Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015

‘Giải mã’ bài viết đầu năm của chủ tịch VN


BBC


Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang nói Việt Nam có khả năng trở thành sân sau của nước khác nếu bị tụt hậu -Reuters

Chủ tịch nước Việt Nam có bài viết đầu năm trong đó đề cập đến vấn đề khôi phục lòng tin từ người dân, bảo vệ chủ quyền và vực dậy nền kinh tế còn nhiều yếu kém.

Trong bài viết đăng trên một số báo ngày 1/1, ông Trương Tấn Sang đã gọi “lòng dân” là “quốc bảo dựng nước và giữ nước Việt Nam”.


Ông đề cập đến nguy cơ “tụt hậu” về kinh tế, khiến đất nước “khó tránh khỏi rơi vào lệ thuộc, trở thành sân sau của người khác”.
“Nếu tụt hậu thì khó có thể bảo vệ được độc lập, chủ quyền đất nước,” ông nói.
Bài viết cũng thừa nhận những “ách tắc”, “hạn chế, yếu kém” của nền kinh tế và kêu gọi “nhanh chóng đưa nền kinh tế đất nước khỏi tình trạng suy giảm đã kéo dài mấy năm nay”.
Về vấn đề đối ngoại, ông Sang cho rằng “cần nhận diện ai là bạn, ai là thù, ai là đối tác … trong từng lĩnh vực, từng tình huống, hoàn cảnh cụ thể”.
“Những ai tôn trọng độc lập chủ quyền … hợp tác bình đẳng cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta”.
“Bất kỳ thế lực nào có âm mưu, hành động chống phá mục tiêu của nước ttrong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc … đều là đối tượng đấu tranh”.
Đề cập đến tranh chấp trên Biển Đông, ông Sang tái khẳng định lập trường của Đảng Cộng sản, trong đó “kiên quyết phản đối” những “âm ưu và hành động xâm chiếm, gây nên tranh chấp”, đồng thời “kiên trì giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”.
Trả lời phỏng vấn BBC ngày 1/1, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, cựu thành viên ban cố vấn chính phủ, cho rằng bài viết của ông Sang, dù tập trung vào khía cạnh khác với phát biểu đầu năm 2014 của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, nhưng đều là nhìn vào “cùng một vấn đề”.
Bên cạnh đó, ông Doanh cũng cho rằng bài viết đầu năm của chủ tịch nước Việt Nam thể hiện sự “chuyển biến” và “cụ thể hóa” trong đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản.

‘Khác khía cạnh, cùng vấn đề’

BBC: Trong bài viết đầu năm 2015, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã đề cao vấn đề lấy lòng dân, vì đây là “quốc bảo dựng nước và giữ nước”. Trong khi đó phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi đầu năm 2014 lại tập trung vào cải cách thể chế và đẩy mạnh quyền làm chủ của người dân. Ông có nhận xét gì trước sự khác biệt về trọng tâm giữa hai bài viết này?
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh: Theo tôi thì việc ông Trương Tấn Sang nhấn mạnh sự hài lòng của người dân là một bảo vật cũng phù hợp với điều ông Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh về việc cải cách thể chế.
Hiện nay muốn làm cho người dân hài lòng thì điều chủ yếu là phải giảm được tham nhũng, giảm quan liêu, xa rời dân cũng như các lãng phí, tiêu xài ngân sách quá đáng, rất không bình thường.
Có điều mỗi người nhấn mạnh ở một góc độ khác nhau. Ông Dũng là người điều hành nên nhìn thấy những thiếu sót, yếu kém trong bộ máy, chính quyền.
Theo tôi đây chỉ là hai khía cạnh khác nhau của một vấn đề.
BBC: Khi nói đến những “ách tắc”, “hạn chế, yếu kém” của nền kinh tế, ông có cho rằng Chủ tịch Sang đang chỉ trích một cách gián tiếp chất lượng điều hành của chính phủ ông Nguyễn Tấn Dũng?
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh: Theo tôi thì đó là một thái độ nhìn thẳng vào sự thật.
Năm nay thì nền kinh tế có đạt mức tăng trưởng cao hơn là 5,98%, nhưng vẫn thấp hơn tiềm năng và bình quân những năm trước đây.
Tôi cho rằng ông Sang yêu cầu nhìn thẳng vào sự thật và thúc đẩy nền kinh tế nâng cao hiệu quả, tăng trưởng cũng là một điều bình thường, phản ánh những điều ông được nghe nhiều cử tri nói trong các cuộc tiếp xúc.

‘Chuyển biến về đối ngoại’

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cao dân chủ và cải cách thể chế trong bài phát biểu đầu năm 2014
BBC: Khi ông Sang nói phải nhận diện ai là bạn ai là thù trong từng tình huống, hoàn cảnh cụ thể, ông có cho rằng điều này thể hiện thái độ thận trọng trong chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản, mà ở đây cụ thể là với Hoa Kỳ và Trung Quốc?
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh: Theo tôi điều ông Sang nói thể hiện sự chuyển biến và cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Việt Nam trong thời gian gần đây.
Trước đây Việt Nam cứ nhấn mạnh là làm bạn với tất cả các nước.
Thế nhưng giờ đây Việt Nam đã cụ thể hóa là làm bạn để bảo vệ độc lập chủ quyền, lợi ích dân tộc quốc gia và sẽ đấu tranh với bất kỳ đối tác nào xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mình.
Theo tôi đây là một bước cụ thể hóa, không có kẻ thù vĩnh viễn và không có bạn bè vĩnh viễn.
Nếu trong sự việc này, anh hợp tác, ủng hộ tôi, thì tôi sẵn sàng hợp tác, ủng hộ anh và coi anh là bạn.
Nhưng nếu trong một việc cụ thể khác, anh xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của tôi thì tôi sẽ kiên quyết phản đối và có thái độ rõ ràng.
Tôi nghĩ đó là điều phản ánh nguyện vọng của người dân, đó là có thái độ cương quyết hơn, rõ ràng hơn trong vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
BBC: Khi Hoa Kỳ cổ súy cho vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, chính quyền Hà Nội luôn xem đây là hành động can thiệp vào vấn đề nội bộ. Và khi nói phải xác định ai là bạn, ai là thù trong từng hoàn cảnh cụ thể, liệu bất đồng với Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền có mâu thuẫn với điều ông Sang đã nói về việc lấy lòng dân hay không?
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh: Theo hiến pháp năm 2013, Việt Nam tôn trọng các quyền tự do dân chủ và quyền con người.
Vấn đề là các quyền đó phải được cụ thể hóa, được thể hiện bằng luật pháp và phải được thực thi.
Hiện nay quan điểm về vấn đề nhân quyền giữa Việt Nam và Hoa Kỳ rõ ràng có một khoảng cách.
Tôi nghĩ Việt Nam vẫn tiếp tục tiến hành đối thoại thẳng thắn với Hoa Kỳ về vấn đề cụ thể này.
Trong các vấn đề, hai bên có thể có ý kiến khác nhau. Việt Nam vẫn có thể hợp tác với Hoa Kỳ trong các vấn đề có sự đồng thuận, đồng thời tiếp tục thảo luận về các vấn đề có mâu thuẫn.
Phát biểu của ông Sang không có nghĩa là Việt Nam coi Hoa Kỳ là kẻ thù trong vấn đề nhân quyền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét