tải hung hăng ngược chiều có thể đụng nát giết chết tất cả; khi nhìn vào đồng bằng sông Cửu Long và nhìn thấy dòng nước đang cạn dần, một nền văn minh sông nước đang dần biến mất; nhìn lên cao nguyên Trung phần và khắp nơi để thấy núi rừng, đất đai quặng mỏ đang bị khai thác bởi người Hoa bất chấp những hiểm họa môi trường. Họ nhìn vào việc nước, về giáo dục, về chính trị, công quyền, về con người, cán bộ, về văn nghệ sĩ, giới trẻ, giới doanh nhân, họ chỉ thấy một toàn cảnh u ám, thối rửa, băng hoại, lạc hướng, hỗn độn, xuống cấp không còn phương cứu chữa. Lịch sử dân tộc, theo họ, đang bị nhận chìm bởi một trình độ chất lượng tổng thể đang đi xuống bùn đen. Một giai thời khủng hoảng nhân văn, của nhân phẩm con người, của hệ thống và cơ chế chính trị và công quyền, cộng thêm mối hiểm nguy xâm lăng từ bên ngoài. Theo họ, thì chưa bao giờ dân tộc ta đang đi qua một giai đoạn lịch sử đen tối và bi đát như bây giờ.
Đây là một đoạn đường lịch sử của cái xấu. Những “tin tức xấu xa” này, theo trí thức Việt ngày nay, sẽ không theo quy luật biện chứng của Marx để có thể đưa đến cái tốt. Theo Marx, khi muốn có một cuộc cách mạng toàn diện thì tình thế đang là phải càng có nhiều tin tức xấu thì “càng tốt” vì chúng sẽ tạo thêm biện minh và gia tăng cường độ cho ý chí đổi thay toàn diện và sâu rộng. Nhưng trí thức Việt không chấp nhận biện chứng này. Không phải là họ không nắm được Dịch lý “cùng tắc biến”. Trái lại, họ thấy trong đống hỗn độn của cái xấu hôm nay, chiều sâu tận đáy của cái xấu vẫn còn chưa tới, và chắc chắn là sẽ đến. Vì đây là một khủng hoảng nhân văn, về nhân cách và linh hồn con người Việt Nam. Những tin xấu này sẽ không đưa đến cách mạng cho cái tốt được khai sinh, con chim cú Minerva sẽ không tung cánh vươn bay trong bóng chiều tà – khi mà con người Việt Nam đã đánh mất hết nhân cách bản thân, bị đánh cắp lòng yêu nước, thiếu tự tin vào ý chí lịch sử. Họ chỉ còn nhìn thấy cá nhân chính mình, những “tâm hồn cao thượng” tách biệt trong một cám dỗ hay bức xúc đơn thể không có chiều sâu tập thể – khi giá trị xã hội và cộng đồng đã có một cơ chế nhà nước, một “giáo hội chính trị” vốn tự cho mình không thể sai lầm, chắc nịch cầm cương thay cho cá nhân. Và các thế hệ Vàng và Xanh của thế kỷ trước đầy kiêu hãnh và hy vọng ngông cuồng nay tự gặm nhấm nỗi buồn hệ luỵ trước một gia tài lịch sử mà mình đã hết lòng gây dựng nên. Việt Nam bây giờ còn hơn là một bi kịch nữa anh ạ – một trí thức Hà Nội nói với tôi – nó là một vở hài kịch không có nội dung, không có hồi kết thúc! “Comedy is indeed deeper and truer than tragedy”, tôi nhớ đến một triết gia đã nói như thế.
Tuy nhiên vở hài kịch này là của lý tính, chứ không phải là từ kinh nghiệm cá thể thực tại. “What is rational is not the actual” – trái với công thức siêu hình của Hegel. Như là người hành khách trên chuyến xe Bắc Nam kia khi nhìn qua cửa sổ, thay vì suy tư trong lý tính đến khả thể tai nạn hiểm nguy, người trí thức Việt Nam đang trong thực tại thân xác, an hưởng chính mình, đến một biên độ phi chính trị và phi công dân rất rõ rệt, trong một hoàn cảnh sống hòa bình, tương đối an nhàn, và được xã hội trọng vọng. Hầu hết đều có công ăn việc làm, hay đã nghỉ hưu, có nhà cửa, gia đình yên ổn.
Chưa bao giờ giới sĩ phu văn nghệ sĩ Việt Nam được tham dự vào nhiều tiệc rượu ngon và vui như thế. Ở các thành phố lớn, cũng nói theo Hegel, “Chân lý là những tiệc rượu say mèm mà ở đó chả có ma nào tỉnh thức”. Nhìn đâu cũng thấy một tầng lớp giàu sang mới sẵn sàng mời trí thức làm trang điểm thi văn. Và hơn nữa, trong men rượu say cuồng, người trí thức có thể hãnh diện đứng giữa bàn tiệc mà vỗ ngực nguyền rủa hệ thống, đổ lỗi hết trách nhiệm cho giáo hội chính trị. Còn chính ta này được có quyền say sưa vì tư cách và ý chí công dân của ta nay đã bị tước đoạt bởi Đảng cùng với lý tưởng lịch sử dân tộc cũng đã bị bán cho nhà thổ nhân danh giáo điều tư tưởng. Như một vị giáo sĩ giáo hội La Mã thời trung cổ đổ thừa cái hư của ta, cái hỏng của thế gian là bắt nguồn và là trách nhiệm từ hệ luỵ quyền lực bóng tối Satan, trí thức Việt đang an nhàn và hạnh phúc trong biện minh đổ lỗi thế gian và chính mình cho một thực thể Satan – đó là Đảng và nhà nước.
Trong nỗi cuồng xúc về nguy cơ Trung Quốc, con người dân tộc của trí thức Việt Nam sống lại. Có người cho rằng sự hung hãn của Trung Quốc ở Biển Đông là cơ may chính trị lớn cho dân tộc Việt hiện nay. Vì sao? Từ một lịch sử oai hùng, khi con người trí thức dân tộc đó đã đưa khẩu hiệu độc lập cho Đảng Cộng sản lên đỉnh vinh quang; nay chính cái máu dân tộc độc lập này đang đe dọa cái hào quang đầy kiêu hãnh của Đảng. Tự ái dân tộc nay có đến hai kẻ thù. Một là thằng Tàu hung hăng, thô lỗ mà ta muốn phủ nhận nó cả ngàn năm nay nhưng nó vẫn cứ như là bóng hình của ta. Thằng kia là cái Đảng tổ bố mà ta đã hy sinh đời mình dựng nên, nay không biết phải làm gì với thực tế quyền lực này. Như là một nhà văn kia, một thời là một Việt cộng quá khích, nuôi ước mơ hiện sinh qua cái thẻ đảng viên, nay thì không biết làm gì với cái của nợ đó. Xé bỏ, hay trả thẻ đảng lại thì từ chối chính mình từ quá khứ kiêu hùng; giữ nó tiếp thì mình từ chối nhân cách tập thể trên cơ bản con người tự do trong suy tư về nhân phẩm, đạo đức và lý tưởng dân chủ. Nay thì họ còn cho rằng Đảng và nhà nước này đã không còn yêu nước nữa.
Biện chứng Marxist đã hoàn tất cái vế lý tưởng lịch sử nhân văn khi mỗi con người cộng sản Việt Nam, như là một cá nhân dân tộc Việt, đang tự chiến đấu lại chính mình trong một cuộc chiến nội tâm đầy mâu thuẫn và bức xúc. Có thể rằng đây là lúc mà người cộng sản Việt Nam, vốn là những trí thức dân tộc Việt, đang tìm ra chính mình, hùng hổ từ chối lý tưởng Mác-Lênin một cách rõ ràng nhất – dù rằng họ chưa bao giờ thực sự cho mình là người cộng sản hay tin vào lý tưởng đó. Nhưng nghịch ngẫu thay, đây cũng chính là căn nguyên cho sự thoái trào và tha hóa của con người tập thể, cộng đồng của trí thức Việt. Họ mang tự ái dân tộc một cách tiêu cực trong khi chưa định hình nên một linh hồn chính trực cho mẫu người dân tộc – trong ý thức trách nhiệm dấn thân mới và toàn diện để thay đổi lịch sử nhằm cứu rỗi và tìm lại căn cước hiện hữu cho đời mình. Và “thằng Tàu” xâm lược và “thằng cộng sản” độc tài là hai đối thể tư duy cho một biện minh bất lực và thụ động của chính mình. Cả hai đối thể rất thực và to lớn đó mà con người dân tộc chỉ có chấp nhận như là đang sống với thân xác nhiều bệnh hoạn, yếu đuối hay tư duy đầy hư hỏng của chính ta. Ta phải cứu vớt cuộc đời, vốn bị phí phạm trong lý tưởng độc lập vừa qua, trong sự hưởng thụ qua phương cách hư hỏng thân xác vì hai thực thể to lớn kia đã đánh mất niềm tự tin và kỳ vọng vào con người dân tộc mà ta đã dâng hiến cuộc đời. Chưa bao giờ trí thức Việt Nam chán ghét chính ta và muốn trả thù lịch sử và quá khứ của mình bằng cách hưởng thụ thân xác nhiều như hiện nay. Từ vật chất đến tinh thần, họ chỉ có trách cứ con quỷ Satan khách quan. Còn ta ư! Dại, khôn, hèn, can đảm đều là những thuộc tính không quan hệ đến ta. Bản ngã của họ trôi dòng theo biến cố, và nói như Walter Benjamin, và rồi họ nhìn ra biển, ngó lên trời, chờ một “thiên thần lịch sử” đến để đưa cây gậy huyền nhiệm lên cao hô “úm ba la” biến đống rác đầy tin tức xấu xa này thành nên một cú sốc lịch sử cho con phượng hoàng trong rạng đông của một thời đại mới có thể được tung bay.
Nhưng không! Đang có một số nhỏ, rất nhỏ, trí thức từ trong lịch sử chính thống của Đảng Cộng sản, và bên ngoài lịch sử đó, đang đóng vai trò liệt sĩ lịch sử cho năng lực tự do cá nhân, nhằm đem lịch sử dân tộc ra khỏi gọng kềm chế độ được thiết kế bởi con người dân tộc Việt vốn đã hiến năng ý chí tự do trên chiếc thuyền độc lập quốc gia. Giữa hai ý chí tự do – tập thể của Đảng đối với cá nhân của thế hệ mới – trong giai đoạn này của tình thế, người trí thức đối kháng nắm một đầu của sợi dây thừng rất căng của lịch sử đang là. Họ chưa đủ mạnh về cá nhân, về tổ chức, về sức thuyết phục cho quần chúng, nhưng họ có tương lai đang đi với họ. Một vế của chính trị đối kháng nằm nơi những con người như “Nhóm Đà Lạt,” hay là “Nhóm Bôxít,” muốn dấn thân vào chính trị như là, theo Benjamin, “một ý chí cứu rỗi quá khứ bằng cách nhìn về tương lai” bằng con đường lý thuyết, văn chương, hay là đấu tranh chính trị xáp lá cà trong từng hoàn cảnh đang có của từng người cộng sản, hay không cộng sản, mang ý thức trách nhiệm mới. Đối với họ, “thiên thần lịch sử” sẽ không bao giờ xuất hiện nếu không có một khoảng không gian ý chí và tâm thức xứng đáng của khối lịch sử mới mà họ dám dấn thân và hy sinh cho lý tưởng tự do hiện đại. Hay nói theo Lenin, cuộc cách mạng kế tiếp sẽ đến một cách bất ngờ, theo họ, không phải từ một phép lạ, mà đến từ sự tràn đầy của những yếu tố và điều kiện chín mùi chuẩn bị cho sự bất ngờ đó có thể xẩy ra. Lenin gọi nó là một “phép lạ không lạ” – a non-miraculous miracle – phát xuất từ mảnh vườn đã được cày bừa và ươm tưới.
Số trí thức dấn thân chính trị đối kháng này, như những linh hồn từ tương lai về bắt tay với hiện tại – xin ở đây được phân tích theo kiểu tâm lý học biện chứng – cũng đang thưởng thức chính mình trong cơn sốt chính trường. Họ có niềm tin, giá trị khả thể tương lai, cộng đồng thế giới – và nghịch ngẫu thay, với sự tiếp tay từ bộ máy áp chế của nhà nước. Hạnh phúc là ước mơ và đấu tranh – Hồ Chí Minh đã nói vậy. Trong khi những trí thức, ví dụ, ở Hoa Kỳ, muốn dấn thân chính trị, họ phải đi theo quy trình dân chủ, vốn bắt họ phải nói những điều mỵ dân nhằm vận động xin đủ số tiền cần thiết (gây quỹ) mà ra tranh cử. Họ có viết gì, phản đối chi, ra báo, lên đài, biểu tình, mang khẩu hiệu, kiện tụng cơ quan này, chỉ trích, chửi bới lãnh tụ nọ cũng chẳng ai để ý. Ở Mỹ, hầu hết trí thức chính trị đều trở nên “irrelevant” vì không ai lắng nghe, không ai thèm để ý. Trái lại, ở Việt Nam, chỉ cần họ lên tiếng, viết một bài báo, dịch một văn kiện chính trị, tổ chức buổi xuống đường, là có cả bộ máy nhà nước để ý và biến bạn thành anh hùng dân chủ. Họ sẽ được thế giới can thiệp, cả cộng đồng bloggers lên tiếng bênh vực, người Việt hải ngoại ủng hộ, tuyên dương. Người ta nói rằng, “The worst punishment is being ignored” (Trừng phạt tệ hại nhất là bị không thèm để ý đến). Trí thức bất đồng chính kiến ở Việt Nam không lo rằng mình bị bỏ lơ. Dĩ nhiên, không như trí thức Âu Mỹ, họ sẽ bị tù tội, mất việc. Cái giá phải trả cho cuộc đời cá nhân thì cao. Nhưng đổi lại, từng cá thể họ trở nên một đơn vị mới của năng thức tiêu chuẩn hoàn vũ và thời đại. Ở Việt Nam, thời đại nào cũng có anh hùng, tức là số ít của những cá nhân nổi bật, vì mảnh vườn lịch sử ở đó có quá nhiều phân rác mục rữa, trong đó có cơ chế chính trị chuyên quyền muốn níu kéo lịch sử theo gọng kìm quá khứ với một tập thể quần chúng vô minh, ù lỳ và không có ý thức công dân.
Sự chắc mãn tri thức về câu hỏi “Làm gì?” đối với trí thức Việt dấn thân, chưa hề là một vấn đề. Không như trí thức Tây Âu đang loay hoay thoát ra khỏi cơn sầu hòa bình, của đoạn cuối thừa thãi của lịch sử, the end of history, trong sự nhàm chán và bất lực của dân chủ đa nguyên với các vấn đề kinh tế và xã hội, người Việt Nam đang có một câu trả lời chính trị và nhân văn chắc nịch, không nghi ngờ. Đó là sự vươn thoát của dân tộc ra khỏi hệ thống chính thể toàn trị hiện nay. Không có gì hạnh phúc bằng lý tưởng quốc gia đã có câu trả lời nằm chờ sẵn trong tương lai. Đây là bài toán cuối cùng cho dân tộc. Giải được ván cờ này là ta sẽ đi đến thiên đường khả thể vô tận.
Có phải vậy không? “Hãy cẩn thận với điều mình ước mơ bởi vì nó có thể thành hiện thực”. Lý tưởng giải phóng và tự do là một con dao hai lưỡi. Khi dân tộc đã đứng lên giành độc lập ở thế kỷ trước, cái lưỡi tự do tập thể kia đã quay lại cắt lấy tay mình. Khi Đảng vẫn còn đó bóp cổ họng ta, và làm hết mọi chuyện, kể cả tư duy và chiến đấu cho ta, thì vẫn còn có đối thể Satan mà ta chỉ ngón tay trách nhiệm. Một mai khi Đảng đi rồi thì chỉ còn chính ta là đối nghịch. Ta không còn có anh hùng, không còn ai là liệt sĩ. Đời còn gì để ước mơ và đấu tranh? Khi đó, phải chăng thuốc phiện hòa bình và dân chủ sẽ đốt cháy chính tâm hồn ta? Hãy cẩn thận hơn lần này. Ta không muốn nhấc một tảng đá ra khỏi vai để rồi thả nó lên chân thêm lần nữa. Trí thức Việt đã sẵn sàng và xứng đáng là sĩ phu Việt Nam thời đại khi họ vẫn tiếp tục dùng biện minh áp chế chính trị để trốn tránh lương tâm công dân và buông thả chính mình? Có phải thời gian bây giờ đây – như một nhạc sĩ ở Sài Gòn tâm sự – là một đoạn đường quan yếu trên xa lộ rèn luyện tinh thần và nhân cách cho mỗi con người Việt Nam? Trí thức nào thì chính trị đó. Lịch sử chỉ có thể “tốt” đến nấc thang tiến hóa tâm thức của dân tộc – chứ không thể cao hơn.
Có thể nào mà trí thức Việt Nam nguội đi cơn cuồng xúc với tình thế để sống trong bình tâm và tỉnh thức trên chuyến xe khách xuyên Việt đầy hiểm nguy và hào hứng đang là? Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc, có phải là “một ám ảnh lưỡng thể Satan toàn hảo” cho dân tộc Việt Nam hiện nay?! Có một nhà giáo ở Huế bảo tôi rằng hãy đừng bi ai trước lịch sử khách quan, vốn chưa phải là của mình, mà hãy quan ngại về một “lịch sử có thể” do chính trí thức Việt sẽ phải được dựng nên. Đó mới chính là định mệnh lịch sử dân tộc. Nếu không, tất cả sẽ bị trôi theo dòng của quy luật tinh thần này: Từ trong bóng tối lưỡng thể, giữa quá khứ và tương lai, giữa thân xác và thế gian, giữa cái đang là và sẽ phải là, người trí thức Việt, nếu vẫn đắm chìm trong cuồng xúc tư duy, nhưng đầy sợ hãi, trong suy nhược thân xác, sẽ phải chết đi để cho một sinh lực dân tộc thời đại mới được phục sinh.
N.H.L.
Tác giả gửi BVN.Top of Form
Bottom of Form

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét