Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, ảnh minh họa chụp trước đây. -AFP
Your browser does not support the audio element.
Không có tác dụng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhìn nhận vai trò giám sát của
Quốc hội Việt Nam không có thực chất, không có tác dụng và nhiều khi
hiệu quả chưa bằng một bài báo biết xoáy vào một vấn đề cụ thể.
Lời Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại Quốc hội chiều 19/1/2015
được truyền thông báo chí do nhà nước quản lý như Dân Trí và VTC News
chạy tít lớn. Không chỉ mình ông Chủ tịch Quốc hội mà nhiều vị Chủ tịch
các Ủy ban cũng có những nhận định tương tự, khi thảo luận về các vấn đề
lớn trong dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân
dân.
Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nên được đánh giá
như thế nào? Luật sư Trần Quốc Thuận nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc
hội từ Saigon nhận định:
Đưa đoàn đi tỉnh này tỉnh kia hoặc bộ
này bộ kia rồi nghe người ta báo cáo rồi nói qua nói lại, tôi đã từng đi
như thế và tôi cho rằng đây là kiểu cưỡi ngựa xem hoa cũng không làm
được công việc gì cho hiệu quả.
-LS Trần Quốc Thuận
“Câu nói của ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là một câu nói
tôi cho rằng rất là thật. Tại vì Quốc hội khi giám sát thì có ba hình
thức giám sát, giám sát bằng văn bản, giám sát bằng cử các đoàn đi khảo
sát và giám sát tại kỳ họp. Thực tế suy cho cùng cũng chỉ là giám sát
đọc văn bản thôi; đọc văn bản mà không kiểm tra không thẩm tra thì công
việc đó cũng không đi tới đâu cả. Bởi vì Quốc hội không có cơ quan
chuyên môn, nếu muốn làm chuyện đó thì Quốc hội phải có cơ quan đến đó
điều tra thẩm tra có chuyên môn như kiểm toán, thanh tra để vào làm việc
được. Chứ còn đưa đoàn đi tỉnh này tỉnh kia hoặc bộ này bộ kia rồi nghe
người ta báo cáo rồi nói qua nói lại, tôi đã từng đi như thế và tôi cho
rằng đây là kiểu cưỡi ngựa xem hoa cũng không làm được công việc gì cho
hiệu quả.”
Luật sư Trần Quốc Thuận từng đảm nhiệm vị trí Phó Chủ nhiệm Văn phòng
Quốc hội trong 14 năm cho rằng, hoạt động giám sát của Quốc hội Việt
Nam cần được cải cách. Ông nói: “Công tác giám sát của Quốc hội cần phải có cơ quan chuyên môn,
phối hợp với cơ quan chuyên môn, phải đi trong thời gian dài. Nhất là
chất vấn thì phải làm tới nơi tới chốn, phải có nghị quyết chi tiết từng
vấn đề một thì may ra hiệu lực quốc hội giám sát mới có kết quả. Chứ
còn giám sát như trong thời gian vừa qua thì đúng như là lời Chủ tịch
Quốc hội nói tức là làm mông lung chứ không đi vào đâu.”
Trong câu chuyện với chúng tôi nhà báo Phạm Thành từng có thời gian
dài phục vụ truyền thông nhà nước nhận định rằng Quốc hội Việt Nam chỉ
có vai trò mang tính hình thức. Từ Hà Nội nhà báo Phạm Thành phát biểu:
Một buổi họp Quốc Hội tại Hà Nội(ảnh minh họa)
“Như ông Nguyễn Sinh Hùng nói là nhiều khi Quốc hội nói không ăn
thua mà do một bài báo nào đấy nó lại có tác dụng. Quả thực thí dụ trong
các vụ oan sai vừa rồi đối với Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng, không
phải báo lề Đảng nữa mà báo lề dân lên tiếng thì rõ ràng cuối cùng Quốc
hội mới xem xét vụ Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng có sai hay không. Có
lẽ ông Nguyễn Sinh Hùng ông ấy căn cứ vào hiện thực ấy mà nói như thế
chứ, còn ở Việt Nam mọi người đều hiểu Quốc hội nói cho hay cho vui thế
thôi, chứ còn để họ thực sự là đại diện của dân thì phải do dân bầu, dân
giới thiệu, cơ chế do Đảng cử rồi nhân dân phải bầu thì ngay cả bản
thân đại biểu Quốc hội họ cũng luôn hiểu được họ là ai và phải sống như
thế nào. Thực tế để họ là cơ quan tối cao giám sát thực thi pháp luật
thì chỉ là điều ghi trong Hiến pháp, chứ họ cũng chẳng làm gì được đâu.”
Nếu Đảng gật đầu mới làm?
Theo báo mạng Dân Trí, chiều 19/1/2015 tại trụ sở Quốc hội trong dịp
thảo luận về các vấn đề chủ chốt trong dự án Luật hoạt động giám sát của
Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, bà Trương Thị Mai chủ nhiệm ủy ban Quốc
hội về các vấn đề xã hội cho rằng, vai trò giám sát tối cao của Quốc hội
chưa được làm rõ, đến nay vẫn đang là một cuộc tranh luận khiến quá
trình thực thi còn những băn khoăn.
Đáp câu hỏi của chúng tôi về vấn đề vừa nêu, Luật sư Trần Quốc Thuận
giải thích, giám sát tối cao thực tế là giám sát tại kỳ họp quốc hội.
Khi Quốc hội họp nghe các báo cáo từ Chủ tịch Nước tới Thủ tướng, các Bộ
rồi Viện Kiểm sát Tối cao, Tòa án Tối cao. Tất cả các cơ quan đó báo
cáo và mỗi bên thảo luận rồi chất vấn, thì đó là hình thức giám sát tối
cao, giám sát ở tầm cao và cũng được hiểu là giám sát toàn bộ bộ máy Nhà
nước. Tuy vậy LS Trần Quốc Thuận nhấn mạnh:
Bộ máy Nhà nước Việt Nam gắn chặt với
hoạt động của Đảng và nếu Đảng không đưa vào để chịu sự giám sát của
Quốc hội thì công tác giám sát của Quốc hội chưa thể thấu đáo chưa làm
rõ tận nguồn gốc của mọi nguyên nhân gây ra.
-LS Trần Quốc Thuận
“Nhưng bộ máy Nhà nước Việt Nam gắn chặt với hoạt động của Đảng và
nếu Đảng không đưa vào để chịu sự giám sát của Quốc hội thì công tác
giám sát của Quốc hội chưa thể thấu đáo chưa làm rõ tận nguồn gốc của
mọi nguyên nhân gây ra. Cho nên chúng ta cũng nghe nói vụ Vinashin,
Vinalines thì cuối cùng Thủ tướng lên cũng nói là tôi chỉ chịu trách
nhiệm chính trị thôi bởi vì quyết định là ở nơi khác, tôi cũng làm theo
quy trình thôi. Tất cả quy trình ở Việt Nam đều là làm việc gì đều phải
báo cáo lên Đảng, nếu Đảng gật đầu thì mới làm cho nên trách nhiệm xác
nhận không rõ ràng và công tác giám sát cũng không thấu đáo không làm
tới nơi tới chốn, không có kiểm tra cũng không có quyền đi sâu vào trong
lãnh vực mà cần phải tìm hiểu mới biết rõ nguồn cơn của nó được.”
Theo Dân Trí Online, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá là
trong hoạt động của Quốc hội mới chỉ thấy việc lấy phiếu tín nhiệm và
chất vấn là có kết quả thay đổi rõ rệt, riêng hoạt động giám sát thì
chưa thấy hiệu quả thực sự. Ông Chủ tịch Quốc hội đặt ra một câu hỏi cho
chính ông và toàn thể Quốc hội, đó là Đảng có giám sát, Mặt trận Tổ
Quốc có giám sát, Hội đồng Nhân dân có giám sát, Quốc hội từ lâu cũng có
giám sát. Nhưng kết quả thực tế như thế nào? Ông Nguyễn Sinh Hùng nhấn
mạnh, cần phải có quy định rõ ràng hơn để hoạt động giám sát hiệu quả
hơn, chứ không chỉ chung chung, gíam sát xong rồi để đó, không đề cập
đến biện pháp xử lý thì sẽ không có thực chất và không có tác dụng.
Phát biểu của chủ tịch Quốc hội được Dân Trí Online trích dẫn nguyên
văn: “Có nhiều khi hiệu quả giám sát chưa chắc bằng bài báo xoáy vào chỗ
này, chỗ kia, cuối cùng lại có kết quả. Nếu cứ giám sát, báo cáo trước
Quốc hội tràng giang đại hải thì sẽ không có kết quả gì cả…Ta cứ nói đèn
xanh đèn đỏ, chẳng thấy chỗ nào đèn xanh đèn đỏ cả. Mình không thể đi
xử án được, đó là việc của cơ quan tư pháp nhưng họ làm đúng hay sai thì
Quốc hội phải phát hiện, đúng thì hoan nghênh, sai thì phải xem xét.”
Người đọc báo tạm hiểu là ông Chủ tịch Quốc hội ví von đèn xanh đèn đỏ
với hàm ý chỗ nào bị cấm chỗ nào được phép giám sát.
Theo tường thuật của Dân Trí, ông Nguyễn Văn Giàu Chủ nhiệm Ủy ban
Kinh tế của Quốc hội đánh giá Dự thảo Luật dự án Luật hoạt động giám sát
của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân là còn có nhiều khoảng trống cần sửa
đổi bổ sung thì mới có thể tạo ra sự thay đổi thực sự và nâng cao vai
trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân. Theo lời ông Giàu, Dự thảo
Luật nêu ra khái niệm về giám sát nhưng xem kỹ vẫn không thấy có gì mới
so với Luật cũ ban hành năm 2003. Chính vì thế khó có thể tạo ra sự
thay đổi căn bản về chất trong hoạt động giám sát được.
Mặc dù nhiều vị nhân sĩ trí thức chuyên gia có chung nhận định là
Quốc hội Việt Nam không thể có được vai trò giám sát độc lập và có hiệu
quả vì Đảng Cộng sản Việt Nam qua Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng
định khi nào Đảng Cộng sản còn nắm quyền lãnh đạo thì Việt Nam không
chấp nhận nguyên tắc tam quyền phân lập, tức Hành pháp, Lập pháp và Tư
pháp độc lập với nhau và giám sát lẫn nhau.
Tuy vậy trong câu chuyện với chúng tôi, Luật sư Trần Quốc Thuận
nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói rằng, cũng nhen nhúm một
chút hy vọng cải cách, Hiến pháp 2013 qui định Đảng Cộng sản hoạt động
chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm về mọi quyết định của
mình. Vấn đề còn lại là chờ xem Hiến pháp 2013 sẽ được thực thi triển
khai như thế nào?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét